Bản án 04/2019/KDTM-ST ngày 28/11/2019 về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TIÊN DU, TỈNH BẮC NINH

BẢN ÁN 04/2019/KDTM-ST NGÀY 28/11/2019 VỀ VIỆC TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Ngày 28 tháng 11 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh xét xử sơ thẩm công khai vụ án Kinh doanh thương mại thụ lý số: 02/2019/TLST-KDTM ngày 25 tháng 02 năm 2019 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 03/2019/QĐXXST- KDTM ngày 24 tháng 10 năm 2019 giữa:

Nguyên đơn: Công ty TNHH kỹ thuật công nghiệp liên hiệp Đ.

Địa chỉ: Số 23 đường L, phường K, TP B, tỉnh B:

Người đại diện theo pháp luật: Bà Phan Thị Quỳnh M, sinh năm 1995; Chức vụ: Giám đốc:

Người đại diện theo ủy quyền của bà Mai: Bà Nguyễn Thị Thu H, sinh năm 1984:

  1986:

 Địa chỉ: Số 45 đường H, Phường V, Thành phố B, tỉnh B:

Bị đơn: Công ty TNHH S:

Địa chỉ: Nhà xưởng 1B, lô A1 Khu công nghiệp Đ, huyện T, tỉnh B:

Người đại diện theo pháp luật: Ông Ann Own S - Chức vụ: Giám đốc:

Người phiên dịch cho ông Ann Own S: Bà Trần Thị Bích Th, sinh năm Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Luật sư Lê Văn Kh, thuộc VPLS 118-H, đoàn luật sư thành phố H:

Địa chỉ: Số 3/118 Đ, Quận B, Thành phố H:

(Các đương sự có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và lời khai tại phiên tòa hôm nay, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thu H trình bày Công ty TNHH kỹ thuật công nghiệp liên hiệp Đ (gọi là công ty Đ) có ký 03 hợp đồng mua bán với công ty TNHH S (gọi là công ty S, cụ thể như sau: Hợp đồng mua bán số: LZ20180920889 ngày 20/9/2018 về việc mua bán các sản phẩm: Hợp kim sắt Nickel 30NI70FE quy cách 0.12*20mm; Inox SUS436 quy cách 0.12*20mm; Inox SUS436 quy cách 0.25*20mm với tổng giá trị là:

1.429.069.400đ; Hợp đồng mua bán số: LZ20181001890 ngày 01/10/2018 về việc mua bán các sản phẩm: máy chuyển vật liệu đĩa tròn biến tần điện tử; máy tẩy rửa 2 bể sóng siêu âm; chất tẩy rửa; máy thu phế liệu; máy đánh ráp đánh bóng; đá đánh bóng; dung dịch đánh bóng với tổng giá trị hợp đồng là: 162.690.000đ; Hợp đồng mua bán số LZ20181102892 ngày 02/11/2018 về việc mua bán máy thu phế liệu hai trục kiểu đứng trị giá: 27.676.000đ; tổng số tiền 03 hợp đồng là 1.587.307.788. Công ty S đã tạm ứng cho công ty Đ theo hợp đồng đầu tiên là 390.000.000đ.

Quá trình thực hiện hợp đồng, công ty Đ đã thực hiện đầy đủ các nội dung đã thỏa thuận của 03 hợp đồng, hoàn thành nghĩa vụ của bên bán. Ngày 24/11/2018, công ty S đã xem xét kỹ hàng hoá và kiểm tra hồ sơ, giám đốc Ann Own S đã ký, đóng dấu đầy đủ vào các biên bản và gửi lại công ty Đ. Nội dung các biên bản đều kết luật vật tư theo tiến độ đưa đến xưởng phù hợp với yêu cầu của công ty S. Công ty S đồng ý ký các biên bản nghiệm thu; biên bản quyết toán và thanh lý hợp đồng nhưng không thực hiện đúng cam kết về thanh toán như thỏa thuận trong hợp đồng đã ký. Công ty Đ đã nhiều lần đôn đốc công ty S thanh toán khoản nợ nhưng không thành. Toàn bộ hàng hoá cung cấp cho công ty S là do công ty Đ mua lại từ các công ty sản xuất, tiền hàng đã thanh toán đầy đủ cho nhà cung cấp nhưng công ty S lại không thanh toán cho công ty Đ.

Vì vậy, công ty Đ khởi kiện buộc công ty S thanh toán số tiền nợ còn lại cả 03 hợp đồng là 1.197.307.788 vnđ (Một tỷ, một trăm chín mươi bảy triệu, ba trăm linh bảy nghìn, bảy trăm tám mươi tám đồng Việt Nam) và số tiền lãi chậm thanh toán tính từ ngày 24/11/2018 đến ngày xét xử 28/11/2019 là 175.512.201đ; tổng số tiền thanh toán là 1.372.821.000đ.

Đối với ý kiến của công ty S cho rằng công ty Đ đã giao hàng bị lỗi không thể sử dụng được và có yêu cầu phản tố đòi bồi thường số tiền: 5.504.606.100, công ty Đ hoàn toàn phản đối vì đây là yêu cầu hết sức vô ý, không có cơ sở pháp lý. Công ty S không hề đưa ra được bằng chứng có sức thuyết phục nào về việc hàng hóa không đảm bảo chất lượng, trong khi đó hàng hóa do công ty S sản xuất ra không bán được có phải nguyên nhân trực tiếp từ chất lượng hàng hóa hay không cũng không thể biết? Công ty Đ cung cấp hàng hóa cũng trên cơ sở đơn đặt hàng của công ty S. Về chất lượng hàng hóa, Công ty S phải là đơn vị nắm rõ nhất, vì vậy, với thời gian từ ngày 28/9/2018 đến 24/11/2019 (giai đoạn giao hàng), công ty S đã ký nghiệm thu, thanh lý Hợp đồng.

Theo đơn phản tố của bị đơn ngày 24/4/2019, lời khai tại phiên tòa hôm nay người đại diện theo pháp luật của bị đơn ông An Own S trình bày:

Công ty S xác nhận có ký 03 hợp đồng mua bán với công ty Đ như đại diện công ty Đ trình bày là đúng. Công ty S đã tạm ứng cho công ty Đ theo hợp đồng đầu tiên là 390.000.000đ. Công ty S không có ý kiến gì về 02 hợp đồng mua bán thiết bị máy móc, công ty S nhất trí trả theo giá trị hợp đồng đã ký kết giữa hai bên.

Quá trình thực hiện hợp đồng mua bán số: LZ20181102892 ngày 02/11/2018, công ty S đã nhận 04 thùng hàng Nicken; 03 thùng Inox còn nguyên đai, nguyên kiện. Khi gia công thì phải cắt các tấm Nicken hoặc các cuộn Inox nếu cho cắt dỡ ra thì không thể cuộn lại như cũ được mà phải chuyển giao nguyên đai kiện cho bên thứ 3 gia công mới thực hiện được. Do công ty S quá tin tưởng vào công ty Đ nên đã ký nghiệm thu và thanh lý hợp đồng mà không kiểm tra hàng hóa khi tiếp nhận. Đến ngày 04/12/2018, công ty S đã chuyển 03 thùng, mỗi chủng loại 01 thùng cho công ty J có địa chỉ Nhà xưởng E15, lô CN-03 khu Công nghiệp V, huyện V, tỉnh B gia công cắt Nicken và Inox này. Đến ngày 07/12/2018, công ty J dỡ các thùng Nicken và Inox ra để cắt thì phát hiện ra lỗi sai quy cách, bề mặt có vết hoen gỉ lồi lõm, mép cuộn bị cong vênh. Inox thì bề mặt thép có vết hoan gỉ và lồi lõm, có vết xước mép cuộn hoen gỉ. Cùng ngày, công ty S đã báo cho công ty Đ đến công ty J để kiểm chứng. Đại diện công ty Đ có đến và có chụp ảnh. Công ty S có đưa ra là lỗi hàng nghiêm trọng, không thể sử dụng được và đã gửi mail nhiều lần khiếu nại chất lượng hàng hóa, yêu cầu đổi lại hàng. Tuy nhiên phía công ty Đ không trả lời. Vì vậy, ngày 11/3/2019, công ty S đã mời công ty Cổ phần giám định đến công ty S để giám định lô hàng Nicken và Inox mà đã mua của công ty Đ. Trước khi mời giám định, công ty S đã điện thoại mời đại diện công ty Đ đến để chứng kiến việc giám định nhưng đại diện công ty Đ không đến. Toàn bộ số Niken và Inox hiện vẫn còn để ở công ty S.

Nay công ty Đ đề nghị Tòa án buộc công ty S phải trả cho công ty Đ số tiền tổng cộng cả 03 hợp đồng là 1.197.307.788đ và số tiền lãi do chậm thanh toán tính từ ngày 24/11/2018 ngày xét xử 28/11/2019 là 175.512.201đ thì công ty S không đồng ý bởi lý do:

Thứ nhất: Hàng bị lỗi không thể sử dụng được.

Thứ hai: Phía công ty Đ chưa xuất hóa đơn GTGT cho công ty S.

Thứ ba: Công ty S đã tạm ứng thanh toán 390.000.000đ cho hợp đồng thứ nhất nên 02 hợp đồng sau công ty S chưa thanh toán.

Về yêu cầu phản tố: Do hàng hóa bị lỗi dẫn đến công ty S không thể ký kết với các bạn hàng mặc dù bạn hàng đã có đơn đặt hàng với công ty S trong thời gian từ tháng 9/2018 đến nay, cụ thể với công ty P, địa chỉ lô 11 Khu công nghiệp K, thành phố V, tỉnh V1 (chưa ký hợp đồng) gây thiệt hại là 5.504.606.100đ. Nay công ty S yêu cầu buộc công ty Đ phải bồi thường thiệt hại cho công ty S số tiền trên.

Tại phiên tòa đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện đề nghị Tòa án buộc công ty S phải trả cho công ty Đ số tiền tổng cộng cả 03 hợp đồng là 1.197.307.788đ và số tiền lãi do chậm thanh toán tính từ ngày 24/11/2018 ngày xét xử 28/11/2019 là 175.512.201đ. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn về việc yêu cầu công ty Đ phải bồi thường thiệt hại cho công ty S với tổ số tiền là 5.504.606.100đ.

Phía bị đơn giữ nguyên quan điểm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Giữ nguyên yêu cầu phản tố: Đề nghị Tòa án buộc công ty Đ phải bồi thường thiệt hại cho công ty S với tổng số tiền là 5.504.606.100đ do công ty Đ đã giao hàng kém chất lượng cho công ty S đẫn đến việc công ty S không thể sản xuất hàng cho công ty P.

Người bảo vệ quyền lợi cho bị đơn trình bày bản luận cứ: Đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu khởi kiện của công ty Đ với các lý do: Công ty Đ đã giao hàng bị lỗi không thể sử dụng được; Phía công ty Đ chưa xuất hóa đơn GTGT cho công ty S; Công ty S đã tạm ứng thanh toán 390.000.000đ cho hợp đồng thứ nhất nên 02 hợp đồng sau công ty S chưa thanh toán.

Về yêu cầu phản tố: Do hàng hóa bị lỗi dẫn đến công ty S không thể ký kết với các bạn hàng mặc dù bạn hàng đã có đơn đặt hàng với công ty S trong thời gian từ tháng 9/2018 đến nay, cụ thể với Công ty P, địa chỉ lô 11 Khu công nghiêp K, thành phố V, tỉnh V1 (chưa ký hợp đồng) gây thiệt hại là 5.504.606.100đ. Nay công ty S yêu cầu buộc công ty Đ phải bồi thường thiệt hại cho công ty S số tiền trên.

Đại diện VKSND huyện Tiên Du phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án và phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án như sau:

Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa và các đương sự đều chấp hành đúng những qui định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc công ty TNHH S phải thanh toán cho công ty TNHH kỹ thuật công nghiệp liên hiệp Đ số tiền tổng cộng cả 03 hợp đồng là 1.197.307.788đ và số tiền lãi do chậm thanh toán tính từ ngày 24/11/2018 đến ngày xét xử sơ thẩm (28/11/2019) là 172.512.000đ; tổng số tiền là 1.369.821.000đ.

Đề nghị bác yêu cầu phản tố của công ty công ty TNHH S đối với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại là 5.504.606.100đ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định: [1] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

Đây là tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại giữa các tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. Tranh chấp phát sinh do vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Công ty TNHH S có địa chỉ tại Nhà xưởng 1B, lô A1 Khu công nghiệp Đ, huyện T, tỉnh B; Do vậy Hội đồng xét xử xác định là tranh chấp về kinh doanh thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30; điểm b, khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện T.

[2] Về thời hiệu khởi kiện: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa hôm nay các đương sự đều thừa nhận thời điểm vi phạm nghĩa vụ tính từ ngày 24/11/2018. Ngày 20/02/2019, công ty Đ khởi kiện nên đảm bảo thời hiệu quy định tại Điều 319 Luật thương mại 2005.

[3] Tính hợp pháp của hợp đồng: Có căn cứ xác định giữa công ty Đ với công ty S có ký 03 Hợp đồng mua bán số: LZ20180920889 ngày 20/9/2018 về việc mua bán các sản phẩm: Hợp kim sắt Nickel 30NI70FE quy cách 0.12*20mm; Inox SUS436 quy cách 0.12*20mm; Inox SUS436 quy cách 0.25*20mm với tổng giá trị là: 1.429.069.400đ; Hợp đồng mua bán số: LZ20181001890 ngày 01/10/2018 về việc mua bán các sản phẩm: máy chuyển vật liệu đĩa tròn biến tần điện tử; máy tẩy rửa 2 bể sóng siêu âm; chất tẩy rửa; máy thu phế liệu; máy đánh ráp đánh bóng; đá đánh bóng; dung dịch đánh bóng với tổng giá trị hợp đồng là:

162.690.000đ; Hợp đồng mua bán số LZ20181102892 ngày 02/11/2018 về việc mua bán máy thu phế liệu hai trục kiểu đứng trị giá: 27.676.000đ; số tiền tổng cộng cả 03 hợp đồng là 1.587.307.788. Công ty S đã tạm ứng cho công ty Đ theo hợp đồng đầu tiên là 390.000.000đ. Cả hai bên đều không có ý kiến gì về Hợp đồng mua bán số: LZ20181001890 ngày 01/10/2018 và Hợp đồng mua bán số LZ20181102892 ngày 02/11/2018. Việc ký kết hợp đồng mua bán giữa công ty Đ và công ty S là hoàn toàn tự nguyện. Hợp đồng được giao kết bằng văn bản do những người có thẩm quyền ký và đóng dấu của hai công ty. Đối tượng mua bán là mặt hàng không bị nhà nước cấm giao dịch. Hợp đồng tuân thủ quy định của pháp luật nên đây là giao dịch hợp pháp.

[4] Nội dung của hợp đồng: Cả bên nguyên đơn và bên bị đơn đều không có ý kiến gì về Hợp đồng mua bán số: LZ20181001890 ngày 01/10/2018 và Hợp đồng mua bán số LZ20181102892 ngày 02/11/2018. Do vậy chỉ xét đến nội dung của hợp đồng mua bán số LZ20180920889 ngày 20/9/2018: Hai bên thỏa thuận tạm ứng 30% tổng giá trị hợp đồng. Sau khi giao hàng xong thì thanh toán 70% số tiền còn lại. Ngày 24/11/2018, công ty Đ đã giao hàng hóa đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng cho công ty S tại Nhà xưởng 1B, lô A1 Khu công nghiệp Đ, huyện T, tỉnh B. Hiện tại bên mua đã tạm ứng 390.000.000đ, số tiền gốc còn nợ là 1.197.307.788đ. Tất cả các tình tiết, sự việc trên đây các bên đều xác nhận là đúng sự thật. Căn cứ vào khoản 2 Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử thấy rằng đây là các tình tiết, sự kiện không phải chứng minh.

[4.1] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

Đối với khoản nợ tiền hàng: Công ty Đ và công ty S đều xác nhận hiện tại công ty S còn nợ công ty Đ số tiền hàng của 03 hợp đồng là 1.197.307.788đ. Hội đồng xét xử nhận thấy: Căn cứ Hợp đồng mua bán số: LZ20180920889 ngày 20/9/2018 về việc mua bán các sản phẩm: Hợp kim sắt Nickel 30NI70FE quy cách 0.12*20mm; Inox SUS436 quy cách 0.12*20mm; Inox SUS436 quy cách 0.25*20mm nhưng thực tế là 0.12*207mm; 0.12*620mm; 0.25*620mm là do yêu cầu của công ty S để tự mang đi cắt. Theo hợp đồng, công ty Đ đã giao hàng hóa thành 2 đợt, theo đó đợt 1 là giao hàng mẫu là: 100kg hợp kim sắt Nickel và 100kg Inox Sus436 (tương ứng 2 loại). Công ty Đ đã thực hiện nghiêm túc việc giao hàng mẫu cho công ty S và công ty S cũng đã kiểm tra hàng mẫu (thể hiện tại đơn giao hàng ngày 28/9/2018 đã ký đầy đủ bên giao và bên nhận) và đã đổi hàng lần 1 theo yêu cầu của công ty S (thể hiện tại đơn giao hàng ngày 16/10/2018 và đơn giao hàng ngày 24/11/2018. Công ty S cũng đã kiểm tra hàng mẫu và xác nhận với công ty Đ về việc hàng hoá đã đạt yêu cầu và giao hàng chính thức. Tại mục 6 của Hợp đồng cũng đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của công ty S. Theo đó, công ty S “phải kiểm tra nghiệm thu trước khi nhận hàng tránh trường hợp giao hàng không đúng chủng loại. Nếu hàng giao không đúng quy cách chủng loại Bên A được quyền không nhận trả lại Bên B và yêu cầu Bên B giao lại đúng chủng loại quy cách hàng mà Bên A yêu cầu”. Như vậy, vì hàng hoá phục vụ cho hoạt động sản xuất của công ty S nên để tránh sai sót, nhầm lẫn, công ty S và công ty Đ đã thoả thuận rất rõ việc công ty S phải kiểm tra kỹ trước khi nhận hàng. Công ty Đ cũng chỉ là đơn vị bán hàng hoá, công ty S là công ty chuyên về sản xuất. Vì vậy, yêu cầu kỹ thuật và quy cách hàng hoá công ty S là đơn vị nắm rõ, phải biết và đã cử cán bộ kiểm tra trước khi nhận hàng. Việc công ty S đề nghị để tự mình cắt rạch cũng một phần là nguyện vọng của việc công ty S muốn tự mình làm theo ý của mình. Do vậy, công ty Đ đã hoàn toàn chuyển giao quyền sở hữu hàng hoá, bàn giao hàng theo đúng yêu cầu về chủng loại, chất lượng cho công ty S. Việc này cũng được cụ thể hoá bằng các biên bản nghiệm thu, biên bản quyết toán và thanh lý hợp đồng mà công ty S đã ký với công ty Đ.

Tại mục 2 của Hợp đồng đã quy định hồ sơ thanh toán có biên bản nghiệm thu bàn giao, thanh lý hợp đồng. Theo đó ngày 24/11/2018, công ty Đ đã gửi biên bản nghiệm thu, biên bản quyết toán và thanh lý Hợp đồng để xác nhận việc bàn giao đầy đủ hàng hoá đúng theo yêu cầu của công ty S. Biên bản thanh lý chính là căn cứ chấm dứt hợp đồng đã ký. Sau ngày 24/11/2018, công ty S đã xem xét kỹ hàng hoá và kiểm tra hồ sơ, giám đốc Ann Own S đã ký, đóng dấu đầy đủ vào các biên bản và gửi lại công ty Đ. Nội dung các biên bản đều kết luật vật tư theo tiến độ đưa đến xưởng phù hợp với yêu cầu của công ty S. Công ty S đồng ý nghiệm thu sử dụng. Như vậy, nghĩa vụ của công ty Đ đã được thực hiện đầy đủ theo đúng hợp đồng. Hàng hoá cũng đã được chuyển giao quyền sở hữu theo Điều 62 Luật thương mại 2005 “quyền sở hữu được chuyển từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao”.

Căn cứ Điều 432 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định, chất lượng của tài sản mua bán do các bên thoả thuận. Các bên cũng đã nhận hàng mẫu, đã kiểm tra và từng đổi hàng 1 lần. Lần giao hàng sau khi đổi, công ty S đã nhận bàn giao và xác nhận hàng giao đúng yêu cầu, biên bản nghiệm thu, quyết toán, thanh lý đã ký đầy đủ vào ngày 24/11/2018.

Căn cứ Điều 40 Luật thương mại năm 2005 về trách nhiệm đối với hàng hoá không phù hợp với hợp đồng: “1. Bên bán không chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng bên mua đã biết hoặc phải biết về những khiếm khuyết đó;”. Như vậy, công ty Đ hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá do hai bên đã biết và đã chấp nhận.

Phía công ty S cho rằng phía công ty Đ đã cung cấp hàng bị lỗi không thể sử dụng được. Khi phát hiện hàng hóa bị lỗi, công ty S đã yêu cầu công ty Đ đổi hàng nhưng phía công ty Đ không đồng ý. Công ty S đã tạm ứng thanh toán 390.000.000đ cho hợp đồng thứ nhất nên 02 hợp đồng sau Công ty S chưa thanh toán nên không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của công ty Đ.

Hội đồng xét xử nhận thấy: Đối với sản phẩm công ty S thoả thuận mua bán với công ty Đ thì tên sản phẩm: Hợp kim sắt Nickel 30NI70FE được hiểu là tỷ lệ 30% là Nickel và 70% là sắt. Tỷ lệ này đã được các bên đo bằng máy kiểm tra trực tiếp khi nhận hàng. Hợp kim này có tính dẻo, tính bền, tính cứng, khả năng chống oxi hoá của môi trường, trong đó Nickel có mặt trong hợp kim giúp bền và dẻo dai. Về quy cách sản phẩm: 0.12*20mm và 0.15*20mm nhưng thực tế là 0.12*207mm; 0.12*620mm; 0.25*620mm là do yêu cầu của công ty S để tự mang đi cắt. Kích thước sản phẩm hoàn toàn có thể nhìn bằng mắt thường, công ty S yêu cầu được giao nguyên tấm. Đối với Inox Sus 436, công ty Đ đã bàn giao sản phẩm theo đúng mã hàng, đáp ứng các thành phần hoá học đối với thép không gỉ Inox Sus 436. Việc giao nhận hàng giữa hai bên đúng chủng loại và tỉ lệ đã được kiểm tra và xác nhận được cụ thể hoá bằng các biên bản nghiệm thu, biên bản quyết toán và thanh lý hợp đồng ngày 24/11/2018 các bên đã ký với nhau.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 318 Luật thương mại 2005 quy định về thời hạn khiếu nại đối với chất lượng hàng hóa là 06 tháng kể từ ngày giao hàng. Như vậy theo công ty S trình bày thì ngày 24/11/2018 các bên đã giao nhận xong hàng hóa. Đến ngày 07/12/2018, công ty S đem hàng đến công ty J tháo dỡ các thùng Nicken và Inox ra để cắt thì phát hiện ra lỗi sai quy cách, bề mặt có vết hoen gỉ lồi lõm, mép cuộn bị cong vênh. Inox thì bề mặt thép có vết hoan gỉ và lồi lõm, có vết xước mép cuộn hoen gỉ. Tuy nhiên đến nay, công ty S vẫn chưa có văn bản khiếu nại nào theo đúng quy định của pháp luật gửi cho công ty Đ mà chỉ dừng lại ở sự trao đổi thông tin với nhau. Nay công ty S có ý kiến về độ cong vênh khi cắt, rạch là không có cơ sở.

Về vấn đề công ty S thuê đơn vị giám định là công ty cổ phần giám định H để kiểm định hàng hóa: Hội đồng xét xử nhận thấy việc công ty S tự đi giám định sản phẩm mà không thông báo, không có sự chứng kiến của công ty Đ là không phù hợp về quy trình giám định theo quy định của pháp luật. Đây là việc làm đơn phương, không mang tính khách quan và cũng không phản ánh đầy đủ chất lượng của hàng hóa, không thể biết được hàng hóa mà công ty S mời giám định có phải là hàng hóa do công ty Đ cung cấp hay không? Quá trình giải quyết vụ án, công ty S không yêu cầu Tòa án giám định lại hàng hóa nên không có cơ sở chấp nhận kết luận giám định này.

Như phân tích ở trên: Về vấn đề công ty S khiếu nại về chất lượng hàng hoá thì công ty Đ cũng không hề biết. Công ty S chưa gửi bất kỳ đơn khiếu nại nào cho công ty Đ. Do vậy, công ty Đ đã hoàn toàn chuyển giao quyền sở hữu hàng hoá, bàn giao hàng theo đúng yêu cầu về chủng loại, chất lượng cho công ty S được cụ thể hoá bằng các biên bản nghiệm thu, biên bản quyết toán và thanh lý hợp đồng mà công ty S đã ký với công ty Đ. Tại Hợp đồng cũng đã quy định hồ sơ thanh toán có biên bản nghiệm thu bàn giao, thanh lý hợp đồng. Theo đó ngày 24/11/2018, công ty Đ đã gửi biên bản nghiệm thu, biên bản quyết toán và thanh lý hợp đồng để xác nhận việc bàn giao đầy đủ hàng hoá đúng theo yêu cầu của công ty S. Sau ngày 24/11/2018, công ty S đã xem xét kỹ hàng hoá và kiểm tra hồ sơ đã ký, đóng dấu đầy đủ vào các biên bản và gửi lại công ty Đ. Nội dung các biên bản đều kết luật vật tư theo tiến độ đưa đến xưởng phù hợp với yêu cầu của công ty S. Công ty S đồng ý nghiệm thu sử dụng. Như vậy, nghĩa vụ của công ty Đ đã được thực hiện đầy đủ theo đúng hợp đồng. Hàng hoá cũng đã được chuyển giao quyền sở hữu từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao. Biên bản thanh lý chính là căn cứ chấm dứt hợp đồng đã ký. Như vậy, công ty S đã nhận đủ hàng hóa, đã triển khai hoạt động sản xuất nhưng đã không thanh toán tiền theo thoả thuận trong hợp đồng là vi phạm nghiêm trọng điều khoản của hợp đồng. Việc công ty S đến nay viện lý do hàng hoá không đúng chất lượng là thiếu căn cứ nên cần chấp nhận yêu cầu thanh toán tiền hàng còn nợ của công ty Đ đối với công ty S. Buộc công ty S có nghĩa vụ thanh toán cho công ty Đ số tiền hàng còn nợ là: 1.197.307.778 đồng.

Đối với yêu cầu về mức lãi xuất chậm trả mà nguyên đơn đưa ra, Hội đồng xét xử thấy rằng:

Tại Điều 306 Luật thương mại năm 2005 quy định: Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi xuất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Quá trình chuẩn bị xét xử, phía nguyên đơn là công ty Đ đã xuất trình được bảng tính lãi của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh B gồm: Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam, chi nhánh B với lãi xuất cho vay thông thường là 8,5%/ năm; Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam, chi nhánh B với lãi xuất cho vay trên 06 tháng đến 12 tháng là 9,5%/ năm:

Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam, chi nhánh K với mức lãi xuất cho vay trên 08 tháng đến 11 tháng là 11%/ năm. Trong đó lãi xuất quá hạn bằng 150%. Như vậy mức lãi xuất quá hạn trung bình của 3 ngân hàng trên là 14,55/năm. Do phía bị đơn vi phạm nghĩa vụ thanh toán, do vậy cần chấp nhận về yêu cầu mức lãi xuất quá hạn mà phía nguyên đơn đưa ra là 14,5%/năm.

Từ ngày 24/11/2018 đến ngày xét xử sơ thẩm 28/11/2019 là 369 ngày. Số tiền được xác định là (1.197.307.788đ x 14,5%/năm x 369 ngày): 365 ngày = 175.512.201đ.

[4.2] Xét yêu cầu phản tố đòi bồi thường số tiền 5.504.606.100đ của công ty S: Ngày 24/4/2019, công ty S có gửi yêu cầu phản tố với ý kiến do công ty Đ cung cấp sản phẩm kém chất lượng không thể sản xuất được gây thiệt hại cho công ty S và Tòa án đã thụ lý yêu cầu phản tố của công ty S, Hội đồng xét xử nhận thấy: Quá trình giải quyết vụ án tòa án đã tiến hành ủy thác thu nhập chứng cứ liên quan đến yêu cầu phản tố của công ty S. Theo kết quả ủy thác thì phía công ty TNHH P có trả lời không có bất cứ giao dịch nào đối với công ty S; Công ty TNHH kim loại chính xác J cũng trả lời không tiến hành tháo dỡ các hàng hóa liên quan đến tranh chấp của 2 công ty. Phía công ty S cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh sản phẩm của của công ty Đ là sản phẩm kém chất lượng không thể sản xuất được. Tại phiên tòa nguyên đơn không chấp nhận đề nghị này của công ty S. Do vậy yêu cầu của Công ty S về nội dung này không được chấp nhận.

Từ những căn cứ nêu trên, Hội đồng xét xử thấy rằng việc công ty Đ khởi kiện yêu cầu công ty S phải thanh toán tổng số tiền còn nợ là 1.372.821.000đ; trong đó nợ gốc là 1.197.307.788đ và số tiền lãi do chậm thanh toán tính từ ngày 24/11/2018 đến ngày xét xử sơ thẩm (28/11/2019) là 175.512.201đ là có căn cứ cần chấp nhận.

[4.3] Về án phí:

Bị đơn phải toàn bộ án phí đối với số tiền phải thanh toán là 53.258.000đ. Bị đơn phải chịu án phí đối với phần bác yêu cầu phản tố là 113.505.000đ Nguyên đơn không phải chịu án phí được hoàn lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 24.000.000đ

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 26, 30, 35, 39, 147; 186; 266 bộ luật tố tụng dân sự.

Khoản 8 Điều 3, 40, 50; 55, 306 và Điều 319 luật thương mại năm 2005. Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH kỹ thuật công nghiệp liên hiệp Đ.

Buộc công ty TNHH S phải trả cho công ty TNHH kỹ thuật công nghiệp liên hiệp Đ tổng số tiền là 1.372.821.000đ (Một tỷ ba trăm bảy hai triệu tám trăm hai mốt ngàn đồng); Trong đó số tiền hàng còn nợ là: 1.197.308.788đ (Một tỷ một trăm chín bảy triệu ba trăm linh tám ngàn bảy trăm tám tám đồng) và tiền lãi phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán đến ngày xét xử sơ thẩm là 175.512.201đ (Một trăm bảy lăm triệu năm trăm mười hai ngàn hai trăm linh một đồng) Bác yêu cầu phản tố đòi bồi thường thiệt hại 5.504.606.100đ (Năm tỷ năm trăm linh bốn triệu sáu trăm linh sáu ngàn một trăm đồng) của Công ty S Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bên thi hành án chưa thi hành xong thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu lãi xuất theo quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 cho đến khi thi hành xong các khoản tiền, Về án phí: Công ty TNHH S phải chịu 53.185.000đ án phí sơ thẩm đối với tổng số tiền phải thanh toán.Và 113.505.000đ án phí đối với phần bác yêu cầu phản tố đòi bồi thường thiệt hại.

Hoàn trả lại cho Công ty TNHH kỹ thuật công nghiệp liên hiệp Đ số tiền tạm ứng án phí 24.000.000đ đã nộp tại biên lai thu số: AA/2015/0000636 ngày 22/02/2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tiên Du.

Các đương sự có mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

471
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 04/2019/KDTM-ST ngày 28/11/2019 về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Số hiệu:04/2019/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tiên Du - Bắc Ninh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 28/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về