Bản án 08/2018/HS-PT ngày 31/10/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

BẢN ÁN 08/2018/HS-PT NGÀY 31/10/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong ngày 31 tháng 10 năm 2018 tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 15/2018/TLPT-HS ngày 26 tháng 9 năm 2018 đối với bị cáo Lò Văn Ph, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 39/2018/HSST ngày 21/8/2018 của Tòa án nhân dân huyện SH, tỉnh Lai Châu.

- Bị cáo có kháng cáo: Họ và tên: Lò Văn PH, tên gọi khác: Không: sinh năm 1967 tại huyện SH, tỉnh Lai Châu; nơi cư trú: Bản NH3, xã NH, huyện SH, tỉnh Lai Châu; nghề nghiệp: trồng trọt; trình độ văn hóa 0/12; dân tộc: Thái; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lò Văn X (đã chết) và bà Lò Thị H; có vợ Lò Thị O và 03 con, con lớn nhất sinh năm 1996, con nhỏ nhất sinh năm 2000; tiền án: Không; tiền sự: không; bị bắt tạm giam từ ngày 11 tháng 12 năm 2017 đến ngày 27 tháng 02 năm 2018 được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt.

- Ngoài ra còn có bị cáo Lò Văn P, sinh năm 1966 không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị, có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Lò Văn P: Ông Nguyễn Công Hưởng - Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lai Châu, có mặt.

- Những người làm chứng:

01. Anh Tao Văn C, sinh năm 1991, vắng mặt không có lý do.

Trú tại: Bản P, xã NT, huyện SH, tỉnh Lai Châu.

02. Ông Lò Văn X, sinh năm 1973, có mặt.

03. Ông Lù Văn P, sinh năm 1958, có mặt.

04. Ông Cà Văn T, sinh năm 1957, vắng mặt vắng mặt không có lý do.

05. Bà Cà Thị Nh, sinh năm 1958, có mặt.

06. Anh Quàng Văn N, sinh năm 1996, vắng mặt không có lý do.

Đều trú tại: Bản NH 2, xã NH, huyện SH, tỉnh Lai Châu.

07. Bà Lò Thị P, sinh năm 1968, có mặt.

08. Ông Lò Văn T, sinh năm 1977, vắng mặt không có lý do.

09. Ông Lò Văn S, sinh năm 1979, có mặt.

10. Bà Lò Thị L, sinh năm 1979, có mặt.

11. Ông Lò Văn Ph1, sinh năm 1972, có mặt.

Đều trú tại: Bản NH 3, xã NH, huyện SH, tỉnh Lai Châu.

- Người phiên dịch tiếng Thái: Anh Lò Văn Điến, sinh năm 1992, có mặt.

Nơi công tác: Ủy ban nhân dân xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

- Người giám định: Ông Phạm Văn Chương - Giám định viên; Nơi công tác: Trung tâm pháp y - Sở Y tế tỉnh Lai Châu, có mặt.

- Người tham gia tố tụng khác: Ông: Lò Văn Sương; chức vụ: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã NH, huyện SH, tỉnh Lai Châu, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do mâu thuẫn từ việc tranh chấp đất đai, vào khoảng 17 giờ ngày 02/5/2017, Lò Văn P, sinh năm 1966 trú tại bản NH 3, xã NH, huyện SH, tỉnh Lai Châu đứng tại lán ruộng của nhà Phòng tại bản NH 3, xã NH, huyện SH, tỉnh Lai Châu chửi mắng Lò Văn Ph (là em trai) trú cùng bản. Thấy P chửi mắng nên Ph cũng đứng tại lán ruộng nhà Ph to tiếng qua lại với P. Sau đó, P chạy sang lán ruộng nhà Ph, trên đường đi cách lán nhà Ph khoảng 70 mét P nhổ một chiếc cọc rào bằng gỗ dài khoảng 1,28 mét, đường kính 05 cm, một đầu nhọn ở bờ ruộng cầm theo. Khi P đến cách lán của Ph khoảng 25 mét P nhặt 03 hòn đá ném về phía Ph, Ph cầm 02 hòn đá ném lại P nhưng đều không trúng. Do cả hai bên bực tức nên P tiếp tục cầm gậy chạy lên sân lán nhà Ph, thấy vậy Ph cũng chạy vào trong lán của Ph lấy một đoạn gậy gỗ dài 94 cm, đường kính 2,5 cm rồi chạy ra sân lán để đánh P, cả hai người lao vào đánh nhau. Ph dùng hai tay cầm gậy vụt một nhát vào sườn bên trái và một nhát vào tay trái của P làm P gãy tay. P dùng tay phải cầm gậy vụt một nhát trúng vào thái dương bên trái của Ph làm Ph bị choáng váng ngã xuống ruộng, khi Ph ngã xuống ruộng p tiếp tục nhảy xuống dùng gậy vụt Ph, Ph dùng hai tay dơ lên đỡ và bị gãy tay phải.

Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 47/BKL-TTPY ngày 27 tháng 6 năm 2018 của Trung tâm pháp y Sở y tế tỉnh Lai Châu kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể của Lò Văn P là 21%.

Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 48/BKL-TTPY ngày 27 tháng 6 năm 2018 của Trung tâm pháp y Sở y tế tỉnh Lai Châu kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể của Lò Văn Ph là 22%.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 39/2018/HSST, ngày 21/8/2018 của Tòa án nhân dân huyện SH, tỉnh Lai Châu đã quyết định: Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134, điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51, Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015; các Điều 106, 135, 136, 331, 333 Bộ luật tố tụng hình sựNghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án đối với cả hai bị cáo. Tuyên bố các bị cáo Lò Văn P và Lò Văn Ph phạm tội “Cố ý gây thương tích”, xử phạt:

Bị cáo Lò Văn P: 02 năm tù được khấu trừ thời hạn tạm giam 79 ngày (từ ngày 11 tháng 12 năm 2017 đến ngày 27 tháng 2 năm 2018) bị cáo Lò Văn P còn phải chấp hành 01 năm 09 tháng 11 ngày, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo vào trại chấp hành án.

Bị cáo Lò Văn Ph: 02 năm tù được khấu trừ thời hạn tạm giam 79 ngày (từ ngày 11 tháng 12 năm 2017 đến ngày 27 tháng 2 năm 2018) bị cáo Lò Văn Ph còn phải chấp hành 01 năm 09 tháng 11 ngày tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo vào trại chấp hành án.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo của các bị cáo.

Ngày 30 tháng 8 năm 2018, bị cáo Lò Văn Ph có đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm số 39/2018/HSST, ngày 21- 8 - 2018 của Tòa án nhân dân huyện SH với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày hôm nay, bị cáo thay đổi kháng cáo với nội dung kêu oan và khai là bị cáo không được thực hiện hành vi dùng gậy đánh gãy tay trái trái của bị cáo P, việc bị cáo P gãy tay là do say rượu ngã rơi sàn nhà lán ruộng trước ngày xảy ra đánh nhau (cụ thể vào ngày 14/3/2017 âm lịch, tức ngày 10/4/2017 dương lịch), sự việc P ngã gãy tay bị cáo biết được do người khác nói và không được chứng kiến. Như vậy Tòa án huyện SH đã kết tội oan cho bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.

Tại phiên tòa bị cáo Ph khai: Vào khoảng 17 giờ ngày 02/5/2017, tại lán ruộng của Ph thuộc bản NH 3, xã NH, huyện SH, tỉnh Lai Châu. Do mâu thuẫn về đất đai giữa P và Ph có xảy ra chửi mắng to tiếng với nhau, sau đó P chạy sang lán của Ph, trên đường đi có nhổ một chiếc cọc dào ruộng bằng gỗ một đầu nhọn cầm theo. Khi P đến cách nhà lán của Ph khoảng 25 mét, thì có nhặt 03 hòn đá ném về phía Ph, Ph cũng nhặt 02 hòn đất ném về phía P nhưng đều không trúng. Do cả hai cùng bực tức nên P đã cầm gậy chạy lên sân lán ruộng nhà Phh, còn Ph cũng chạy vào trong lán lấy một gậy gỗ và chạy ra ngoài sân, mục đích là để phòng thân. Cả hai cùng lao vào nhau, Phbị P dùng tay phải cầm gậy vụt một nhát trúng vào thái dương bên trái của Ph làm Ph bị choáng ngã xuống ruộng. Phòng tiếp tục dùng gậy vụt vào Ph, Ph dơ hai tay lên đỡ và bị gãy tay phải, còn Ph không đánh P. Trong lúc hai người đang vật nhau ở ruộng, thì có Lò Văn Ph1 và Lò Văn T chạy đến can ngăn và kéo hai người ra. Sau đó có Quàng Văn N đưa bị cáo đến Trạm y tế xã, còn P thì bị cáo không biết ai đưa về. Những người làm chứng có mặt tại phiên tòa hôm nay đều khẳng định lời khai của mình là đúng sự thật.

Tài liệu thu thập trong quá trình điều tra thể hiện: Lò Văn T khai: Hôm xảy ra đánh nhau (02/5/2017), đang reo mạ tại ruộng, cách vị trí đánh nhau khoảng 80 mét. Trong lúc đang reo mạ thì thỉnh thoảng ngâng đầu lên xem, do vậy không nhìn thấy rõ từng chi tiết một. Và có nhìn thấy hai người cầm gậy lao vào vụt nhau, không nhìn thấy ai là người vụt trước. Khi thấy hai người đang ôm vật nhau dưới ruộng, Toan có hô anh Ph1 về can ngăn, còn T đến sau. Sau đó có Quàng Văn N đưa anh P về lán, còn T đưa Ph vào lán để rửa vết thương trên đầu (BL 180, 181); Lò Văn Ph1 khai: Ngày 14/3/2017 âm lịch, có được đến trạm y tế xã thì thấy anh C đang rửa và khâu vết thương trên đầu cho anh P, ngoài vết thương ở trên đầu không bị thương ở chỗ nào khác (BL 186). Còn hôm sảy ra đánh nhau, do không có mặt nên không nhìn thấy hai người đánh nhau. Khi nghe anh Lò Văn T kêu lên “P với Ph đánh nhau rồi”, thì chạy về thấy hai người đang vật nhau dưới ruộng, Ph1 nhẩy xuống và có anh T cũng đến cùng can ngăn kéo hai người ra. Ph1 thấy P kêu đau tay trái và có dỉ máu, sau đó Ph1 đưa Ph về lán ruộng thấy chảy máu ở đầu và kêu đau tay, còn N đưa P về lán sau đó quay lại đưa Ph đến Trạm y tế; Quàng Văn N khai: Hôm xảy ra đánh nhau vào ngày 02/5/2017, lúc đang ở lán nghe mọi người hô hào “P với Ph đánh nhau rồi” tôi chạy đến thì thấy Ph đang chảy máu ở đầu và kêu đau ở tay. Sau đó mọi người bảo N đưa P về, N đưa P về lán và thấy P kêu đau ở tay (BL192); Tao Văn C khai: Ngày 14/3/2017 âm lịch có tiếp nhận bệnh nhân Lò Văn P bị rách ở vùng đầu và khâu 9 mũi, ngoài ra bệnh nhân không bị thương tích ở chỗ nào khác. Nguyên nhân vết thương do bị rơi sàn. Sau khi khâu xong, bệnh nhân đề nghị về điều trị ngoại trú, tôi không làm bệnh án cho bệnh nhân (BL 196).

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu tham gia phiên tòa, sau khi phân tích, đánh giá chứng cứ và lời khai của những người tham gia tố tụng xác định Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” và quyết định hình phạt 02 (hai) năm tù là có căn cứ đúng pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Lò Văn Ph, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 39/2018/HSST ngày 21- 8 - 2018 của Tòa án nhân dân huyện SH, tỉnh Lai Châu. Đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử, kiến nghị các cơ quan chức năng của huyện SH xem xét nội dung Công văn số: 145/UBND-VP, ngày 19/10/2018 của UBND xã NH, huyện SH, tỉnh Lai Châu.

Người bào chữa cho bị cáo Ph, trước khi mở phiên tòa phúc thẩm đã tiến hành xác minh, lấy lời khai của các nhân chứng tại xã NH huyện SH, tỉnh Lai Châu. Ngày 21/10/2018, người bào chữa có văn bản đề nghị, về việc đưa người tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng và gửi kèm theo các biên bản xác minh. Hội đồng xét xử xét xử đã triệu tập những người làm chứng đến phiên tòa ngày hôm nay để làm sáng tỏ nội dung vụ án. Tại phiên tòa, người bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo tại phiên tòa là kêu oan. Và cho rằng lời khai của bị cáo P có nhiều mâu thuẫn; trong hồ sơ vụ án không có hồ sơ bệnh án của bị cáo P. Cơ quan CSĐT Công an huyện SH vẫn yêu cầu giám định là thiếu cơ sở và chưa đảm bảo tính khách quan; những nhân chứng biết sự việc do người bào chữa xác minh (Cà Thị Nh, Lò Văn S, Lò Thị L, Lò Văn X, Lù Văn Ph, Lò Văn T, Lò Thị P, Cà Văn T) khẳng định việc cẳng tay trái của ông P bị gãy là do ngã sàn trước thời điểm sảy ra sự việc đánh nhau giữa P và Ph. Do vậy, căn cứ vào điểm c, khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của bị cáo, phù hợp với sự thật khách quan của vụ án.

Bị cáo nhất trí với lời bào chữa của người bào chữa và không tranh luận với đại diện Viện kiểm sát.

Hội đồng xét xử công bố lời khai của những người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa.

Lời nói sau cùng của bị cáo: bị có cho rằng mình bị oan nên đề nghị Hội đồng xét xử, xem xét cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

Trong quá trình điều tra và xét xử ở cấp sơ thẩm, bị cáo Ph thừa nhận toàn bộ hành vi phạm phạm tội của mình, lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đúng với nội dung bản cáo trạng số 13/CT-VKS, ngày 24/2/2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện SH đã truy tố bị cáo. Tuy nhiên sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và tại phiên tòa phúc thẩm ngày hôm nay bị cáo thay đổi kháng cáo với nội dung kêu oan. Bị cáo không thừa nhận mình đã thực hiện hành vi dùng gậy gỗ đánh gãy tay trái của P và khẳng định trong quá trình điều tra lấy lời khai, hỏi cung, bị cáo đã bị đánh, bị ép cung. Để xác định bị cáo Ph có thực hiện hành vi dùng gậy gỗ đánh gãy tay trái của bị cáo P vào chiều ngày 02/5/2017 hay không ? Hội đồng xét xử phúc thẩm cần phân tích các tài liệu, chứng cứ phản ánh nội dung tình tiết của vụ án, so sánh lời khai của bị cáo Ph với lời khai của bị cáo P và lời khai của những người làm chứng, lời khai của những người tham gia tố tụng khác để từ đó xác định sự thật khách quan của vụ án, cụ thể:

 [1] Về việc đánh giá chứng cứ vật chất:

 [1.1] Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 47/BKL-TTPY, ngày 27 tháng 6 năm 2018 của Trung tâm pháp y Sở Y tế tỉnh Lai Châu kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể của Lò Văn P là 21%. Tại phiên tòa, người giám định cung cấp các bản ảnh chụp tay của hai bị cáo và giải thích về nội dung bản kết luận giám định. Nhận thấy, cơ chế hình thành vết thương và vật gây nên thương tích ở tay trái của P là vật tày.

 [1.2] Tại phần Giám định cận lâm sàng: Đối với P: “Xquang cẳng tay trái thẳng, nghiêng. Kết quả: Gãy 1/3 dưới xương trụ trái cũ, can non, còn di lệch”; Đối với Phạnh: “Xquang cẳng tay phải thẳng, nghiêng. Kết quả: Gãy 1/3 dưới xương trụ phải cũ, can non, còn di lệch”. Trên cơ sở kết quả phim chụp Xquang và bản ảnh chụp hai tay của P và Ph đều thể hiện gãy kín và “can non, còn di lệch”. Nghĩa là can chưa hoàn toàn, còn di lệch thể hiện trên phim Xquang. Như vậy, có căn cứ xác định tay trái của bị cáo P và tay phải của bị cáo Ph gãy cùng một thời điểm.

 [2] Xác định vật chứng của vụ án: Là hai đoạn gỗ do hai bị cáo trực tiếp giao nộp trước ngày có Quyết định khởi vụ án hình sự, cho cơ quan Công an huyện SH tại UBND xã NH (Biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu lập ngày 25/5/2017 “Bl 17, 18”), cụ thể “ Ph giao nộp một đoạn gậy gỗ hình tròn có chiều dài 94 cm, hai đầu gậy to bằng nhau có đường kính 2,5 cm; P giao nộp một đoạn gậy gỗ hình tròn có chiều dài 1,28 m đầu to nhất có đường kính 0,5 cm, một đầu nhọn”. Trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa sơ thẩm cả hai bị cáo đều thừa nhận là dùng gậy gỗ để lao vào đánh nhau, dẫn đến gây thương tích cho nhau. Như vậy, có căn cứ xác định bị cáo Ph đã dùng gậy gỗ vụt trúng vào tay trái của bị cáo P, phù hợp với thương tích là do vật tày gây nên.

 [3] Xem xét lời khai của những người tham gia tố tụng:

 [3.1] Lời khai của bị cáo P trong quá trình giải quyết xét xử ở cấp sơ thẩm và tại phiên tòa ngày hôm nay đều thừa nhận: Sau khi đi uống rượu về, vào khoảng 17 giờ ngày 02 tháng 5 năm 2017, tại lán ruộng của Phh, do mâu thuẫn về đất đai, hai anh em đã mắng chửi nhau, sau đó P và Ph mỗi người dùng một đoạn gậy gỗ cùng lao vào đánh nhau. Kết quả Ph cầm gậy vụt một nhát vào sườn bên trái và một nhát vào cẳng tai trái của P, làm P bị gãy tay. Còn P dùng tay phải cầm gậy vụt một nhát trúng vào thái dương bên trái của Ph làm Ph ngã xuống ruộng. Phòng tiếp tục dùng gậy vụt vào Ph, Ph dơ hai tay phải lên đỡ dẫn đến Ph bị gãy tay phải. Trong lúc hai người đang vật nhau ở ruộng, thì có Lò Văn Ph1 và Lò Văn T chạy đến can ngăn và kéo hai người ra. Sau đó có cháu Quàng Văn N đưa về, lúc đó tay trái đau và chảy máu, sau khi đưa tôi (P) về cháu N tiếp tục đưa Ph xuống Trạm y tế xã. Sau đó vợ bị cáo (Lò Thị P đi tìm thuốc nam về bó tay, bị cáo không đi bệnh viện điều trị. Và thừa nhận cách ngày đánh nhau khoảng một tháng (vào tháng 3/2017 âm lịch) Phòng có đi uống rượu say về lán ruộng và rơi sàn bị ngất, một lúc tỉnh dậy có Cà Thị N vào lán và rửa vết thương ở đầu cho bị cáo, sau đó được Cà Văn H đưa đến trạm y tế xã để khâu vết thương ở trên đầu, ngoài ra không bị vết thương nào khác trên cơ thể.

Người khâu vết thương là anh C trực ở Trạm y tế xã, trong lúc khâu thì có em trai là Lò Văn Ph1 đến và chứng kiến. Sau khi khâu xong vết thương ở đầu thì người nhà đưa về không nằm điều trị ở trạm y tế xã (BL 134).

 [3.2] Người làm chứng Lò Thị P khai: Chồng chị anh Ph1 trước ngày (02/5/2017) xảy ra đánh nhau với Phạnh (chị không nhớ ngày), Phòng có bị ngã rơi sàn ở lán do say rượu, sau đó có Cà Văn H đưa xuống Trạm y tế xã và khâu vết thương ở đầu ngoài ra không bị thương tích ở chỗ nào khác. Lúc khâu vết thương có em trai chồng là Lò Văn Ph1 có mặt ở đó, người khâu vết thương là cán bộ y tế tên C, sau khi khâu xong thì về nhà. Còn hôm xảy ra đánh nhau giữa Ph với P tôi (P) ở nhà không biết, sau đánh nhau cháu N đưa P về nhà lán và quay lại đưa Ph đi Trạm y tế xã. Sau đó có đi tìm thuốc nam bó vào cổ tay trái cho P và không đưa P đi bệnh viện.

Xét thấy, lời khai của những người làm chứng (Quàng văn N, Lò Văn Ph1, Tao Văn C và Lò Thị P) phù hợp với lời khai của bị cáo P là vào tháng 3/2017 âm lịch, P có đi uống rượu say về lán và bị rơi sàn sau đó được Cà Văn H đưa đến trạm y tế xã để khâu vết thương ở trên đầu, ngoài ra không bị vết thương nào khác.

 [3.3] Đối với sự việc bị cáo P có phải bị ngã rơi sàn gãy tay hay không, thì những người làm chứng do người bào chữa xác minh (biết P ngã gãy tay do say rượu rơi sàn vào ngày 14/3/2017 âm lịch) gồm: Lò Văn T khai: biết P gãy tay do rơi sàn trước ngày đánh nhau (do nghe cô Cà Thị N kể lại), về thời gian T không nhớ; Cà Văn T khai: nghe vợ tôi (T) là Cà Thí N kể lại và không nhớ rõ P bị gãy tai trái hay phải; Lò Thị L khai: Psay rượu nên ngã sàn, thấy mọi người kêu lên, tôi không lên xem; Lò Văn S khai: sáng ra thấy anh P buộc tay nên về hỏi vợ (Lò Thị L) thì vợ bảo anh Phòng uống rượu say bị rơi sàn; Lò Văn X khai: không biết anh P bị gãy tay vào thời gian nào cả và cũng không biết sự việc đánh nhau giữa P với Ph; Lù Văn Ph2: không biết, chỉ nghe tin anh em trong bản nói; Cà Thị N khai: vào ngày 14/3/2017 âm lịch, N có xuống nhà em trai, khi đi qua nhà ông P thì ông P gọi vào lán, N thấy ông P đầu chảy máu, tay trái xưng lên, cả người dính bùn và có rửa vết thương trên đầu. Nhía hỏi thì ông Phòng bảo bị ngã sàn rơi xuống, lúc đó chỉ có mỗi mình N sau đó còn thay quần áo cho ông P. Và thừa nhận trước đây giữa N và P đã từng có mâu thuẫn với nhau. Như vậy, lời khai của Lò Văn T, Cà Văn T, Lò Văn S, Lò Thị L, Lù Văn Ph2 đều không trực tiếp chứng kiến sự việc P say rượu ngã rơi sàn như thế nào, nên không có căn cứ chấp nhận. Còn lời khai của Cà Thị N, phù hợp với lời khai của bị cáo P là có say rượu ngã rơi sàn bị ngất, khi tỉnh dậy có Cà Thị N vào lán và rửa vết thương ở đầu cho bị cáo.

 [4] Ngoài ra: Tại phiên tòa ngày hôm nay bị cáo Ph thừa nhận quá trình điều tra, truy tố, xét xử ở cấp sơ thẩm, bị cáo hoàn toàn tự nguyện khai, không bị bức cung, mớm cung dùng nhục hình (bị cáo khai: chỉ duy nhất một lần bị đánh “tát một phát”, tại cơ quan điều tra và không nhớ ngày tháng); tại biên bản xác định lại hiện trường và tiến hành thực nghiệm điều tra, cả hai bị cáo đã tự nguyện thực hiện lại các hành vi xảy ra đánh nhau vào ngày 02/5/2017, có bản ảnh hiện trường; mặt khác tại biên bản đối chất, hai bị cáo đều thừa nhận toàn bộ hành vi của mình, phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, phù hợp với kết luận giám định và chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, có căn cứ khẳng định trong quá trình điều tra lấy lời khai, hỏi cung, bị cáo tự nguyên khai và không bị ép cung.

 [5] Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở khẳng định kháng cáo kêu oan của bị cáo Ph cho rằng: “hôm sảy ra sự việc đánh nhau (02/5/2017), bị cáo có cầm một gậy gỗ mục đích chỉ phòng thân và không đánh gãy tay trái của bị cáo P, việc P bị gãy tay là do say rượu ngã rơi sàn trước đó” là không có cơ sở chấp nhận. Như vậy, có đủ cơ sở kết luận: Vào khoảng 17 giờ ngày 02 tháng 5 năm 2017 tại lán ruộng của Ph thuộc bản NH 3, xã NH, huyện SH, tỉnh Lai Châu; do mâu thuẫn về đất đai, Ph dùng một đoạn gậy gỗ hình tròn có chiều dài 94 cm, hai đầu gậy to bằng nhau có đường kính 2,5 cm còn P dùng một đoạn gậy gỗ hình tròn có chiều dài 1,28 m đầu to nhất có đường kính 0,5 cm, một đầu nhọn cùng lao vào đánh nhau. Ph dùng hai tay cầm gậy vụt một nhát vào sườn bên trái và một nhát vào cẳng tay trái của P, gây tổn thương cho Phòng với tỷ lệ 21%; còn P dùng tay phải cầm gậy vụt một nhát trúng vào thái dương bên trái của Ph làm Ph ngã xuống ruộng. Phòng tiếp tục dùng gậy vụt vào Ph, Ph dơ hai tay lên đỡ và bị gãy tay phải, gây ra tỷ lệ tổn thương cơ thể của Ph là 22%.

 [6] Việc Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét quy kết tội danh, tuyên bố các bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 là có căn cứ pháp luật, đúng người, đúng tội, không oan. Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015 đảm bảo nguyên tắc có lợi cho bị cáo. Xử phạt bị cáo ở mức 02 năm tù là tương xứng với tính chất nguy hiểm cho xã hội và hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.

 [7] Người bào chữa cho bị cáo Ph cho rằng: Lời khai của bị cáo Pcó nhiều mâu thuẫn. Trong hồ sơ vụ án không có hồ sơ bệnh án của bị cáo P. Cơ quan CSĐT Công an huyện SH vẫn yêu cầu giám định là thiếu cơ sở và chưa đảm bảo tính khách quan. Tuy nhiên tại phiên tòa công khai ngày hôm nay, lời khai của bị cáo P phù hợp với các tài liệu, chứng cứ thu thập có trong hồ sơ vụ án. Bị cáo P và vợ (Lò Thị P) thừa nhận sau đánh nhau bị gãy tay trái chỉ ở nhà bó thuốc nam mà không đi bệnh viện điều trị và từ khi sảy ra đánh nhau đến hôm nay, P chỉ đến bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu một lần theo yêu cầu của Cơ quan điều tra. Việc Cơ quan CSĐT quyết định trưng cầu giám định và Trung tâm pháp y Sở y tế tỉnh Lai Châu, thực hiện giám định đảm bảo đúng quy định tại Điều 25 luật Giám định tư pháp, ngày 20/6/2012. Vì vậy, ý kiến của người bào chữa không có căn cứ chấp nhận.

[8] Kháng cáo của bị cáo không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận và giữ nguyên án sơ thẩm nên bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

 [9] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lò Văn Ph, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 39/2018/HSST, ngày 21- 8 - 2018 của Tòa án nhân dân huyện SH, tỉnh Lai Châu như sau:

Áp dụng đ khoản 2 Điều 134, điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51, Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015; các Điều 106, 135,136, 331, 333 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuyên bố: bị cáo Lò Văn Ph phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Xử phạt bị cáo Lò Văn Ph: 02 năm tù được khấu trừ thời hạn tạm giam 79 ngày (từ ngày 11 tháng 12 năm 2017 đến ngày 27 tháng 02 năm 2018) bị cáo Lò Văn Ph còn phải chấp hành 01 năm 09 tháng 11 ngày tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo vào trại chấp hành án.

Bị cáo Lò Văn Ph phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (31/10/2018).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

370
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 08/2018/HS-PT ngày 31/10/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:08/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lai Châu
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 31/10/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về