Bản án 04/2018/DS-ST ngày 24/07/2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN PHỤC HOÀ, TỈNH CAO BẰNG 

BẢN ÁN 04/2018/DS-ST NGÀY 24/07/2018 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 24 tháng 7 năm 2018 tại Trụ sở Toà án nhân dân Huyện Phục Hoà, tỉnh Cao Bằng xét xử công khai sơ thẩm vụ án dân sự thụ lý số: 04/2017/TLST-DS ngày 08 tháng 6 năm 2017, Về việc: Tranh chấp quyền sử dụng đất; theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 405/2018/QĐXXST-DS, ngày 10 tháng 7 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Phục Hoà, Cao Bằng giữa các đương sự.

- Nguyên đơn: Trương Thị Đ – Sinh năm 1964

Địa chỉ : xóm PB , thị trấn H, huyện P, tỉnh Cao Bằng.

Có mặt tại phiên toà.

- Bị đơn: Lương Thị M – Sinh năm 1985

Địa chỉ: xóm C, xã T, huyện P, tỉnh Cao Bằng.

Có mặt tại phiên toà.

- Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Vương Thị I – Đã chết tháng 3 năm 2018

Người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bà I: Ông Lương Văn L, Ông Lương Văn M1, Ông Lương Văn M2, Ông Lương Văn N.

2. Lương Văn L- Sinh năm 1959

Địa chỉ: xóm PB, thị trấn H, huyện P, tỉnh Cao Bằng. Có mặt tại phiên toà.

3. Lương Văn M1- sinh năm 1961

Địa chỉ: xóm PB, thị trấn H, huyện P, tỉnh Cao Bằng. Có mặt tại phiên toà.

4. Lương Văn M2- Sinh năm 1964

Địa chỉ: xóm PB, thị trấn H, huyện P, tỉnh Cao Bằng.

Có mặt tại phiên toà.

5. Lương Văn N - Sinh Năm 1967

Địa chỉ: Thôn 04, xã B, huyện L, tỉnh Lâm Đồng. Xin xử vắng mặt

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 08 tháng 6 năm 2017 và các lời khai tiếp theo tại Tòa án, nguyên đơn bà Trương Thị Đ trình bày: Đám đất rẫy có tên gọi "Nà Tẻn" tại tờ bản đồ số 31, số thửa 247 có diện tích 1.192,0 m2 là phần đất của chú Lương Văn H và thím Nguyễn Thị L đã được bố mẹ chồng chia cho để canh tác, sử dụng. Nhưng do bệnh tật nên năm 2003 chú H chết, năm 2006 thím L cũng chết. Do chú, thím không có con nên năm 2007, mẹ chồng bà là Vương Thị I đã lấy tài sản của chú H, thím L đem về chia cho các con trai, trong đó có đám đất rẫy "Nà Tẻn" diện tích hơn một nghìn m2 được chia làm ba phần, trong đó một phần là của vợ chồng bà với diện tích là 450 m2, hai phần còn lại là của chú M2 và chú N. Sau khi bà I lập giấy giao đất xong gia đình bà chưa được canh tác sử dụng được ngày nào vì chị Lương Thị M là con gái cả của ông Lương Văn L cho rằng đã có bản di chúc của thím L chia cho toàn bộ đám rẫy này, bà không đồng ý với bản di chúc đã lập đó, Nên bà yêu cầu Tòa án giải quyết được canh tác, sử dụng 450 m2 trong đám rẫy "Nà Tẻn".

Tại văn bản ghi ý kiến của bị đơn ngày ngày 04 tháng 7 năm 2017 và các lời khai tếp theo tại Tòa án, bị đơn chị Lương Thị M trình bày: Về nguồn gốc đám đất "Nà Tẻn" là của Ông nội chị đã chia cho chú H và thím L nhưng do chú thím không có con nên nhận chị làm con để trông nom chăm sóc lúc ốm đau, bệnh tật. Năm 2003 chú H chết, năm 2006 thím L chết. Khi chú thím chết gia đình chị đã đứng ra lo mai táng phí, chôn cất. Trước khi thím L chết có để lại bản di chúc cho chị được hưởng thừa kế trong đó có đám rẫy"Nà Tẻn" do vậy gia đình chị đã canh tác và sử dụng từ đó cho đến nay. Chị đã làm thủ tục để được kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã được Ủy ban nhân dân huyện Phục Hòa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BX 056726 cấp ngày 26/5/2015 đứng tên chị, do chị đi làm ăn xa không có điều kiện canh tác đám rẫy này nên chị để cho bố là Lương Văn L canh tác sử dụng. Nay bà Đ yêu cầu tranh chấp lấy 1/3 đám rẫy với diện tích 450 m2 chị không đồng ý.

Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khai:

1. Ông Lương Văn L trình bày: Nguồn gốc đám rẫy "Nà Tẻn" là của chú H và thím L đã được bố mẹ chia cho. Khi chú, thím ốm đau bệnh tật chỉ có gia đình ông trông nom, chăm sóc kể cả khi chú , thím qua đời cũng đứng ra lo mai táng. Về việc bà I ( Mẹ ông) lập giấy chia đám rẫy "Nà Tẻn" cho các chú ông không biết, nhưng từ khi chú H, thím L qua đời gia đình ông vẫn canh tác và sử dụng từ đó cho đến nay.

2. Tại văn bản ghi ý kiến của cụ Vương Thị I ngày 18/10/2017 cho biết: Nguồn gốc đám rẫy " Nà Tẻn" là của vợ chồng cụ đã chia cho vợ chồng con trai út là Lương Văn H và Nguyễn Thị L. Sau khi H, L chết cụ về sống với vợ chồng Lương Văn L. Năm 2007 cụ không được chia tài sản của H, L cho ai.

3. Tại văn bản ghi ý kiến của ông Lương Văn M1 ngày 23/8/2017 cho biết: Nguồn gốc đám đất "Nà Tẻn" là của chú H và thím L đã được bố mẹ chia cho, nhưng khi chú, thím chết, mẹ ông là cụ Vương Thị I gọi các con đến để họp gia đình và bàn bạc việc phân chia tài sản của chú, thím. Do gia đình ông L có công lao đối với chú, thím nhiều hơn nên được chia đám ruộng "Cô Đẩn", còn đám "Nà Tẻn" được chia ba phần cho ba người là ông, ông M1, ông N nhưng chỉ nói bằng miệng. Sau khi chia đất xong mấy anh em ông canh tác sử dụng khoảng 2-3 năm thì cháu Lương Thị M đến tranh chấp đám đất này cho rằng đã có di chúc của thím L để lại đám rẫy cho cháu. Sự việc này ông hoàn toàn không đồng ý.

4. Tại văn bản ghi ý kiến của ông Lương Văn N ngày 06/3/2018 cho biết: Nguồn gốc đám rẫy "Nà Tẻn" là của Cụ Pai và Cụ Ính đã chia cho chú H, thím L.

Năm 2002 ông đi chấp hành án tại Trại giam Phú Sơn 4, tỉnh Thái Nguyên. Trong thời gian đang chấp hành án thì được biết chú H và thím L chết do bênh tật nên số tài sản của chú H, thím L mẹ ông đã đem chia lại cho các con trai, trong đó đám rẫy "Nà Tẻn" ông được 1/3. Năm 2009 sau khi chấp hành án xong về địa phương ông được canh tác một phần của ông và xin hai phần còn lại của ông M1 và ông M2 để canh tác thêm cho đến năm 2015 ông vào tỉnh Lâm Đồng sinh sống mới thôi. Nay ông yêu cầu được lấy 1/3 trong đám rẫy " Nà Tẻn".

5. Tại biên bản lấy lời khai người làm chứng ông Tống Văn H ngày 23/8/2017 cho biết ngày 04/1/2007 gia đình bà Vương Thị I có tổ chức họp gia đình để giải quyết việc phân chia tài sản của ông H, bà L hay không thì ông không biết do không mời ai đến làm chứng. Sau khi gia đình tự thỏa thuận việc chia tài sản xong thì có mang giấy tờ giấy giao ruộng đất đến cho ông xác nhận vào, còn việc đúng, sai như thế nào ông không biết.

Vụ án đã được tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Tại phiên tòa các đương sự không thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện và giữ nguyên quan điểm của mình.

Ngày 15 tháng 11 năm 2017 Tòa án nhân dân huyện Phục Hòa mời Văn phòng đăng ký Đất đai tỉnh Cao Bằng cùng các cơ quan chuyên môn đến đo vẽ, xem xét thẩm định tại chỗ đối với thửa đất đang tranh chấp. Kết quả cho thấy diện tích thửa đất đang tranh chấp có diện tích đúng như trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BX 056726 mà Ủy ban nhân dân huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng đã cấp cho chị Lương Thị M.

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến:

+ Về tố tụng: từ khi thụ lý vụ án và quá trình giải quyết vụ án Thẩm phán thụ lý giải quyết vụ án theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã tiến hành đúng trình tự thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật.

+ Về nội dung: Theo di chúc và các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án xét thấy chị Lương Thị M đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 247 tờ bản đồ số 31 là đúng. Căn cứ các điều 26, 35, 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Điều 3, 688 Bộ luật Dân sự năm 2005 không chấp nhận yêu cầu của bà Trương Thị Đ được quản lý và sử dụng 450m2 trong thửa 247 tờ bản đồ số 31 có tên gọi Nà Tẻn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về mối quan hệ:

Bà Trương Thị Đ và chị Lương Thị M có quan hệ là thím, cháu. Bà Đ là thím, chị M là cháu con anh trai chồng bà Đ . [2] Về nội dung:

Sau khi xem xét nguồn gốc đám rẫy đang tranh chấp có tên gọi "Nà Tẻn" là  của ông Lương Văn H và bà Nguyễn Thị L đã được cụ Lương Văn P và cụ Vương Thị I chia cho canh tác sử dụng. Năm 2003 ông H chết, đến đầu năm 2006 bà Liễu cũng chết. Hai ông bà không có con chung, nên ngày 25/12/2005 bà L có viết bản di chúc cho cháu Lương Thị M là con anh trai cả Lương Văn L được thừa kế toàn bộ tài sản trong đó có đám rẫy "Nà Tẻn" diện tích 1.192 m2 . Đến ngày 04 tháng 1 năm 2007 cụ Vương Thị I là mẹ chồng bà Đ có viết tờ giấy giao ruộng đất cho con dâu với nội dung giao đám đất rẫy của ông H, bà L có diện tích 1.300 m2 chia làm 3 phần, giao cho bà Đ ông M1 450 m2 trong đám "Nà Tẻn". Hội đồng xét xử xét thấy, Cụ P và cụ I đã chia ruộng đất cho con là ông H, theo tập quán của địa phương và sự thừa nhận của các đương sự thì sau khi ông H kết hôn với bà L thì phần đất đai tài sản được chia vợ chồng có toàn quyền quyết định. Do vậy, cụ  không có quyền định đoạt đối với đám rẫy Nà Tẻn này nữa. Đối với bản di chúc của bà L đề ngày 25/12/2005, đến ngày 14/02/2006 bà L chết nên cần phải áp dụng các Điều luật của Bộ luật Dân sự năm 2005 để xem xét, giải quyết. Xét về hình thức, và nội dung của bản di chúc đều hợp pháp, không trái với quy định của pháp luật, sau khi được thừa hưởng tài sản của bà L, gia đình chị M đã canh tác, sử dụng từ đó cho đến nay, và đã làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2015. Mặt khác, Tòa án đã tiến hành xác minh thu thập chứng cứ về việc cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số BX 056728 ngày 26/5/2015 mang tên Lương Thị M đối với thửa đất số 247, tờ bản đồ số 31 được cấp đúng trình tự thủ tục, thay thế cho Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số I 026072 mang tên Lương Văn P.

Từ những phân tích như trên, xét thấy để đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất đã được Nhà nước giao đất, cần không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trương Thị Đ yêu cầu sử dụng 450 m2 trong thửa 247, tờ bản đồ số 31 của chị Lương Thị M.

[3] Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ: Đối với số tiền tạm ứng xem xét thẩm định tại chỗ Bà Trương Thị Đ đã nộp cho Tòa án số tiền 600.000đồng và nộp cho Văn Phòng đăng ký đất đai tỉnh Cao Bằng số tiền 3.000.000 đồng. Tòa án đã chi phí cho những người tham gia xem xét thẩm định tại chỗ và chi phí đo đạc bản đồ số tiền 3.400.000đồng. Do không chấp nhận yêu cầu khởi kiện nên bà Đ phải chịu hoàn toàn chi phí xem xét thẩm định tại chỗ.

[ 4] Về án phí: Bà Đ phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các Điều 652; 653; 655; 667 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 5 Bộ luật Dân sự năm 2015.

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trương Thị Đ tranh chấp đòi quyền sử dụng diện tích đất 450 m2 có trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BX 056726 tại tờ bản đồ số 31, thửa 247, diện tích 1.192,0 m2 đứng tên Lương Thị M

2. Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ: Áp dụng Điều 155; 157; 158 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015  Bà Trương Thị Đ phải chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ số tiền là 3.400.000đ. Bà Đ còn được hoàn lại 200.000đ.

3. Về án phí: Áp dụng Điều 147 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Điểm a Khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về Mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: 

Bà Trương Thị Đ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm số tiền là 300.000 đồng để sung quỹ Nhà nước.

Các đương sự được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Riêng ông Lương Văn N có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được tống đạt bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

362
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 04/2018/DS-ST ngày 24/07/2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:04/2018/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân - Cao Bằng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 24/07/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về