TÒA ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ T, TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 08/2020/KDTM-ST NGÀY 22/09/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Ngày 22 tháng 9 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 15/2020/TLST- KDTM ngày 26/5/2020 về việc: “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 10/2020/QĐXXST-KDTM ngày 14/8/2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số 14/2020/QĐST-KDTM ngày 04/9/2020, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty TNHH U; địa chỉ: Thửa đất số 330, tờ bản đồ số 4, đương Đ, xã Đ, huyện B, tỉnh Bình Dương;
Người đại diện hợp pháp: Ông Thái Thanh H, sinh năm 1979; địa chỉ: Tổ 3, khu phố 2, phường U, thị xã T, tỉnh Bình Dương, là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 25-4-2020). Có mặt.
- Bị đơn: Công ty TNHH G; địa chỉ: Thửa đất số 68, tờ bản đồ số 02, tổ 3, khu phố P, phường Th, thị xã T, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện hợp pháp: Ông Đinh Vũ T, sinh năm 1984; chức vụ: Chủ tịch kiêm Giám đốc; địa chỉ: Ấp 3, xã S, huyện Đ, tỉnh Đồng Nai, là người đại diện theo pháp luật. Vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Tại đơn khởi kiện đề ngày 12/5/2020, bản tự khai, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn Công ty TNHH U và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn là ông Thái Thanh H trình bày: Công ty TNHH U (sau đây viết tắt là Công ty U) có chức năng sản xuất sơn, vecni và các chất sơn, quét tương tự, mực in và ma tít. Công ty TNHH G (sau đây viết tắt là Công ty G) là một trong những khách hàng của Công ty TNHH U.
Ngày 20/6/2019, Công ty U và Công ty G có ký hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa (sơn các loại và phụ kiện ngành sơn). Căn cứ vào hợp đồng này, Công ty U đã xuất và giao hàng cho Công ty G trong 04 tháng, từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2019, cụ thể như sau:
+ Tháng 6/2019, Công ty U giao cho Công ty G 2.860 kg sơn các loại và phụ kiện ngành sơn, Công ty G đã ký văn bản xác nhận nợ của tháng này. Công ty U cũng đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng số 0000001 ngày 05/7/2019 cho Công ty G với số tiền mà Công ty G phải thanh toán cho Công ty U là 120.488.500 đồng.
+ Tháng 7/2019, Công ty U giao cho Công ty G 6.645 kg sơn các loại và phụ kiện ngành sơn, Công ty G đã ký văn bản xác nhận nợ của tháng này. Công ty U cũng đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng số 0000022 ngày 30/7/2019 cho Công ty G với số tiền mà Công ty G phải thanh toán cho Công ty U là 284.488.500 đồng.
+ Tháng 8/2019, Công ty U giao cho Công ty G 4.715 kg sơn các loại và phụ kiện ngành sơn, có đầy đủ phiếu giao hàng. Công ty U cũng đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng số 0000031 ngày 30/8/2019 cho Công ty G với số tiền mà Công ty G phải thanh toán cho Công ty U là 228.153.200 đồng. Tuy nhiên, Công ty G chưa ký văn bản xác nhận nợ của tháng này cho Công ty U vì muốn thoái thác nghĩa vụ thanh toán tiền hàng.
+ Tháng 9/2019, Công ty U giao cho Công ty G 5.696 kg sơn các loại và phụ kiện ngành sơn, có đầy đủ phiếu giao hàng với giá tiền là 308.260.700 đồng. Công ty U chưa xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty G vì hợp đồng mua bán hàng hóa mới được thực hiện đến ngày 23/9/2019 (chưa hết tháng 9/2019), Công ty G đã thoái thác thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền hàng cho Công ty U.
Tổng giá trị hàng hóa mà Công ty U đã bán cho Công ty G là 941.390.900 đồng. Công ty G mới chỉ thanh toán cho Công ty U 50.000.000 đồng vào ngày 05/9/2019 mà không thanh toán số tiền hàng còn lại là 891.390.900 đồng.
Theo thỏa thuận tại Điều 3 của Hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa hai bên đã ký kết ngày 20/6/2019 thì: “Chốt số cuối tháng và thanh toán trong vòng 45 ngày sau khi chốt sổ. Bên A đối chiếu công nợ với Bên B vào cuối tháng hàng tháng, sau khi xác nhận Bên A sẽ xuất hóa đơn VAT cho Bên B. Bên B phải thanh toán cho Bên A theo thời gian đã được thỏa thuận, nếu quá thời gian chưa thanh toán thì phải chi trả tiền lãi suất cho những ngày chậm thanh toán”.
Nhận thấy, việc Công ty G không thanh toán số tiền hàng của tháng 6, 7, 8 và 9/2019 là vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa số WZ/HĐMB-201906002 do hai bên Công ty ký kết ngày 20/6/2019, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty U. Vì vậy, Công ty TNHH U khởi kiện Công ty TNHH G, yêu cầu Tòa án giải quyết các vấn đề sau đối với bị đơn:
+ Buộc Công ty TNHH G phải thanh toán cho Công ty TNHH U số tiền hàng còn nợ là 891.390.900 đồng;
+ Buộc Công ty TNHH G phải thanh toán cho Công ty TNHH U số tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán nợ gốc theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường là 13,75%/năm tính đến ngày Tòa án xét xử sơ thẩm là 177.624.390 đồng.
Tổng số tiền nguyên đơn yêu cầu Công ty TNHH G phải thanh toán cho Công ty TNHH U là 1.069.184.790 đồng.
Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền nợ gốc là 891.390.900 đồng, đồng thời thanh toán lãi suất chậm trả tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 148.941.289 đồng, tổng cộng là 1.040.332.189 đồng.
Bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ tham gia các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, hòa giải và tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt không có lý do và không có văn bản trình bày ý kiến về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thị xã T tham gia phiên toà phát biểu quan điểm như sau:
- Về thủ tục tố tụng: Xác định trong quá trình tiến hành tố tụng Thẩm phán đã tiến hành các trình tự thủ tục tố tụng đúng quy định của pháp luật. Tại phiên tòa, những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng đã tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về trình tự thủ tục phiên tòa.
- Về nội dung: Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ, đề nghị chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
Về thủ tục tố tụng:
[1] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết: Đây là vụ án kinh doanh thương mại về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” mà bị đơn có trụ sở tại thị xã T, tỉnh Bình Dương. Căn cứ vào Điều 30, 35 và 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử xác định vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thị xã T.
[2] Về việc vắng mặt của bị đơn: Xét thấy, bị đơn đã được Tòa án nhân dân thị xã T triệu tập hợp lệ tham gia phiên tòa lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng. Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn theo quy định tại Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự.
Về nội dung:
[1] Bị đơn vắng mặt tại phiên tòa, tuy nhiên căn cứ vào các chứng cứ do nguyên đơn cung cung cấp có cơ sở xác định được ngày 20/6/2019, Công ty TNHH U (sau đây viết tắt là Công ty U) và Công ty TNHH G (sau đây viết tắt là Công ty G) có ký hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa (sơn các loại và phụ kiện ngành sơn). Theo nội dung hợp đồng, việc mua bán hàng hóa căn cứ vào yêu cầu giao hàng của bên mua theo từng đợt. Theo thỏa thuận tại Điều 3 của Hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa ngày 20/6/2019 thì: “Chốt số cuối tháng và thanh toán trong vòng 45 ngày sau khi chốt sổ. Bên A đối chiếu công nợ với Bên B vào cuối tháng hàng tháng, sau khi xác nhận Bên A sẽ xuất hóa đơn VAT cho Bên B. Bên B phải thanh toán cho Bên A theo thời gian đã được thỏa thuận, nếu quá thời gian chưa thanh toán thì phải chi trả tiền lãi suất cho những ngày chậm thanh toán”.
[2] Căn cứ vào các chứng cứ do nguyên đơn cung cấp là các phiếu giao hàng có ký nhận của nhân viên Công ty G thì số hàng Công ty U đã xuất và giao cho Công ty G trong 04 tháng, từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2019, cụ thể như sau:
+ Tháng 6/2019, Công ty U giao cho Công ty G 2.860 kg sơn các loại và phụ kiện ngành sơn, Công ty G đã ký văn bản xác nhận nợ của tháng này. Công ty U cũng đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng số 0000001 ngày 05/7/2019 cho Công ty G với số tiền mà Công ty G phải thanh toán cho Công ty U là 120.488.500 đồng.
+ Tháng 7/2019, Công ty U giao cho Công ty G 6.645 kg sơn các loại và phụ kiện ngành sơn, Công ty G đã ký văn bản xác nhận nợ của tháng này. Công ty U cũng đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng số 0000022 ngày 30/7/2019 cho Công ty G với số tiền mà Công ty G phải thanh toán cho Công ty U là 284.488.500 đồng.
+ Tháng 8/2019, Công ty U giao cho Công ty G 4.715 kg sơn các loại và phụ kiện ngành sơn, có đầy đủ phiếu giao hàng. Công ty U cũng đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng số 0000031 ngày 30/08/2019 cho Công ty G với số tiền mà Công ty G phải thanh toán cho Công ty U là 228.153.200 đồng.
+ Tháng 9/2019, Công ty U giao cho Công ty G 5.696 kg sơn các loại và phụ kiện ngành sơn với giá tiền là 308.260.700 đồng.
Tổng giá trị hàng hóa mà Công ty U đã bán cho Công ty G là 941.390.900 đồng. Công ty G mới chỉ thanh toán cho Công ty U 50.000.000 đồng vào ngày 05/9/2019, số tiền hàng còn lại là 891.390.900 đồng Công ty G chưa thanh toán. Như vậy, bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận tại Điều 3 của hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa ngày 20/6/2019. Do vậy, có căn cứ xác định bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa số WZ/HĐMB-201906002 do hai bên công ty ký kết ngày 20/6/2019, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty U cho nên yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có cơ sở chấp nhận.
[3] Về lãi chậm trả: Nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả số tiền lãi với mức lãi suất 13,75%/năm tính đến ngày xét xử 22/9/2020 là 148.941.289 đồng. Theo quy định tại Điều 306 uật Thương mại: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Theo kết quả xác minh thì mức lãi suất nợ quá hạn bình quân của 03 ngân hàng thương mại trên địa bàn thị xã T, tỉnh Bình Dương tại thời điểm xét xử sơ thẩm cao hơn mức lãi suất nguyên đơn yêu cầu nên Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
[4] Xét ý kiến của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là hoàn toàn phù hợp.
[5] Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận toàn bộ nên bị đơn phải nộp án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 30; Điều 35; Điều 36; Điều 92; Điều 147; Điều 227; Điều 228; Điều 243; Điều 244; Điều 266, Điều 269, Điều 271, Điều 273 và Điều 280 của Bộ luật Tố tụng Dân sự;
Áp dụng Điều 50, 55, 306 Luật Thương mại;
Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH U đối với bị đơn Công ty TNHH G về việc: Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa.
2. Buộc bị đơn Công ty TNHH G có trách nhiệm thanh toán tiền mua hàng hóa cho nguyên đơn Công ty TNHH U gồm các khoản tiền như sau:
- Tiền mua hàng còn nợ: 891.390.900 đồng;
- Số tiền lãi phát sinh: 148.941.289 đồng.
Tổng số tiền nguyên đơn yêu cầu Công ty TNHH G phải thanh toán cho Công ty TNHH U là 1.040.332.189 đồng (Một tỷ không trăm bốn mươi triệu ba trăm ba mươi hai nghìn một trăm tám mươi chín đồng).
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chưa thanh toán số tiền phải thi hành thì hàng tháng còn phải chịu khoản tiền lãi theo quy định tại Khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, tương ứng với số tiền và thời gian chậm trả tại thời điểm thi hành.
3. Về án phí:
- Bị đơn Công ty TNHH G phải chịu 43.209.966 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.
- Nguyên đơn Công ty TNHH U không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Hoàn trả cho Công ty TNHH U 22.037.772 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2016/0037986 ngày 19/5/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã T.
4. Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn có mặt được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Bị đơn vắng mặt được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết bản án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.
Bản án 08/2020/KDTM-ST ngày 22/09/2020 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Số hiệu: | 08/2020/KDTM-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân - Bình Dương |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 22/09/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về