Bản án 08/2018/HS-ST ngày 31/01/2018 về tội cố ý gây thương tích

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN A, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 08/2018/HS-ST NGÀY 31/01/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 31 tháng 01 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện A xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 65/2017/TLST- HS ngày 28 tháng 12 năm 2017 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 03/2018/QĐXXST - HS ngày 17 tháng 01 năm 2018 đối với các bị cáo:

1. Ngô Đức M (tên gọi khác: M1) – sinh năm 1992, tại Hải Phòng; nơi cư trú: Tổ dân phố số 2, thị trấn A, huyện A, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; quốc tịch: Việt Nam; con ông Ngô Văn T và bà Phạm Thị B; vợ, con: chưa có; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị tạm giữ ngày 11 tháng 8 năm 2017, tạm giam ngày 14 tháng 8 năm 2017; có mặt tại phiên toà.

2. Trần Xuân Tr (tên gọi khác: Tr1) – sinh năm 1989, tại Hải Phòng; nơi cư trú: Tổ dân phố số 4, thị trấn A, huyện A, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Xuân N1 (đã chết) và bà Mai Thị H có vợ: Nguyễn Thị N2 – sinh năm 1986; có 02 con, con lớn sinh năm 2008, con nhỏ sinh năm 2011; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị tạm giữ ngày 11 tháng 8 năm 2017, tạm giam ngày 14 tháng 8 năm 2017; có mặt tại phiên toà.

3. Nguyễn Văn D (tên gọi khác: D1) – sinh năm 1998, tại Hải Phòng; nơi cư trú: Tổ dân phố số 1, thị trấn A, huyện A, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn T2 và bà Nguyễn Thị H1; vợ, con: Chưa có; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị tạm giữ ngày 05 tháng 10 năm 2017, tạm giam ngày 08 tháng 10 năm 2017; có mặt tại phiên toà.

4. Phạm Phương N – sinh năm 1998, tại Hải Phòng; nơi cư trú: Thôn L, xã H, huyện A, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá: 10/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn B1 và bà Đỗ Thị L1; vợ, con: Chưa có; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị tạm giữ ngày 09 tháng 10 năm 2017, tạm giam ngày 12 tháng 10 năm 2017; có mặt tại phiên toà.

- Người bào chữa cho bị cáo Ngô Đức M (do Tòa án chỉ định): Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Trợ giúp viên – Trung tâm Trợ giúp Pháp lý nhà nước thành phố Hải Phòng; có mặt tại phiên tòa.

- Bị hại: Anh Lương Quý S – sinh năm 1994; địa chỉ: Thôn 1, xã B2, huyện A, thành phố Hải Phòng; có mặt tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, vắng mặt tại phần tranh tụng, nghị án, tuyên án.

- Người tham gia tố tụng khác:

+ Những người làm chứng: Anh Phạm Đức C - sinh năm 1997, địa chỉ: Thôn 1, xã B2, huyện A, thành phố Hải Phòng; anh Vũ Doãn C1 - sinh năm 1984, địa chỉ: Thôn 5, xã B2, huyện A, thành phố Hải Phòng và anh Nguyễn Văn D - sinh năm 1990, địa chỉ: Thôn M1, xã N3, huyện A, thành phố, thành phố Hải Phòng; cùng vắng mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Tối ngày 31 tháng 01 năm 2017, Ngô Đức M, Trần Xuân Tr, Nguyễn Văn D, Phạm Quang H1 – sinh năm 1989 (địa chỉ: Tổ dân phố số 4, thị trấn A, huyện A, thành phố Hải Phòng) và Nguyễn Hoàng V – sinh năm 1999 (địa chỉ: Tổ dân phố số 4, thị trấn A, huyện A, thành phố Hải Phòng) đến khu vực Cầu Đen thuộc địa bàn xã Đ, huyện A để gặp Phan Văn Q – sinh năm 1994 (địa chỉ: Thôn M, xã Đ2, huyện A, thành phố Hải Phòng) để hòa giải về việc xô xát xảy ra giữa V và Q từ trước. Cùng đi với Phan Văn Q có Lương Quý S. Trong lúc nói chuyện giữa hai bên lại xảy ra xô xát. S bị M3 dùng gậy gỗ vụt vào tay nên đã nhặt một thanh sắt ở ven đường đánh lại làm nhóm của M3 phải bỏ chạy nhưng chưa có hậu quả gì xảy ra.

Trưa ngày 01 tháng 02 năm 2017, Tr, D, H cùng với Phạm Phương N, Phạm Khánh H2 – sinh năm 1989 (địa chỉ: Tổ dân phố số 1, thị trấn A, huyện A, thành phố Hải Phòng), Nguyễn Mạnh T2 – sinh năm 1989 (địa chỉ: Tổ dân phố số 2, thị trấn A, huyện A, thành phố Hải Phòng) và Nguyễn Văn T3 – sinh năm 1989 (địa chỉ: Tổ dân phố số 2, thị trấn A, huyện A, thành phố Hải Phòng) gặp nhau tại quán bi – a của M tại tổ dân phố số 4, thị trấn A. Tại đây, Tr và H1 nhắc lại việc bị S đuổi đánh vào tối hôm trước nên cả nhóm đã bàn và thống nhất cùng nhau đi tìm S để đánh. Sau đó M lấy 01 dao quắm, Tr, T2, H mỗi người lấy một dao bài dạng kiếm, D lấy 01 dao quắm và 01 giáo chọc ở sau quán bi - a. N điều khiển một xe mô tô chở Tr ngồi sau, T3 điều khiển 01 xe mô tô chở H1 ngồi giữa, M ngồi sau, H2 điều khiển một xe mô tô chở T2uấn ngồi giữa, D ngồi sau. Biết S thường trông coi xe tại khu vực chùa Cao Linh (địa chỉ: Thôn 2, xã B2, huyện A) nên cả nhóm đi về hướng chùa Cao Linh theo lộ trình đường 208 đi quốc lộ 10. Khi gần đến chùa Cao Linh phát hiện S đang đứng trông xe ở ven đường, M cùng đồng bọn xuống xe định đánh thì S bỏ chạy, bọn M không đuổi được nên đã lên xe đi về hướng cầu vượt Quán Toan.

Thấy M và đồng bọn bỏ đi, S quay lại tiếp tục trông xe. Khoảng một lúc sau M và đồng bọn quay lại, phát hiện thấy S cả bọn tiến xe lại gần. S bỏ chạy sang phía bên đường đối diện thì bị M, Tr, D, T2 và N đuổi theo. M dùng dao quắm chém một nhát vào chân S, S tiếp tục bỏ chạy được mấy bước thì bị vấp ngã nên M, Tr, D và T2 tiếp tục dùng dao, quắm, giáo chọc, chém nhiềm nhát vào người S còn T3, H2, H1 dừng xe chờ ở gần đó rồi cả nhóm lên xe bỏ đi.

Bị hại Lương Quý S được đưa đến cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Việt Tiệp từ ngày 01 tháng 02 năm 2017 đến ngày 13 tháng 02 năm 2017.

Tại kết luận giám định pháp y số 52/2017/TgT ngày 02 tháng 3 năm 2017 của Trung tâm Pháp y thành phố Hải Phòng xác định anh Lương Quý S có các thương tích:

“01 vết thương rách da, cơ vùng trên ngoài vai phải có kích thước lớn, không ảnh hưởng chức năng; 01 vết thương vùng khuỷu tay trái có kích thước lớn gây gãy mỏm khuỷu trái, gãy bong sụn đầu dưới hai lồi cầu của xương cánh tay trái còn ảnh hưởng chức năng khớp khuỷu trái; vết thương mặt trước 1/3 trên cẳng chân phải gây mẻ xương chày phải; nhiều vết thương vùng cẳng tay trái, cẳng chân trái và nhiều vết xây xước da vùng lưng đóng vảy khô. Các thương tích dần ổn định.

Tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của nạn nhân do các thương tích trên gây nên theo phương pháp cộng lùi và làm tròn số là 33% (ba mươi ba phần trăm). Các thương tích có đặc điểm do vật sắc tác động trực tiếp gây nên”.

Sau khi gây ra thương tích cho bị hại, Ngô Đức M, Trần Xuân Tr, Nguyễn Văn D, Phạm Quang H1g, Phạm Phương N, Phạm Khánh H2, Nguyễn Mạnh T2 và Nguyễn Văn T3 bỏ trốn khỏi địa phương. Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã ra quyết định truy nã. Ngày 11 tháng 8 năm 2017, Trần Xuân Tr và Ngô Đức M đã ra đầu thú; đến ngày 05 tháng 10 năm 2017, Nguyễn Văn D đã ra đầu thú và ngày 09 tháng 10 năm 2017, Phạm Phương N cũng đã ra đầu thú.

Tại phiên tòa các bị cáo khai nhận: Do bực tức vì bị Lương Quý S đuổi đánh vào tối hôm trước nên trưa ngày 01 tháng 02 năm 2017, Trần Xuân Tr đã mang theo một dao bài với mục đích đi tìm S để đánh trả thù. Tại quán bi –a của Ngô Đức M, Trần Xuân Tr đã rủ Ngô Đức M, Nguyễn Văn D, Phạm Quang H1, Phạm Khánh H2, Nguyễn Mạnh T2 và Nguyễn Văn T3 đi đánh S. Cả nhóm đã đồng ý đi tìm S để đánh (riêng Phạm Phương N không tham gia vào việc bàn bạc) nên đã vào sau quán của M lấy hung khí rồi cùng đi tìm đánh và gây ra thương tích cho anh Lương Quý S như nội dung trên. Các thương tích của anh Lương Quý S là do cả nhóm gây lên, ngoài ra không còn ai khác cùng tham gia vào việc gây ra thương tích cho bị hại. Sau khi gây ra thương tích cho bị hại, trong thời gian bỏ trốn, các bị cáo Trần Xuân Tr, Ngô Đức M và Nguyễn Văn D đã tác động, nhờ gia đình bồi thường cho người bị hại.

Công bố lời khai bị hại tại cơ quan điều tra như lời khai nhận tội của các bị cáo đã khai tại phiên tòa. Về trách nhiệm dân sự: Sau khi bị đánh gây thương tích, gia đình các bị cáo Trần Xuân Tr, Ngô Đức M, Nguyễn Văn D và gia đình các bị can Phạm Quang H1, Phạm Khánh H2, Nguyễn Văn T3, Nguyễn Mạnh T2 đã bồi thường đầy đủ cho bị hại với tổng số tiền là 110.000.000đ nên không còn có yêu cầu gì về trách nhiệm dân sự đối với các bị cáo. Về trách nhiệm hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Tại Cáo trạng số 04/CT-VKS ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện A đã truy tố các bị cáo Ngô Đức M, Trần Xuân Tr, Nguyễn Văn D và Phạm Phương N về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Sau phần xét hỏi công khai tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện A phân tích hành vi phạm tội, đánh giá tính chất vụ án, phân hóa vai trò của các bị cáo, nêu các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử:

Tuyên bố các bị cáo Ngô Đức M, Trần Xuân Tr, Nguyễn Văn D và Phạm Phương N phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng khoản 3 (các điểm a, i khoản 1) Điều 134; điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51(áp dụng thêm điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 đối với các bị cáo Ngô Đức M, Trần Xuân Tr và Nguyễn Văn D); khoản 3 Điều 7; Điều 38, Điều 58 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017; điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự Xử phạt các bị cáo Ngô Đức M, Trần Xuân Tr mỗi bị cáo từ 05 năm 06 tháng đến 06 năm tù về tội: “ Cố ý gây thương tích”.

Xử phạt các bị cáo Nguyễn Văn D, Phạm Phương N mỗi bị cáo từ 05 năm đến 05 năm 06 tháng tù về tội: “ Cố ý gây thương tích”.

Người bào chữa cho bị cáo Ngô Đức M nhất trí về tội danh và điều luật áp dụng mà đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện A đề nghị đối với bị cáo Ngô Đức M; phân tích nguyên nhân phạm tội, điều kiện hoàn cảnh gia đình bị cáo Ngô Đức M; khẳng định bị cáo không phải là người có vài trò cao nhất trong vụ án. Đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo Ngô Đức M được hưởng mức án thấp hơn đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện A đã đề nghị đối với bị cáo Ngô Đức M.

Khi nói lời nói sau cùng, các bị cáo Ngô Đức M, Trần Xuân Tr, Nguyễn Văn D và Phạm Phương N đã ăn năn, hối cải và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho các bị cáo được hưởng mức án thấp nhất.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử:

Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện A, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện A, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, Người bào chữa và các bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

Về việc chỉ định người bào chữa cho bị cáo Ngô Đức M: Gia đình bị cáo Ngô Đức M thuộc hộ cận nghèo của địa phương nên theo quy định tại khoản 6 Điều 7 Luật Trợ giúp Pháp lý có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì Ngô Đức M là “Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo” nên là người được trợ giúp pháp lý. Vì vậy Tòa án đã chỉ định người bào chữa cho bị cáo Ngô Đức M.

[2] Về chứng cứ xác định có tội:

Lời khai của các bị cáo tại phiên toà phù hợp với nhau; phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra; phù hợp với lời khai bị hại và những người làm chứng, phù hợp với Bản kết luận giám định pháp y số 52/2017/TgT ngày 02 tháng 3 năm 2017 của Trung tâm Pháp y thành phố Hải Phòng; kết hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án có đủ căn cứ kết luận các bị cáo Ngô Đức M, Trần Xuân Tr, Nguyễn Văn D và Phạm Phương N đã có hành vi cố ý gây thương tích cho anh Lương Quý S làm giảm 33% sức lao động.

Các bị cáo có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, thực hiện hành vi do lỗi cố ý trực tiếp đã xâm phạm sức khỏe của người khác được pháp luật bảo hộ, gây nguy hiểm cho xã hội nên hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội: “ Cố ý gây thương tích”, tội phạm được quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999. Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân huyện A truy tố các bị cáo về tội danh và điều luật như trên là có cơ sở và đúng pháp luật.

- Xét tình tiết định khung hình phạt:

Xuất phát từ những va chạm rất nhỏ với bị hại các bị cáo Ngô Đức M, Trần Xuân Tr và Nguyễn Văn D đã chủ động đi tìm người bị hại, sử dụng dao, quắm, giáo để chọc, chém nhiều nhát vào chân, tay, vùng lưng của bị hại; bị cáo Phạm Phương N mặc dù không có mâu thuẫn gì với bị hại nhưng cũng đã có hành vi chở Trần Xuân Tr đi tìm bị hại, khi bị hại bỏ chạy cũng đã đuổi theo. Hành vi của các bị cáo thể hiện thái độ coi thường sức khỏe của người khác, coi thường pháp luật nên thuộc trường hợp “Có tính chất côn đồ”; theo quy định của pháp luật dao, quắm, giáo chọc được xác định là “ hung khí nguy hiểm”. Do vậy, hành vi của các bị cáo đã vi phạm các điểm a, i khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự.

Bị hại Lương Quý S bị giảm 33% sức lao động nên các bị cáo phải chịu tình tiết định khung hình phạt quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì “Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”. Nhưng tại khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự) có hiệu lực thi hành từ 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì “ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: c. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này”. Như vậy, so với quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự đã quy định một hình phạt nhẹ hơn. Vì vậy căn cứ điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự; khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự, Hội đồng xét xử quyết định xét xử các bị cáo theo tội danh và hình phạt được quy định tại khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự.

[3] Về tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Tính chất vụ án là rất nghiêm trọng; hành vi của các bị cáo đã gây mất trật tự trị an xã hội, gây nên tâm lý lo ngại trong nhân dân. Chính vì vậy, đối với hành vi phạm tội của các bị cáo cần phải được xử phạt nghiêm khắc mới có tác dụng giáo dục, cải tạo các bị cáo và phòng ngừa chung.

- Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Các bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự.

- Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Trước khi phạm tội, các bị cáo có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội; tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa các bị cáo đều có thái độ khai báo thành khẩn; tỏ ra ăn năn, hối cải; sau khi phạm tội các bị cáo bỏ trốn khỏi địa phương nhưng sau đó đã ra đầu thú; bị hại đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo nên các bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

Sau khi gây thương tích cho bị hại, các bị cáo Ngô Đức M, Trần Xuân Tr và Nguyễn Văn D đã tác động và được gia đình các bị cáo bồi thường cho bị hại nên các bị cáo Ngô Đức M, Trần Xuân Tr và Nguyễn Văn D được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo Nguyễn Văn D có bố là ông Nguyễn Văn Th là quân nhân tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế; bị cáo Ngô Đức M có ông nội là Ngô Văn Kh (tên gọi khác: Ngô Văn D) đã có công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ,được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì, gia đình bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ cận nghèo của địa phương; bị cáo Trần Xuân Tr có ông ngoại là Mai Xuân L2 là thương binh, có công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ; bị cáo Phạm Phương N có ông ngoại là Đỗ Khắc H3 được tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng Nhất nên các bị cáo được áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

* Vụ án có đồng phạm, Hội đồng xét xử đánh giá, phân hoá vai trò như sau:

- Đối với bị cáo Ngô Đức M và Trần Xuân Tr: Bị cáo Trần Xuân Tr là người khởi xướng, là người chuẩn bị dao và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội; bị cáo Ngô Đức M tuy không phải là người khởi xướng nhưng là người đã chứa chấp, chuẩn bị quắm, dao, giáo chọc cho bản thân và các đồng phạm khác sử dụng, bị cáo là người thực hiện hành vi phạm tội tích cực nhất, khi gặp bị hại đã truy đuổi quyết liệt, là người đầu tiên chém làm cho bị hại ngã để tạo điều kiện để các đồng phạm khác chọc, chém bị hại. Vì vậy vai trò của các bị cáo Ngô Đức M và Trần Xuân Tr là ngang nhau và cao nhất trong vụ án. Quan điểm của người bào chữa về vai trò của bị cáo Ngô Đức M là không có cơ sở chấp nhận.

- Đối với bị cáo Nguyễn Văn D: Bị cáo Nguyễn Văn D tuy không phải là người khởi xướng, cũng không phải là người chuẩn bị dao, quắm, giáo nhưng là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nên vai trò của bị cáo tuy thấp hơn các bị cáo Ngô Đức M và Trần Xuân Tr nhưng cao hơn bị cáo Phạm Phương N.

- Đối với bị cáo Phạm Phương N: Bị cáo Phạm Phương N không tham gia bàn bạc cùng các bị cáo khác cũng không trực tiếp gây thương tích cho bị hại nhưng là người giúp sức cho các bị cáo khác, đã đuổi theo người bị hại nên vai trò của bị cáo thấp hơn so với các bị cáo Ngô Đức M và Trần Xuân Tr, Nguyễn Văn D.

Các bị cáo Ngô Đức M và Trần Xuân Tr có vai trò ngang nhau và cao nhất trong vụ án, có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như nhau nên phải chịu mức hình phạt bằng nhau và cao nhất trong vụ án. Vì vậy cần áp dụng mức án như đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị là phù hợp với tính chất, mức độ thực hiện hành vi phạm tội của các bị cáo Trần Xuân Tr và Ngô Đức M. Việc người bào chữa có quan điểm đề nghị xử phạt bị cáo Ngô Đức M thấp hơn mức hình phạt mà đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị là không có căn cứ.

Bị cáo Nguyễn Văn D có vai trò thấp hơn bị cáo Ngô Đức M và Trần Xuân Tr nhưng lại cao hơn bị cáo Phạm Phương N và có nhiều tình tiết giảm nhẹ hơn bị cáo Phạm Phương N, Bị cáo Phạm Phương N có vai trò thấp hơn các bị cáo Ngô Đức M, Trần Xuân Tr và Nguyễn Văn D nhưng có ít tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hơn các bị cáo Ngô Đức M, Trần Xuân Tr và Nguyễn Văn D. Do vậy cần xử phạt các bị cáo Nguyễn Văn D và Phạm Phương N bằng nhau và thấp hơn so với các bị cáo Ngô Đức M và Trần Xuân Tr.

[4] Về vật chứng, xử lý vật chứng: Sau khi gây ra thương tích cho bị hại, các bị cáo đã vứt hung khí, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã tiến hành truy tìm nhưng không thu hồi được.

[5] Về trách nhiệm dân sự: Gia đình các bị cáo Trần Xuân Tr, Ngô Đức M, Nguyễn Văn D và gia đình các bị can Phạm Quang H1, Phạm Khánh H2, Nguyễn Văn T3, Nguyễn Mạnh T2 đã bồi thường đầy đủ cho bị hại S với tổng số tiền là 110.000.000đ, bị hại không còn yêu cầu gì khác nên Hội đồng xét xử không xét.

[6] Về những vấn đề khác:

Trong vụ án còn có Phạm Quang H1, Phạm Khánh H2, Nguyễn Mạnh T2 và Nguyễn Văn T3 cùng tham gia vào việc đánh gây thương tích cho bị hại. Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện A đã khởi tố bị can đối với Phạm Quang H1, Phạm Khánh H2, Nguyễn Mạnh T2 và Nguyễn Văn T3 nhưng do chưa bắt được và thời hạn điều tra đã hết nên Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã tách hành vi của Phạm Quang H1, Phạm Khánh H2, Nguyễn Mạnh T2 và Nguyễn Văn T3 để tiếp tục truy bắt, điều tra xử lý sau.

Về án phí: Bị cáo Ngô Đức M thuộc hộ cận nghèo nên được miễn án phí. Theo quy định của pháp luật các bị cáo Trần Xuân Tr, Nguyễn Văn D và Phạm Phương N phải nộp án phí hình sự sơ thẩm để sung vào công quỹ Nhà nước.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các điều 254, 259, 260 và 326 Bộ luật Tố tụng Hình sự,

1/ Tuyên bố các bị cáo Ngô Đức M (tên gọi khác: M1), Trần Xuân Tr (tên gọi khác: Tr1), Nguyễn Văn D (tên gọi khác: D1) và Phạm Phương N đồng phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

- Áp dụng điểm c Khoản 3 Điều 134 (các điểm a, i Khoản 1); các điểm b, s Khoản 1 và Khoản 2 Điều 51; khoản 3 Điều 7; Điều 58; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự Xử phạt bị cáo Ngô Đức M 06 (sáu) năm tù. Thời hạn tù của bị cáo Ngô Đức M tính từ ngày 11 tháng 8 năm 2017.

Xử phạt bị cáo Trần Xuân Tr 06 (sáu) năm tù. Thời hạn tù của bị cáo Trần Xuân Tr tính từ ngày 11 tháng 8 năm 2017.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn D 05 (năm) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù của bị cáo Nguyễn Văn D tính từ ngày 05 tháng 10 năm 2017.

- Áp dụng điểm c Khoản 3 Điều 134 (các điểm a, i Khoản 1); điểm s Khoản 1 và Khoản 2 Điều 51; khoản 3 Điều 7; Điều 58; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự

Xử phạt bị cáo Phạm Phương N 05 (năm) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù của bị cáo Phạm Phương N tính từ ngày 09 tháng 10 năm 2017.

2/ Về án phí:

Áp dụng khoản 2 Điều 135 và khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng Hình sự, các bị cáo Trần Xuân Tr, Nguyễn Văn D và Phạm Phương N mỗi người phải nộp 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm để sung vào công quỹ Nhà nước.

Miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo Ngô Đức M.

Các bị cáo có mặt, có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Bị hại vắng mặt khi tuyên án có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

227
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 08/2018/HS-ST ngày 31/01/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:08/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện An Lão - Hải Phòng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 31/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về