Bản án 07/2020/HNGĐ-ST ngày 11/08/2020 về ly hôn, tranh chấp nuôi con

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN MƯỜNG CHÀ, TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 07/2020/HNGĐ-ST NGÀY 11/08/2020 VỀ LY HÔN, TRANH CHẤP NUÔI CON

Ngày 11 tháng 8 năm 2020, tại phòng xử án Tòa án nhân dân huyện Mường Chà tiến hành mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án Hôn nhân gia đình thụ lý số: 32/2020/HNGĐ-ST ngày 15/6/2020 về việc ly hôn, tranh chấp nuôi con, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 06/2020/QĐST-HNGĐ ngày 27 tháng 7 năm 2020, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Chị V T I - Sinh năm 1983 Địa chỉ: Bản H C 2, xã M T H, huyện M C, Tỉnh Điện Biên - Có mặt.

2. Bị đơn: Anh G A T - Sinh năm 1982.

Địa chỉ: Bản H C 2, xã M T H, huyện M C, Tỉnh Điện Biên.

Hiện đang chấp hành án phạt tù tại trại giam Nà Tấu, xã Nà Tấu, huyện Điện Biên, Tỉnh Điện Biên - Vắng mặt có lý do.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị V T I là ông P V H thuộc văn phòng luật sư P V H là Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý, thuộc trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước Tỉnh Điện Biên - Vắng mặt có lý do.

- Người phiên dịch cho nguyên đơn chị V T I là chị Vừ Thị Sùng - Sinh năm: 1990. Địa chỉ: Bản 36, xã S L,huyện M C, Tỉnh Điện Biên. – Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 02/6/2020, bản tự khai và trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa ngày hôm nay, nguyên đơn chị V T I trình bày:

* Về hôn nhân: Chị và anh G A T sau khi quen biết nhau, muốn được chung sống với nhau, anh chị báo cáo hai bên gia đình, tổ chức lễ cưới từ năm 1998 theo phong tục tập quán của địa phương và không đăng ký kết hôn với nhau. Sau khi tổ chức đám cưới anh chị về chung sống với nhau tại bản H C 2, xã M T H, huyện M C. Thời gian đầu hạnh phúc, cho đến năm 2010 mới bắt đầu phát sinh mâu thuẫn, nguyên nhân là do trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày giữa vợ chồng không tìm được tiếng nói chung, anh T lao vào con đường nghiện chất ma túy, chị đã nhiều lần khuyên bảo anh T từ bỏ ma túy nhưng anh T không nghe, tài sản trong gia đình có giá trị anh T đem bán lấy tiền mua ma túy để sử dụng hiện không còn tài sản gì đáng giá, từ đó giữa vợ chồng thường xuyên xảy ra cãi nhau đôi khi dẫn đến xô xát. Năm 2016 anh T vi phạm pháp luật có liên quan đến ma túy bị Tòa án xét xử, xử phạt tù, hiện anh T đang chấp hành án tại trại giam Nà Tấu. Nay chị không còn tình cảm vợ chồng với anh T, mục đích hôn nhân không đạt được, cuộc sống chung không thể kéo dài và để đảm bảo cho cuộc sống của chị và các con sau này, chị làm đơn này đề nghị Tòa án giải quyết cho chị được ly hôn với anh G A T.

Về con chung: Anh chị có 04 con chung, cháu G S D sinh ngày 20/10/1999, G A S sinh ngày 30/6/2002, G A T sinh ngày 12/01/2009 và cháu G A T sinh ngày 16/01/2010. Cháu G S D sinh ngày 20/10/1999 đã đủ tuổi trưởng thành, cháu G A S sinh ngày 30/6/2002 khi chị làm đề nghị giải quyết cháu chưa đủ tuổi trưởng thành (18 tuổi) nhưng đến ngày Tòa án xét xử vụ án cháu đã đủ tuổi trưởng thành (18 tuổi). Vậy đối với cháu D và cháu Sơ chị không yêu cầu Tòa án giải quyết. Hiện anh T đang chấp hành án tại trại giam không có điều kiện để chăm sóc nuôi con, chị có nguyện vọng muốn được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu G A T sinh ngày 12/01/2009 và cháu G A T sinh ngày 16/01/2010 cho đến khi các cháu đủ tuổi trưởng thành, không yêu cầu anh T cấp dưỡng nuôi con cùng với chị.

Về tài sản chung: Không yêu cầu Tòa án giải quyết. Về nợ: Không có, không yêu cầu giải quyết.

* Ang G A T vắng mặt có lý do. Tuy nhiên tại biên bản lấy lời khai ngày 24/6/2020 bị đơn anh G A T trình bày.

Về hôn nhân: Anh và chị I sau một thời gian tìm hiểu, được sự nhất trí của hai gia đình đã tổ chức đám cưới theo phong tục tập quán tại địa phương từ năm 1998, anh chị không đăng ký kết hôn với nhau. Trong cuộc sống hàng ngày giữa vợ chồng có xảy ra mâu thuẫn với nhau nhưng chưa đến mức phải ly hôn với nhau. Nay anh phải chấp hành án tại trại giam nhưng anh vẫn còn tình cảm vợ chồng với chị I, muốn được hàn gắn và đoàn tụ gia đình cùng nhau nuôi dậy con chung. Tuy nhiên nếu chị I cương quyết ly hôn với anh thì anh cũng đồng ý ly hôn với chị I.

Về con chung: Anh chị có 04 con chung, cháu G S D sinh ngày 20/10/1999, G A S sinh ngày 30/6/2002, G A T sinh ngày 12/01/2009 và cháu G A T sinh ngày 16/01/2010. Cháu G S D sinh ngày 20/10/1999 đã đủ tuổi trưởng thành, cháu G A S sinh ngày 30/6/2002 đến ngày Tòa án xét xử vụ án cháu cũng sẽ đủ tuổi trưởng thành (18 tuổi) do đó anh không yêu cầu Tòa án giải quyết. Hiện anh đang chấp hành án tại trại giam, anh không có điều kiện để chăm sóc nuôi dưỡng các con, vậy nếu ly hôn anh có nguyện vọng giao các cháu G A T sinh ngày 12/01/2009 và cháu G A T sinh ngày 16/01/2010 cho chị I trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến khi các cháu đủ tuổi trưởng thành, anh không có điều kiện để cấp dưỡng nuôi con cùng chị I.

Về tài sản: Không có, không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Về nợ: Không có, không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Theo đơn đề nghị của các cháu G A T, G A T trình bày nguyện vọng, nếu bố mẹ các cháu ly hôn với nhau thì các cháu đều có nguyện vọng được cùng ở với mẹ.

* Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án không vi phạm gì. Đồng thời đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 28, Điều 35, 39/Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 9, khoản 1 Điều 14, Điều 15, khoản 2 Điều 53, Điều 58, 81, 82, 83 và Điều 84 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/2016-TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ tư pháp. Không công nhận quan hệ vợ chồng giữa chị V T I và anh G A T. Xét nguyện vọng của các cháu Tình và Thông, nguyện vọng của chị I và anh T cần giao các cháu G A T sinh ngày 12/01/2009 và cháu G A T sinh ngày 16/01/2010 cho chị I trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến khi các cháu đủ tuổi trưởng thành. Đối với các cháu G S D sinh ngày 20/10/1999, G A S sinh ngày 30/6/2002 đã đủ tuổi trưởng thành không xem xét giải quyết.

Về án phí: Chị V T I là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của chính phủ. Do đó cần áp dụng khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12; Điều 15 Nghị quyết số: 326/2016/NQ-UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 miễn toàn bộ án phí cho chị I là phù hợp.

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là ông P V H vắng mặt, tại bản luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn gửi đến Tòa án, ông trình bày: chị V T I và anh G A T về chung sống với nhau nhưng không đăng ký kết hôn, trong cuộc sống không tìm được tiếng nói chung, mục đích hôn nhân không đạt được. Hôn nhân giữa chị I và anh T là không hợp pháp nên không công nhận quan hệ vợ chồng; Về con chung giao cháu G A T và G A T cho chị I chăm sóc nuôi dưỡng đến khi các cháu đủ tuổi trưởng thành, anh T không phải cấp dưỡng nuôi con cùng chị I. Chị I là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của chính phủ nên miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm cho chị I.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Về thẩm quyền giải quyết vụ án, căn cứ yêu cầu khởi kiện của đương sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Mường Chà theo quy định tại khoản 1 Điều 28, khoản 1 Điều 35, Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Về xác định tư cách của các đương sự: Căn cứ vào Điều 68 của Bộ luật tố tụng dân sự xác định chị V T I là nguyên đơn, anh G A T là bị đơn.

[3] Sau khi thụ lý vụ án Tòa án đã tiến hành tống đạt thông báo thụ lý vụ án cho bị đơn anh G A T, Anh G A T đã có đơn gửi cho Tòa án, đề nghị Tòa án xin xét xử vắng mặt vì điều kiện hiện tại đang phải chấp hành án tại trại giam không thể có mặt tại Tòa án để tham gia giải quyết, xét xử vụ án được (đề nghị của anh T được thể hiện tại đơn xin xét xử vắng mặt và tại biên bản lấy lời khai ngày 24/6/2020). Căn cứ vào khoản 1 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự thì đề nghị này của anh G A T là có cơ sở cần được chấp nhận. Chị V T I có mặt tại phiên tòa. Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn anh G A T theo quy định của pháp luật.

[4] Về nội dung vụ án: Xét quan hệ hôn nhân, Hội đồng xét xử xét thấy việc chị V T I và anh G A T về sống chung với nhau như vợ chồng từ năm 1998, chỉ cưới hỏi theo phong tục tập quán và không đăng ký kết hôn là có thật. Đến thời điểm chị I có đơn khởi kiện xin ly hôn, mặc dù hai bên có đủ điều kiện đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật, nhưng hai bên vẫn không đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Do vậy, việc hai bên chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật hôn nhân và gia đình. Nay chị V T I có đơn xin ly hôn, nên căn cứ vào Điều 53 của Luật Hôn nhân và gia đình. Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/2016- TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ tư pháp. Tòa án thụ lý yêu cầu ly hôn và tuyên xử không công nhận quan hệ vợ chồng giữa chị V T I và anh G A T.

[5] Về con chung: Anh T và chị I có 04 con chung, cháu G S D sinh ngày 20/10/1999, G A S sinh ngày 30/6/2002, G A T sinh ngày 12/01/2009 và cháu G A T sinh ngày 16/01/2010. Cháu G S D sinh ngày 20/10/1999 đã đủ tuổi trưởng thành, cháu G A S sinh ngày 30/6/2002 đến ngày Tòa án xét xử vụ án cháu đã đủ tuổi trưởng thành (18 tuổi) do đó đối với cháu G S D và cháu G A S thì chị I không yêu cầu, Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.

Xét nguyện vọng của chị V T I, anh G A T và nguyện vọng của các cháu G A T sinh ngày 12/01/2009 và cháu G A T sinh ngày 16/01/2010. Cần giao các cháu G A T và cháu G A T cho chị V T I trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cho đến khi các cháu đủ tuổi trưởng thành là phù hợp. Anh G A T không phải cấp dưỡng nôi con cùng với chị I.

Anh G A T được quyền đi lại thăm nom con chung không ai được quyền cản trở. Quyền nuôi con, cấp dưỡng nuôi con có thể được thay đổi theo quy định tại Điều 84 của Luật Hôn nhân và gia đình khi có yêu cầu.

[6] Về tài sản chung và công nợ: Không yêu cầu Tòa án giải quyết. Hội đồng xét xử không đặt vấn đề xem xét.

[7] Ý kiến quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa về việc giải quyết vụ án và lời trình bày quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử.

[8] Về án phí: Chị V T I là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của chính phủ. Áp dụng khoản 1 điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12; Điều 15 Nghị quyết số: 326/2016/NQ-UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 cần miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm cho chị I.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng khoản 1 Điều 28; điểm a khoản 1 Điều 35; Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Áp dụng khoản 1 Điều 9, khoản 1 Điều 14, Điều 15, khoản 2 Điều 53, các Điều 58, 81, 82, 83 và Điều 84 của Luật hôn nhân và gia đình.

Áp dụng khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch số: 01/2016-TTLT-TANDTC- VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ tư pháp. Tuyên xử:

1. Về hôn nhân: Không công nhận quan hệ vợ chồng giữa chị V T I và anh G A T.

2. Về con chung: Giao các cháu G A T sinh ngày 12/01/2009 và cháu G A T sinh ngày 16/01/2010 cho chị V T I trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cho đến khi các cháu đủ tuổi trưởng thành (đủ 18 tuổi). Anh G A T không phải cấp dưỡng nôi con cùng với chị I. Anh G A T được quyền đi lại thăm nom con chung không ai được quyền cản trở. Quyền nuôi con và cấp dưỡng nuôi con có thể được thay đổi sau ly hôn khi có yêu cầu.

3. Về tài sản chung và về nợ: Không xem xét giải quyết.

4. Về án phí: Áp dụng khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12; ĐIều 15 Nghị quyết số: 326/2016/NQ-UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 miễn toàn bộ án phí DSST cho chị V T I.

Áp dụng Điều 271; Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự: Chị V T I có mặt được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (ngày 11/8/2020), anh G A T vắng mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ nhận được bản án hoặc niêm yết bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

189
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 07/2020/HNGĐ-ST ngày 11/08/2020 về ly hôn, tranh chấp nuôi con

Số hiệu:07/2020/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Mường Chà - Điện Biên
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 11/08/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về