Bản án 07/2020/KDTM-PT ngày 28/08/2020 về tranh chấp bồi thường phát sinh từ hợp đồng phát thư tín dụng có kỳ hạn (L/C trả chậm)

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

BẢN ÁN 07/2020/KDTM-PT NGÀY 28/08/2020 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG PHÁT SINH TỪ HỢP ĐỒNG PHÁT THƯ TÍN DỤNG CÓ KỲ HẠN (L/C TRẢ CHẬM)

Ngày 28 tháng 8 năm 2020, tại Trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Nam Định xét xử phúc thẩm công khai vụ án Kinh doanh thương mại thụ lý số 02/2020/TLPT- KDTM ngày 16 tháng 01 năm 2020 về tranh chấp: “Đòi bồi thường phát sinh từ hợp đồng phát thư tín dụng có kỳ hạn (L/C trả chậm)”.

Do Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 18/2019/KDTM-ST ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Toà án nhân dân thành phố Nam Định bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 83/2020/QĐXXPT-KDTM ngày 10 tháng 6 năm 2020, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty cổ phần T; Địa chỉ: Lô C6-1, L1+L3 khu công nghiệp H, thành phố N, tỉnh N:

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn C, chức vụ: Giám đốc công ty.

 Người đại diện theo ủy quyền: Bà Trần Thị T1, sinh năm 1984. Đăng ký hộ khẩu thường trú: số 53 H, phường N, thành phố N, tỉnh N. Nơi cư trú: số 68 đường Đ, khu đô thị H, phường L, thành phố N, tỉnh N. (Theo văn bản đồng ủy quyền ngày 22 tháng 7 năm 2019).

- Bị đơn: Ngân hàng thương mại cổ phần K (T2); Địa chỉ: số 191 đường B, phường L, quận H, thành phố H.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Hồ Hùng H, chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Phạm Thị N, chức vụ: Giám đốc xử lý nợ khối quản trị rủi ro - Ngân hàng Thương mại cổ phần K. (Theo văn bản ủy quyền số 1218/2017/QĐ-HĐQT ngày 27 tháng 9 năm 2017 của Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần K) Những người đại diện theo ủy quyền lại:

Bà Hoàng Minh T3, ông Nguyễn Hữu Tiến A1, ông Dư Văn G - Cán bộ xử lý nợ - Ngân hàng thương mại cổ phần K. (Theo văn bản ủy quyền lại số 846/2019/UQ- TCB ngày 17 tháng 8 năm 2019).

3. Người kháng cáo: Công ty cổ phần T (Nguyên đơn) và Ngân hàng thương mại cổ phần K (Bị đơn).

Tại phiên tòa: có mặt bà Trần Thị T1, bà Hoàng Minh T3, bà Phạm Thị N.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo nội dung đơn khởi kiện, tại bản tự khai và quá trình tham gia tố tụng và tại phiên tòa, nguyên đơn là Công ty cổ phần T trình bày: Do cần bông nguyên liệu để sản xuất nên ngày 08-02-2012 Công ty cổ phần T (sau đây viết tắt là CTCP T) ký kết Hợp đồng mua bán F-138 (được sửa đổi ngày 17-02-2012) với Công ty T4 COTTON CO.,LTD (sau đây gọi tắt là công ty T4) để mua 108 tấn bông nguyên trong đó quy định thanh toán qua phương thức thư tín dụng. Vì vậy, ngày 07-3- 2012 CTCP T có gửi Yêu cầu phát hành thư tín dụng, đề nghị Ngân hàng thương mại cổ phần K- chi nhánh Nam Định (sau đây viết tắt là T2) phát hành thư tín dụng cho đối tác của CTCP T trong Hợp đồng F-138 là Công ty T4. Nội dung yêu cầu phát hành thư tín dụng như sau: Số tiền thanh toán: 235.440 USD; Thời hạn thanh toán: trả chậm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày vận đơn (tức là ngày hàng hoá được xếp xuống tàu); Thời gian xuất trình: Trong vòng 15 ngày sau ngày chất hàng và vẫn trong thời gian tín dụng còn hiệu lực; Chỉ thị của CTCP T cho T2: Trong trường hợp bộ chứng từ không hợp lệ T2 có toàn quyền từ chối thanh toán. Trong trường hợp CTCP T có văn bản gửi tới Ngân hàng chấp nhận Bộ chứng từ không hợp lệ, Ngân hàng có quyền thực hiện thanh toán và T cam kết chịu trách nhiệm thanh toán, chi trả theo LC này; CTCP T đề nghị ký quỹ 15%, thanh toán 85% bằng vốn tự có; Thời hạn thanh toán 85% vốn tự có của CTCP T cho Teckcombank là 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày T2 thông báo chứng từ phù hợp; Trách nhiệm thanh toán của CTCP T cho T2 là trong mọi trường hợp khi T2 thanh toán theo thư tín dụng được mở theo yêu cầu của CTCP T. Nếu CTCP T vi phạm thời hạn thanh toán với T2 thì bị phạt vi phạm và chịu lãi suất quá hạn 150% đến khi thanh toán xong. Lệnh giao hàng bằng chứng từ được thực hiện bởi T2. Phí mở LC là 7.057.620 đồng.

Ngoài ra, trong yêu cầu mở tín dụng thư còn có các điều khoản khác theo quy định của pháp luật về mở LC.

Ngày 08-3-2012 T2 - chi nhánh Nam Định đã phát hành thư tín dụng mã số TF1206801025/NDH cho người hưởng lợi là Công ty T4. Quy tắc áp dụng là phiên bản mới nhất của UCP600. Số tiền thanh toán theo LC là 235.440 USD. Thời hạn thanh toán: trả chậm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày vận đơn. Ngoài ra, trong yêu cầu mở tín dụng thư không có điều khoản về ngôn ngữ nhưng T2 - chi nhánh Nam Định vẫn đưa vào mục 47A, về các điều kiện bổ sung là các hối phiếu và tất cả các chứng từ phải được cấp bằng ngôn ngữ Tiếng Anh.

Quá trình thực hiện Yêu cầu phát hành thư tín dụng: Căn cứ vào yêu cầu phát hành thư tín dụng, ngày 08-3-2012 CTCP T đã nộp số tiền ký quỹ 15% là 780.056.952 đồng và nộp phí mở LC là 7.057.620 đồng, nộp phí điện LC (cả VAT) là 701.188 đồng theo yêu cầu của T2. Ngày 10-5-2012 CTCP T nhận được bản Fax do hãng vận chuyển thông báo chuyến hàng bông mà CTCP T mua theo hợp đồng F-138 đã đến cảng Hải Phòng. Ngày 16-5-2012 CTCP T đã nhận được 1 bản gốc vận đơn do Công ty T4 gửi trực tiếp cho CTCP T. Vận đơn ghi ngày 04-4- 2012. Do T2 cho rằng bộ chứng từ có sai sót nên Công ty T4 đã 2 lần thực hiện việc sửa đổi. Ngày 25-6-2012 giữa CTCP T và Công ty T4 cũng đã có văn bản thoả thuận, theo đó Công ty T4 cam kết chịu toàn bộ tiền lưu Cont và sẽ trả cho CTCP T 15.000 USD khi CTCP T nhận được bộ chứng từ có lệnh giao hàng từ Ngân hàng T2. Ngày 27-6-2012 CTCP T nhận được thông tin bằng văn bản của T2 - Chi nhánh Nam Định ghi ngày 26-6-2012 với tiêu đề “Thông báo chứng từ sửa đổi thay thế” có nội dung: Bộ chứng từ có sai sót là “1. LATE PRESENTATION”. Ngoài ra không có thông báo sai sót nào khác. T2 yêu cầu CTCP T phải có ý kiến về sai sót của bộ chứng từ muộn nhất là ngày 29-6-2012. Sau thời hạn này nếu không nhận được sự trả lời của CTCP T thì T2 sẽ gửi điện từ chối thanh toán bộ chứng từ. Ngày 29-6-2012 CTCP T đã gửi thông báo (liền trong phần cuối của thông báo 26-6-2012 do T2 phát hành) có nội dung chấp nhận thanh toán một phần số tiền là 171.757,98 USD được hiểu là thanh toán số tiền nói trên cho bộ chứng từ. Hình thức văn bản thể hiện là đánh dấu vào ô tương ứng số 3, Giám đốc CTCP T là ông Nguyễn Văn C đã ký tên, đóng dấu. Ngoài ra CTCP T còn gửi Công văn số 33/CV-CT ngày 29-6-2012 cho T2 với nội dung chấp nhận sai sót của bộ chứng từ và đề nghị T2 thanh toán một phần số tiền 171.757,98 USD cho ngân hàng nước ngoài và khẳng định có trách nhiệm thanh toán số tiền 60.000USD còn lại cho công ty T4. Vào 16 giờ 25 phút ngày 02-7-2012 CTCP T nhận được Công văn số 80- 2012 của T2 - Chi nhánh Nam Định chỉ thực hiện phát điện chấp nhận thA1 toán tiền cho Ngân hàng nước ngoài khi CTCP T có đủ số tiền bằng Đô la Mỹ trên tài khoản mở tại T2 - Chi nhánh Nam Định và sẽ được T2 phong toả tài khoản chậm nhất vào 17 giờ ngày 02-7-2012. Trường hợp CTCP T không đáp ứng được yêu cầu thì T2 sẽ chuyển trả bản gốc Bộ chứng từ cho Ngân hàng nước ngoài. Ngày 03-7-2012 CTCP T khiếu nại đòi bồi thường do T2 vi phạm chỉ thị của yêu cầu phát hành thư tín dụng ngày 07-3-2012 khi không thực hiện chỉ thị của CTCP T yêu cầu T2 thanh toán 171.757,98 USD cho Công ty T4. Vi phạm thời hạn thanh toán qui định tại Mục 42C của yêu cầu phát hành thư tín dụng, vận đơn ghi ngày 04-4-2012 thì ngày thanh toán là ngày 03-7-2012 nhưng T2 lại yêu cầu CTCP T thanh toán trước hạn là ngày 02-7-2012 là vi phạm về thời hạn báo trước 03 ngày làm việc đã gây thiệt hại cho CTCP T. CTCP T khởi kiện yêu cầu T2 bồi thường các khoản thiệt hại cụ thể như sau:

+ Phí VAT của phí điện mở thư tín dụng số TF1206801025/NDH là 63.108 đồng (sáu mươi ba nghìn một trăm linh tám đồng) + Phí điện thư tín dụng số TF1206801025/NDH là là 631.080 đồng (sáu trăm ba mươi mốt nghìn không trăm tám mươi đồng) + Phí mở thư tín dụng số TF1206801025/NDH là 7.057.620 đồng (bẩy triệu không trăm năm mươi bẩy nghìn sáu trăm hai mươi đồng) + Các khoản lợi nhuận lẽ ra CTCP T được hưởng từ việc mua được nguyên liệu bông theo Hợp đồng mua bán F-138 để sản xuất sợi và bán cho các đối tác nêu tại các hợp đồng nguyên tắc: số 03/2012/TĐ-MA ngày 31-12-2011, số 34/2012/TĐ- TL ngày 13-3-2012, số 02/2012/TĐ-HA ngày 31-12-2011, số 37/2012/TĐ-PB ngày 25-04-2012 và các phụ lục hợp đồng của các hợp đồng nguyên tắc đó là 3.517.405.076 đồng (ba tỷ năm trăm mười bẩy triệu bốn trăm linh năm nghìn không trăm bảy mươi sáu đồng) + Các khoản CTCP T phải bị phạt hợp đồng bán sợi từ các công ty đối tác gồm: Công ty M là 1.247.449.896 đồng; Công ty T4 là 492.606.576 đồng; Hợp tác xã H là 942.263.784 đồng; Công ty cổ phần dệt may P là 1.093.651.944 đồng. Tổng số tiền CTCP T phải bị phạt trong các hợp đồng là 3.775.972.200 đồng nhưng CTCP T chỉ yêu cầu T2 phải bồi thường số tiền 1.036.812.000 đồng (một tỷ không trăm ba mươi sáu triệu tám trăm mười hai nghìn đồng) + Khoản tiền CTCP T bị phạt vi phạm Hợp đồng kinh tế số 07/2012/TĐ-ĐH ngày 31-12-2011 và Phụ lục hợp đồng số 02/TĐ-ĐH ngày 10-02-2012 đối với Công ty TNHH Đức Hiếu là 201.600.000 đồng (hai trăm linh một triệu sáu trăm nghìn đồng) + Số tiền 15.000USD tương đương với 347.355.000 đồng (ba trăm bốn mươi bẩy triệu ba trăm năm mươi lăm nghìn đồng) (tỷ giá 23.157VNĐ/1USD) mà Công ty T4 cam kết trả cho CTCP T khi CTCP T có được bộ chứng từ từ T2.

Tổng số tiền CTCP T yêu cầu Ngân hàng T2 bồi thường thiệt hại là 5.110.923.884 đồng (năm tỷ một trăm mười triệu chín trăm hai mươi ba nghìn tám trăm tám mươi tư đồng).

Tại bản tự khai, quá trình tham gia tố tụng và tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền lại của bị đơn - Ngân hàng thương mại cổ phần T2 trình bày: Giữa CTCP T và T2 - chi nhánh Nam Định có ký Hợp đồng cung cấp hạn mức mở thư tín dụng số 989/HDHM-LC/TCB-NDH ngày 13-01-2012. Hạn mức được cung cấp cụ thể là 45 tỷ đồng. Trên cơ sở hạn mức này, CTCP T đã gửi đề nghị phát hành thư tín dụng để đảm bảo thanh toán cho Hợp đồng F-138. Người hưởng lợi là Công ty T4 COTTON CO.LTD 11611 Forest central Drive, P.O.BOX 740008 - Dallas Texas 75243, số tiền 234.440,00 USD. Tại phần chỉ thị cho T2, CTCP T khẳng định sẽ ký quỹ 15% giá trị LC và thanh toán 85% giá trị LC bằng vốn tự có. Như vậy, trường hợp này CTCP T đề nghị phát hành thư tín dụng bằng vốn tự có, không sử dụng hạn mức vốn vay của T2. Điều đó đồng nghĩa với việc CTCP T phải nộp tiền vào tài khoản được lập tại T2 để thực hiện nghĩa vụ thanh toán với đối tác của mình, T2 không có nghĩa vụ phát vay bắt buộc đối với CTCP T trong trường hợp bộ chứng từ có sai sót. Khi bộ chứng từ có sai sót, T2 hoàn toàn có quyền từ chối thanh toán thư tín dụng này. Về các nội dung cơ bản của thư tín dụng do T2 phát hành ngày 08-3-2012 đã tuân thủ các quy định của pháp luật. Việc đưa điều kiện bổ sung ngôn ngữ Tiếng Anh là thực hiện theo đoạn cuối của yêu cầu phát hành thư tín dụng ngày 07-3-2012 và theo thông lệ chung giữa các ngân hàng khi thực hiện thanh toán quốc tế. Ngày 08-3-2012 CTCP T đã nộp số tiền ký quỹ 15% là 780.056.952 đồng và đã nộp phí mở LC là 7.057.620 đồng, nộp phí điện LC (cả VAT) là 694.188 đồng. Quá trình thực hiện cụ thể như sau:

Vào 17 giờ ngày 24-4-2012 T2 nhận được một bộ chứng từ gốc từ Ngân hàng nước ngoài gửi về, vận đơn ghi ngày 04-4-2012. Ngày 25-4-2012 T2 gửi thông báo chứng từ không hợp lệ cho CTCP T. Nội dung có 2 lỗi: “1. C/O: NOT ISSUED IN ENGLISH” có nghĩa là “Chứng từ không được phát hành bằng Tiếng A1” và “2. PL: NOT ISSUED IN ENGLISH PARTIALLY”. Giải thích cụ thể có nghĩa là bộ chứng từ đã có 2 lỗi là: “1. Chứng từ xuất xứ hàng hoá không được phát hành bằng Tiếng Anh” và “2. Bản kê chi tiết, đóng gói hàng hoá một phần không được phát hành bằng Tiếng Anh”. Cùng ngày 25-4-2012 T2 nhận được trả lời về sai sót của bộ chứng từ. Theo đó CTCP T đã yêu cầu chuyển trả bộ chứng từ và chịu mọi chi phí liên quan đến chuyển trả bộ chứng từ. Thể hiện bằng việc CTCP T đánh dấu vào ô số 4 phần cuối văn bản thông báo, Giám đốc CTCP T là ông Nguyễn Văn C ký tên, đóng dấu. Vào 17 giờ ngày 28-5-2012 T2 nhận được bộ chứng từ thay thế từ Ngân hàng nước ngoài. Ngày 29-5-2012 T2 gửi thông báo chứng từ không hợp lệ cho CTCP T. Nội dung có có 01 lỗi: “1. C/O: NOT ISSUED IN ENGLISH” có nghĩa là “Chứng từ xuất xứ hàng hoá không được phát hành bằng Tiếng A1”. Vào 10 giờ ngày 25-6-2012 T2 nhận được bộ chứng từ thay thế từ Ngân hàng nước ngoài. Ngày 26-6-2012 T2 thông báo cho CTCP T bằng văn bản có nội dung: Bộ chứng từ có 01 sai sót là “1. LATE PRESENTATION”. Được hiểu là “Bộ chứng từ xuất trình muộn”. T2 yêu cầu CTCP T phải có ý kiến về sai sót của bộ chứng từ muộn nhất là ngày 29-6-2012. Sau thời hạn này nếu không nhận được sự trả lời của CTCP T thì T2 sẽ gửi điện từ chối thanh toán bộ chứng từ. CTCP T đã gửi thông báo ghi ngày 29-6-2012 (chưa rõ thời điểm nhận). Nội dung chấp nhận thanh toán một phần số tiền là 171.757,98 USD - được hiểu là thanh toán số tiền nói trên cho bộ chứng từ. Hình thức văn bản thể hiện đã đã đánh dấu vào ô tương ứng số 3, Giám đốc CTCP T là ông Nguyễn Văn C ký tên, đóng dấu. Mặc dù CTCP T đã chấp nhận thanh toán bộ chứng từ có sai sót vào ngày 29- 6-2012, nhưng CTCP T không nộp đủ số tiền để thanh toán LC này vào tài khoản được lập tại T2 để T2 thanh toán cho người thụ hưởng theo chỉ định của Yêu cầu phát hành thư tín dụng ngày 07-3-2012. Theo thông lệ quốc tế, cụ thể là Ấn phẩm UCP600 do Phòng thương mại Quốc tế tại Pari, Pháp phát hành thì T2 chỉ thA1 toán LC vô điều kiện trong trường hợp Bộ chứng từ hoàn hảo, không có sai sót. Quyền này cũng được ghi rõ trong đoạn 3 của phần chỉ thị thuộc Yêu cầu phát hành thư tín dụng: “Trường hợp bộ chứng từ không hợp lệ, T2 có toàn quyền từ chối thanh toán. Trong trường hợp chúng tôi có văn bản yêu cầu thanh toán gửi tới Ngân hàng (chấp nhận bộ chứng từ không hợp lệ), Ngân hàng có quyền thực hiện thanh toán...”. Như vậy, T2 có quyền từ chối thanh toán và không có nghĩa vụ “phải thanh toán” thư tín dụng này khi CTCP T chấp nhận bộ chứng từ có sai sót. Trên thực tế, CTCP T chấp nhận thanh toán nhưng không nộp tiền vào tài khoản theo quy định, cho dù T2 đã có văn bản gửi cho CTCP T vào ngày 02-7-2012. Theo quy định về thanh toán thư tín dụng cũng như Yêu cầu phát hành thư tín dụng ngày 07-3-2012, T2 chỉ chuyển bộ chứng từ gốc cho CTCP T sau khi CTCP T nộp đủ tiền vốn tự có (85% số tiền còn lại) vào tài khoản lập tại T2 - Chi nhánh Nam Định để phục vụ thanh toán LC. Nội dung này đã được T2 thông báo cho CTCP T nhiều lần. Cho đến 9 giờ 56 phút ngày 02-7-2012, T2 nhận được điện của ngân hàng nước ngoài về việc yêu cầu chuyển trả bộ chứng từ qua đường chuyển phát. Đến thời điểm đó, CTCP T vẫn không có đủ số tiền thanh toán trên tài khoản, bởi vậy theo thông lệ quốc tế, T2 phải thực hiện chuyển trả bộ chứng từ cho ngân hàng nước ngoài vì chỉ thị của ngân hàng nước ngoài đòi lại bộ chứng từ đến trước và T2 thực hiện theo chỉ thị này là hoàn toàn đúng. Về việc từ chối thanh toán Bộ chứng từ và trả lại Bộ chứng từ T2 đã thực hiện đúng theo qui định của ngân hàng và không có lỗi trong việc từ chối thanh toán cũng như trả lại Bộ chứng từ cho ngân hàng nước ngoài nên không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của CTCP T. Đề nghị Toà án nhân dân thành phố Nam Định bác yêu cầu khởi kiện của CTCP T.

Tại Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 18/2019/KDTM-ST ngày 27- 11-2019, Toà án nhân dân thành phố Nam Định đã QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 302, Khoản 1, Khoản 2 Điều 307 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.

Căn cứ vào Điểm b, g Khoản 1 Điều 40, khoản 1 Điều 147, Điểm b Khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Căn cứ Án lệ số 13/2017/AL được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 14-12-2017:

Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 13 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Khoản 3 Điều 28 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:

Căn cứ vào Khoản 4 Điều 27 Pháp lệnh án phí và lệ phí Tòa án năm 2009.

1.Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường phát sinh từ hợp đồng phát thư tín dụng có kỳ hạn (L/C trả chậm) của Công ty cổ phần T.

Buộc Ngân hàng thương mại cổ phần K(T2) phải bồi thường thiệt hại cho Công ty cổ phần T là 3.557.646.718 (ba tỷ năm trăm năm mươi bẩy triệu sáu trăm bốn mươi sáu nghìn bẩy trăm mười tám đồng).

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, tuyên biện pháp đảm bảo thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 06 tháng 12 năm 2019, Công ty cổ phần T có kháng cáo với nội dung: Bản án sơ thẩm đã buộc Công ty cổ phần T phải chịu lỗi 70% là chưa đúng pháp luật, không đảm bảo quyền lợi của Công ty cổ phần T. Vì Công ty cổ phần T không có lỗi trong việc để xảy ra thiệt hại và khoản tiền chi phí cố định. Yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm buộc T2 phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Công ty cổ phần T theo đơn yêu cầu.

Ngày 28 tháng 11 năm 2019, Ngân hàng TMCP K có kháng cáo với nội dung:

 Về tố tụng: Bà Nguyễn Thị Thanh N - Luật sư thuộc Văn phòng luật sư T, Đoàn luật sư thành phố H là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng TMCP K mới được triệu tập tham gia phiên toà xét xử sơ thẩm lần thứ nhất có đơn đề nghị hoãn phiên toà nhưng lại không được chấp thuận. Như vậy là vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền lợi của Ngân hàng theo quy định tại khoản 1 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Về nội dung vụ án: Toà án nhân dân Thành phố Nam Định đã không xem xét, đánh giá một cách đúng đắn, khách quan, toàn diện các chứng cứ trong hồ sơ vụ án để đưa ra phán quyết cho rằng T2 có lỗi nhiều hơn và phải bồi thường cho công ty T tương ứng với tỷ lệ lỗi là 70%.

Đề nghị Toà án nhân dân tỉnh Nam Định xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm theo thủ tục phúc thẩm. Huỷ bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Tại phiên toà phúc thẩm:

- Công ty cổ phần T và Ngân hàng TMCP K đã thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Theo nội dung thoả thuận thì: Công ty T đồng ý không yêu cầu Ngân hàng TMCP K phải thực hiện bất kỳ khoản bồi thường thiệt hại nào, Ngân hàng TMCP K cũng không phải thực hiện bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào cho Công ty T đối với bất kỳ thiệt hại trực tiếp và/hoặc gián tiếp nào phát sinh từ/liên quan đến Hợp đồng cung cấp hạn mức mở thư tín dụng số 989/HĐHM-LC/TCB- NDH ký ngày 13-01-2012 giữa Ngân hàng TMCP K và Công ty T và Thư tín dụng mã số TF1206801025/NDH do Ngân hàng TMCP K mở ngày 8/3/2012 cho người hưởng lợi là Công ty T4.

- Đại diện VKS trình bày quan điểm:

Qua công tác kiểm sát thấy rằng: Việc thụ lý vụ án và thông báo về việc thụ lý vụ án đảm bảo đúng quy định tại Điều 285. Quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán đã chấp hành đúng quy định tại Điều 48. Về thời hạn chuẩn bị xét xử đảm bảo đúng quy định Điều 286 Bộ luật tố tụng dân sự. Tại phiên toà, Hội đồng xét xử, Thư ký đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về phiên toà phúc thẩm. Các đương sự đã chấp hành đúng các qui định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Tại phiên toà các đương sự đã tự nguyện thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và có đơn đề nghị HĐXX công nhận sự thoả thuận. Đề nghị HĐXX căn cứ Điều 300 Bộ luật tố tụng dân sự, sửa bản án sơ thẩm, công nhận sự thoả thuận của các đương sự. Về án phí đương sự phải nộp theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Tại phiên toà, đại diện theo uỷ quyền của Công ty cổ phần T và đại diện theo uỷ quyền của Ngân hàng TMCP K đã tự nguyện thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Xét thoả thuận của các đương sự là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Do vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, công nhận sự thoả thuận của Công ty cổ phần T và Ngân hàng TMCP K.

[2] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã phát sinh hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[3] Về án phí: các đương sự phải nộp án phí theo qui định của pháp luật. Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: Điều 300; khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự. Sửa bản án sơ thẩm.

1. Công nhận sự tự nguyện thoả thuận của Công ty cổ phần T với Ngân hàng thương mại cổ phần K (T2).

Công ty cổ phần T đồng ý không yêu cầu Ngân hàng thương mại cổ phần Kphải thực hiện bất kỳ khoản bồi thường thiệt hại nào, Ngân hàng thương mại cổ phần Kcũng không phải thực hiện bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào cho Công ty cổ phần T đối với bất kỳ thiệt hại trực tiếp và/hoặc gián tiếp nào phát sinh từ/liên quan đến Hợp đồng cung cấp hạn mức mở thư tín dụng số 989/HĐHM-LC/TCB- NDH ký ngày 13/01/2012 giữa Ngân hàng thương mại cổ phần Kvà Công ty cổ phần T và Thư tín dụng mã số TF1206801025/NDH do Ngân hàng TMCP K mở ngày 08/3/2012 cho người hưởng lợi là Công ty T4.

2. Về án phí:

Căn cứ Pháp lệnh án phí và lệ phí Tòa án năm 2009; khoản 5 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

- Công ty cổ phần T phải nộp: 2.000.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm và 2.000.000 đồng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Đối trừ số tiền 30.200.000 đồng do Trần Thị L đã nộp theo biên lai thu tiền số AB/2010/0003588 ngày 05-6-2013; số tiền 200.000 đồng do Trần Thị L đã nộp theo biên lai thu tiền số BB/2012/04088 ngày 25-4-2014 và số tiền 2.000.000 đồng do Trần Thị T1 đã nộp theo biên lai thu tiền số AA/2016/0002645 ngày 12-12- 2019 đều tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Nam Định. Hoàn trả lại cho Công ty cổ phần T số tiền là 28.400.000 đồng (Hai mươi tám triệu bốn trăm nghìn đồng).

- Ngân hàng thương mại cổ phần K phải nộp: 2.000.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm và 2.000.000 đồng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Đối trừ số tiền 200.000 đồng do Đoàn Thanh L đã nộp theo biên lai thu tiền số BB/2012/04087 ngày 25-4-2014 và số tiền 2.000.000 đồng đã nộp theo biên lai thu tiền số AA/2016/0002617 ngày 06-12-2019 đều tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Nam Định. Ngân hàng thương mại cổ phần K còn phải nộp 1.800.000 đồng (Một triệu tám trăm nghìn đồng).

Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

4346
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 07/2020/KDTM-PT ngày 28/08/2020 về tranh chấp bồi thường phát sinh từ hợp đồng phát thư tín dụng có kỳ hạn (L/C trả chậm)

Số hiệu:07/2020/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Nam Định
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 28/08/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!