Bản án 08/2020/KDTM-PT ngày 29/06/2020 về tranh chấp về hợp đồng kinh doanh thương mại mua bán hàng hóa và thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống thiết bị lò đốt chất thải rắn công suất 100 tấn/ngày

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

BẢN ÁN 08/2020/KDTM-PT NGÀY 29/06/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG KINH DOANH THƯƠNG MẠI MUA BÁN HÀNG HÓA VÀ THIẾT KẾ, THI CÔNG LẮP ĐẶT HỆ THỐNG THIẾT BỊ LÒ ĐỐT CHẤT THẢI RẮN CÔNG SUẤT 100 TẤN/NGÀY

Ngày 29 tháng 6 năm 2020, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm công khai vụ án Kinh doanh thương mại thụ lý số 05/2020/TLKDTM-PT ngày 27/02/2020 về việc: Tranh chấp về hợp đồng kinh doanh thương mại mua bán hàng hóa và thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống thiết bị lò đốt chất thải rắn công suất 100 tấn/ngày”.

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2019/KDTM-ST ngày 18/11/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Bbị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 147/2020/QĐ - PT ngày 05/6/2020; Quyết định tạm ngừng phiên tòa 178/2020/QĐ - PT ngày 23 tháng 6 năm 2020, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ môi trường B:

địa chỉ trụ sở: Ấp 1, xã T, thị xã Đ, tỉnh B.

Người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn:

Ông Nguyễn Duy H, sinh năm: 1970; chức vụ: Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ môi trường B; địa chỉ: Ấp 1, xã T, thị xã Đ, tỉnh B. Có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn:

Ông Đinh Văn T, sinh năm: 1985; địa chỉ: 155/8 đường số 8, khu phố 1, phường L, quận T, Thành phố H. Có mặt.

Văn bản ủy quyền ngày 10/3/2020.

- Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn môi trường xanh C Đ(nay đổi tên thành Công ty cổ phần môi trường xanh F); địa chỉ trụ sở: Thôn 2, xã Đ, thành phố B, tỉnh L.

Người đại diện theo pháp luật của bị đơn:

Ông Hoàng Văn T, sinh năm: 1974; chức vụ: Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn môi trường xanh C Đ(nay đổi tên thành Công ty cổ phần môi trường xanh F); địa chỉ: Thôn 2, xã Đ, thành phố B, tỉnh L. Vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn:

Ông Lê Đình T, sinh năm: 1970; địa chỉ: 58 H, Phường 19, quận B, Thành phố HCó mặt.

Văn bản ủy quyền ngày 17/3/2020.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn:

1/. Luật sư Phạm Trung H; Có mặt.

2/. Luật sư Ngô Huy C; Có mặt.

Là luật sư của Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên Bthuộc Đoàn Luật sư Thành phố H; địa chỉ: 384/61 L, Phường 10, Quận 10, Thành phố H.

- Người kháng cáo: Bị đơn Công ty cổ phần môi trường xanh F.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm, Theo đơn khởi kiện và trong quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ môi trường B trình bày:

Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ môi trường B(được viết tắt là Công ty B) là doanh nghiệp được thành lập hợp pháp và hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 3800420739 do Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bcấp ngày 29/5/2008 với ngành nghề kinh doanh chính là thu gom rác thải độc hại, xử lý nước thải. Thông qua mối quan hệ kinh doanh và kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp; ngày 31/5/2016, Công ty B đã ký Hợp đồng kinh tế số 06B/BETID-HĐ về hạng mục “Thiết kế thi công hệ thống lò đốt chất thải rắn công suất 100 tấn/ngày tại Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố B” với Công ty trách nhiệm hữu hạn môi trường xanh C Đ(nay đổi tên là Công ty cổ phần môi trường xanh F, được viết tắt là Công ty F).

Theo hợp đồng này thì hai bên đã thỏa thuận phạm vi công việc, tiến độ thi công, khối lượng thực hiện chi tiết theo các phụ lục hợp đồng I, II, III, IV của các hạng mục cho toàn bộ dự án nhà máy xử lý chất thải rắn theo hình thức trọn gói được các bên thống nhất là 15.000.000.000 đồng (mười lăm tỷ đồng), chưa bao gồm thuế VAT (bao gồm chi phí thiết kế kỹ thuật, chi phí cung cấp lắp đặt các thiết bị, chi phí đào tạo chạy thử, chi phí bàn giao). Tiến độ thanh toán giá trị hợp đồng được các bên thống nhất theo khối lượng công việc hoàn thành và thanh toán thành 6 đợt (quy định tại Điều 9 của hợp đồng). Tiến độ này được các bên giải thích theo khối lượng công việc hoàn thành tại các hạng mục của dự án phải được nghiệm thu và Công ty F sẽ thanh toán số tiền tương ứng đã được quy định.

Trong quá trình thực hiện Hợp đồng số 06B/BETID-HĐ, Công ty B đã thực hiện đúng và đầy đủ theo các thỏa thuận tương ứng với khối lượng công việc được quy định của từng hạng mục theo các phụ lục đính kèm để gửi đến đại diện giám sát của chủ đầu tư (Công ty F) nghiệm thu theo quy định. Thực tiễn quá trình thi công phía chủ đầu tư thanh toán đầy đủ (lần 1, lần 2, lần 3, lần 4) theo đúng với các nội dung đã cam kết đã thỏa thuận với tổng số tiền là 10.500.000.000 đồng (mười tỷ, năm trăm triệu đồng).

Để dự án được hoàn thành việc chạy thử và chính thức đi vào hoạt động theo tinh thần lãnh đạo của hai Công ty mong muốn và đáp ứng nguyện vọng của người dân và chính quyền địa phương. Về góc độ nhà thầu (Công ty B) đã nỗ lực hoàn thành các hạng mục theo đúng nội dung đã ký kết trong hợp đồng. Cụ thể, ngày 21/01/2017, nhà máy đốt rác đã chính thức vận hành chạy thử và đốt số rác tồn đọng tại Công ty F (biên bản nghiệm thu ngày 24/02/2017).

Tuy nhiên, kể từ giai đoạn đó cho đến nay, mặc dù lãnh đạo hai bên đều có ý kiến qua lại rất nhiều lần nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất về phương thức thanh toán. Ban lãnh đạo Công ty F luôn viện mọi lý do trong điều khoản bảo hành và sai sót kỹ thuật chuyên môn không phù hợp, những lý do hết sức vô lý không đúng và yêu cầu nhà thầu phải khắc phục các “sự cố” các thiết bị trong quá trình thi công nhằm kéo dài nhiều tháng qua để trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thanh toán đợt 5, đợt 6 tại Hợp đồng số 06B/BETID-HĐ với tổng số tiền chậm thanh toán là 4.500.000.000 đồng (bốn tỷ, năm trăm triệu đồng).

Bên cạnh việc ký kết Hợp đồng số 06B/BETID-HĐ ngày 31/5/2016 thì ngày 30/11/2016, Công ty B cũng tiến hành ký kết Hợp đồng kinh tế số 25/HĐKT-BETID.JSC với Công ty F liên quan đến “Dây chuyền phân loại rác”, với tổng giá trị hợp đồng là 2.749.000.000 đồng (hai tỷ, bảy trăm bốn mươi chín triệu đồng) chưa bao gồm thuế VAT. Hai hợp đồng này luôn đáp ứng mục tiêu hoàn thiện dự án nhà máy xử lý chất thải rắn. Tiến độ thanh toán giá trị hợp đồng được các bên thống nhất theo tiến độ công việc cụ thể và chia làm 4 đợt thanh toán (quy định tại Điều 2 của hợp đồng). Tiến độ thanh toán của hợp đồng này cũng thỏa thuận tương ứng với khối lượng công việc tại các hạng mục phải nghiệm thu và chủ đầu tư phải thanh toán số tiền tương ứng với khối lượng đã được nghiệm thu. Cũng giống như quá trình thực hiện của Hợp đồng số 06B/BETID-HĐ, Công ty F thanh toán tổng số tiền 1.649.400.000đ (một tỷ, sáu trăm bốn mươi chín triệu, bốn trăm nghìn đồng) tương ứng với đợt thanh toán lần 1 và lần 2.

Tuy nhiên, để được vận hành chạy thử dự án nhà máy xử lý chất thải rắn này thì đòi hỏi nhà thầu (Công ty B) phải đáp ứng thi công một cách đồng bộ các trang thiết bị trong dây chuyền công nghệ xử lý rác để vận hành chạy thử và chính thức đi vào hoạt động theo đúng nội dung đã ký kết trong 02 hợp đồng. Tuy nhiên, Công ty F không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đợt 3, đợt 4 của Hợp đồng số 25/HĐKT-BETID.JSC với tổng số tiền còn nợ là 1.099.600.000 đồng (một tỷ, không trăm chín mươi chín triệu, sáu trăm nghìn đồng).

Mục tiêu cao nhất phải hoàn thành dự án nhà máy đốt rác, lãnh đạo Công ty B và Công ty F trên cơ sở thống nhất việc ký kết 02 hợp đồng riêng lẻ để dễ quản lý đối với các thiết bị, dây chuyền công nghệ, phân công khối lượng công việc và bám sát tiến độ của dự án nhưng thực tế triển khai các hạng mục của dự án đều mang tính thống nhất, chặt chẽ và đồng bộ. Bởi vì, toàn bộ trang thiết bị vật tư xây dựng hệ thống lò đốt rác triển khai xây dựng, lắp ráp hoàn thiện để vận hành tại nhà máy phải tuân thủ theo quy chuẩn phải đồng bộ hóa của thiết bị, công nghệ và dây chuyền đốt rác theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đã đặt ra.

Thực hiện nội dung của Hợp đồng số 06B/BETID-HĐ và Hợp đồng số 25/HĐKT-BETID.JSC đã ký kết trên nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận và tin tưởng vào cam kết năng lực tài chính thực sự của Công ty F về việc thanh toán theo đúng các điều khoản đã ký tương ứng với tiến độ hoàn thành từng hạng mục của dự án tại nhà máy xử lý rác. Trong thời gian qua, Công ty B đã nỗ lực hết mình nhằm xây dựng, lắp ráp và chuyển giao công nghệ hệ thống xử lý chất thải rắn.

Tuy nhiên, việc chủ đầu tư luôn tìm cách trì hoãn việc thanh toán, đưa ra những lý do không đúng với chuyên môn kỹ thuật, thực tế tại nhà máy, viện dẫn những sự cố không thuyết phục bằng văn bản, điện thoại nhằm áp lực, gây tâm lý không ổn định đến đội ngũ cán bộ kỹ thuật tại công trường, văn phòng nhà thầu thi công tại Bđã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, gây khó khăn trong dự toán phân bổ tài chính duy trì hoạt động kinh doanh của công ty cũng như các khoản chi phí phát sinh khác, không điều phối được chi phí lãi vay ngân hàng do việc mua các trang thiết bị phục vụ dự án và các chi phí phát sinh khác cho các nhà thầu phụ thi công tại công trường. Do đó, tính đến nay qua kết quả giám định đã thể hiện Công ty B luôn khẳng định đã thực hiện toàn bộ dự án và hoàn thành các hạng mục đã ký kết trong 02 hợp đồng nêu trên tại Dự án Nhà máy xử lý rác tại thành phố B do Công ty F làm chủ đầu tư.

Tổng giá trị tương ứng thực hiện cho 02 hợp đồng là 17.749.000.000 đồng (mười bảy tỷ, bảy trăm bốn mươi chín triệu đồng). Công ty F đã thanh toán cho 02 hợp đồng là 12.149.400.000 đồng (mười hai tỷ, một trăm bốn mươi chín triệu, bốn trăm nghìn đồng). Số tiền còn lại mà Công ty F phải thanh toán của 02 hợp đồng là 5.599.600.000 đồng (năm tỷ, năm trăm chín mươi chín triệu, sáu trăm nghìn đồng).

Do Công ty F vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên Công ty B yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty F phải thanh toán số tiền gốc của hai hợp đồng là 5.599.600.000 đồng và lãi suất theo quy định của Luật Thương mại 2005 như sau. Lãi suất trung bình theo lãi suất tiền gửi 12 tháng của liên Ngân hàng (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam và Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam) với mức 8,02%/năm, thời gian tính lãi suất từ ngày 21/01/2017 đến ngày 01/10/2019 là 33 tháng 10 ngày = (33 tháng x 30 ngày) + 10 ngày = 1000 ngày). Cụ thể được tính theo công thức sau: Số tiền chậm thanh toán là 5.599.600.000 đồng x 8,02%/năm x 1000 ngày/360 ngày = 1.071.000.000 đồng (một tỷ, không trăm bảy mươi mốt triệu đồng).

Tổng cộng tiền gốc và lãi suất Công ty F phải thanh toán cho nguyên đơn Công ty B là 6.670.000.000 đồng (sáu tỷ, sáu trăm bảy mươi triệu đồng). Công ty B đồng ý với Thông báo kết quả giám định số 0157/N1.18/TĐ ngày 22/10/2018 của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, không yêu cầu bồi thường thiệt hại và không yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng. Tiền chi phí tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn Công ty cổ phần môi trường xanh F trình bày:

Căn cứ quy định tại khoản 9.2, Điều 2 của Hợp đồng số 06B/BETID-HĐ ngày 31/5/2016 về tiến độ thanh toán và điều kiện thanh toán, Công ty F phải thanh toán lần 5 cho Công ty B trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày Công ty B lắp đặt xong toàn bộ thiết bị theo Phụ lục I của hợp đồng. Đến nay Công ty B vẫn chưa hoàn thành công việc lắp đặt thiết bị theo như hợp đồng.

Vì vậy, Công ty F không có nghĩa vụ thanh toán lần 5 cho Công ty B. Tại Công văn số 28/2017/CV-MTX và Công văn số 47/2017/CV-MTX, Công ty F đã thông báo cho Công ty B yêu cầu hoàn thành các nghĩa vụ của mình để nghiệm thu thanh toán nhưng Công ty B không thực hiện.

Tại khoản 9.3, Điều 9 của Hợp đồng số 06B/BETID-HĐ ngày 31/5/2016 quy định về thanh toán lần 6 và điều kiện thanh toán nhưng Công ty B đã không thực hiện cam kết trong hợp đồng.

Thứ nhất: Cam kết thời gian thực hiện toàn bộ dự án là 150 ngày, tính đến thời điểm hiện tại chưa đủ điều kiện nghiệm thu nghĩa là thời gian kéo dài gấp nhiều lần cam kết gây thiệt hại đến chủ đầu tư.

Thứ hai: Căn cứ mục 4.2.3, khoản 4.2, Điều 4 của hợp đồng về yêu cầu chung của gói thầu, công suất xử lý rác của hệ thống thiết bị phải đạt 100 tấn/ngày. Tuy nhiên, thực tế công suất chạy thử của hệ thống thiết bị chỉ đạt được 50 đến 60 tấn/ngày.

Thứ ba: Chất lượng công trình không đảm bảo trong quá trình chạy thử, hư hỏng nhiều thiết bị, sử dụng nhiều nguyên liệu xây dựng rẻ tiền làm chất lượng xuống cấp nhanh chóng, sau khi chạy thử 05 tháng như đường dẫn khói sập, tắc, tháp rửa khói bị nứt, bể hạ nhiệt bị sập, …Các thiết bị lắp không rõ nguồn gốc và thủ tục theo quy định .

Thứ tư: Thiết bị thiếu hoặc lắp đặt không hoạt động, sai chỉ số, kích thước thiết kế ban đầu.

Thứ năm: Đại diện Công ty B ký cam kết với người dân trong vòng 06 tháng xử lý hết rác thải cũ và rác mới phát sinh, do công nghệ không đạt công suất. Vì vậy, tồn động rác cũ dẫn đến việc người dân kiện, chặn xe rác mới không cho vào nhà máy, nhà máy phải ngừng hoạt động từ ngày 09/10/2017 cho đến nay gây tổn thất lớn cho Công ty F.

Công ty F đã nhiều lần làm công văn nhắc nhở Công ty B nhưng Công ty F vẫn không nhận được đầy đủ những dịch vụ và tiêu chuẩn mà hai bên đã thỏa thuận. Công ty B đã bỏ nhà máy trong tình trạng nhiều thiết bị bị hư hỏng, các thiết bị bổ sung chưa được nghiệm thu theo đúng khoản 9.2, Điều 9 trong hợp đồng, Công ty B đã bỏ thiết bị bổ sung tại nhà máy, trong khi quy định phải có trách nhiệm lắp đặt đầy đủ vào lò. Công ty F đã có nhiều công văn nhắc nhở và yêu cầu Công ty B quay trở lại nhà máy thực hiện đúng hợp đồng cam kết. Tuy nhiên, Công ty B đã đơn phương chấm dứt hợp đồng gây nhiều thiệt hại tới nhà máy.

Nay Công ty B yêu cầu Công ty F phải thanh toán tổng số tiền 6.670.000.000 đồng, trong đó số tiền chưa thanh toán theo 02 hợp đồng là 5.599.600.000 đồng, tiền lãi tương ứng với số tiền chậm chưa thanh toán được áp dụng theo lãi suất tiền gửi 12 tháng của liên Ngân hàng (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Nông Nghiệp và phát triển nông thôn Viện nam và Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam) theo mức 8,02%/năm là 1.071.000.000 đồng thì Công ty F không đồng ý thanh toán toàn bộ tiền gốc và lãi suất theo hai Hợp đồng số 06B/BETID-HĐ ngày 31/5/2016 và Hợp đồng số 25/HĐKT-BETID.JSC ngày 30/11/2016.

Công ty F đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty B. Công ty F đồng ý với Thông báo kết quả giám định số 0157/N1.18/TĐ ngày 22/10/2018 của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3; không yêu cầu bồi thường thiệt hại và không yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng. Tiền chi phí tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tòa án đã tiến hành hòa giải nhưng không thành.

Tại Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2019/KDTM-ST ngày 18/11/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Bđã xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ môi trường B. Buộc bị đơn Công ty cổ phần môi trường xanh F có trách nhiệm thanh toán cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ môi trường B số tiền là 2.797.496.300 đồng (hai tỷ, bảy trăm chín mươi bảy triệu, bốn trăm chín mươi sáu nghìn, ba trăm đồng), trong đó tiền gốc là 2.324.700.000 đồng, lãi suất là 472.796.300 đồng.

Ngoài ra, quyết định của bản án còn tuyên về án phí, về chi phí tố tụng, quyền kháng cáo và trách nhiệm thi hành án của các đương sự.

Ngày 19/12/2019, bị đơn Công ty cổ phần môi trường xanh F kháng cáo đối với Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2019/KDTM-ST ngày 18/11/2019 của Tòa án nhân dân thành phố B, yêu cầu sửa án sơ thẩm, tuyên bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ môi trường B.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện hợp pháp của bị đơn Công ty F là ông H, ông T; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của của bị đơn Công ty F là luật sư C, luật sư Hvẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và đề nghị chấp nhận kháng cáo. Về phía người đại diện hợp pháp của nguyên đơn Công ty B là ông H và người đại diện theo ủy quyền không đồng ý đối với kháng cáo của bị đơn Công ty F, đề nghị giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân thủ pháp luật của Thẩm phán và Hội đồng xét xử, việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng, cụ thể: Thẩm phán đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án, tại phiên tòa Hội đồng xét xử và các đương sự đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về phiên tòa dân sự phúc thẩm; do Tòa án cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ chưa đầy đủ dẫn đến việc đánh giá chứng cứ chưa chính xác trong quá trình xét xử, gây thiệt hai đến quyền lợi của các đương sự; đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 3 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự; chấp nhận kháng cáo của bị đơn Công ty F, hủy toàn bộ bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Xét kháng cáo của bị đơn Công ty cổ phần môi trường xanh F:

Tại khoản 9.2, Điều 9 của Hợp đồng số 06B/BETID-HĐ ngày 31/5/2016 thì hai bên thỏa thuận việc thanh toán đợt 5 là trong 05 ngày làm việc kể từ ngày bên A (Công ty B) lắp đặt xong toàn bộ thiết bị theo phụ lục I. Việc thanh toán đợt 6 kể từ ngày nghiệm thu hoàn thành công trình và bên B cung cấp chứng thư bảo lãnh bảo hành công trình.

[2] Theo Hợp đồng kinh tế số 25/HĐKT-BETID.JSC thể hiện: Ngày 30/11/2016, giữa nguyên đơn Công ty B (bên A) và bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn môi trường xanh C đã được đổi tên thành Công ty cổ phần môi trường xanh F, đăng ký thay đổi lần thứ 7 ngày 24/4/2018 theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần, mã số doanh nghiệp 5801187951 do Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Lcấp (được viết tắt là Công ty Frendly (bên B) đã tự nguyện thỏa thuận ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa và thiết kế thi công lắp đặt hệ thống thiết bị lò đốt chất thải rắn công suất 100 tấn/ngày tại nhà máy xử lý chất thải rắn tại thành phố B.

Các bên đã tiến hành thực hiện theo như các hợp đồng đã ký kết nêu trên, trong thời gian thực hiện hợp đồng thì các bên xảy ra tranh chấp.

[3] Theo thông báo kết quả giám định số 0157/N1.18/TĐ ngày 22/10/2018 của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, kết luận:

Đánh giá số hiệu, model, xuất xứ, số lượng:

[3.1] Thiết bị lò rác theo 02 Hợp đồng số 06B/BETID-HĐ ngày 30/5/2016 và Hợp đồng số 25/HĐKT-BETID.JSC ngày 30/11/2016, gồm 27 mục thiết bị: Có 20 mục có hiệu, model, xuất xứ, số lượng phù hợp với hợp đồng kinh tế đã ký kết; có 03 mục có hiệu, model, xuất xứ, số lượng khác với hợp đồng kinh tế; có 01 mục có hiệu, model, xuất xứ, số lượng không phù hợp với hợp đồng kinh tế. Có 03 mục có hiệu, model, xuất xứ, số lượng không đủ thông tin để xác định.

[3.2] Theo biên bản nghiệm thu thiết bị bổ sung ngày 01/9/2017 (thiết bị dự phòng thay thế), gồm 08 mục thiết bị: Có 06 mục có hiệu, model, xuất xứ, số lượng phù hợp với biên bản nghiệm thu. Có 02 mục có hiệu, model, xuất xứ, số lượng không phù hợp với biên bản nghiệm thu.

Đánh giá lắp đặt theo thiết kế:

[3.3] Thiết bị lò rác theo 02 Hợp đồng số 06B/BETID-HĐ ngày 30/5/2016 và Hợp đồng số 25/HĐKT-BETID.JSC ngày 30/11/2016, gồm 27 mục thiết bị: Có 08 mục phù hợp với hợp đồng kinh tế; có 12 mục khác với hợp đồng kinh tế; có 04 mục không phù hợp với hợp đồng kinh tế và có 03 mục không đủ thông tin để xác định.

[3.4] Theo biên bản nghiệm thu thiết bị bổ sung ngày 01/9/2017 (thiết bị dự phòng thay thế), gồm 08 mục thiết bị: Có 07 mục phù hợp với biên bản nghiệm thu. Có 01 mục không phù hợp với biên bản nghiệm thu.

[3.5] Theo hồ sơ thiết kế công trình: Nhà máy xử lý rác thải tại Đại Lào - Bảo Lộc: Có 14 mục phù hợp với hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình; có 11 mục khác với hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình; có 01 mục không phù hợp với hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình và có 01 mục không đủ thông tin để xác định.

[3.6] Đánh giá lặp đặt hoàn chỉnh, tỷ lệ phần trăm (%) khối lượng công việc: Các thiết bị lò đốt và dây chuyền phân loại rác đã được lắp đặt vào vị trí làm việc và đang được vận hành đốt rác. Tuy nhiên, toàn bộ dây chuyền chưa được lắp đặt đầy đủ về số lượng theo 02 Hợp đồng số 06B/BETID-HĐ ngày 30/5/2016 và Hợp đồng số 25/HĐKT-BETID.JSC ngày 30/11/2016. Thiết bị chưa có trong lò đốt rác theo Hợp đồng số 06B/BETID-HĐ ngày 30/5/2016:

Bơm dung dịch theo hợp đồng là 02 cái, thực tế chỉ có 01 cái. Không có đủ cơ sở đánh giá chỉ tiêu lắp đặt hoàn chỉnh và tỷ lệ phần trăm (%) khối lượng công việc.

[4] Hơn nữa, theo biên bản làm việc ngày 10/5/2017 giữa đại diện của Công ty F và Công ty B thể hiện nội dung hai bên ghi nhận những tồn tại của thiết bị như sau: Về dây chuyền tách lọc (băng tải bị rung chân; mô tơ bị cháy); về lò đốt (khả năng đốt được chỉ 58 tấn/ngày); rác tồn đọng vẫn còn nhiều; trục điều tiết tháo bỏ không sử dụng được; trục lấy sỉ không đảm bảo vì nhiệt độ cao, đường dây diện bị cháy, mô tơ lấy sỉ bị hỏng; nhà điều khiển ngột khói; mạng điện không hợp lý vì đường điện đi trên sàn điều khiển dẫn đến dễ bị cháy; quạt hút bị hỏng; sàn lò bị rỉ nước liên tục; mô tơ của băng tải mùn chạy rất nhanh dẫn đến dễ đứt xích; lò bị bung ra rơi gạch, vỉ gang bung. Hệ thống xử lý khói (khói đen, hồ xử lý khói bị nứt).

Về cầu trục gắp rác (gắp rác bị xì nhớt xì phốt liên tục dây điện của gắp rác, thủy lực không ổn định, mô tơ thủy lực bị cháy). Bộ chọc xỉ cuối ghi tĩnh (không hoạt động được, dàn chọc không hiệu quả, ghi động chọc xỉ bị hỏng). Biên bản có chữ ký xác nhận của đại diện Công ty B và có đóng dấu xác nhận của Công ty F (bút lục số 979-980).

Việc vận hành chỉ đạt công suất 58 tấn/ngày là do Công ty B thực hiện việc vận hành. Việc công suất chỉ đạt 58 tấn/ngày là chưa phù hợp với công suất theo như hợp đồng các bên đã cam kết là 100 tấn/ngày.

[5] Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự đều xác nhận hợp đồng lắp đặt toàn bộ hệ thống lò đốt thì hai bên chưa tiến hành nghiệm thu và có nhiều thiết bị không đúng với thiết kế lắp đặt được các bên thỏa thuận tại Hợp đồng số 06B/BETID-HĐ ngày 30/5/2016 và Hợp đồng số 25/HĐKT-BETID.JSC ngày 30/11/2016.

[6] Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm chưa tiến hành thu thập chứng cứ để làm rõ làm rõ đối với toàn bộ nội dung theo như kết luận giám định để xác định quá trình hai bên tiến hành thực hiện hợp đồng có phù hợp với các hợp đồng mà hai bên đã ký kết không, công suất vận hành có đúng cam kết trong hợp đồng không, nguyên nhân công suất vận hành không đạt được đúng với công suất cam kết trong hợp đồng là do đâu; do thiết bị, máy móc lắp đặt trong quá trình thi công lò đốt không đồng bộ đã được kết luận tại thông báo kết quả giám định số: 0157/N1.18/TĐ ngày 22/10/.2018 hay do kỹ thuật vận hành lò đốt; lỗi vi phạm hợp đồng là trách nhiệm thuộc về ai để tính mức độ lỗi khi giải quyết tranh chấp về các hợp đồng nêu trên mới chính xác. Do đó, việc nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm là đối với số tiền thanh toán lần 6 của hợp đồng số: 06B/BETID-HM ngày 31/5/2016 là 3.000.000.000 đồng và thanh toán đợt 4 của hợp đồng số 25/HĐKT- BETID-JSC ngày 30/11/2016 là 274.900.000 đồng mà nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán là không được chấp nhận; toàn bộ số tiền này phải để lại cho bị đơn sửa chữa, lắp ráp thay thế và thực hiện việc bảo hành là chưa có cơ sở vững chắc.

[7] Như vậy, để giải quyết vụ án đúng quy định nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các đương sự thì cần phải thực hiện việc lắp đặt thiết bị, máy móc và các thao tác về kỹ thuật trong quá trình vận hành lò đốt theo hướng dẫn tại công văn số: 1052/KT3-N1 ngày 13/5/2020 của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường 3 (BL số 1095).

Với những phân tích trên, Tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được những thiếu sót của Tòa án cấp sơ thẩm. Do đó, cần hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung là có căn cứ. Do hủy án vì Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập, đánh giá toàn diện tài liệu, chứng cứ nên không xem xét kháng cáo của bị đơn Công ty F.

[8] Về án phí phúc thẩm: Do hủy bản án sơ thẩm nên bị đơn Công ty F không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Hoàn trả cho bị đơn Công ty F số tiền tạm ứng án phí đã nộp.

[9] Về án phí sơ thẩm: Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm sẽ được xem xét khi giải quyết lại vụ án theo quy định của pháp luật.

[10] Về chi phí tố tụng khác: Số tiền tạm ứng chi phí tố tụng mà đương sự đã tạm nộp sẽ được xem xét khi giải quyết lại vụ án theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự:

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Xử:

Hủy Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2019/KDTM-ST ngày 18/11/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Bvề việc “Tranh chấp về hợp đồng kinh doanh thương mại mua bán hàng hóa và thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống thiết bị lò đốt chất thải rắn công suất 100 tấn/ngày” giữa nguyên đơn Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ môi trường B; bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn môi trường xanh C (nay đổi tên thành Công ty cổ phần môi trường xanh F):

Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Bgiải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

2. Về án phí dân sự sơ thẩm và phúc thẩm:

Hoàn trả cho bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn môi trường xanh C (nay đổi tên thành Công ty cổ phần môi trường xanh F) số tiền 2.000.000 đồng tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm đã tạm nộp theo các biên lai thu số 0016553 ngày 06/01/2020 và số 0016600 ngày 18/02/2020 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố B.

Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm sẽ được xem xét khi giải quyết lại vụ án theo quy định của pháp luật.

3. Về chi phí tố tụng khác: Sẽ được xem xét khi giải quyết lại vụ án theo quy định của pháp luật.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

790
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 08/2020/KDTM-PT ngày 29/06/2020 về tranh chấp về hợp đồng kinh doanh thương mại mua bán hàng hóa và thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống thiết bị lò đốt chất thải rắn công suất 100 tấn/ngày

Số hiệu:08/2020/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lâm Đồng
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 29/06/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về