Bản án 05/2020/HNGĐ-ST ngày 21/07/2020 về ly hôn và nuôi con khi ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN P, TỈNH HƯNG YÊN

BẢN ÁN 05/2020/HNGĐ-ST NGÀY 21/07/2020 VỀ LY HÔN VÀ NUÔI CON KHI LY HÔN

Ngày 21 tháng 7 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Hưng Yên xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 59/2020/TLST-HNGĐ ngày 28/5/2020 về tranh chấp “Ly hôn và nuôi con khi ly hôn”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 07/2020/QĐXXST-HNGĐ ngày 02/7/2020 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Anh Phạm Văn T, sinh năm 1974 “vắng mặt”; Địa chỉ: Thôn P1, xã V, huyện K, tỉnh Đăk Lăk.

2. Bị đơn: Chị Vũ Thị N, sinh năm 1975 “có mặt”;

Nơi đăng ký HKTT: Thôn P1, xã V, huyện K, tỉnh Đăk Lăk;

Chỗ ở hiện nay: Thôn N1, xã Q, huyện P, tỉnh Hưng Yên.

3. Người có quyền lợi liên quan: Cháu Phạm Thị N2, sinh ngày 13/6/2003; địa chỉ: Thôn P1, xã V, huyện K, tỉnh Đăk Lăk; “vắng mặt”.

Người đại diện hợp pháp của cháu N2: Anh Phạm Văn T - là bố đẻ đang nuôi dưỡng cháu N2.

4. Người làm chứng: Ông Vũ Trung Đ, sinh năm 1941 (bố chị N);

Địa chỉ: Thôn N1, xã Q, huyện P, tỉnh Hưng Yên “vắng mặt”.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, bản tự khai, biên bản lấy lời khai anh Phạm Văn T trình bày:

Về quan hệ hôn nhân: Anh Phạm Văn T và chị Vũ Thị N, sinh năm 1975 quê ở thôn N1, xã Q, huyện P, tỉnh Hưng Yên quen biết nhau qua mai mối và có thời gian tìm hiểu gặp gỡ nhau một thời gian ngắn thì tự nguyện kết hôn. Ngày 05/11/1996, anh T và chị N đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã T1, huyện T2, tỉnh Hải Dương. Sau khi hai bên gia đình tổ chức lễ cưới theo phong tục địa phương thì anh T đón chị N về xã T1, huyện T2, tỉnh Hải Dương sinh sống. Vợ chồng anh T chung sống ở quê cùng bố mẹ anh T một tháng thì hai vợ chồng chuyển vào xã V, huyện K, tỉnh Đăk Lăk sinh sống và làm nương rẫy. Cuộc sống vợ chồng anh T hòa thuận yên ấm khoảng gần 20 năm, tuy cuộc sống hàng ngày vợ chồng anh đôi lúc cũng xảy ra xô xát nhưng đó chỉ là những mâu thuẫn nhỏ. Đến khoảng đầu năm 2016 vợ chồng mâu thuẫn trầm trọng, có rất nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là do trong thời gian anh T đi làm ăn không có nhà thì ở nhà chị N và con trai là cháu Phạm Quốc T3 xảy ra cãi nhau chỉ vì cháu T3 xin chị N tiền để đóng học cho nhà trường nhưng chị N không cho tiền và đốt hết sách vở của cháu T3 không cho đi học nữa. Từ chuyện này nên mối quan hệ vợ chồng anh T và chị N xảy ra rạn nứt. Sau đó vì hiểu lầm trong câu nói nên vợ chồng ngày càng mâu thuẫn trầm trọng hơn, chị N bỏ bê công việc gia đình; vợ chồng chiến tranh lạnh, lúc nói lúc không, bất đồng quan điểm không có tiếng nói chung. Đến ngày 18/8/2016 (âm lịch) chị N thu dọn quần áo bỏ về nhà bố mẹ đẻ sinh sống, cũng từ đó cho đến nay anh T và chị N sống ly thân mỗi người một nơi. Sau khi chị N về nhà bố mẹ đẻ thì anh T có một lần đến nhà tìm đón nhưng không gặp chị N. Cách đây một, hai năm thì anh T có gọi điện thoại một, hai lần cho chị N nhưng sau đó hai bên không liên hệ gì với nhau nữa. Đến nay anh T xác định mâu thuẫn vợ chồng giữa anh và chị N đã trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được, hai bên không còn trách nhiệm gì với nhau, tình cảm vợ chồng không còn nên đề nghị Tòa án giải quyết cho anh T và chị N được ly hôn. Do điều kiện đường xá xa xôi, anh T đề nghị Tòa án giải quyết xét xử vắng mặt anh.

Tại bản tự khai, biên bản lấy lời khai bị đơn chị Vũ Thị N trình bày:

- Về quan hệ hôn nhân: Chị Vũ Thị N xác định về quá trình tìm hiểu, thời gian và cơ quan đăng ký kết hôn như anh T đã trình bày là đúng. Vợ chồng chị N và anh T chung sống hạnh phúc một thời gian ngắn thì vợ chồng xảy ra lục đục, nguyên nhân là vợ chồng không hòa hợp, đôi bên không có tiếng nói chung nhưng vì các con nên hai bên vẫn cố gắng chung sống. Thời gian vợ chồng chung sống từ những mâu thuẫn nhỏ tích tụ lại thành mâu thuẫn lớn, cho đến khoảng tháng 09-10/2016 vợ chồng mâu thuẫn trầm trọng đôi bên không thể giải quyết được, cuộc sống không hạnh phúc nên chị N chuyển về nhà bố mẹ đẻ ở quê ngoài bắc để sinh sống, từ đó cho đến nay chị N và anh T sống ly thân, không có cuộc sống chung. Từ sau khi chị N về nhà bố mẹ đẻ ở thì có một lần anh T đến tìm nhưng chị N không có nhà nên hai bên cũng không gặp nhau.

Cách đây vài năm trước thì anh T cũng một, hai lần gọi điện thoại bảo chị N suy nghĩ lại vì các con nhưng chị N nhận thấy không thể tiếp tục chung sống với anh T được nữa nên chị N không vào đoàn tụ với anh T. Cũng từ tháng 10/2016 cho đến nay chị N và anh T không gặp gỡ hay nói chuyện gì, vợ chồng sống ly thân. Đến nay, chị N xác định tình cảm vợ chồng giữa hai người không còn, không thể hàn gắn tiếp tục về chung sống với nhau được nữa, mâu thuẫn trầm trọng; anh T khởi kiện ly hôn chị N nhất trí, đề nghị Tòa án giải quyết cho chị N và anh T được ly hôn.

- Về vấn đề con chung: Cả chị N và anh T đều trình bày thống nhất và xác định vợ chồng có 02 con chung là cháu Phạm Quốc T3, sinh năm 1998 và cháu Phạm Thị N2, sinh ngày 13/6/2003, hiện nay đang ở với anh T. Cháu T3 đã trên 18 tuổi tự lập được nên anh chị không yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết về việc nuôi và cấp dưỡng. Cháu N2 hiện đang ở với anh T, nay cháu có nguyện vọng tiếp tục ở với anh T chị N cũng nhất trí. Anh T tự nguyện không yêu cầu chị N cấp dưỡng nuôi cháu N2, chị N đồng ý và chị N có quyền đi lại, thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung theo quy định của pháp luật.

- Về phần tài sản, công sức, công nợ và ruộng canh tác: Anh T và chị N đều trình bầy thống nhất với nhau và xác định:

+ Về tài sản chung: Anh T và chị N tự thỏa thuận với nhau và đều không yêu cầu Tòa án phải giải quyết.

+ Về công nợ chung: Chị N và anh T xác định không nợ nần ai tài sản gì và không có vướng mắc gì về tài sản với người khác, nên anh chị không yêu cầu Tòa án giải quyết.

+ Về ruộng canh tác và công sức: Anh T và chị N đều xác định không có tranh chấp gì và không yêu cầu Tòa án giải quyết.

+ Về công sức: Chị N và anh T không có công sức đóng góp gì cho hai bên gia đình nên không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Tại Văn bản ghi ý kiến của cháu Phạm Thị N2 là con chung của anh T và chị N trình bày:

Trong thời gian bố mẹ cháu chung sống đã xảy ra mâu thuẫn dẫn đến việc bố mẹ cháu sống ly thân nhau từ năm 2016 cho đến nay. Sau khi ly thân thì mẹ cháu về quê sống cùng ông bà ngoại tại xã Q, huyện P, tỉnh Hưng Yên, còn cháu sống cùng bố đẻ và anh trai tại thôn P1, xã V, huyện K, tỉnh Đăk Lăk. Nay bố mẹ cháu ly hôn, cháu N2 có nguyện vọng được sống với bố, còn việc cấp dưỡng nuôi cháu ăn học là do bố và mẹ cháu tự thỏa thuận, cháu không có ý kiến gì.

Người làm chứng ông Vũ Trung Đ trình bày:

Năm 1996, chị N là con gái ông kết hôn với anh Phạm Văn T quê ở xã T1, huyện T2, tỉnh Hải Dương. Sau khi cưới anh T đón chị N về quê ở ngay. Hai vợ chồng ở quê mấy ngày sau đó chuyển vào trong Đăk Lăk làm ăn, sinh sống. Do điều kiện đường xá xa xôi, nên vợ chồng ông Đ không nắm bắt được cuộc sống cũng như mâu thuẫn giữa chị N và anh T. Đến khoảng cuối năm 2016, chị N về nhà ông Đ sinh sống, ông Đ hỏi chị N chỉ nói là vợ chồng mâu thuẫn không thể chung sống được với nhau nữa còn cụ thể nguyên nhân vì sao thì ông Đ không nắm được. Ông Đ cũng khuyên bảo, phân tích cho chị N để hàn gắn lại tình cảm với chồng nhưng chị N không nghe. Cũng từ năm 2016 cho đến nay chị N sống tại nhà ông Đ. Vợ chồng chị N và anh T có 02 con chung là các cháu Phạm Quốc T3 và Phạm Thị N2. Anh T và chị N không có công sức đóng góp gì cho gia đình ông và không có vướng mắc gì về tài sản, công sức, nợ nần nên ông Đ không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Tại phiên tòa:

- Anh Phạm Văn T và cháu Phạm Thị N2 có đơn xin xét xử vắng mặt.

- Chị Vũ Thị N trình bày: Chị N nhất trí ly hôn với anh Phạm Văn T. Cháu N2 có nguyện vọng tiếp tục ở với anh T chị nhất trí để cháu Phạm Thị N2 cho anh T tiếp tục nuôi dưỡng cho đến khi cháu N2 đủ 18 tuổi, chị N nhất trí anh T không yêu cầu cấp dưỡng nuôi cháu N2. Về các vấn đề tài sản, công nợ, công sức và ruộng canh tác giữa chị và anh T tự thỏa thuận và không yêu cầu Tòa án giải quyết.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện P, tỉnh Hưng Yên phát biểu quan điểm:

Việc tuân theo pháp luật: Thẩm phán, Thư ký và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự từ khi thụ lý, thu thập chứng cứ, hòa giải và quá trình hỏi, tranh luận tại phiên tòa. Các đương sự thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ theo quy định tại các điều 70, 71, 72 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các quy định của pháp luật để quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, xử cho anh Phạm Văn T được ly hôn chị Vũ Thị N. Về con chung: Giao cháu Phạm Thị N2, sinh ngày 13/6/2003 cho anh T trực tiếp nuôi dưỡng cho đến khi đủ 18 tuổi; chị N không phải cấp dưỡng nuôi con chung nhưng có quyền đi lại thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung không ai được cản trở.

Về tài sản chung, nợ chung, ruộng canh tác, công sức sức: Các đương sự không yêu cầu giải quyết nên không xem xét. Anh T là nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về thủ tục tố tụng và thẩm quyền giải quyết vụ án:

- Về thẩm quyền giải quyết vụ án: Bị đơn chị Vũ Thị N có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn P1, xã V, huyện K, tỉnh Đăk Lăk; tuy nhiên từ tháng 10/2016 cho đến nay chị N chuyển về sinh sống tại nhà bố mẹ đẻ ở thôn N1, xã Q, huyện P, tỉnh Hưng Yên (có xác nhận của Ban Công an xã Q). Căn cứ các điều 35 và 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 40 của Bộ luật Dân sự thì vụ án ly hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Hưng Yên.

- Về thủ tục tố tụng: Nguyên đơn anh Phạm Văn T và người có quyền lợi liên quan cháu Phạm Thị N2 đều có đơn đề nghị Tòa án giải quyết, xét xử vắng mặt. Căn cứ khoản 1 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử vụ án vắng mặt nguyên đơn và người có quyền lợi liên quan là anh T và cháu N2.

[2] Về quan hệ hôn nhân: Anh Phạm Văn T và chị Vũ Thị N kết hôn tự nguyện, không vi phạm các quy định về điều kiện kết hôn, có đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã T1, huyện T2, tỉnh Hải Dương vào ngày 05/11/1996, do đó quan hệ hôn nhân giữa anh T và chị N là hợp pháp. Nay anh T có yêu cầu ly hôn sẽ được áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình để giải quyết theo thủ tục chung. Năm 1996, anh T và chị N kết hôn, sau khi hai bên gia đình tổ chức lễ cưới xong, anh T đón chị N về nhà chung sống cùng gia đình anh T tại xã T1, huyện T2, tỉnh Hải Dương một thời gian ngắn (khoảng 01 tháng) thì hai vợ chồng anh T chuyển vào tỉnh Đăk Lăk sinh sống làm nương rẫy. Vợ chồng anh T, chị N chung sống hòa thuận được khoảng 20 năm thì phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân mâu thuẫn do hai vợ chồng bất đồng quan điểm, không có tiếng nói chung trong cuộc sống, nên từ đó cuộc sống vợ chồng không hòa thuận, hạnh phúc. Từ tháng 10/2016 chị N bỏ về Hưng Yên sinh sống tại nhà bố mẹ đẻ ở thôn N1, xã Q, huyện P, tỉnh Hưng Yên. Sau đó anh T có một lần đến tìm đón nhưng không gặp chị N nên hai bên cũng không gặp gỡ đoàn tụ được.

 Anh T và chị N sống ly thân mỗi người một nơi từ năm 2016 đến nay không quan tâm đến nhau. Nay anh T có đơn khởi kiện ly hôn, cả anh T và chị N đều xác định tình cảm vợ chồng không còn, hai người không thể hàn gắn tiếp tục chung sống với nhau được nữa và đều đề nghị Tòa án giải quyết ly hôn cho anh, chị. Do vậy, đã có đủ căn cứ xác định mâu thuẫn vợ chồng giữa anh T và chị N đến nay đã ở mức trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài và mục đích hôn nhân không đạt được nên anh T có đơn khởi kiện ly hôn chị N là có căn cứ được chấp nhận, đồng thời cũng phù hợp với ý kiến của chị N nhất trí được lý hôn anh T để tạo điều kiện cho mỗi bên ổn định cuộc sống mới là phù hợp quy định tại Điều 56 của Luật Hôn nhân và gia đình.

[3] Về con chung: Anh T và chị N có hai con chung là các cháu Phạm Quốc T3, sinh năm 1998 và Phạm Thị N2, sinh ngày 13/6/2003. Cháu T3 hiện đã trưởng thành tự lập, anh chị không yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết về việc nuôi và cấp dưỡng cháu T3. Đối với cháu N2 hiện tại chưa đủ 18 tuổi, đang sống cùng anh T và đi học, nên anh T có nguyện vọng được tiếp tục nuôi dưỡng cháu N2, tự nguyện không yêu cầu chị N cấp dưỡng nuôi con chung. Cháu N2 có nguyện vọng tiếp tục sống với anh T để ổn định và tiếp tục học tập.

Chị N nhất trí theo nguyện vọng của cháu N2. Do vậy, Hội đồng xét xử xét thấy hiện cháu N2 đang sống ổn định với anh T trong suốt thời gian chị N và anh T ly thân, việc đi học của cháu N2 được đảm bảo và thuận lợi, nên giao cháu N2 cho anh T tiếp tục nuôi dưỡng là phù hợp với ý kiến của cả anh T, chị N và đảm bảo quyền lợi của cháu N2. Chấp nhận việc anh T tự nguyện không yêu cầu chị N cấp dưỡng nuôi con chung và chị N cũng nhất trí. Tuy nhiên, chị N có quyền đi lại, thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung không ai được cản trở, phù hợp với quy định tại các điều 81, 82 và 83 của Luật Hôn nhân và gia đình.

[4] Về phần tài sản, công nợ, công sức và ruộng canh tác: Cả anh T và chị N đều thống nhất không yêu cầu Tòa án giải quyết, nên Hội đồng xét xử không xem xét trong bản án này.

[5] Về án phí: Anh Phạm Văn T là nguyên đơn nên phải chịu án phí sơ thẩm ly hôn theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các điều 28, 35, 39, khoản 4 Điều 147, khoản 1 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 40 của Bộ luật Dân sự; các điều 51, 56, 81, 82, 83 của Luật Hôn nhân và gia đình; điểm a khoản 5 Điều 27 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Về quan hệ hôn nhân: Xử cho anh Phạm Văn T được ly hôn chị Vũ Thị N.

2. Về con chung: Anh T và chị N có hai con chung là các cháu Phạm Quốc T3, sinh năm 1998 và Phạm Thị N2, sinh ngày 13/6/2003. Cháu T3 đã trưởng thành, tự lập nên không xem xét giải quyết về việc nuôi dưỡng và cấp dưỡng. Giao cháu Phạm Thị N2 cho anh Phạm Văn T tiếp tục nuôi dưỡng từ tháng 7/2020 cho đến khi cháu N2 đủ 18 tuổi, tự lập. Chị N không phải cấp dưỡng nuôi con chung. Chị N có quyền đi lại, thăm nom, chăm sóc giáo dục con chung không ai được cản trở.

3. Về phần tài sản, công nợ, công sức và ruộng canh tác: Cả anh T và chị N đều thống nhất không yêu cầu Tòa án giải quyết.

4. Về án phí: Nguyên đơn anh Phạm Văn T phải chịu 300.000đ, (ba trăm nghìn đồng) án phí sơ thẩm ly hôn, được trừ vào số tiền anh T đã nộp tạm ứng án phí là 300.000đ, (ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số: 005990 ngày 28/5/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện P, tỉnh Hưng Yên. Anh T đã nộp đủ án phí sơ thẩm ly hôn.

5. Quyền kháng cáo: Chị N có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Anh T có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày tính từ ngày nhận được bản án hoặc từ ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

252
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 05/2020/HNGĐ-ST ngày 21/07/2020 về ly hôn và nuôi con khi ly hôn

Số hiệu:05/2020/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Phù Cừ - Hưng Yên
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 21/07/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về