TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN NAM GIANG, TỈNH QUẢNG NAM
BẢN ÁN 08/2020/HS-ST NGÀY 17/06/2020 VỀ TỘI CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ
Trong ngày 17 tháng 6 năm 2020, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 05/2020/TLST-HS ngày 05 tháng 5 năm 2020, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 08/2020/QĐXXST-HS ngày 03 tháng 6 năm 2020 đối với các bị cáo:
1. Liễu Văn Q, sinh ngày 07 tháng 5 năm 1992 tại huyện Đ, tỉnh T; nơi cư trú tại xóm T, xã L, thành phố T, tỉnh T; nghề nghiệp: Lao động phổ thông; trình độ học vấn: Lớp 10/12; dân tộc: Sán Dìu; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Liễu Văn B, sinh năm 1963 và bà Nông Thị B, sinh năm 1964; bị cáo có vợ tên là Đặng Thị Hiền L, sinh năm 1998 và có 01 con (sinh năm 2016); tiền sự, tiền án: không có; bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 20/9/2019 đến ngày 09/12/2019 thì được thay thế biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh. Có mặt.
2. Hoàng Văn N, sinh ngày 05 tháng 02 năm 1976 tại huyện Đ, tỉnh T; nơi cư trú tại xóm T, xã L, thành phố T, tỉnh T; nghề nghiệp: Lao động phổ thông; trình độ học vấn: Lớp 02/12; dân tộc: Sán Dìu; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hoàng Văn T (đã chết) và bà Liễu Thị L, sinh năm 1955; bị cáo có vợ tên là Phạm Thị C, sinh năm 1979 và có 03 con, con lớn nhất sinh năm 1997 và con nhỏ nhất sinh năm 2012; tiền sự, tiền án: không có; bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 20/9/2019 đến ngày 09/12/2019 thì được thay thế biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh. Có mặt.
3. Hoàng Văn B, sinh ngày 12 tháng 02 năm 1984 tại huyện Đ, tỉnh T; nơi cư trú tại xóm T, xã L, thành phố T, tỉnh T; nghề nghiệp: Lao động phổ thông; trình độ học vấn: Lớp 04/12; dân tộc: Sán Dìu; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hoàng Văn T (đã chết) và bà Liễu Thị L, sinh năm 1955; bị cáo có vợ tên là Mạc Thị L, sinh năm 1987 và có 03 con, con lớn nhất sinh năm 2006 và con nhỏ nhất sinh năm 2017; tiền sự, tiền án: không có; bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 20/9/2019 đến ngày 09/12/2019 thì được thay thế biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh. Có mặt.
4. Hoàng Văn T, sinh ngày 30 tháng 6 năm 1979 tại huyện Đ, tỉnh T; nơi cư trú tại xóm T, xã L, thành phố T, tỉnh T; nghề nghiệp: Lao động phổ thông; trình độ học vấn 0/12; dân tộc: Sán Dìu; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hoàng Văn T (đã chết) và bà Liễu Thị L, sinh năm 1955; bị cáo có vợ tên là Đặng Thị H, sinh năm 1983 và có 02 con, con lớn nhất sinh năm 2001 và con nhỏ nhất sinh năm 2010; tiền sự, tiền án: không có; bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 20/9/2019 đến ngày 09/12/2019 thì được thay thế biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh. Có mặt.
5. Hoàng Văn S, sinh ngày 20 tháng 11 năm 1982 tại huyện Đ, tỉnh T; nơi cư trú tại xóm T, xã L, thành phố T, tỉnh T; nghề nghiệp: Lao động phổ thông; trình độ học vấn: Lớp 05/12; dân tộc: Sán Dìu; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hoàng Văn T (đã chết) và bà Liễu Thị L, sinh năm 1955; bị cáo có vợ tên là Đặng Thị T, sinh năm 1985 và có 03 con, con lớn nhất sinh năm 2002 và con nhỏ nhất sinh năm 2012; tiền sự, tiền án: không có; bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 22/01/2020 sau đó chuyển sang tạm giam. Có mặt.
- Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
1/ Ông Hoàng Quốc Tr, sinh năm 1982; nơi cư trú tại Xóm T, xã L, thành phố T, tỉnh T. Vắng mặt.
2/ Ông Hoàng Quang Đ, sinh năm 2001; nơi cư trú tại Xóm T, xã L, thành phố T, tỉnh T. Vắng mặt.
3/ Ông Liễu Văn C, sinh năm 1986; nơi cư trú tại Xóm T, xã L, thành phố T, tỉnh T. Vắng mặt.
4/ Ông Nguyễn Quang V; sinh năm 1965; nơi cư trú tại Khối 7, thị trấn K, huyện P, tỉnh Q; nghề nghiệp: Công chức; đơn vị công tác: Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng S. Vắng mặt.
5/ Ông Nguyễn Duy N; sinh năm 1976; nơi cư trú: Tổ 5, thôn T, thị trấn T, huyện N, tỉnh Q; nghề nghiệp: Nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng; đơn vị công tác: Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng S. Có mặt.
6/ Ông Võ Ngọc L; sinh năm 1979; nơi cư trú: Xã T, huyện T, tỉnh Q; nghề nghiệp: Công chức kiểm lâm; đơn vị công tác: Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng S. Có mặt.
7/ Ông Lê Văn P; sinh năm 1989; nơi cư trú: Khu 5, thị trấn A, huyện Đ, tỉnh Q; nghề nghiệp: Viên chức; đơn vị công tác: Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên S. Có mặt.
8/ Ông Trần Duy M; sinh năm 1979; nơi cư trú: Số nhà 30, đường T, phường H, quận C, thành phố Đ; nghề nghiệp: Kiểm lâm viên; đơn vị công tác: Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên S. Có mặt.
9/ Ông Đường Văn G; sinh năm 1987; nơi cư trú: Tổ dân phố số 02, thị trấn K, huyện P, tỉnh Q; nghề nghiệp: Hợp đồng bảo vệ rừng; đơn vị công tác: Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên S. Vắng mặt.
10/ Ông Võ Như K; sinh năm 1990; nơi cư trú: Thôn D, xã T, huyện N, tỉnh Q; nghề nghiệp: Kiểm lâm viên; đơn vị công tác: Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng S. Có mặt.
11/ Ông Nguyễn Văn Đ; sinh năm 1983; nơi cư trú: Thôn Đ, xã H, huyện Q, tỉnh Q; chức vụ: Kiểm lâm viên trung cấp; đơn vị công tác: Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng S. Có mặt.
12/ Ông Bling T; sinh năm 1983; nơi cư trú: Thôn A, xã T, huyện N, tỉnh Q; nghề nghiệp: Nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng; đơn vị công tác: Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên S. Có mặt.
13/ Ông Zơ Râm N; sinh năm 1992; nơi cư trú: Thôn P, xã G, huyện T, tỉnh Q; nghề nghiệp: Nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng; đơn vị công tác: Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên S. Vắng mặt.
14/ Ông Brôl T; sinh năm 1992; nơi cư trú: Thôn Đ, xã L, huyện N, tỉnh Q; nghề nghiệp: Hợp đồng bảo vệ rừng; đơn vị công tác: Ban Quản lý rừng đặc rụng S. Vắng mặt.
15/ Ông Hôih T; sinh năm 1991; nơi cư trú: Thôn A, xã T, huyện N, tỉnh Q; nghề nghiệp: Nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng; đơn vị công tác: Ban Quản lý rừng đặc dụng S. Vắng mặt.
16/ Ông A Lăng D; sinh năm 1996; nơi cư trú: Thôn A, xã C, huyện N, tỉnh Q; nghề nghiệp: Nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng; đơn vị công tác: Ban Quản lý rừng đặc dụng S. Có mặt.
17/ Ông Zơ Râm H; sinh năm 1993; nơi cư trú: Thôn xóm 10, xã Đ, huyện N, tỉnh Q; nghề nghiệp: Nhân viên bảo vệ rừng; đơn vị công tác: Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên S. Có mặt.
18/ Ông Pơ Loong C; sinh năm 1993; nơi cư trú: Thôn Đ, xã L, huyện N, tỉnh Q; nghề nghiệp: Nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng; đơn vị công tác: Ban Quản lý rừng đặc dụng S. Vắng mặt.
19/ Ông Tơ Ngôl N; sinh năm 1991; nơi cư trú: Thôn Đ, xã L, huyện N, tỉnh Q; nghề nghiệp: Nhân viên bảo vệ rừng; đơn vị công tác: Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiêm S. Vắng mặt.
20/ Ông Ka Phu M; sinh năm 1992; nơi cư trú: Thôn P, xã C, huyện N, tỉnh Q; nghề nghiệp: Nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng; đơn vị công tác: Ban Quản lý rừng đặc dụng S. Vắng mặt.
21/ Ông A Lăng K; sinh năm 1992; nơi cư trú: Thôn Đ, xã Đ, huyện N, tỉnh Q; nghề nghiệp: Nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng; đơn vị công tác: Ban Quản lý rừng đặc dụng S. Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào khoảng 07 giờ sáng ngày 17/9/2019, tổ công tác của Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh - Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh gồm 20 đồng chí vào bãi vàng Trại 5 thuộc khoảnh 10 tiểu khu 379 lâm phận khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh - xã Đắc PRing, huyện Nam Giang, Quảng Nam để tiến hành hoạt động tuần tra, kiểm tra, truy quét hoạt động khai thác vàng trái phép theo Kế hoạch phối hợp kiểm tra, truy quét, xử lý các hoạt động khai thác lâm, khoáng sản trái phép trong lâm phận Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh số 86/KH-BQL ngày 16/9/2019 của Ban quản lý Khu BTTN Sông Thanh. Khi đến khu vực Trại 5, tổ công tác của BQL Khu BTTN Sông Thanh - Hạt kiểm lâm RĐD Sông Thanh phát hiện Hoàng Văn S, Hoàng Văn B, Liễu Văn Q, Hoàng Văn T, Hoàng Quốc T, Liễu Văn C đang có hành vi khai thác vàng trái phép. Tổ công tác đã yêu cầu S, B, Q, T, C, Tr tắt máy, dừng mọi hoạt động, thu dọn đồ đạc và tập trung hết về lán trại của Hoàng Văn S để tổ công tác làm việc.
Sau khi thấy đoàn truy quét đến làm việc và thông báo việc kiểm tra, truy quét hoạt động làm vàng thì Liễu Văn Q, Hoàng Văn T, Hoàng Văn S, Hoàng Văn B, Hoàng Quốc Tr, Liễu Văn C, Hoàng Văn N cùng những người khác vào lán thu xếp đồ đạc, quần áo rồi tập trung về lán trại của Hoàng Văn S. Thấy Kiểm lâm tháo máy móc làm vàng của mình, S xin lại nhưng Kiểm lâm không cho, yêu cầu S về lán trại thu dọn đồ đạc. Ngồi một lúc, S thấy lực lượng Kiểm lâm phá hủy, đốt máy móc, dụng cụ làm vàng, tháo dỡ đốt lán trại thì nói với mọi người: “Kiểm lâm họ đốt hết thế này thì còn làm được gì nữa. Thôi về!”. Nói xong S xách ba lô đi lên đồi, mọi người cũng theo S lấy ba lô và tự động bỏ đi lên đỉnh đồi. Lên đến lưng chừng dốc thì Q, N, T, Tr và C dừng chân nghỉ, N nhìn xuống xem Kiểm lâm truy quét thì thấy lực lượng Kiểm lâm và các nhân viên bảo vệ rừng tháo máy nổ, củ điện tại lán trại của S thu giữ và khiêng đi. N liền nói với Q, T, C và Tr là “Kiểm lâm nó làm như thế này là cướp chứ truy quét cái gì!”, Q nghe N nói vậy cũng hô to lên: “Cướp đấy! Không phải liên ngành đâu!”, N nói T: “chú T chạy lên kêu chú S xuống đi, làm như thế này là cướp đấy!”, Q cũng nói T: “Cậu chạy lên nhanh đi, làm như thế này là cướp chứ truy quét gì!”. T nghe theo lời N và Q chạy lên đỉnh đồi tìm S, còn nhóm N, Q, C và Tr đi xuống lại lán trại của S lấy nước dập lửa. T chạy lên đến đỉnh đồi gặp được S, T nói: “Chú S, Kiểm lâm họ cướp đồ, đang khiêng củ điện với một máy ra rồi, chú chạy xuống lại thế nào. Kiểm lâm họ khiêng máy lên tới nửa đồi rồi”. Nghe T nói vậy thì S tức giận nói với T: “Đi xuống!”. Gặp B, S nói với B: “Ở dưới nghe hô cướp, anh em mình xuống xem thế nào! Không cho họ khiêng máy ra!” thì B đồng ý. T, S và B cùng nhau đi xuống lại. Đi được một đoạn thì S nhặt một đoạn cây nhỏ ven đường cầm trên tay, đi một đoạn thì S lại vứt đoạn cây và đi người không xuống. Xuống lưng chừng dốc thì T, S và B gặp đoàn Kiểm lâm đang đi lên. T, B và S đứng lại chặn đường ngăn cản không cho đoàn Kiểm lâm đi lên (đây là đoạn đường hẹp, rộng khoảng 60cm, đây là con đường duy nhất đi ra khỏi rừng). Thấy vậy, anh Nguyễn Quang V - Kiểm lâm viên, tổ trưởng tổ công tác của đoàn Kiểm lâm hỏi: “Các ông xuống đây làm gì?”, đang bực tức trong người nên T liền gay gắt lớn tiếng: “Tôi muốn nói chuyện với các anh!”, “Các anh không được khiêng ra! Đốt thì đốt hết chứ không được khiêng ra!”. S cũng lớn tiếng nói: “Đập thì đập hết! Không được khiêng máy ra ngoài!”, “Để máy móc ở lại rồi làm việc!”, anh V - tổ trưởng tổ công tác liền nói: “Không được!”, “Chúng tôi làm việc theo quy định của nhà nước, có kế hoạch của cơ quan, các anh không được cản trở!”. Bị cản đường khiến cả đoàn công tác phải dừng lại, anh Nguyễn Duy N là cán bộ hợp đồng của Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh bực tức liền nắm cổ áo của T nhằm gạt T ra để tiếp tục đi lên, anh Võ Như K - Kiểm lâm viên cầm gậy cao su đánh một cái vào cánh tay trái của S và một cái vào lưng T. Bị đánh và sẵn đang bực tức trong người nên T liền hất mạnh tay anh N ra khiến anh N bị trượt chân ngã, anh V - tổ trưởng tổ công tác đứng gần anh N cũng bị ngã theo. Anh K tiếp tục cầm gậy cao su đánh một cái bả vai trái của S, S lập tức dùng hai tay xô mạnh vào lưng và vai anh K từ phía sau khiến anh K ngã vào bụi mây. Anh Lê Văn P - viên chức thuộc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh từ phía dưới hô lên: “Bắt ông ni lại!” và chạy lên định khống chế S. Sáu thấy anh P xông lên thì lập tức dùng tay xô anh P ngã lăn xuống dưới dốc. B thấy dưới đất có cắm 01 con dao do anh N ngã bỏ lại đã nhanh chóng lấy con dao cầm trên tay và đứng chắn đường không cho lực lượng Kiểm lâm bước lên. Anh V - tổ trưởng tổ công tác liền gọi cho anh Nguyễn Văn Đ - Kiểm lâm viên cầm súng chạy lên hỗ trợ, anh Đ cầm khẩu súng AK chạy lên hô to: “Tản ra! Bao vây các đối tượng lại!” và bắn 03 phát súng chỉ thiên. Q cầm trên tay ống điếu cày, N cầm trên tay một thanh củi chạy lên. N hô: “Ai đánh em tao! Không thằng nào được đánh em tao!”, rồi cầm thanh củi cùng với T cản không cho lực lượng Kiểm lâm đến gần S. S nhặt 01 đoạn cây ở dưới đất lên cầm trên tay để tự vệ và uy hiếp lực lượng Kiểm lâm, được một lúc thì S vứt đoạn cây đi. Q cầm ống điếu cày lao đến vị trí của anh Nguyễn Văn Đ, thấy Q hung hãn, sợ bị tấn công và cướp súng nên anh Đ ôm súng bỏ chạy. Q chạy xuống nhóm Kiểm lâm và nhân viên bảo vệ rừng đang đứng một tốp ở phía dưới, thấy anh Đường Văn G - nhân viên bảo vệ rừng ở vị trí gần nhất, Q liền giơ điếu cày lên đập 01 cái vào trán anh G. Trước tình hình tổ công tác bị tấn công, anh V đã yêu cầu anh Võ Ngọc L - Kiểm lâm viên bắn súng chỉ thiên để thị uy, cảnh cáo. Anh L bắn 03 phát chỉ thiên nhưng các bị cáo vẫn tiếp tục có thái độ hung hãn nên tiếp tục bắn thêm 02 phát súng chỉ thiên nữa thì Q đến gần thách thức: “Có ngon thì bắn nữa đi! Bắn tiếp đi!”. Q chỉ về phía lực lượng Kiểm lâm: “Ai đánh ông S thì bước ra đây! Bước ra đây xin lỗi!”. S thì chửi tổ công tác: “Các anh không có lương tâm! Ra đường xe cán chết hết cả nhà!”, Q cũng chửi: “Chúng mày đốt lán tao ra ngoài đường xe đâm chết hết cả nhà chúng mày!”. Q liên tục chửi thề về phía tổ công tác. N lớn tiếng nói: “Máy móc truy quét đập phá ở đây thì được, còn mang ra là không được!”, S nói: “Các anh đốt phá thì được, mang ra ngoài là không được. Để đồ lại!”. N nói tiếp: “Các anh bỏ máy lại, đi xuống lán làm việc!”, anh V không đồng ý, nói: “Đã lên đến đây rồi thì không có xuống nữa!”. Thấy tình hình căng thẳng, anh V kêu gọi: “Trong này ai lớn tuổi nhất thì lại đây nói chuyện với tôi!” thì N, T và S đến nói chuyện với anh V. N nói: “Mấy anh đi truy quét ở đây phải có giấy tờ, chỉ được đập phá ở đây, không được mang ra ngoài!”, T và S cũng nói: “Mấy ông đốt phá ở đây thì được! Không được khiêng đồ ra, để đồ lại!”. Nhận thấy các bị cáo cố tình gây áp lực, sợ các bị cáo tiếp tục hung hăng tấn công, đe dọa đến sự an toàn của cả đoàn công tác nên anh V đã đồng ý theo yêu cầu với các bị cáo, để toàn bộ máy nổ và củ điện đã tạm giữ lại và nói các bị cáo dừng lại thì lúc này S nói với cả nhóm: “Thôi! Dừng lại!”.
Sau khi kết thúc sự việc thì S, N, T, B, Q đi lên đỉnh đồi nghỉ ngơi một lúc thì đi ra. Tổ công tác của Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh - Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh cũng đi lên đỉnh đồi dừng chân nghỉ, đợi khoảng 01 tiếng đồng hồ sau thì anh V - tổ trưởng tổ công tác quyết định cho tổ công tác quay lại và tạm giữ 02 củ điện đưa về Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh. Còn 02 máy nổ thì bỏ lại, không tiếp tục tạm giữ nữa.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu giữ:
- 01 ống điếu cày màu vàng xám được làm từ một đoạn cây giang dài 77 centimet, đường kính 3,5 centimet, một đầu rỗng, một đầu có mắt bít lại, cách đầu có mắt 13 centimet, trên thân ống điếu có 01 lỗ hình tròn đường kính 01 centimet là vật chứng Liễu Văn Q đã sử dụng để đánh vào đầu anh Đường Văn G.
- 01 đoạn thanh củi gỗ chẻ màu vàng nhạt dài 66 centimet, một đầu rộng 05 centimet, một đầu rộng 03 centimet, phần gỗ dày nhất 2,5 centimet, phần mỏng nhất: 01 milimet, trên thân có dính muội than màu đen là thanh củi Hoàng Văn N dùng để đe dọa, uy hiếp lực lượng Kiểm lâm.
- Ngày 17/9/2019, tổ công tác của Hạt kiểm lâm RĐD Sông Thanh - Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh tạm giữ 02 củ điện, gồm 01 củ điện màu xanh nhãn hiệu SAMDI (đã qua sử dụng) của Hoàng Văn S và 01 củ điện màu đỏ, không rõ nhãn hiệu (đã qua sử dụng) của Hoàng Văn B, sử dụng trong hoạt động khai thác vàng trái phép tại bãi vàng Trại 5. Ngày 19/9/2019, Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh đã bàn giao lại cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Giang.
Tại bản cáo trạng số 08/CT-VKS ngày 05/5/2020 Viện kiểm sát nhân dân huyện Nam Giang truy tố các bị cáo Liễu Văn Q, Hoàng Văn N, Hoàng Văn B, Hoàng Văn T và Hoàng Văn S về tội “Chống người thi hành công vụ” theo Khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (viết tắt là BLHS). Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Nam Giang thực hiện quyền công tố và kiểm sát xét xử giữ nguyên nội dung bản cáo trạng đã truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử (viết tắt HĐXX) áp dụng Khoản 1 Điều 330; điểm i, s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51 BLHS, xử phạt: Bị cáo Liễu Văn Q từ 06 (sáu) đến 09 (chín) tháng tù; bị cáo Hoàng Văn N từ 09 (chín) đến 12 (mười hai) tháng tù; bị cáo Hoàng Văn B từ 06 (sáu) đến 09 (chín) tháng tù; bị cáo Hoàng Văn T từ 06 (sáu) đến 09 (chín) tháng tù; bị cáo Hoàng Văn S từ 06 (sáu) đến 09 (chín) tháng tù.
Về xử lý vật chứng:
+ Đối với 01 ống điếu cày màu vàng xám; 01 đoạn thanh củi gỗ chẻ màu vàng, không có giá trị sử dụng căn cứ Điều 47 BLHS và Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đề nghị HĐXX tuyên tịch thu tiêu hủy.
+ Đối với 02 củ điện, gồm 01 củ điện màu xanh nhãn hiệu SAMDI (đã qua sử dụng) và 01 củ điện màu đỏ, không rõ nhãn hiệu (đã qua sử dụng), sử dụng trong hoạt động khai thác vàng trái phép tại bãi vàng Trại 5, đề nghị HĐXX tuyên trả lại cho Cơ quan điều tra tạm giữ để làm căn cứ đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính về hành vi khai thác vàng trái phép.
Các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình, không bào chữa, đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên đến vụ án không có yêu cầu bồi thường về mặt dân sự.
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX nhận định như sau:
[1]. Hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Nam Giang, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Nam Giag, Kiểm sát viên đã thực hiện trong quá trình điều tra, truy tố là đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Qúa trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có ý kiến hoặc khiếu nại gì về các hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2]. Về tội danh:
Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có tại hồ sơ vụ án. HĐXX nhận định:
Thực hiện Kế hoạch số 86/KH-BQL ngày 16/9/2019 của Ban quản lý Khu BTTN Sông Thanh, vào khoảng 07 giờ sáng ngày 17/9/2019, tổ công tác của Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh - Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh gồm 20 đồng chí vào bãi vàng Trại 5 thuộc khoảnh 10 Tiểu khu 379 lâm phận Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh để tiến hành tuần tra, kiểm tra, truy quét hoạt động khai thác vàng trái phép. Tổ công tác gồm có ông Nguyễn Quang V - Kiểm lâm viên làm tổ trưởng, ông Lê Văn P – Viên chức Ban quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên sông Thanh làm tổ phó, cùng các kiểm lâm viên và nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng, trong đó có 08 người mặc trang phục ngành kiểm lâm. Khi đến khu vực Trại 5, tổ công tác phát hiện các bị cáo Hoàng Văn S, Hoàng Văn B, Liễu Văn Q, Hoàng Văn T, Hoàng Văn N và người liên quan Hoàng Quang Đ, Hoàng Quốc Tr, Liễu Văn C đang có hành vi khai thác vàng trái phép. Tổ công tác đã yêu cầu toàn bộ những người khai thác vàng tắt máy, dừng mọi hoạt động, thu dọn đồ đạc và tập trung hết về lán trại của Hoàng Văn S để tổ công tác làm việc.
Mặc dù biết tổ công tác là lực lượng Kiểm lâm đang thi hành nhiệm vụ tuần tra,truy quét và đẩy đuổi các đối tượng hoạt động khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, các bị cáo và những người làm vàng không chấp hành làm việc với tổ công tác mà chỉ thu dọn đồ đạc rồi bỏ đi lên đồi. Khi thấy tổ công tác tháo máy nổ, củ điện tại lán trại của bị cáo S để thu giữ và khiêng về đơn vị, thì các bị cáo Q, T, N, B và S chặn đường ngăn cản không cho tổ công tác về, xô đẩy, đe dọa, chửi bới tổ công tác. Bị cáo Q dùng điếu cày gây thương tích cho một cán bộ của tổ công tác, bị cáo B dùng dao, bị cáo S và N thì dùng cây để uy hiếp tổ công tác. Các bị cáo không cho tổ công tác thực hiện nhiệm vụ công vụ, buộc tổ công tác để toàn bộ máy nổ và củ điện lại trong rừng thì mới cho tổ công tác ra về an toàn.
Các bị cáo là những người trưởng thành, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đã cố ý trực tiếp dùng sức mạnh, hung khí để đe dọa, cản trở lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ công vụ, xâm phạm đến hoạt động bình thường và đúng đắn của Cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hành chính. Hành vi của các bị cáo có đủ yếu tố cấu thành tội “Chống người thi hành công vụ” theo Khoản 1 Điều 330 BLHS. Do đó, bản cáo trạng đã truy tố và ý kiến luận tội của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
[3]. Xét tính chất vụ án và vai trò của các bị cáo:
Tính chất của vụ án là ít nghiêm trọng, nhưng hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến sự hoạt động bình thường và đúng đắn của cơ quan quản lý Nhà nước và những người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Các bị cáo đã vi phạm pháp luật là khai thác vàng trái phép tại khu vực rừng đặc dụng, khi bị phát hiện và xử lý thì lại chống đối, cản trở ngay giữa rừng núi, thể hiện tính manh động, coi thường pháp luật và rất nguy hiểm cho những người thực thi công vụ. Vì vậy, hành vi phạm tội của các bị cáo cần phải được xử lý nghiêm khắc, áp dụng hình phạt tù có thời hạn để giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.
Hành vi của các bị cáo thực hiện hiện có tính chất đồng phạm giản đơn, không có sự phân công tổ chức mà chỉ bột phát, nhất thời. Bị cáo Q là người thể hiện thái độ chống đối hung hăng và quyết liệt nhất, gây thương tích cho một cán bộ Kiểm lâm; bị cáo N là người khởi xướng, cho rằng tổ công tác thực hiện nhiệm vụ không đúng quy định, không có cơ sở, dẫn đến các bị cáo khác nhận thức không đúng về hoạt động của tổ công tác từ đó đi đến việc các bị cáo chống đối tổ công tác, đồng thời trực tiếp bản thân bị cáo N cũng cầm cây đe dọa, chửi bới tổ công tác; bị cáo S là chủ quản việc khai thác vàng tại Trại 5, là người quyết định việc chống lại tổ công tác, trực tiếp cầm cây uy hiếp, xô đẩy với các cán bộ tổ công tác, sau khi thực hiện hành vi phạm tội lại bỏ trốn, bị bắt theo lệnh truy nã; bị cáo B có cầm dao và bị cáo T cầm cây để uy hiếp, xô đẩy tổ công tác, nhưng có vai trò nhẹ hơn so với các bị cáo khác.
[4]. Về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ: Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Các bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ là phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, quá trình điều tra và tại phiên tòa thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; các bị cáo đều là lao động chính, trong khi gia đình có hoàn cảnh khó khăn; ông nội của các bị cáo S, N, T và B có công với Nhà nước được tặng Huân chương kháng chiến; các bị cáo đều có trình độ học vấn thấp nên hiểu biết pháp luật có hạn chế. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm i, s Khoản 1 và Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015.
[5]. Về trách nhiệm dân sự: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Võ Như K và ông Đường Văn G bị thương tích nhẹ, có đơn xin từ chối giám định thương tích, không có yêu cầu bồi thường thiệt hại; nên HĐXX không xem xét.
[6]. Về xử lý vật chứng:
+ Đối với 01 ống điếu cày màu vàng xám; 01 đoạn thanh củi gỗ chẻ màu vàng, không có giá trị sử dụng căn cứ Điều 47 BLHS và Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tịch thu tiêu hủy.
+ Đối với 02 củ điện, gồm 01 củ điện màu xanh nhãn hiệu SAMDI (đã qua sử dụng) của bị cáo S và 01 củ điện màu đỏ, không rõ nhãn hiệu (đã qua sử dụng) của bị cáo B, sử dụng trong hoạt động khai thác vàng trái phép tại bãi vàng Trại 5, trả lại cho Cơ quan điều tra tạm giữ để làm căn cứ đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính về hành vi khai thác vàng trái phép.
[7]. Về vấn đề khác:
Đối với hành vi khai thác vàng trái phép, quá trình điều tra Cơ quan điều tra xác định các bị cáo chỉ vi phạm điểm a Khoản 3 Điều 44 Nghị định 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Nên đã tách hành vi khai thác vàng trái phép ra để đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý hành chính là phù hợp.
Những người liên quan khác không có yêu cầu gì. HĐXX không xem xét.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
[1]. Tuyên bố: Các bị cáo Liễu Văn Q, Hoàng Văn N, Hoàng Văn T, Hoàng Văn B, Hoàng Văn S phạm tội “Chống người thi hành công vụ”.
Áp dụng Khoản 1 Điều 330; điểm i, s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51 BLHS.
- Xử phạt bị cáo Liễu Văn Q 09 (chín) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bị bắt đi chấp hành án, được trừ thời gian bị tạm giam 81 (tám mươi mốt) ngày (tính từ ngày 20/9/2019 đến ngày 09/12/2019).
- Xử phạt bị cáo Hoàng Văn N 09 (chín) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bị bắt đi chấp hành án, được trừ thời gian bị tạm giam 81 (tám mươi mốt) ngày (tính từ ngày 20/9/2019 đến ngày 09/12/2019).
- Xử phạt bị cáo Hoàng Văn S 09 (chín) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bị tạm giam là ngày 22/01/2020.
- Xử phạt bị cáo Hoàng Văn T 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bị bắt đi chấp hành án, được trừ thời gian bị tạm giam 81 (tám mươi mốt) ngày (tính từ ngày 20/9/2019 đến ngày 09/12/2019).
- Xử phạt bị cáo Hoàng Văn B 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bị bắt đi chấp hành án, được trừ thời gian bị tạm giam 81 (tám mươi mốt) ngày (tính từ ngày 20/9/2019 đến ngày 09/12/2019).
Tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh, trong thời hạn 45 (bốn mươi lăm) ngày, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm 17/6/2020 đối với các bị cáo Q, N, T và B.
Tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam, trong thời hạn 45 (bốn mươi lăm) ngày, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm 17/6/2020 đối với bị cáo Hoàng Văn S.
[2]. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 BLHS và Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
- Tuyên tịch thu tiêu hủy đối với 01 ống điếu cày màu vàng xám được làm từ một đoạn cây giang dài 77 centimet, đường kính 3,5 centimet, một đầu rỗng, một đầu có mắt bít lại, cách đầu có mắt 13 centimet, trên thân ống điếu có 01 lỗ hình tròn đường kính 01 centimet và 01 đoạn thanh củi gỗ chẻ màu vàng nhạt dài 66 centimet, một đầu rộng 05 centimet, một đầu rộng 03 centimet, phần gỗ dày nhất 2,5 centimet, phần mỏng nhất 01 milimet, trên thân có dính muội than màu đen.
- Tuyên bàn giao cho Cơ quan điều tra Công an huyện Nam Giang tiếp tục tạm giữ đối với 02 củ điện, gồm 01 củ điện màu xanh nhãn hiệu SAMDI (đã qua sử dụng) của bị cáo Hoàng Văn S và 01 củ điện màu đỏ, không rõ nhãn hiệu (đã qua sử dụng) của bị cáo Hoàng Văn B, để làm căn cứ đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính về hành vi khai thác vàng trái phép.
(Tất cả vật chứng đã được chuyển giao cho Chi cục thi hành án dân sự huyện Nam Giang theo biên bản giao, nhân vật chứng ngày 05/5/2020).
[3]. Về án phí: Áp dụng Khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự:
điểm a Khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Buộc các bị cáo Liễu Văn Q, Hoàng Văn N, Hoàng Văn T, Hoàng Văn B, Hoàng Văn S mỗi bị cáo phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án được tống đạt hợp lệ, để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam xem xét giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
Bản án 08/2020/HS-ST ngày 17/06/2020 về tội chống người thi hành công vụ
Số hiệu: | 08/2020/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Nam Giang - Quảng Nam |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 17/06/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về