Bản án 08/2019/HS-PT ngày 12/02/2020 về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 08/2019/HS-PT NGÀY 12/02/2020 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

Trong các ngày 11 và ngày 12 tháng 02 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 110/2019/TLST-HS ngày 06 tháng 12 năm 2019, do Bản án hình sự sơ thẩm số 63/2019/HS-ST ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Bình Phước bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 125/2019/QĐXXPT-HS ngày 26 tháng 12 năm 2019 đối với bị cáo:

+ Bị cáo có kháng cáo:

Họ và tên: Ngô Viết S, sinh năm 1964 tại Thái Bình; Tên gọi khác: Ngô Văn S; Nơi cư trú: Số 68 Hùng Vương, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; Nghề nghiệp: Không; Trình độ học vấn: 7/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Ngô Viết B (đã chết) và bà Nguyễn Thị C, sinh năm 1938; Bị cáo có vợ tên Trần Thị Kim P (đã chết); Bị cáo có 04 con, lớn nhất sinh năm 1991, nhỏ nhất sinh năm 2004; Tiền án, Tiền sự: Không; Bị cáo bị tạm giữ từ ngày 14/11/2018 đến ngày 23/11/2018 chuyển tạm giam; Ngày 30/01/2019 được Viện kiểm sát nhân dân huyện H thay thế biện pháp ngăn chặn cho gia đình bảo lĩnh và cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

+ Người bào chữa cho bị cáo: Ông Trần Văn T, sinh năm 1986; HKTT: Thôn 3, xã P, huyện Q, tỉnh Quảng Nam; Tạm trú: 549/85/30 Lê Văn Thọ, phường 14, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt)

+ Người làm chứng: Ông Phan Hồng S2, sinh năm 1977; Trú tại: 71/19 đường số 46, khu phố 8, phường H, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khong 10 giờ ngày 14/11/2018, Ngô Viết S mượn xe ô tô biển số 51C- 222.71 của anh Phan Hồng S2 là chủ quán cà phê Lan Rừng thuộc quận P, Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) để đi lên huyện B, tỉnh Bình Phước cùng với Trần Việt T. Khoảng 15 giờ cùng ngày thì S và T đến huyện Bù Đốp. Theo lời bị cáo khai mục đích lên huyện B để tìm mua cây cao su thanh lý, nhưng do không tìm được người bán nên S và T quay về TPHCM.

Trên đường về đến xã H, huyện L, tỉnh Bình Phước, S nhìn thấy có 2 thanh niên đón xe của S lại. Qua trao đổi, thương lượng, S đồng ý nhận chở 8 bao hàng bên trong là ngà voi từ xã H, huyện L về đến huyện C, tỉnh Bình Phước với giá là 8.000.000đ (Tám triệu đồng).

Khi về đến gần trạm thu phí Tân Khai trên đường Quốc lộ 13 thuộc khu phố 1, thị trấn T, huyện H, tỉnh Bình Phước thì bị lực lượng Công an huyện H kiểm tra phát hiện S đang vận chuyển 26 đoạn ngà voi không có giấy tờ, tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Sau đó Công an huyện H đã lập biên bản quả tang, tạm giữ người cùng tang vật theo quy định.

Quá trình điều tra, Ngô Viết S thừa nhận đã trực tiếp vận chuyển số ngà voi có trọng lượng 190,2kg từ xã H, huyện L về huyện C, tỉnh Bình Phước thì bị phát hiện, bắt quả tang.

Tại Kết luận giám định số 84/C09B ngày 22/11/2018 của Phân viện KHHS tại TPHCM kết luận: 26 mẫu vật ký hiệu từ 1 đến 26 đựng trong 05 thùng được niêm phong gửi giám định đều là các khúc Ngà voi Châu Phi (Loxodonta Africana), có tổng trọng lượng 190,2kg.

Ti Bản án hình sự sơ thẩm số 63/2019/HS-ST ngày 15/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Bình Phước quyết định:

Tuyên bố bị cáo Ngô Viết S phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

Áp dụng điểm d khoản 3 Điều 244; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: Xử phạt bị cáo Ngô Viết S 12 (Mười hai) năm tù.Thời gian tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 14/11/2018 đến ngày 30/01/2019.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 28/10/2019, bị cáo Ngô Viết S kháng cáo Bản án sơ thẩm với nội dung: Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa đúng quy định của pháp luật, không đánh giá đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội và không xác định có đồng phạm; các thủ tục tố tụng tại Cơ quan Cảnh sát điều tra không đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, bị cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng tuyên bị cáo không phạm tội.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị cáo vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét làm rõ vai trò của Trần Việt T.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên Bản án sơ thẩm về tội danh và hình phạt đối với bị cáo Ngô Viết S; về xử lý vật chứng là 190,2kg ngà voi, đại diện Viện kiểm sát đề nghị sửa Bản án sơ thẩm theo hướng giao 190,2kg ngà voi cho cơ quan có thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật.

Quan điểm của người bào chữa cho bị cáo: Người bào chữa không tranh luận về tội danh của bị cáo. Bên cạnh đó, người bào chữa cho bị cáo cho rằng quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, không xác định đúng bản chất vụ án, không triệu tập được Trần Việt T là người có dấu hiệu chủ mưu, đồng phạm với bị cáo; không triệu tập được người liên quan, người làm chứng để đối chất nên không thể làm rõ vai trò đồng phạm và phân hóa tội phạm. Do đó, người bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử hủy Bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra, xét xử lại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Trong thời hạn luật định, bị cáo làm đơn kháng cáo có hình thức, nội dung phù hợp với quy định tại các điều 311, 312 và 313 của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), nên được chấp nhận.

[2] Theo đơn kháng cáo và diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo cho rằng việc bị cáo thừa nhận hành vi của mình tại cấp sơ thẩm là do Trần Việt T (người đi cùng xe với bị cáo) xúi giục bị cáo nhận tội, nên bị cáo đã nhận tội thay cho Trần Việt T. Theo bị cáo, trong đêm 14/11/2018, khi bị cáo chưa bị tạm giữ, sau khi Công an huyện H làm việc xong thì bị cáo cùng với Trần Việt T đi ngủ tại nhà nghỉ Hùng Anh. Tại đây, T cùng ba người lạ mặt khác (không rõ nhân thân, lai lịch) đã nói do bị cáo là người điều khiển xe nên bị cáo cứ nhận tội để T ở ngoài sẽ lo cho bị cáo. Đối với Quyết định tạm giữ ngày 14/11/2018, bị cáo cho rằng quyết định này được lập vào ngày hôm sau (tức ngày 15/11/2018) và bị cáo ký vào ngày hôm sau. Từ đó, bị cáo cho rằng bị cáo bị oan, chính Trần Việt T mới là người vận chuyển toàn bộ số ngà voi, bị cáo đã bị T lừa dối.

Xét lời kêu oan của bị cáo, Hội đồng xét xử nhận thấy: Tại phiên tòa, mặc dù anh S2 không xác định chính xác bị cáo hay Trần Việt T là người mượn xe của anh S2 do thời gian đã lâu, nhưng anh S2 xác định Bản tự khai ngày 18/11/2018 (BL306) của anh S2 tự khai trong quá trình điều tra là đúng. Như vậy, có căn cứ xác định bị cáo là người mượn xe ô tô của anh S2 vào ngày 14/11/2018 để đi từ TPHCM lên Bình Phước.

Vào khoảng 15 giờ ngày 14/11/2018, khi bị cáo cùng Trần Việt T điều khiển xe ô tô trên đường từ huyện B về TPHCM, khi đến khu vực ấp T, xã H, huyện L, bị cáo đã được hai người thanh niên (không rõ nhân thân, lai lịch) thuê chở 08 bao hàng hóa về ngã tư huyện C với số tiền 8.000.000đ. Bị cáo xác định chính bị cáo là người xuống xe và thỏa thuận trao đổi với hai người thanh niên về việc vận chuyển hàng. Khi nhận lời chở số hàng cụ thể là 8 bao tải đã được quấn kín, qua sờ nắn bên ngoài các bao tải bị cáo đã cảm nhận được hàng hóa bên trong là ngà voi (do bị cáo xác nhận trước đây bị cáo đã nhiều lần cỡi voi và biết đặc điểm của ngà voi). Sau đó, bị cáo hỏi lại thì đã được hai người thanh niên thuê chở hàng cho biết bên trong 08 bao tải là ngà voi nhưng bị cáo vẫn đồng ý vận chuyển để hưởng lợi chi phí vận chuyển là 8.000.000đ (82-85, 88- 89, 100, 102, 103, 104, 108-109, 384). Tại phiên tòa, bị cáo vẫn xác định việc quyết định vận chuyển ngà voi là do bị cáo đồng ý trước, sau đó hỏi T thì T cũng đồng ý.

Căn cứ vào Kết luận giám định số 84/C09B của Phân viện khoa học hình sự tại TPHCM ngày 22/11/2018 kết luận: 26 mẫu vật ký hiệu từ 1 đến 26 đựng trong 05 thùng được niêm phong gửi giám định đều là các khúc ngà voi Châu Phi (Loxodonta Africana), có tổng trọng lượng 190,2kg (BL74).

Kể từ thời điểm Công an huyện H kiểm tra phương tiện, đồ vật lúc 17 giờ 30 phút ngày 14/11/2018 (BL60), sau đó lập biên bản bắt người phạm tội quả tang từ lúc 18 giờ 15 phút cho đến 21 giờ ngày 14/11/2018 và quá trình tố tụng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện H ban hành Quyết định tạm giữ (BL12), Quyết định gia hạn tạm giữ, Lệnh tạm giam, Quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can, Kết luận điều tra, Kết luận điều tra bổ sung; cũng như Viện kiểm sát nhân dân huyện H ban hành các quyết định phê chuẩn và Cáo trạng truy tố bị cáo, bị cáo đã nhận được các văn bản tố tụng này và không có bất kỳ ý kiến thắc mắc, khiếu nại gì (BL327-331, 346, 513).

Bị cáo cho rằng quá trình điều tra, truy tố, bị cáo được Điều tra viên động viên, hướng dẫn lời khai. Đồng thời, bị cáo cho rằng bị Trần Việt T lừa dối, xúi giục bị cáo nhận tội, nên bị cáo mới khai nhận tội. Tuy nhiên, đây chỉ là lời trình bày của bị cáo, không có chứng cứ khác để đối chiếu, đánh giá, nên không có cơ sở chấp nhận.

Xét thấy lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo được thể hiện trong các biên bản lời khai, bản tự khai về phù hợp với thời gian và địa điểm xảy ra vụ án, vật chứng của vụ án, kết quả xác định hiện trường, Kết luận giám định và cơ bản phù hợp với lời khai của Trần Việt T. Như vậy, có đầy đủ cơ sở khách quan để xác định: Bị cáo đã vận chuyển 26 đoạn ngà voi với tổng trọng lượng là 190,2kg của hai thanh niên (không rõ nhân thân, lai lịch) từ ấp T, xã H, huyện L về ngã tư huyện C, tỉnh Bình Phước để hưởng lợi tiền vận chuyển 8.000.000đ. Khi đi đến trạm thu phí Tân Khai trên Quốc lộ 13 thuộc khu phố 1, thị trấn T, huyện H, tỉnh Bình Phước thì bị cáo đã bị lực lượng Công an huyện H, tỉnh Bình Phước phát hiện và bắt quả tang.

Hành vi của bị cáo xâm phạm các quy định của Nhà nước trong việc bảo vệ cân bằng hệ sinh thái, đa dạng sinh học của các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm trong môi trường sinh thái; vi phạm Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã, nguy cấp ngày 01/3/1973. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Việc bị cáo cho rằng đã bị Trần Việt T lừa dối, xúi giục nhận tội là không có cơ sở, nên kháng cáo của bị cáo không được Hội đồng xét xử chấp nhận, cần giữ nguyên Bản án sơ thẩm về tội danh và hình phạt đối với bị cáo.

[3] Đối với Trần Việt T, là người cùng với bị cáo đi từ TPHCM đến huyện B và ngược lại. Theo lời khai ban đầu, T khai không biết gì về việc bị cáo vận chuyển ngà voi, nhưng theo các tài liệu hồ sơ, lịch sử các cuộc gọi điện thoại ngay trước và trong ngày xảy ra vụ án (tức ngày 13 và ngày 14/11/2018), nhận thấy T có liên lạc nhiều lần với số điện thoại 00855712487777 (BL35-36), đây chính là số điện thoại mà bị cáo cùng với hai thanh niên thuê chở ngà voi xác định chính là số điện thoại của người sẽ nhận ngà voi tại huyện C. Mặt khác, tại phiên tòa phúc thẩm anh S2 cho rằng sau ngày 14/11/2018, T có sử dụng một số điện thoại lạ điện thoại cho anh S2 và đề cập việc T cùng bị cáo bị bắt và nói T sẽ lo xong mọi việc. Như vậy, lời khai của Trần Việt T là mâu thuẫn, có dấu hiệu đồng phạm với bị cáo trong việc thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, vấn đề này đã được Tòa án cấp sơ thẩm trả hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân huyện H để điều tra bổ sung làm rõ vai trò của Trần Việt T trong vụ án, tránh bỏ lọt tội phạm. Nhưng do Trần Việt T đã đi khỏi nơi cư trú, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tách ra xử lý sau nên chưa có cơ sở xem xét xử lý hành vi, vai trò của T.

[4] Về vật chứng vụ án: Tại phiên tòa cấp phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giao 26 đoạn ngà voi nêu trên cho cơ quan có thẩm quyền của tỉnh để quản lý. Tuy nhiên, việc xử lý vật chứng đã được Tòa án cấp sơ thẩm quyết định, nội dung này đã có hiệu lực pháp luật, không bị kháng cáo, kháng nghị, nên không có cơ sở xem xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát.

[5] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa phúc thẩm đề nghị không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên Bản án sơ thẩm là có căn cứ, phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử.

Quan điểm của người bào chữa cho bị cáo có một phần có căn cứ, nên được chấp nhận một phần.

[6] Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo phải chịu theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Ngô Viết S. Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 63/2019/HS-ST ngày 15/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Bình Phước về tội danh và hình phạt đối với bị cáo Ngô Viết S.

Tuyên bố bị cáo Ngô Viết S phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Áp dụng điểm d khoản 3 Điều 244, điểm s khoản 1 Điều 51, Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: Xử phạt bị cáo Ngô Viết S 12 (Mười hai) năm tù.Thời hạn tù được tính từ ngày bắt bị cáo để thi hành án, được khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 14/11/2018 đến ngày 30/01/2019.

Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Ngô Viết S phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

734
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 08/2019/HS-PT ngày 12/02/2020 về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm

Số hiệu:08/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Phước
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 12/02/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về