Bản án 04/2021/HS-ST ngày 26/04/2021 về tội hủy hoại rừng

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TRẠM TẤU, TỈNH YÊN BÁI

BẢN ÁN 04/2021/HS-ST NGÀY 26/04/2021 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 26 tháng 4 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Trạm Tấu, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 03/2021/TLST-HS ngày 19 tháng 3 năm 2021 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 04/2021/QĐXXST- HS ngày 12 tháng 4 năm 2021, đối với các bị cáo:

1. Vàng A C, sinh ngày 01 tháng 02 năm 1993 tại xã T, huyện T, tỉnh Yên Bái; nơi cư trú thôn L, xã T, huyện T, tỉnh Yên Bái; nghề nghiệp: Cán bộ xã T, huyện T; trình độ văn hóa (học vấn): 12/12; dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Vàng Mao T và bà Sùng Thị C; có vợ là Hờ Thị P và có 03 con (lớn nhất sinh năm 2012, nhỏ nhất sinh năm 2015); tiền án: Không; tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt.

2. Vàng Vảng L, sinh ngày 08 tháng 4 năm 1981 tại xã T, huyện T, tỉnh Yên Bái; nơi cư trú thôn L, xã T, huyện T, tỉnh Yên Bái; nghề nghiệp: Trồng trọt; trình độ văn hóa (học vấn): Không biết chữ; dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Vàng Mao T và bà Sùng Thị C; có vợ là Sùng Thị D và có 06 con (lớn nhất sinh năm 2000, nhỏ nhất sinh năm 2016); tiền án: Không; tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt.

- Người bào chữa cho các bị cáo: Ông Đinh Gia H- Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Yên Bái, có mặt.

- Nguyên đơn dân sự: Ủy ban nhân dân xã T, huyện T, tỉnh Yên Bái; người đại diện theo ủy quyền ông Thào A T- Phó Chủ tịch UBND xã T, huyện T, tỉnh Yên Bái; có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Vàng Mao T, sinh năm 1952; nơi cư trú thôn L, xã T, huyện T, tỉnh Yên Bái; có mặt.

2. V Chừ V, sinh năm 1976; nơi cư trú thôn L,xã T, huyện T, tỉnh Yên Bái; vắng mặt.

3. V A K, sinh năm 1986; nơi cư trú thôn L,xã T, huyện T, tỉnh Yên Bái; vắng mặt.

- Người tham gia tố tụng khác:

+ Người làm chứng:

1. Hờ Nhà K, sinh năm 1953; nơi cư trú thôn L, xã T, huyện T, tỉnh Yên Bái; vắng mặt.

2. Hờ A T, sinh năm 1996; nơi cư trú thôn L, xã T, huyện T, tỉnh Yên Bái; vắng mặt.

3. Hờ Sông Dê, sinh năm 1973; nơi cư trú thôn L,xã T, huyện T, tỉnh Yên Bái; vắng mặt.

4. Sùng Thị D, sinh năm 1990; nơi cư trú thôn L, xã T, huyện T, tỉnh Yên Bái; vắng mặt.

5. Sùng Thị P, sinh năm 1989; nơi cư trú thôn L, xã T, huyện T, tỉnh Yên Bái; vắng mặt.

6. Thào Thị K, sinh năm 1982; nơi cư trú thôn L, xã T, huyện T, tỉnh Yên Bái; vắng mặt.

7. Hờ Thị Pây, sinh năm 1995; nơi cư trú thôn L, xã T, huyện T, tỉnh Yên Bái; vắng mặt.

+ Người phiên dịch tiếng Mông: Ông Mùa A L- Cán bộ Chi cục thi hành án dân sự huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng tháng 3 năm 2020 Vàng Mao T đi qua khu vực rừng trước đây gia đình T đã có thời gian làm nương, sau đó làm bãi chăn thả gia súc, đến khi cây thân gỗ mọc cao không còn cỏ cho trâu ăn nên đã bỏ hoang nhiều năm, thấy xung quanh có nhiều mảnh nương đã được phát, T về nói với vợ là: “Dưới chân nương (tức khu rừng chăn thả gia súc) đã có người phát cây, gia đình mình không đi phát thì sợ họ sẽ phát làm nương trồng quế hết”. Sau đó T nói với các con là Vàng Chừ V, Vàng A C, Vàng Vảng L, Vàng A K là: “Hiện nay họ phát ở gần bãi chăn thả của gia đình mình nên đi phát để trồng quế, ai phát được bao nhiêu thì cho sử dụng bấy nhiêu nếu không người khác họ sẽ phát hết”.

Đến khoảng tháng 4/2020 Vàng Mao T một mình đến khu vực rừng có tên theo tiếng địa phương là “Chống Súa Đ”, rừng nằm trên Tiểu khu 553, khoảnh 4 - rừng sản xuất là rừng tự nhiên thuộc thôn L, xã T, để phát rừng với mục đích trồng cây quế và giữ đất. Tại đây T dùng dao phát (loại dao quắm) phát trong thời gian 03 ngày được diện tích 3.980m2 (trong đó có 980m2 rừng sản xuất là rừng tự nhiên, 3000 m2 đất trống cỏ tranh lau lách, cây bụi).

Được T là bố đẻ nói cho biết thông tin về khu rừng mà T làm bãi chăn thả gia súc, cùng với việc có ý định phát tại khu rừng này để có đất trồng cây quế, vào khoảng tháng 4/2020 Vàng Chừ V, Vàng Vảng L, Vàng A C và Vàng A K lần lượt lên khu rừng này để phát phá, cụ thể:

Vàng Chừ V một mình mang theo dao phát (loại dao quắm) lên phát ở phía trên cùng của khu rừng, V phát trong một buổi sáng được diện tích 480m2 rừng sản xuất là rừng tự nhiên; Vàng A C một mình mang dao phát (loại dao quắm) lên phát ở phía dưới giáp với vị trí mà V đã phát trước đó. C phát trong khoảng thời gian khoảng 05 ngày được diện tích là 6.550 m2 rừng sản xuất là rừng tự nhiên; Vàng Vảng L một mình mang dao phát (loại dao quắm) lên phát ở vị trí bên dưới vị trí C phát và bên trên vị trí T phát. L phát trong thời gian khoảng 05 ngày được diện tích là 7.500 m2 rừng sản xuất là rừng tự nhiên; Vàng A K một mình mang dao phát (loại dao quắm) lên phát ở vị trí phía dưới giáp suối và giáp vị trí T phát. K phát trong thời gian một buổi sáng, được diện tích là 490 m2 rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

Thấy gia đình Vàng Mao T phát rừng mà Hờ Nhà K cũng tự nhận là bãi chăn thả gia súc của mình, nên ngày 04/05/2020 K đã có đơn tố cáo C cùng gia đình đã phát phá rừng tại bãi chăn thả gia súc của K gửi đến UBND huyện T, tỉnh Yên Bái đề nghị xem xét giải quyết.

Tại biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 02 tháng 6 năm 2020 do Hạt Kiểm lâm Trạm Tấu- Nghĩa Lộ sử dụng máy định vị (JPS) thể hiện:

Vị trí rừng bị chặt phá thuộc Tiểu khu 553, khoảnh 4, thôn L, xã T nằm giáp với các khu vực, địa danh Phía đông giáp với Tiểu khu 553, khoảnh 4, thôn L, xã T; phía tây giáp với Tiểu khu 553, khoảnh 4, thôn L, xã T; phía Nam giáp với Tiểu khu 553, khoảnh 3, thôn L, xã T; phía bắc giáp với Tiểu khu 553, khoảnh 4, thôn L, xã T.

Tổng diện tích rừng 19.000 m2 bị chặt trắng hoàn toàn trong đó: Diện tích có rừng (hỗn giao gỗ- giang) là 16.000 m2 , diện tích đất chưa có rừng (cỏ tranh, lau lách) là 3.000m2.

Biên bản kiểm tra hiện trường (bổ sung) ngày 26-10-2020 do Hạt kiểm lâm Trạm Tấu- Nghĩa Lộ tiến hành xác định:

Vàng Vảng L: Tổng diện tích phát phá là 7.500 (m2), tại Tiểu khu 553, khoảnh 4 có tọa độ X= 488171 và Y = 2380061; diện tích 7.500 m2 là rừng Sản xuất là rừng tự nhiên (gỗ + giang); số lượng cây gỗ có trữ lượng là 300 cây/7.500 m2; trữ lượng M = 39,93 m3/7.500 m2. Độ tàn che của tán cây rừng = 0,6/1. Loài cây chủ yếu là Bồ đề Nhóm VIII = 49 cây = 6,546 m3, Trám trắng nhóm VII = 11 cây = 1,464 m3, Mỡ nhóm IV = 20 cây = 2,66 m3; Gỗ nhóm VII khác có D<25 cm ( Ngõa 30 cây = 3,99 m3, Ba bét 47 cây = 6,251 m3, Ba soi 45 cây =5,985 m3, Hu đay 15 cây = 1,995 m3, Trẩu 40 cây = 5,32 m3, Màng tang 43cây 5,719 m3) và Số lượng cây giang =2.385 cây/7.500 m2; D<5cm.

Vàng A C: Tổng diện tích phát phá là 6.550 m2, tại Tiểu khu 553, Khoảnh 4 có tọa độ X= 488176 và Y=2380128; Diện tích 6.550 m2 là rừng Sản xuất là rừng tự nhiên (gỗ + giang); Số lượng cây gỗ có trữ lượng là 262 cây/6.550 m2; Trữ lượng M = 34,78 (m3)/6.550 m2. Độ tàn che của tán cây rừng = 0,6/1. Loài cây chủ yếu là Bồ đề Nhóm VIII = 75 cây = 10,03 m3; Trám trắng nhóm VII = 10 cây = 1,3 m3; Gỗ nhóm VIII khác có D<25 cm ( Ngõa 33 cây = 4,45 m3, Trẩu 48 cây = 6,3 m3, Ba soi + Ba bét 57 cây = 7,5 m3, Hu đay 39 cây = 5,2 m3) và Số lượng cây giang = 2.083 cây/6.550 m2; D<5cm.

Quyết định số: 325/QĐ-UBND, ngày 15-3-2007 của UBND tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng, xã T được quy hoạch 166,4 ha rừng tự nhiên là rừng sản xuất. Tại công văn số 79/CV-BQL ngày 19- 8-2020 của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu xác định diện tích rừng bị thiệt hại là 19.000m2 , trong đó diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên là 16.000 m2 thuộc Tiểu khu 553, khoảnh 4; chủ quản lý rừng và đất lâm nghiệp là UBND xã T.

Vật chứng của vụ án:

- 01 (một) con dao phát có tổng chiều dài là 90cm, phần lưỡi dao dài 41,5cm, phần chuôi dao dài 47,5cm, vanh của phần cán dao phát là 11cm, dao đã cũ, đã qua sử dụng.

- 01 (một) con dao phát có tổng chiều dài là 77,5cm, lưỡi sắt bị nứt sát cổ chuôi dao sắt, lưỡi dao bằng sắt hình cong có chiều dài = 39,5cm, chiều rộng = 4cm, chuôi nắm bằng gỗ dài 38cm, hình tròn đường kính = 3cm, dao đã cũ, đã qua sử dụng.

- 01 (một) con dao phát lưỡi sắt cán gỗ cụ thể: lưỡi dao sắt dài 39cm, chuôi gỗ dài 29cm, có hình tròn đường kính 3cm, chiều rộng lưỡi dao sắt 4cm, bị nứt ở gần chuôi dao, tổng chiều dài dao phát là 68cm, dao đã cũ, đã qua sử dụng.

- 01 (một) con dao phát tổng chiều dài 67cm, chiều dài lưỡi dao làm bằng sắt 36cm, chiều dài cán dao làm bằng gỗ 31cm, dao cũ, đã qua sử dụng.

- 01 (một) con dao phát lưỡi sắt dài 33cm, rộng 3cm, chuôi gỗ dài 28cm, hình tròn đường kính 2,5cm, dao đã cũ, đã qua sử dụng.

Bản kết luận định giá tài sản số 07/KL-HDĐT ngày 27/10/2020 của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng Hình sự huyện Trạm Tấu kết luận: Diện tích rừng do Vàng Vảng L phát phá là 7.500 m2 thiệt hại về lâm sản là: 79.003.200 đồng; diện tích rừng do Vàng A C phát phá là 6.550 m2 thit hại về lâm sản 51.884.000 đồng; Diện tích rừng do Vàng Mao T phát phá là 980 m2 thit hại về lâm sản 2.466.600 đồng; Diện tích rừng do Vàng A K phát phá là 490 m2 thit hại về lâm sản 1.298.800 đồng; Diện tích rừng do Vàng Chừ V phát phá là 480 m2 thiệt hại về lâm sản 1.944.000 đồng.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo Vàng A C, khai nhận do thiếu đất canh tác để trồng quế và được bố đẻ là ông Vàng Mao T nói cho biết thông tin về khu rừng. Vì vậy, vào khoảng tháng 4 năm 2020 bị cáo một mình mang theo 01 dao phát (loại dao quắm) lên phát ở phía dưới giáp với diện tích mà V đã phát trước đó. Bị cáo phát trong khoảng thời gian 05 ngày, sau đó chính quyền xã T thông báo không được phát thêm, không được đốt, giữ nguyên hiện trạng thì bị cáo dừng lại không phát nữa; khi có đoàn công tác của huyện T lên thì bị cáo mới biết diện tích phát phá là đây là rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

Vàng Vảng L khai: Sau khi được bố đẻ là Vàng Mao T cho biết thông tin về khu rừng nên vào tháng 4 năm 2020 bị cáo một mình mang theo 01 dao phát (loại dao quắm) lên phát ở vị trí bên dưới vị trí C phát và bên trên vị trí T phát. Bị cáo phát trong thời gian khoảng 05 ngày được diện tích là 7.500 m2 khi có đoàn công tác của huyện T lên thì bị cáo mới biết diện tích phát phá là đây là rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Vàng Mao T, xác định con dao phát đã giao nộp cho Kiểm lâm không còn giá trị sử dụng nên từ chối nhận lại.

Đại diện của nguyên đơn dân sự trình bày: Vàng Vảng L, Vàng A C đã có hành vi hủy hoại rừng ở thôn L, xã T, trong đó diện tích rừng Vàng Vảng L hủy hoại là 7.500 m2 , diện tích rừng Vàng A C hủy hoại là 6.550m2 ; sau khi hành vi hủy hoại rừng của L, C bị phát hiện, gia đình Vàng A C, Vàng Vảng L đã tự nguyện đi mua cây giống về trồng để khắc phục hậu quả. Ngày 12-8-2020 Ủy ban nhân dân xã T đã phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện T đi kiểm tra việc trồng rừng khắc phục hậu quả; kết quả kiểm tra toàn bộ 16.000m2 đã được Vàng Mao T, Vàng Chừ V, Vàng Vảng L, Vàng A C, Vàng A K trồng khắc phục hậu quả, cây mỡ đạt tỉ lệ sống 98,2%. Tại phiên tòa đại diện nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận sự thỏa thận về trồng rừng khắc phục hậu quả giữa UBND xã T và Vàng Vảng L, Vàng A C.

Bản Cáo trạng số 03/CT-VKS-TT ngày 19-3-2021 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Trạm Tấu truy tố bị cáo Vàng Vảng L, Vàng A C về tội hủy hoại rừng theo điểm b khoản 1 Điều 243 của Bộ luật Hình sự. Tại phiên tòa Kiểm sát viên giữ nguyên quan điểm truy tố, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố các bị cáo Vàng A C, Vàng Vảng L phạm tội “Hủy hoại rừng” Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 243, điểm b, điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Vàng A C từ 01 năm 06 tháng đến 02 năm tù cho hưởng án treo thời gian thử thách là từ 03 năm đến 04 năm, xử phạt bị cáo Vàng Vảng L từ 02 năm đến 02 năm 06 tháng tù cho hưởng án treo thời gian thử thách là từ 04 năm đến 05 năm. Không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với các bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận sự thỏa thuân giữa nguyên đơn dân sự và các bị cáo về việc trồng lại rừng khắc phục hậu quả.

Về vật chứng của vụ án: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 của Bộ luật Hình sự; điểm a, c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng Hình sự - Giao cho UBND xã T quản lý 16,576m3 g, trong đó cây bồ đề (gỗ nhóm VIII), 2,763m3 gỗ cây trám trắng (gỗ nhóm VII), gỗ nhóm VIII các loại khác đường kính D<25cm có trữ lượng là 52,71 m3 , cây giang D<5cm có số lượng là 708 cây.

- Tịch thu và tiêu hủy: 05 con dao, loại dao phát là công cụ dùng để phá rừng do các đối tượng giao nộp.

Buộc các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm; các bị cáo, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Các bị cáo, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến tranh luận gì.

Người bào chữa cho bị cáo trình bày lời bào chữa: Nhất trí với bản luận tội của Viện kiểm sát về tội danh và điều luật áp dụng; đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho các bị cáo là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn nên hiểu biết pháp luật hạn chế, các bị cáo không biết đây là rừng sản xuất là rừng tự nhiên, các bị cáo chỉ nghĩ đây là bãi chăn thả gia súc của gia đình nếu không phát thì người khác sẽ phát mất, chỉ sau khi được các cơ quan chức năng đến giải thích thì các bị cáo mới nhận thức được hành vi vi phạm của mình; sau khi hành vi phạm tội bị phát hiện các bị cáo đã tự nguyện mua cây giống về trồng lại rừng khắc phục hậu quả, quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, các bị cáo có nơi cư trú ổn định, rõ ràng. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 1 Điều 243; các điểm b, s khoản 1 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Vàng A C từ 01 năm đến 01 năm 06 tháng tù cho hưởng án treo, xử phạt bị cáo Vàng Vảng L từ 01 năm 06 tháng đến 02 năm tù cho hưởng án treo; không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với các bị cáo; về xử lý vật chứng và trách nhiệm dân sự, quyền kháng cáo nhất trí với đề nghị của Kiểm sát viên; Các bị cáo là người dân tộc thiểu số, thuộc diện hộ nghèo, đã có đơn xin được miễn án phí, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét miễn án phí cho các bị cáo.

Các bị cáo nhất trí với lời bào chữa của người bào chữa, không có ý kiến tranh luận bổ sung gì, đại diện nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến gì.

Ý kiến tranh luận của Kiểm sát viên: Qua tranh luận tại phiên tòa đã làm rõ được các bị cáo đã nộp đơn xin được miễn án phí gửi đến Tòa án; vì vậy, Kiểm sát viên nhất trí với đề nghị của người bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử xem xet miễn án phí hình sự sơ thẩm cho các bị cáo.

Các bị cáo, người bào chữa cho các bị cáo, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến tranh luận gì thêm.

Lời nói sau cùng của các bị cáo: Các bị cáo nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Trạm Tấu, Điều tra viên; Viện kiểm sát nhân dân huyện Trạm Tấu, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản kiểm tra hiện trường, lời khai của người làm chứng và tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Do đó, có đủ cơ sở kết luận: Vào khoảng tháng 4 năm 2020, tại Tiểu khu 553, khoảnh 4 thuộc thôn L, xã T, với mục đích phá rừng để lấy đất trồng quế, Vàng A C, Vàng Vảng L đã có hành vi dùng dao phát (loại dao quắm) chặt phá rừng sản xuất là rừng tự nhiên do UBND xã T quản lý, trong đó Vàng A C chặt phá 6.550 m2 rừng sản xuất là rừng tự nhiên gây thiệt hại về lâm sản 51.884.000 đồng, Vàng Vảng L chặt phá 7.500 m2. rừng sản xuất là rừng tự nhiên gây thiệt hại về lâm sản là 79.003.200 đồng. Như vậy, hành vi của bị cáo Vàng A C, Vàng Vảng L đã phạm vào tội “Hủy hoại rừng”, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 243 của Bộ luật Hình sự. Viện kiểm sát nhân dân huyện Trạm Tấu truy tố các bị cáo Vàng A C, Vàng Vảng L về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 243 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ nên được chấp nhận.

[3] Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm xã hội, không những xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ rừng mà còn xâm hại đến sự ổn định bền vững của môi trường sinh thái, môi trường sống của con người được pháp luật bảo vệ. Các bị cáo biết được và buộc phải biết hành vi tự chặt phá diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên để trồng cây quế khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là vi phạm pháp luật, nhưng vì muốn có tư liệu sản xuất nên các bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy cần đưa các bị cáo ra xét xử trước pháp luật nhằn răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Vàng A C, Vàng Vảng L đều có hành vi hủy hoại rừng sản xuất là rừng tự nhiên, tuy nhiên hành vi hủy hoại rừng của C độc lập với hành vi hủy hoại rừng của L, nên đây không phải là trường hợp đồng phạm.

[4] Xét nhân thân: Các bị cáo đều là người không có tiền án, tiền sự nên cần xác định các bị cáo là người có nhân thân tốt.

[5] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Sau khi hành vi hủy hoại rừng bị phát hiện các bị cáo đã tự nguyện mua cây giống về trồng lại toàn bộ diện tích rừng đã hủy hoại; quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo thành khẩn khải báo, ăn năn hối cải. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự; kiểm sát viên, người bào chữa đề nghị cho các bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự là có căn cứ nên được chấp nhận.

[6] Căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân các bị cáo, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Hội đồng xét xử xét thấy diện tích rừng các bị cáo hủy hoại trên mức xử phạt hành chính không lớn, các bị cáo được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; các bị cáo đều là người có nhân thân tốt, có nơi cư trú ổn định, rõ ràng và có khả năng tự cải tạo, vì vậy không cần thiết cách ly bị cáo khỏi đời sống xã hội, cho các bị cáo hưởng án treo, giao cho chính quyền địa phương nơi các bị cáo cư trú giám sát, giáo dục cũng đủ tác dụng giáo dục các bị cáo biết tuân thủ pháp luật. Việc cho các bị cáo hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Hình phạt Kiểm sát viên, người bào chữa đề nghị áp dụng đối với các bị cáo là có căn cứ, phù hợp qui định của pháp luật nên chấp nhận.

[7] Về hình phạt bổ sung: Theo các tài liệu, chứng cứ và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa xét thấy gia đình các bị cáo đều thuộc diện hộ nghèo của xã T (bút lục số 263, bút lục 301); tại các biên bản xác minh đều cho thấy các bị cáo không có tài sản gì có giá trị lớn (bút lúc số 260, bút lục 300), bị cáo L làm nghề trồng trọt thu nhập thấp không ổn định, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, Hội đồng xét xử quyết định không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với các bị cáo.

[8] Về trách nhiệm dân sự: Các bị cáo và nguyên đơn dân sự đã tự thỏa thuận về trồng lại diện tích rừng các bị cáo đã hủy hoại. Sự thỏa thuận giữa nguyên đơn dân sự và các bị cáo là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên được ghi nhận.

[9] Về vật chứng của vụ án:

- Đối với khối lượng lâm sản trên diện tích rừng Vàng A C, Vàng Vảng L đã hủy hoại tại Tiểu khu 553, khoảnh 4 thuộc thôn L, xã T, huyện T, trong đó 16,576m3 gỗ cây bồ đề (gỗ nhóm VIII), 2,763m3 gỗ cây trám trắng (gỗ nhóm VII), gỗ nhóm VIII các loại khác đường kính D<25cm có trữ lượng là 52,71 m3 , cây giang D<5cm có số lượng là 708 cây, cơ quan điều tra đã giao những vật chứng này cho UBND xã T quản lý là phù hợp, do vậy tiếp tục giao những vật chứng trên cho UBND xã T quản lý.

- Đối với 01 (một) con dao phát có tổng chiều dài là 90cm, phần lưỡi dao dài 41,5cm, phần chuôi dao dài 47,5cm, vanh của phần cán dao phát là 11cm, dao đã cũ, đã qua sử dụng; 01 (một) con dao phát có tổng chiều dài là 77,5cm, lưỡi sắt bị nứt sát cổ chuôi dao sắt, lưỡi dao bằng sắt hình cong có chiều dài = 39,5cm, chiều rộng = 4cm, chuôi nắm bằng gỗ dài 38cm, hình tròn đường kính = 3cm, dao đã cũ, đã qua sử dụng. Đây là những công cụ bị cáo Vàng A C, Vàng Vảng L sử dụng vào việc phạm tội, xét không có giá trị cần tịch thu tiêu hủy.

- Đối với: 01 (một) con dao phát tổng chiều dài 67cm, chiều dài lưỡi dao làm bằng sắt 36cm, chiều dài cán dao làm bằng gỗ 31cm, dao cũ, đã qua sử dụng thu giữ của Vàng Mao T; 01 (một) con dao phát lưỡi sắt cán gỗ cụ thể: lưỡi dao sắt dài 39cm, chuôi gỗ dài 29cm, có hình tròn đường kính 3cm, chiều rộng lưỡi dao sắt 4cm, bị nứt ở gần chuôi dao, tổng chiều dài dao phát là 68cm, dao đã cũ, đã qua sử dụng thu giữ của Vàng Chừ V; 01 (một) con dao phát lưỡi sắt dài 33cm, rộng 3cm, chuôi gỗ dài 28cm, hình tròn đường kính 2,5cm, dao đã cũ, đã qua sử dụng thu giữ của Vàng A K, đây là công cụ Vàng Mao T, Vàng Chừ V, Vàng A K sử dụng để phá rừng. Xét thấy đây là những vật không còn giá trị sử dụng cần tịch thu tiêu hủy.

[10] Về các vấn đề khác:

- Đối với Vàng Mao T, Vàng Chừ V, Vàng A K đã có hành vi hủy hoại rừng sản xuất là rừng tự nhiên, trong đó T hủy hoại 980 m2 , V hủy hoại 480 m2 , K hủy hoại 490 m2. Diện tích rừng T, V, K hủy hoại đều dưới 5000 m2 , chưa đến mức bị coi là tội phạm. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Trạm Tấu đã chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến hành vi vi phạm của T, V, K đến Hạt Kiểm lâm Trạm Tấu- nghĩa Lộ để xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền là phù hợp.

- Đối với Vàng Mao T là người đã đưa ra thông tin về khu rừng T tự nhận là bãi chăn thả gia súc của gia đình và bảo các con đi phát để trồng quế giữ đất phát đựơc bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu; tuy nhiên T không bàn bạc, không chỉ cụ thể vị trí cho C, L phát ở đâu, diện tích là bao nhiêu, không đi phát cùng, không có hành vi ép buộc C, L phải đi phát rừng. Do đó hành vi của Vàng Mao T không phải là đồng phạm trong vụ án.

[11] Về án phí và quyền kháng cáo:

- Về Án phí: Các bị cáo Vàng A C, Vàng Vảng L gia đình đều thuộc diện hộ nghèo, là người dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, các bị cáo đã có đơn xin miễn án phí. Hội đồng xét xử xét thấy cần căn cứ vào khoản 6 Điều 15 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30- 12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án miễn án phí hình sự sơ thẩm cho các bị cáo.

- Quyền kháng cáo: Các bị cáo, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Tội danh:

Tuyên bố các bị cáo Vàng A C, Vàng Vảng L phạm tội “Hủy hoại rừng”.

2. Điều luật áp dụng và hình phạt:

- Đối với bị cáo Vàng A C: Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 243; điểm b, điểm s khoản 1 Điều 51; khoản 1, khoản 2 Điều 65 của Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Vàng A C 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù cho hưởng án treo thời gian thử thách là 03 (ba) năm, kể từ ngày tuyên án. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã T, huyện T giám sát, giáo dục; gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 92 Luật thi hành án Hình sự.

- Đối với bị cáo Vàng Vảng L: Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 243; điểm b, điểm s khoản 1 Điều 51; khoản 1, khoản 2 Điều 65 của Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Vàng Vảng L 02 (hai) năm tù cho hưởng án treo thời gian thử thách là 04 (bốn) năm, kể từ ngày tuyên án. Giao bị cáo cho Uỷ ban nhân dân xã T, huyện T giám sát, giáo dục; gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 92 Luật thi hành án Hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

3. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Hình sự; các Điều 584, 585; 586, 589 của Bộ luật Dân sự.

Ghi nhận sự thỏa thuận giữa bị cáo Vàng A C, Vàng Vảng L và Ủy ban nhân dân xã T, theo đó Vàng A C có trách nhiệm trồng lại 6.550m2 rừng tại Tiểu khu 355, khoảnh 4 thuộc thôn L, xã T, Vàng Vảng L có trách nhiệm trồng lại 7500 m2 rừng tại tiểu khu 355, khoảnh 4 thuộc thôn L, xã T, (xác nhận các bị cáo Vàng A C, Vàng Vảng L đã trồng lại toàn bộ diện tích đã hủy hoại theo tiêu chuẩn kỹ thuật của UBND xã T), các bị cáo C, L có nghĩa vụ chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng đã trồng và đến ngày 30 tháng 4 năm 2022 bàn giao lại toàn bộ diện tích rừng này cho UBND xã T.

4. Xử lý vật chứng của vụ án: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 của Bộ luật Hình sự; điểm a, điểm c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

- Giao cho ủy ban nhân dân xã T, huyện T quản lý số lượng lâm sản trên diện tích rừng Vàng A C, Vàng Vảng L đã hủy hoại, cụ thể 16,576m3 gỗ cây bồ đề (gỗ nhóm VIII), 2,763m3 gỗ cây trám trắng (gỗ nhóm VII), gỗ nhóm VIII các loại khác đường kính D<25cm có trữ lượng là 52,71 m3 , cây giang D<5cm có số lượng là 708 cây.

- Tịch thu và tiêu hủy: 01 (một) con dao phát có tổng chiều dài là 90 cm, phần lưỡi dao dài 41,5 cm, phần chuôi dao dài 47,5 cm, vanh của phần cán dao phát là 11 cm, dao đã cũ, đã qua sử dụng; 01 (một) con dao phát có tổng chiều dài là 77,5 cm, lưỡi sắt bị nứt sát cổ chuôi dao sắt, lưỡi dao bằng sắt hình cong có chiều dài = 39,5 cm, chiều rộng = 4 cm, chuôi nắm bằng gỗ dài 38 cm, hình tròn đường kính = 3 cm, dao đã cũ, đã qua sử dụng; 01 (một) con dao phát tổng chiều dài 67 cm, chiều dài lưỡi dao làm bằng sắt 36 cm, chiều dài cán dao làm bằng gỗ 31 cm, dao cũ, đã qua sử dụng; 01 (một) con dao phát lưỡi sắt cán gỗ cụ thể: lưỡi dao sắt dài 39 cm, chuôi gỗ dài 29 cm, có hình tròn đường kính 3 cm, chiều rộng lưỡi dao sắt 4 cm, bị nứt ở gần chuôi dao, tổng chiều dài dao phát là 68 cm, dao đã cũ, đã qua sử dụng; 01 (một) con dao phát lưỡi sắt dài 33 cm, rộng 3 cm, chuôi gỗ dài 28cm, hình tròn đường kính 2,5 cm, dao đã cũ, đã qua sử dụng.

Các vật chứng này có đặc điểm như trong biên bản giao nhận vật chứng ngày 31-3-2021 giữa Công an huyện Trạm Tấu và Chi cục thi hành án dân sự huyện Trạm Tấu.

5. Về án phí: Áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 14, khoản 6 Điều 15 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Các bị cáo Vàng A C, Vàng Vảng L được miễn nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm.

6. Về quyền kháng cáo: Áp dụng Điều 331 và Điều 333 của Bộ luật Tố tụng Hình sự Các bị cáo, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; người có quyền lợi liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bản án được tống đạt hợp lệ.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận việc thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

224
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 04/2021/HS-ST ngày 26/04/2021 về tội hủy hoại rừng

Số hiệu:04/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Trạm Tấu - Yên Bái
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 26/04/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về