Bản án 04/2018/KDTM-PT ngày 12/01/2018 về tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hóa và bảo hiểm tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 04/2018/KDTM-PT NGÀY 12/01/2018 VỀ TRANH CHẤP PHÁT SINH TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA VÀ BẢO HIỂM TÀI SẢN

Ngày 12 tháng 01 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng tiến hành xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 24/2017/TLPT-KDTM ngày 26 tháng 10 năm 2017 về tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hóa và bảo hiểm tài sản.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1139/2017/QĐ-PT ngày 08 tháng 12 năm 2017, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty B, địa chỉ trụ sở: Tầng 16 Tháp A - Tòa tháp V, số 191 B, quận H, thành phố H.

Người đại diện hợp pháp của Công ty B:

+ Ông Phạm HS, sinh năm 1969, địa chỉ liên hệ: Tầng 4, số 95 Đ, phường Đ, quận 1, Thành phố H; có mặt tại phiên tòa.

+ Ông Trương Minh CN, sinh năm 1971, địa chỉ liên hệ: Tầng 4, số 95 Đ, phường Đ, quận 1, Thành phố H; vắng mặt tại phiên tòa.

+ Ông Nguyễn Anh S, sinh năm 1971, trú tại: Số 144 đường Đ, quận N, thành phố H; vắng mặt tại phiên tòa.

(Đều đại diện theo văn bản ủy quyền ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Tổng Giám đốc Công ty B)

2. Bị đơn: Công ty BH, trụ sở ĐKKD: Phòng 216 Khách sạn T, số 03 L, phường M, quận N, thành phố Hải Phòng; trụ sở giao dịch: Số 72B/111 đường Đ, phường Đ, quận N, thành phố H.

Người đại diện hợp pháp của Công ty BH: Ông Đào Quang N, sinh năm 1988; ĐKHKTT: Số 20/149 L, phường M, Quận N, thành phố H (theo văn bản ủy quyền ngày 06/12/2017); có mặt tại phiên tòa

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Công ty T, địa chỉ trụ sở: Số 105 T, phường T, thành phố M, tỉnh QN.

Người đại diện hợp pháp của Công ty T: Ông Hoàng Văn Q. Chức vụ: Giám đốc Công ty T; vắng mặt tại phiên tòa.

- Công ty P, địa chỉ trụ sở: Số 14 Đ, phường M, quận N, thành phố H.

Người đại diện hợp pháp của Công ty P: Ông Đào Quang P – (theo văn bản ủy quyền ngày 06/12/2017); có mặt tại phiên tòa.

4. Người kháng cáo: Công ty BH.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 09/12/2016, các bản tự khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm của người đại diện của Công ty B thì:

Ngày 01/12/2014, Công ty T và chi nhánh Công ty B tại Hải Phòng (viết tắt là BHP) cùng nhau ký kết Hợp đồng bảo hiểm container định hạn số: BICHP- THMC/2014, theo nội dung của hợp đồng nêu trên thì: Đối tượng được bảo hiểm là vỏ container lạnh với ký mã hiệu đầy đủ theo yêu cầu của người được bảo hiểm, hành trình được bảo hiểm là chiều đi và chiều về các tuyến hành trình từ Hải Phòng đi các cửa khẩu thuộc lãnh thổ nước Việt Nam, hợp đồng có hiệu lực 01 năm kể từ ngày ký. Ngày 30/10/2015, BHP đã cấp Đơn bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam số 05153183.05, người được bảo hiểm là Công ty T, hàng hóa được bảo hiểm là vỏ container lạnh ký hiệu OOLU6467197. Ngày 02/01/2015, Công ty BH và Công ty T đã ký Hợp đồng nguyên tắc số 0201/2015/HĐNT. Theo nội dung của hợp đồng nêu trên thì: Công ty BH sẽ vận chuyển hàng nguyên cont nguyên chì, giao nguyên cont nguyên chì của Công ty T từ khu vực Cảng H đến nơi giao nhận hàng (theo chỉ định) bằng xe ô tô; hợp đồng có hiệu lực từ ngày ký đến ngày 31/12/2015.

Ngày 02 tháng 3 năm 2015, Công ty BH có ký với Công ty P hợp đồng nguyên tắc vận chuyển với nội dung là Công ty BH thuê Công ty P vận chuyển hàng hóa đóng container đến các công trình theo yêu cầu của Công ty BH.

Ngày 15 tháng 6 năm 2015, Công ty BH có ký với Công ty P hợp đồng thuê xe ô tô, với nội dung là Công ty BH thuê của Công ty P xe ô tô đầu kéo nhãn hiệu NATIONAL mang biển số 15C  –  153.01, số  máy: 79376336, số khung APR2BN360464.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng nguyên tắc số 0201/2015/HĐNT ngày 02/01/2015, vào hồi 9h30 ngày 31/10/2015 anh Phạm Văn N, sinh năm 1978, trú tại: Xóm 6, xã T, huyện T, thành phố H điều khiển xe ô tô đầu kéo BKS: 15C-153.01 kéo theo Rơ moóc BKS: 15R-08003, trên rơ moóc chở container lạnh 40’’số OOLU6467197 của Công ty T, đi từ hướng phường H về HB đến đường 279 đoạn (khu vực ngã ba Đ) tổ 3, khu 11, phường V, thành phố H, tỉnh Q đã xảy ra tai nạn giao thông.

Theo Biên bản giải quyết tai nạn giao thông ngày 23/11/2015 của Công an thành phố H thì: Do điều khiển xe vào đường cong, cua không giảm tốc độ, xử lý kém đã gây tai nạn lật xe, làm hư hỏng container lạnh 40’’ số OOLU6467197.

Vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH O (ngày 30/10/2015, Công ty T đã làm thủ tục mượn vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 của chi nhánh Công ty O), ngày 02/11/2015 Công ty T đã hoàn trả lại vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 về bãi Công ty G trong tình trạng vỏ container bị biến dạng do tai nạn.

Công ty G và Công ty TNHH O đã ký Hợp đồng thuê sử dụng dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, vệ sinh và giám định container. Thực hiện hợp đồng thuê sử dụng dịch vụ nêu trên, Công ty G đã kiểm tra và xác định tình trạng của container lạnh 40’’ số OOLU6467197: Bị bẹp xà, bẹp rách tôn, bẹp nặng mặt máy, rách mặt máy, bẹp xước nặng tôn mạn, phình nặng tôn, bẹp lỏng nẹp trần, bẹp nhàu tôn trong, bẹp rách bung cánh cửa, rách tem, rách gioãng nẹp cửa, bẹp máng chắn gió, cong biến dạng hỏng nặng, bẹp trụ rô bốt, bẹp xà cửa, phình mạn, phình nóc, đèn sáng quạt quay, bẹp tôn trong mặt máy, gãy chốt định vị, máy nén dàn nóng, dàn lạnh, bảng điều khiển dàn lạnh, vệ sinh rửa nước.

Công ty G đã báo giá những phần thiệt hại cần sửa chữa thực tế với tổng giá trị thiệt hại 16,926.7 USD cho Công ty TNHH O biết. Sau đó, Công ty TNHH O đã thông báo cho Công ty T về giá trị thiệt hại cần sửa chữa, trường hợp Công ty T mua lại vỏ container thì phải trả chi phí cho Công ty TNHH O số tiền 15,936.00 USD quy đổi là 356.488.320 đồng.

Căn cứ biên bản giám định vỏ container ngày 02/11/2015 của BHP, ngày 08/12/2015 Chi nhánh Công ty TNHH O đã thông báo cho Công ty T về chi phí bồi thường tổn thất toàn bộ cho vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 là 356.488.320 đồng. Chi phí cứu hộ là 7.700.000 đồng.

Ngày 21.12.2015, BHP đã chi trả cho Công ty T 364.188.320 đồng và nhận lại vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197. Do vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 đã được Công ty T mua bảo hiểm của BHP nên đại diện của BHP đã đến Công ty TNHH O nhận lại vỏ container lạnh trên, sau đó BHP đã thanh lý vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 cho Công ty TNHH Dịch vụ vận tải N với giá 67.100.000 đồng.

Công ty T đã ký Giấy biên nhận và thế quyền số BM.13/HD-GĐBT-02 cho BHP nhân danh Công ty T đòi Công ty BH bồi thường thiệt hại liên quan đến Hợp đồng nguyên tắc số 0201/2015/HĐNT ngày 02/01/2015.

Trong đơn khởi kiện, các bản tự khai, Công ty B yêu cầu Công ty BH phải hoàn trả tiền bồi thường tổn thất toàn bộ container là 356.488.320 đồng (đã bao gồm VAT) và chi phí cứu hộ là 7.700.000 đồng, tổng cộng là 364.188.320 đồng và không yêu cầu tiền lãi bồi thường.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty B yêu cầu Công ty BH phải hoàn trả số tiền bồi thường tổn thất toàn bộ vỏ container lạnh  40’’ số OOLU6467197  là: 289.388.320 (356.488.32 đồng, trừ chi phí thanh lý vỏ container 67.100.000 đồng, còn lại là 289.388.320 đồng, không yêu cầu trả chi phí cứu hộ là 7.700.000 đồng và không yêu cầu tiền lãi bồi thường, nếu Công ty BH chấp nhận thì Công ty B sẽ giảm 30% số tiền bồi thường phải bồi thường.

Theo người đại diện hợp pháp của Công ty BH thì: Ngày 02/01/2015, Công ty BH và Công ty T đã ký “Hợp đồng nguyên tắc số 0201/2015/HĐNT” với nội dung: Công ty BH sẽ vận chuyển hàng nguyên cont nguyên chì, giao nguyên cont nguyên chì của Công ty T từ khu vực Cảng H đến nơi giao nhận hàng (theo chỉ định) bằng xe ô tô, hợp đồng có hiệu lực từ ngày ký đến ngày 31/12/2015 như Công ty T đã nêu là đúng. Tuy nhiên, từ thời điểm ký hợp đồng trên đến khi xảy ra vụ  tai  nạn  gây  tổn  thất  cho  container  lạnh  40’’  số  OOLU6467197  vào  ngày 31/10/2015, giữa Công ty BH và Công ty T không có giao dịch, vận chuyển bất cứ loại hàng hóa nào, bằng bất cứ phương tiện gì.

Do Công ty P không có chức năng kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và không đủ số đầu kéo theo quy định để được cấp phù hiệu của Sở Giao thông vận tải nên Công ty P đã gửi xe đầu kéo vào Công ty BH với mục đích để xe hoạt động kinh doanh vận tải. Xe đăng ký tên Công ty P nhưng phù hiệu xe mang tên Công ty BH.

Công ty T không giao dịch, không thông báo cho Công ty BH việc vận chuyển container lạnh 40’’ số OOLU6467197 vào ngày 31/10/2015.  Công ty BH được biết diễn biến tai nạn xảy ra đối với xe ô tô đầu kéo BKS: 15C-153.01 kéo Rơ moóc BKS: 15R-08003 vào hồi 9h30 ngày 31/10/2015 do tài xế Nhã lái gây tổn thất cho container chở hàng đông lạnh số OOLU6467197 qua ông Cao Đức Lăng (tại thời điểm xảy ra tai nạn, ông Cao Đức Lăng là đại diện chủ xe của Công ty P, ông Cao Đức L có tham gia chứng kiến hiện trường vụ tai nạn trên, lúc đó tài xế N là người lái xe thuê cho Công ty P, ông L lúc đó chưa là nhân viên của Công ty BH, hiện nay ông L đang là nhân viên của Công ty BH).

Công ty B yêu cầu Công ty BH phải hoàn trả cho Công ty B số tiền bồi thường tổn thất toàn bộ vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 là 289.388.320 đồng, Công ty BH không đồng ý.

Theo người đại diện của Công ty T thì: Công ty T có ký “Hợp đồng nguyên tắc số 0201/2015/HĐNT ngày 02/01/2015” với Công ty BH. Công ty T nhập hàng (đông lạnh) về Cảng H, sau đó liên lạc bằng điện thoại qua trung gian nhờ chuyên chở hàng hóa từ H về Q. Việc trung gian gọi xe của cá nhân hay tổ chức nào chở hàng, Công ty T không biết. Do container lạnh 40” số 00CL6467197 của Công ty T đã được mua bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm container định hạn số: BICHP- THMC/2014 ngày 01/12/2014 nên khi xảy ra tai nạn tổn thất, Công ty T đã yêu cầu Công ty B bồi thường, việc bồi thường liên quan đến hợp đồng bảo hiểm container định hạn số: BICHP-THMC/2014 ngày 01/12/2014 đã xong.

Công ty T đã chuyển quyền và thế nhiệm cho Công ty B, nay Công ty B khởi kiện Công ty BH không liên quan đến quyền và nghĩa vụ của Công ty T. Đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt Công ty T.

Theo đại diện của Công ty P thì: Công ty P không đủ số xe đầu kéo theo quy định để được cấp phù hiệu của Sở Giao thông vận tải nên Công ty P đã gửi xe đầu kéo vào Công ty BH với mục đích để xe hoạt động kinh doanh vận tải. Xe đầu kéo 15C-153.01 và Rơ moóc 15R-080.03 là xe đăng ký tên Công ty P nhưng phù hiệu dán trên kính xe mang tên Công ty BH.

Công ty P do ông Đào Quang P đại diện, nhận chở hàng là container lạnh 40’’ số OOLU6467197 qua điện thoại số 0168611xxxx của một người đàn ông tên B hay ngồi ở quán nước trên đường L (Công ty P không biết lai lịch, địa chỉ ông B ở đâu). Tiếp đó, ông P thông báo cho ông B biết biển số xe, số điện thoại của lái xe của Công ty P là anh Phạm Văn N (anh Phạm Văn N là lái xe thuê cho Công ty P có ký hợp đồng lao động số 01/HĐLĐ-HĐ ngày 01/6/2015 với Công ty P), mọi giao dịch sau đó được thực hiện giữa ông B và anh Phạm Văn N. Khi nhận vận chuyển, Công ty P không biết hàng hóa chuyên chở là của ai. Việc chuyên chở container lạnh 40’’ số OOLU6467197 là thỏa thuận riêng giữa Công ty P với ông B, không liên quan đến Công ty BH.

Khi xe đầu kéo BKS: 15C-153.01 kéo Rơ moóc BKS: 15R-08003 trên rơ moóc chở container đông lạnh 40’’ số OOLU6467197 do anh Nhã điều khiển đi từ hướng phường Hà Thấu về Hoành Bồ đã để xảy ra tai nạn, do không có kinh nghiệm nên Công ty P đã nhờ người quen là ông Cao Đức Lăng đứng ra giải quyết vụ tai nạn giao thông trên. Hiện nay, anh Phạm Văn N Nhã đang bị Công an tỉnh Q tạm giam để điều tra về vụ tai nạn trên, không còn làm việc cho Công ty P nữa.

Công ty T thế quyền cho Công ty B khởi kiện, yêu cầu Công ty BH phải hoàn trả số tiền bồi thường tổn thất toàn bộ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 là 289.388.320 đồng, Công ty P không quan hệ làm ăn gì với Công ty T và Công ty B nên không có trách nhiệm về vấn đề này.

Với nội dung nêu trên, bản án số 08/2017/KDTM-ST ngày 13 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân Quận N, thành phố Hải Phòng đã:

Căn cứ vào khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 144, khoản 2 Điều 147, Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ vào Điều 388, Điều 389, Điều 480, Điều 485, Điều 486, Điều 487, Điều 488, Điều 535, Điều 536, Điều 539, Điều 542, khoản 1 Điều 546, Điều 577 Bộ luật Dân sự năm 2005;

Căn cứ vào điểm e khoản 1 Điều 17, Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm;

Căn cứ vào khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty B:

Buộc Công ty BH phải bồi hoàn cho Công ty B 50% số tiền tổn thất đối với container lạnh 40’’ số OOLU6467197 là (289.388.320 đồng : 2) = 144.694.160 đồng.

Ngoài ra, bản án còn tuyên nghĩa vụ chịu án phí, lãi suất chậm thi hành án và quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 25 tháng 9 năm 2017, Công ty BH đã kháng cáo: Không đồng ý bồi thường.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện của Công ty BH trình bày: Với mục đích để Công ty T hoàn thiện hồ sơ để thanh toán tiền bảo hiểm, Công ty T có làm sẵn hợp đồng rồi đưa cho Công ty BH, Công ty BH có ký hợp đồng nguyên tắc số 0201/2015/HĐNT ngày 02/01/2015 nhưng không phải ký vào ngày 02 tháng 01 năm 2015 mà là ký sau khi vụ tai nạn ngày 31 tháng 10 năm 2015 đã xảy ra.

Từ ngày 02 tháng 01 năm 2015 đến ngày 31 tháng 10 năm 2015 (khi xảy ra vụ tai nạn làm tổn thất toàn bộ container lạnh 40’’ số OOLU6467197) giữa Công ty BH và Công ty T không có giao dịch nào với nhau về vận đơn vận chuyển hàng hóa, không có hợp đồng vận chuyển cụ thể nào, Công ty BH không giao dịch với Công ty T về việc vận chuyển hàng bằng container lạnh 40’’ số OOLU6467197, Công ty cũng không ký lệnh điều xe đầu kéo BKS 15C-153.01 đi chở hàng bằng container lạnh 40’’ số OOLU6467197 dẫn đến tai nạn ngày 31 tháng 10 năm 2015.

Ngày 02 tháng 3 năm 2015, Công ty BH có ký với Công ty P hợp đồng vận chuyển nguyên tắc với nội dung là Công ty BH thuê Công ty P vận chuyển hàng hóa đóng container đến các công trình theo yêu cầu của Công ty BH và ngày 15 tháng 6 năm 2015 Công ty BH có ký với Công ty P hợp đồng thuê xe ô tô với nội dung là Công ty BH thuê của Công ty P xe ô tô đầu kéo nhãn hiệu NATIONAL mang biển số 15C – 153.01, số máy: 79376336, số khung APR2BN360464 nhưng thực chất Công ty BH không thuê Công ty P vận chuyển hàng hóa và không thuê xe của Công ty P mà do: Công ty P không đủ số xe đầu kéo theo quy định để cấp phù hiệu của Sở Giao thông vận tải nên Công ty P đã gửi xe đầu kéo vào Công ty BH, hai bên ký các hợp đồng như vậy để tạo điều kiện cho Công ty P hoạt động kinh doanh vận tải. Xe đầu kéo 15C-153.01 và Rơ moóc 15R-080.03 là xe đăng ký tên Công ty P nhưng phù hiệu dán trên kính xe mang tên Công ty BH.

Theo Công ty BH được biết thì Công ty P nhận chở hàng qua điện thoại của một người đàn ông tên là B nhưng không có hợp đồng, ông B hay ngồi ở quán nước trên đường L. Hai bên giao dịch miệng, thông báo biển số xe, số điện thoại của lái xe và mọi giao dịch sau đó được thực hiện thông qua lái xe. Công ty P thỏa thuận với ông B về việc chở container lạnh 40’’ số OOLU6467197 như thế nào thì Công ty BH không biết, không liên quan đến Công ty BH.

Khi xảy ra tai nạn, Công ty T không thông báo cho Công ty BH biết. Công ty B không mời bên giám định độc lập để xác định nguyên nhân, mức độ thiệt hại mà chỉ căn cứ vào Biên bản giải quyết vụ tai nạn giao thông ngày 23 tháng 11 năm 2015 của cơ quan Công an thành phố H, tỉnh Q, Biên bản giám định vỏ container ngày 02/11/2015 của BHP và Thông báo bồi thường tổn thất của Công ty TNHH O ngày 08/12/2015 để làm căn cứ bồi thường tổn thất của vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 cho Công ty T, Công ty B đã tự động bán vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 với giá 67.000.000 đồng, ngày 26 tháng 7 năm 2016 Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp V, trụ sở: Số 14 phố X, phường T, thành phố M, tỉnh Q đã mua lại vỏ container trên với giá 115.000.00 đồng. Công ty B tự bán vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 nhưng không thông báo cho các bên có liên quan biết và bán với giá quá rẻ là không đúng.

Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty B, buộc Công ty BH phải bồi thường thiệt hại vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 với số tiền 144.694.160 đồng, Công ty BH không đồng ý. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty B.

Đại diện của Công ty B trình bày: Ngày 01/12/2014, Chi nhánh Công ty B tại Hải Phòng đã ký với Công ty T hợp đồng bảo hiểm container định hạn số: BICHP-THMC/2014, theo nội dung của hợp đồng nêu trên thì: Đối tượng được bảo hiểm là vỏ container lạnh với ký mã hiệu đầy đủ theo yêu cầu của người được bảo hiểm, hành trình được bảo hiểm là chiều đi và chiều về các tuyến hành trình từ Hải Phòng đi các cửa khẩu thuộc lãnh thổ nước Việt Nam, hợp đồng có hiệu lực 01 năm kể từ ngày ký. Ngày 30/10/2015, BHP đã cấp Đơn bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam số 05153183.05, người được bảo hiểm là Công ty T, hàng hóa được bảo hiểm là vỏ container lạnh ký hiệu OOLU6467197.

Ngày 02/01/2015, Công ty BH và Công ty T đã ký Hợp đồng nguyên tắc số 0201/2015/HĐNT. Theo nội dung của hợp đồng nêu trên thì: Công ty BH sẽ vận chuyển hàng nguyên container kẹp chì, giao nguyên container kẹp chì của Công ty T từ khu vực Cảng H đến nơi giao nhận hàng (theo chỉ định) bằng xe ô tô, hợp đồng có hiệu lực từ ngày ký đến ngày 31/12/2015.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng nguyên tắc số 0201/2015/HĐNT vào hồi 09 giờ 30 phút ngày 31/10/2015, anh Phạm Văn N (sinh năm 1978, trú tại: Xóm 6, xã T, huyện T, thành phố Hải Phòng) điều khiển xe ô tô đầu kéo BKS: 15C-153.01 kéo Rơ moóc BKS: 15R-08003, trên rơ moóc chở container lạnh 40’’số OOLU6467197 của Công ty T đi từ hướng phường H về H, đến đường 279 đoạn tổ 3, khu 11, phường V, thành phố H, tỉnh Q đã xảy ra tai nạn giao thông làm hư hỏng container lạnh 40’’ số OOLU6467197.

Căn cứ biên bản giám định vỏ container ngày 02/11/2015 của của BHP, thông báo ngày 08/12/2015 của Chi nhánh Công ty TNHH O (Công ty T mượn xe của Chi nhánh Công ty TNHH O tại Hải Phòng) cho Công ty T về chi phí bồi thường tổn thất toàn bộ cho vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 và hợp đồng bảo hiểm container định hạn số: BICHP-THMC/2014 ngày 01/12/2014 giữa BHP với Công ty T, BHP đã chi trả cho Công ty T 364.188.320 đồng và nhận lại vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197, sau đó BHP đã thanh lý vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 cho Công ty TNHH Dịch vụ vận tải N với giá 67.100.000 đồng.

Sau khi nhận được bồi thường bảo hiểm, Công ty T đã thế quyền cho Công ty B khởi kiện: Yêu cầu Công ty BH phải hoàn trả số tiền bồi thường tổn thất toàn bộ vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 là: 289.388.320 đồng (356.488.320 đồng trừ chi phí thanh lý vỏ container 67.100.000 đồng). Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty B: Buộc Công ty BH phải bồi hoàn cho Công ty B 50% số tiền tổn thất đối với container lạnh 40’’ số OOLU6467197 là 144.694.160 đồng.

Sau khi xét xử sơ thẩm, Công ty B không kháng cáo, Công ty BH kháng cáo. Tại giai đoạn phúc thẩm, Công ty B mới biết vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 mà BHP đã thanh lý cho Công ty TNHH Dịch vụ vận tải N (với giá 67.100.000 đồng), Công ty TNHH Dịch vụ vận tải N đã bán lại cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp V với giá 115.000.000 đồng (gần gấp đôi giá mà BHP đã thanh lý). Đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đại diện của Công ty P trình bày: Do Công ty P không đủ số xe đầu kéo theo quy định để được cấp phù hiệu của Sở Giao thông vận tải nên Công ty P đã gửi xe đầu kéo vào Công ty BH với mục đích để xe hoạt động kinh doanh vận tải. Xe đầu kéo 15C-153.01 và Rơ moóc 15R-080.03 là xe đăng ký tên Công ty P.

Ngày 02 tháng 3 năm 2015, Công ty BH có ký với Công ty P hợp đồng vận chuyển nguyên tắc và ngày 15 tháng 6 năm 2015, Công ty BH ký với Công ty P hợp đồng thuê xe ô tô đầu kéo nhãn hiệu NATIONAL mang biển số 15C–153.01, việc ký hợp đồng như vậy với mục đích là để khi xe của Công ty P hoạt động sẽ có phù hiệu dán trên kính xe được mang tên Công ty BH. Thực chất xe vẫn thuộc quyền quản lý, sử dụng của Công ty P.

Ông Đào Quang P là người của Công ty P, ông Phúc đã thỏa thuận miệng với ông B nhận chở container lạnh 40’’ số OOLU6467197 (ông B hay ngồi ở quán nước trên đường L), Công ty P không biết hàng hóa chuyên chở là của ai). Tiếp đó, ông P cho ông Bbiết biển số xe, số điện thoại của anh Phạm Văn N là người lái xe thuê cho Công ty P để ông Btrực tiếp giao dịch với anh Nhã về việc chở hàng. Sau đó, mọi giao dịch được thực hiện giữa ông B và anh Nhã (anh Nhã có ký hợp đồng lao động số 01/HĐLĐ-HĐ ngày 01/6/2015 với Công ty P).

Sau khi ông B liên hệ với anh N, ngày 31 tháng 10 năm 2015 anh N đã lái xe đầu kéo 15C-153.01 và Rơ moóc 15R-080.03 của Công ty P chở container lạnh 40’’ số OOLU6467197 từ H đi Q để xảy ra tai nạn, Công ty P đã nhờ ông Cao Đức L tham gia giải quyết vụ tai nạn trên, anh N đã bồi thường thiệt hại cho chủ của chiếc xe tải mà anh N va phải.

Công ty P không có quan hệ gì với Công ty T và Công ty BH, công ty cũng không biết hàng hóa chuyên chở là của Công ty T. Công ty B khởi kiện Công ty BH, sau khi Tòa án nhân dân quận N xét xử sơ thẩm, Công ty P không kháng cáo, Công ty BH kháng cáo, đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến.

Từ khi thụ lý vụ án ở giai đoạn phúc thẩm đến nay, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án cũng như Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về việc chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát, thời hạn chuẩn bị xét xử, quyết định đưa vụ án ra xét xử, khai mạc phiên tòa, xét hỏi … tại phiên tòa; các đương sự cơ bản đã thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa và sự điều khiển của Hội đồng xét xử tại phiên tòa.

Riêng Công ty T đã không chấp hành việc triệu tập của Tòa án trong suốt quá trình giải quyết phúc thẩm cũng như không có mặt tại phiên tòa ngày hôm nay, việc Công ty T vắng mặt tại phiên tòa lần thứ hai không có lý do nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 25 tháng 9 năm 2017, Công ty BH đã kháng cáo với nội dung: Không đồng ý bồi thường, kháng cáo của Công ty BH trong hạn luật định, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.

Ngày 02/01/2015, Công ty BH và Công ty T ký hợp đồng nguyên tắc số 0201/2015/HĐNT. Theo nội dung của hợp đồng nêu trên thì: Công ty BH sẽ vận chuyển hàng nguyên container, nguyên chì, giao nguyên container nguyên chì của Công ty T từ khu vực Cảng H đến nơi giao nhận hàng theo chỉ định, bằng xe ô tô; hợp đồng có hiệu lực từ ngày ký đến ngày 31/12/2015. Tuy hai bên đã ký hợp đồng; nhưng cả Công ty T và Công ty BH đều xác nhận: Từ ngày 02 tháng 01 năm 2015 đến ngày 31 tháng 10 năm 2015 (khi xảy ra vụ tai nạn làm tổn thất toàn bộ container lạnh 40’’ số OOLU6467197), giữa Công ty BH và Công ty T không có giao dịch nào với nhau về vận đơn vận chuyển hàng hóa, không có hợp đồng vận chuyển cụ thể nào. Công ty BH không giao dịch với Công ty T về việc vận chuyển hàng cùng container lạnh 40’’ số OOLU6467197.

Công ty P xác nhận: Ông Đào Quang P là người của Công ty P thỏa thuận với ông B là người trung gian, ông P cung cấp cho ông B biển số xe, số điện thoại của anh Phạm Văn N là lái xe của Công ty P để anh N thực hiện việc vận chuyển container lạnh 40’’ số OOLU6467197 do Công ty T là chủ sử dụng.

Ngày 31 tháng 10 năm 2015, anh N là người của Công ty P thực hiện việc vận chuyển container lạnh 40’’ số OOLU6467197 đã để xảy ra tai nạn, làm hư hỏng vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197. Theo quy định tại điều 604 và Điều 618 của Bộ luật dân sự năm 2005 thì: Công ty P có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho Công ty T là chủ sử dụng vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197. Công ty T đã thế quyền cho Công ty B khởi kiện yêu cầu bồi hoàn thiệt hại, nên Công ty P có trách nhiệm phải bồi hoàn cho Công ty B. Tòa án cấp sơ thẩm lại buộc Công ty BH phải bồi hoàn là không đúng.

Theo quy định của pháp luật thì: Sau khi anh N gây ra tai nạn, Công ty T phải thông báo cho Công ty P và Công ty B tham gia xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại. Theo quy định tại Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì các bên có quyền thực hiện giám định nguyên nhân, mức độ thiệt hại đối với vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197, trường hợp các bên không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì phải mời giám định độc lập về nguyên nhân và mức độ tổn thất, nhưng sau khi vụ tại nạn xảy ra Công ty T cũng như Công ty B không thông báo cho Công ty P tiến hành giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất đối với vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197. Công ty B đã căn cứ vào Biên bản giải quyết tai nạn giao thông ngày 23/11/2015 của Công an thành phố H, Biên bản giám định vỏ container ngày 12/11/2015 của BHP và Thông báo bồi thường tổn thất của Công ty TNHH Ongày 08/12/2015 để làm căn cứ bồi thường tổn thất container lạnh 40’’ số OOLU6467197 cho Công ty T với số tiền 356.488.320 đồng (theo Thông báo bồi thường tổn thất của Công ty TNHH Ongày 08/12/2015) là không đúng quy định tại Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Sau khi bồi thường cho Công ty T theo hợp đồng bảo hiểm, Công ty B đã nhận lại vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197, như vậy số tiền 356.488.320 đồng, không phải là giá trị thiệt hại của của vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 do Công ty P gây nên mà là toàn bộ giá trị của vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197.

Sau khi nhận lại vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197, Công ty B không thông báo cho Công ty BH và Công ty P tham gia định giá giá trị còn lại của vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 mà đã tự thanh lý vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 cho Công ty TNHH Dịch vụ vận tải N với giá 67.000.000 đồng là không đúng.

Sau khi Công ty TNHH Dịch vụ vận tải N mua vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 do Công ty B thanh lý, ngày 26 tháng 7 năm 2016 Công ty TNHH Dịch vụ vận tải N đã bán lại vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp V với giá 115.000.000 đồng gần gấp đôi giá mà Công ty B thanh lý, như vậy giá trị thực tế còn lại của vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197  như  Công  ty  B  đưa  ra  để  yêu  cầu  bồi  thường  với  số  tiền 289.388.320 đồng (356.488.320 đồng trừ chi phí thanh lý vỏ container 67.100.000 đồng) là không phù hợp.

Hiện tại, không thể tiến hành việc giám định lại mức độ thiệt hại của vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 do Công ty P gây nên vì thế giá trị thiệt hại của vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 do Công ty P gây nên có thể tạm tính theo giá trị của toàn bộ vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 (số tiền mà Công ty B đã trả cho Công ty T là 356.488.320 đồng), trừ đi số tiền mà Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp V đã mua lại vỏ container 40’’ số OOLU6467197 (115.000.000 đồng) còn lại là 241.488.320 đồng, thiệt hại đó do lỗi của cả Công ty T, Công ty P và Công ty B gây ra nên mỗi Công ty phải chịụ một phần.

Phần tổn thất mà Công ty P có trách nhiệm bồi thường cho Công ty T, Công ty T đã thế quyền cho Công ty B sẽ được trả cho Công ty B.

Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 2 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự, sửa lại bản án sơ thẩm theo hướng phân tích trên.

Qua các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời trình bày của người đại diện của các đương sự, ý kiến phát biểu của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tại phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Về tố tụng: Đây là vụ án kinh doanh thương mại, tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh giữa các tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận, được quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật tố tụng dân sự, thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân.

Sau khi Tòa án nhân dân quận N xét xử sơ thẩm, ngày 25 tháng 9 năm 2017, Công ty BH đã kháng cáo. Kháng cáo của Công ty BH trong hạn luật định nên được xem xét.

[2]. Về nội dung: Xét kháng cáo của Công ty BH thấy:

- Ngày 02/01/2015, Công ty BH và Công ty T đã ký hợp đồng vận chuyển nguyên tắc số 0201/2015/HĐNT. Theo nội dung của hợp đồng nêu trên thì: Công ty BH sẽ vận chuyển hàng nguyên container, nguyên chì, giao nguyên container nguyên chì của Công ty T từ khu vực Cảng H đến nơi giao nhận hàng theo chỉ định, bằng xe ô tô, hợp đồng có hiệu lực từ ngày ký đến ngày 31/12/2015.

Tuy hai bên đã ký hợp đồng nhưng cả Công ty T và Công ty BH đều xác nhận: Từ ngày 02 tháng 01 năm 2015 đến ngày 31 tháng 10 năm 2015 (khi xảy ra vụ tai nạn làm tổn thất toàn bộ container lạnh 40’’ số OOLU6467197), giữa Công ty BH và Công ty T không có giao dịch nào với nhau về vận đơn vận chuyển hàng hóa, không có hợp đồng vận chuyển cụ thể nào, Công ty BH không giao dịch với Công ty T về việc vận chuyển hàng container lạnh 40’’ số OOLU6467197, do đó không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa Công ty T và Công ty BH.

Công ty P đã xác nhận: Công ty P không đủ điều kiện kinh doanh vận tải, Công ty P có ký với Công ty BH hợp đồng thuê xe với mục đích để xe của Công ty P khi vận tải được mang lô gô của Công ty BH còn thực tế xe vẫn thuộc quyền quản lý, sử dụng của Công ty P. Ông Đào Quang P là người của Công ty P thỏa thuận với ông B là người trung gian có số điện thoại 0168611xxxx, ông P cung cấp cho ông B biển số xe, số điện thoại của anh Phạm Văn N là lái xe của Công ty P để anh N thực hiện việc vận chuyển container lạnh 40’’ số OOLU6467197.

Ngày 31 tháng 10 năm 2015, anh N thực hiện việc vận chuyển container lạnh 40’’ số OOLU6467197 đã để xảy ra tai nạn làm hư hỏng vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197. Theo quy định tại Điều 604 và Điều 618 của Bộ luật dân sự 2005 thì: Công ty P có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho Công ty T là chủ sử dụng vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197. Công ty T đã thế quyền cho Công ty B khởi kiện yêu cầu bồi hoàn thiệt hại nên Công ty P có trách nhiệm phải bồi hoàn cho Công ty B. Tòa án cấp sơ thẩm lại buộc Công ty BH phải bồi hoàn là không đúng, kháng cáo của Công ty BH là có căn cứ cần được chấp nhận.

- Về mức độ thiệt hại: Theo quy định của pháp luật khi tai nạn xảy ra, Công ty T phải thông báo cho Công ty BH, Công ty P và Công ty B tham gia giám định nguyên nhân, xác định mức độ thiệt hại, các bên có quyền thực hiện giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất đối với vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197, trường hợp các bên không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì có quyền mời cơ quan giám định độc lập để giám định về nguyên nhân và mức độ tổn thất, nhưng sau khi vụ tại nạn xảy ra Công ty T cũng như Công ty B không thông báo cho Công ty BH, Công ty P biết để thực hiện quyền của mình về việc giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất đối với container lạnh 40’’ số OOLU6467197.

Công ty B đã căn cứ vào Biên bản giải quyết tai nạn giao thông ngày 23/11/2015 của Công an thành phố H, Biên bản giám định vỏ container ngày 12/11/2015 của BHP và Thông báo ngày 08/12/2015 của Công ty TNHH O về bồi thường tổn thất để làm căn cứ bồi thường tổn thất container lạnh 40’’ số OOLU6467197 cho Công ty T với số tiền 356.488.320 đồng (theo Thông báo bồi thường tổn thất của Công ty TNHH O ngày 08/12/2015) là không đúng quy định tại Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Sau khi bồi thường cho Công ty T số tiền trên, Công ty B đã nhận lại vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197, như vậy số tiền 356.488.320 đồng, không phải là giá trị thiệt hại của vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 do Công ty P gây nên mà là toàn bộ giá trị của vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197.

Sau khi nhận lại vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197, Công ty B không báo cho Công ty T và Công ty P tham gia định giá giá trị còn lại mà đã tự thanh lý vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 cho Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải N với giá 67.000.000 đồng là không đúng.

Sau khi mua vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 do Công ty B thanh lý, ngày 26/7/2016 Công ty TNHH Dịch vụ vận tải N đã bán lại vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp V có trụ sở tại số 14 X, phường T, thành phố M, tỉnh Q với giá 115.000.000 đồng gần gấp đôi giá mà Công ty B đã thanh lý.

Như vậy, số tiền 67.100.000 đồng mà Công ty B đã thanh lý vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 không phải là giá trị thực tế còn lại của vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 sau khi bị tổn thất. Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận việc Công ty B trừ đi 67.100.000 đồng là giá trị còn lại của vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 để xác định số tiền 289.388.320 đồng (356.488.320 đồng trừ chi phí thanh lý vỏ container 67.100.000 đồng) là thiệt hại của vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 là không đúng.

Hiện tại, không thể tiến hành việc giám định lại nguyên nhân, mức độ thiệt hại của vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 do Công ty P gây nên, vì thế giá trị thiệt hại của vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 do Công ty P gây nên có thể tính theo giá trị của toàn bộ vỏ container lạnh 40’’ số OOLU6467197 (số tiền mà Công ty B đã trả cho Công ty T là 356.488.320 đồng) trừ đi 115.000.000 đồng là số tiền mà Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp V đã mua lại vỏ container 40’’  số  OOLU6467197  của  Công  ty  TNHH  Dịch  vụ  vận  tải  N  (còn  lại  là 241.488.329 đồng). Thiệt hại đó có lỗi của cả Công ty P, Công ty T và Công ty B cùng gây nên, có căn cứ để xác định Công ty B có lỗi nhiều nhất nên phải chịu 50% tổn thất, lỗi của Công ty P, Công ty T ít hơn nên mỗi bên phải chịu 25% tổn thất, phần Công ty P phải chịu sẽ được trả cho Công ty B.

[3]. Về án phí: Công ty BH không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm và án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, Công ty P và Công ty B phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 147, khoản 2 Điều 148 và khoản 2 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự;

Căn cứ vào Điều 386, Điều 387, Điều 388, Điều 398, Điều 399, Điều 400, Điều 604 và Điều 618 của Bộ luật dân sự năm 2005;

Căn cứ vào Điều 357 và Điều 688 của Bộ luật dân sự năm 2015

Căn cứ vào điểm e khoản 1 Điều 17, Điều 47, Điều 48 và Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 sửa đổi bổ sung năm 2010;

Căn cứ vào khoản 4 Điều 26 và Khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, nộp, miễn, giảm, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử:

1. Chấp nhận kháng cáo của Công ty BH, sửa lại bản án sơ thẩm. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty B:

- Buộc Công ty P phải bồi hoàn cho Công ty B số tiền là 60.372.082 đồng.

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày Công ty B có đơn yêu cầu thi hành án số tiền 60.372.082 đồng mà Công ty P phải trả chưa thi hành thì hàng tháng Công ty P còn phải chịu khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

2. Về án phí:

- Công ty P phải chịu 3.018.604 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

- Công ty B phải chịu 6.037.208 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Công ty B đã nộp 9.100.000 đồng tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2014/0001671 ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Chi cục Thi hành án dân sự quận N, thành phố H. Trả lại Công ty B 3.062.792 đồng tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

- Công ty BH không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm và án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Trả lại Công ty BH 2.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm đã nộp tại Biên lai thu tiền tạm ứng án phí Tòa án số AA/2014/0002020 ngày 06 tháng 10 năm 2017 của Chi cục Thi hành án dân sự quận N, thành phố H.

Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014, người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 7a và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014. Thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

873
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 04/2018/KDTM-PT ngày 12/01/2018 về tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hóa và bảo hiểm tài sản

Số hiệu:04/2018/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 12/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về