TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BÙ ĐĂNG, TỈNH BÌNH PHƯỚC
BẢN ÁN 03/2020/KDTM-ST NGÀY 30/09/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Ngày 30 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước xét xử sơ thẩm công khai vụ án Kinh doanh thương mại thụ lý số 05/2019/TLST – KDTM, ngày 25 tháng 12 năm 2019, về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 58/2020/QĐST - KDTM ngày 10 tháng 9 năm 2020 giữa:
- Nguyên đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại xăng dầu M Địa chỉ: Thôn 8, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước.
Người đại diện theo pháp luật: ông Đặng Bá Quân – Chức vụ: Giám đốc Người đại diện theo ủy quyền: ông Hồ Phương B, sinh năm: 1982 Địa chỉ: Tổ 4, khu phố P, phường T, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước.
-Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại H Địa chỉ: Thôn 3, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước.
Người đại diện theo pháp luật: ông Bùi Duy H, chức vụ: Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền: bà Phạm Thị Hoàng O, sinh năm: 1982 Địa chỉ: khu phố 1, phường T, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước.
( Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn có mặt, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn vắng tại phiên tòa và có văn bản xin xét xử vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
-Tại đơn khởi kiện đề ngày 05 tháng 11 năm 2019, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại xăng dầu M (công ty M) trình bày:
Từ tháng 01năm 2015 đến tháng 11 năm 2018 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại H (công ty H) có mua thiếu xăng dầu của công ty M như sau: Năm 2015 số tiền là 4.525.188.336đ; Năm 2016 số tiền là 2.310.612.820đ; năm 2017 số tiền là 3.313.358.740đ; năm 2018 số tiền là 2.595.906.100đ;Tổng số tiền mà công ty H đổ xăng dầu thiếu công ty M là 12.745.065.996.Toàn bộ số tiền công ty H nợ đều được công ty M xuất hóa đơn đỏ cho công ty H. Công ty H đã chuyển trả cho công ty M các lần số tiền như sau: Ngày 26/6/2015 là 100.000.000đ; ngày 30/7/2015 là 150.000.000đ; ngày 27/01/2016 là 365.359.800đ; ngày 25/3/2016 là 200.000.000đ; ngày 15/7/2016 là 400.000.000đ; ngày 01/9/2016 là 150.000.000đ; ngày 11/10/2016 là 200.000.000đ; ngày 11/11/2016 là 100.000.000đ; ngày 24/01/2017 là 200.000.000đ; ngày 29/3/2017 là 100.000.000đ; ngày 16/6/2017 là 200.000.000đ; ngày 21/12/2017 là 3.063.040.240đ; ngày 28/6/2018 là 1.633.031.280đ; ngày 12/11/2018 là 4.000.000.000đ. Tổng cộng công ty H đã chuyển trả cho công ty M số tiền 10.861.431.320đ.
Khấu trừ tình đến tháng 11 năm 2018 công ty H còn nợ công ty M số tiền 1.883.634.676đ. Công ty M đã yêu cầu công ty H trả nợ nhiều lần nhưng công ty H không trả. Nay công ty M yêu cầu công ty H phải trả công ty M số tiền 1.883.634.676đ và tiền lãi chậm trả theo quy định của pháp luật tính từ ngày 01/01/2019 đến ngày 10/10/2019 là 146.504.919đ và đến ngày xét xử sơ thẩm.
-Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa người đại diện hợp pháp của bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại H trình bày:
Công ty H đã trả toàn bộ số tiền mua xăng dầu cho công ty M từ năm 2015 đến năm 2018 và còn chuyển dư tiền cho công ty M là 3.732.000.000đ. Do đó, công ty H không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của công ty M.
Tại đơn phản tố ngày 23/3/2020, Công ty H yêu cầu công ty M phải trả số tiền mà công ty H đã chuyển trả dư cho công ty M là 3.732.000.000đ (gồm có 03 ủy nhiệm chi là 2.100.000.000đ mà công ty M chưa trừ vào số tiền công ty H đã trả công ty M và số tiền mặt công ty H đã trả là 3.553.637.339đ).
-Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phía nguyên đơn công ty M cung cấp các tài liệu, chứng cứ gồm Hợp đồng ủy quyền và bản photo: Hóa đơn giá trị gia tăng từ tháng 01 đến tháng 12 năm 2015; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty M, sổ chi tiết doanh thu bán hàng.
-Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phía bị đơn công ty H cung cấp các tài liệu, chứng cứ gồm: Hợp đồng ủy quyền và bản photo:chứng từ giao dịch, sao kê giao dịch ngân hàng công ty H chuyển tiền cho công ty M có đánh dấu màu vàng, bảng kê hóa đơn xăng dầu mua hàng của công ty H với công ty M, các phiếu chi.
-Tại phiên tòa đương sự không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ.
-Tại phiên tòa người đại diện hợp pháp của bị đơn công ty H xác nhận: Từ tháng 01 năm 2015 đến tháng 11 năm 2018 công ty H có mua xăng dầu của công ty M với tổng số tiền 12.745.065.995đ như đơn yêu cầu khởi kiện của công ty M.
Công ty H không đồng ý trả số tiền 1.883.634.676đ theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn công ty M vì cho rằng đã trả tiền mặt cho công ty M là 3.553.637.000đ, chuyển khoản là 12.961.000.000đ, thực tế công ty H nợ công ty M là 9.191.428.000đ, như vậy công ty H chuyển dư cho công ty M là 3.732.000.000đ và trong quá trình giải quyết vụ án công ty H yêu cầu phản tố buộc công ty M phải trả công ty H số tiền 3.732.000.000đ. Tuy nhiên, tại phiên tòa công ty H xin rút một phần yêu cầu phản tố, hiện nay công ty H chỉ yêu cầu công ty M phải trả số tiền 216.365.324đ. Ngoài ra, công ty H không yêu cầu gì thêm.
- Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn công ty M vắng mặt và có văn bản xin xét xử vắng mặt, tại đơn xin xét xử vắng mặt ngày 28/9/2020 người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Hồ Phương B trình bày: Về nội dung yêu cầu khởi kiện giữ nguyên như đơn khởi kiện của nguyên đơn, không đồng ý với yêu cầu phản tố của bị đơn.
- Quan điểm của đại diện viện kiểm sát nhân dân huyện Bù Đăng tại phiên tòa:
+ Về tố tụng: Việc thụ lý, giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã tuân theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
+ Về nội dung vụ án: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn công ty M về việc yêu cầu công ty H phải trả số tiền gốc 1.883.634.676đ và tiền lãi chậm trả theo quy định của pháp luật tính từ ngày 01/01/2019 đến ngày 10/10/2019 là 146.504.919đ và đến ngày xét xử; chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, buộc công ty M phải trả công ty H số tiền 216.365.324đ. Đình chỉ đối với phần yêu cầu phản tố của bị đơn đã rút. Đương sự có quyền khởi kiện lại vụ án đối với yêu cầu đã rút theo quy định pháp luật. Đương sự phải nộp án phí theo quy định pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào lời khai của các đương sự và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thẩm quyền: Công ty M khởi kiện công ty H yêu cầu công ty H có địa chỉ trụ sở chính tại thôn 3, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước phải trả số tiền còn nợ mua bán xăng dầu, giữa công ty M và công ty H đều có mục đích lợi nhuận. Do đó, xác định đây là tranh chấp về kinh doanh thương mại, cụ thể là tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa, thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước theo quy định tại Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự.
[2] Về nội dung:
[2.1]Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn công ty M yêu cầu bị đơn công ty H thanh toán số tiền mua xăng dầu còn nợ là 1.883.634.676đ và tiền lãi chậm trả theo quy định của pháp luật tính từ ngày 01/01/2019 đến ngày 10/10/2019 là 146.504.919đ và đến ngày xét xử:
Từ tháng 01 năm 2015 đến tháng 11 năm 2018 công ty H có mua xăng dầu của công ty M với số lượng xăng dầu đơn giá thành tiền tổng số là 12.745.065.995đ, người đại diện theo ủy quyền của công ty H cũng thừa nhận tổng số tiền mua xăng dầu của công ty M từ tháng 01 năm 2015 đến tháng 11 năm 2018 theo đơn khởi kiện của nguyên đơn công ty M là đúng. Căn cứ Điều 92 của Bộ luật tố tụng dân sự xác định đây là tình tiết không phải chứng minh.
Tại phiên tòa người đại diện hợp pháp của công ty H xác định trong thời gian này giữa công ty H và công ty M chỉ có giao dịch mua bán xăng dầu với nhau chứ không mua bán mặt hàng nào khác. Các hóa đơn mua xăng dầu từ tháng 01 năm 2015 đến tháng 11 năm 2018 đối với số lượng xăng dầu công ty H mua của công ty M với số tiền dưới 20.000.000đ thì hai bên thống nhất với nhau là không chuyển khoản mà chi trả bằng tiền mặt, các hóa đơn đã được thanh toán bằng tiền mặt là 3.553.637.339đ; còn đối với các lần mua xăng dầu với số tiền trên 20.000.000đ thì thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, số tiền phải chuyển khoản là 9.191.428.656đ. Thực tế công ty H đã chuyển khoản trả cho công ty M số tiền là 12.961.431.320đ và trả tiền mặt là 3.553.637.339đ. Như vậy, công ty H chuyển dư cho công ty M số tiền là 3.732.000.000đ. Hiện nay công ty H không đồng ý trả tiền theo yêu cầu khởi kiện của công ty M.
Căn cứ khoản 4 Điều 91 của Bộ luật tố tụng dân sự quy định “Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc”. Căn cứ các phiếu chuyển tiền của công ty H cung cấp thể hiện thời gian và số tiền công ty H chuyển khoản trả tiền mua xăng dầu cho công ty M như sau: Ngày 26/6/2016 chuyển 100.000.000đ; ngày 30/7/2015 chuyển 150.000.000đ; ngày 27/01/2016 chuyển 365.359.800đ; ngày 25/3/2016 chuyển 200.000.000đ; ngày 05/4/2016 chuyển 1.000.000.000đ; ngày 22/4/2016 chuyển 100.000.000đ; ngày 15/7/2016 chuyển 400.000.000đ; ngày 01/9/2016 chuyển 150.000.000đ; ngày 11/10/2016 chuyển 200.000.000đ; ngày 11/11/2016 chuyển 100.000.000đ; ngày 24/01/2017 chuyển 200.000.000đ; ngày 29/3/2017 chuyển 100.000.000đ; ngày 03/4/2017 chuyển 1.000.000.000đ; ngày 16/6/2017 chuyển 200.000.000đ; ngày 21/12/2017 chuyển 3.063.040.240đ; ngày 28/6/2018 chuyển 1.633.031.280đ; ngày 12/11/2018 chuyển 4.000.000.000đ. Tổng số tiền công ty H đã chuyển khoản trả tiền mua xăng dầu cho công ty M là 12.961.431.320đ. Căn cứ theo đơn khởi kiện của nguyên đơn công ty M và biên bản lời khai của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn công ty M xác nhận công ty H chuyển trả tiền mua xăng dầu của công ty M số tiền 10.861.431.320đ nhưng đối chiếu các chứng từ chuyển tiền thì ngoài các lần công ty H chuyển trả tiền cho công ty M như theo đơn khởi kiện của công ty M thì công ty H còn chuyển trả cho công ty M số tiền 2.100.000.000đ (gồm các lần chuyển tiền cụ thể:Ngày 05/4/2016 chuyển 1.000.000.000đ; ngày 22/4/2016 chuyển 100.000.000đ; ngày 03/4/2017 chuyển trả 1.000.000.000đ), số tiền này không được công ty M kê khai trong số tiền công ty H đã trả.
Căn cứ theo các hóa đơn, các tài liệu trong hồ sơ vụ án xác định số lượng, đơn giá, tổng số tiền công ty H mua xăng dầu của công ty M từ tháng 01 năm 2015 đến tháng 11 năm 2018 là 12.745.065.996đ. Nhưng số tiền công ty H đã chuyển khoản trả cho công ty M là 12.961.431.320đ, như vậy số tiền công ty H đã chuyển trả cho công ty M nhiều hơn số tiền công ty H mua xăng dầu của công ty M là: 12.961.431.320đ - 12.745.065.996đ = 216.365.324đ. Phía nguyên đơn công ty M khởi kiện yêu cầu công ty H phải trả công ty M số tiền còn nợ do mua xăng dầu từ tháng 01 năm 2015 đến tháng 11 năm 2018 là 1.883.431.320đ, tiền lãi 146.504.919đ và đến ngày xét xử sơ thẩm là không có cơ sở, không được chấp nhận.
[2.2] Xét yêu cầu phản tố ngày 23/3/2020 của công ty H yêu cầu công ty M phải trả số tiền công ty H đã chuyển trả dư cho công ty M về việc mua xăng dầu của công ty M từ tháng 01 năm 2015 đến tháng 11 năm 2018 là 3.732.000.000đ: Tại phiên tòa, bị đơn công ty H có văn bản rút một phần yêu cầu phản tố, công ty H không yêu cầu công ty M phải trả số tiền 3.732.000.000đ, hiện nay công ty H chỉ yêu cầu công ty M phải trả số tiền công ty H đã chuyển trả dư cho công ty M là 216.365.324đ.
Xét yêu cầu phản tố của công ty H yêu cầu công ty M phải trả số tiền 216.365.324đ: Như phân tích nêu trên từ tháng 01 năm 2015 đến tháng 11 năm 2018 công ty H mua xăng dầu của công ty M với tổng trị giá xăng dầu thành tiền là 12.745.065.996đ. Căn cứ các hóa đơn, chứng từ giao dịch thì công ty H đã chuyển trả cho công ty M với tổng số tiền là 12.961.431.320đ. Như vậy công ty H đã chuyển trả dư cho công ty M số tiền là 12.961.431.320đ - 12.745.065.996đ = 216.365.324đ. Do đó, yêu cầu phản tố của công ty H buộc công ty M phải trả lại số tiền công ty H đã chuyển trả dư cho công ty M với số tiền là 216.365.324đ là có cơ sở cần chấp nhận. Cần buộc nguyên đơn công ty M phải có nghĩa vụ trả công ty H số tiền 216.365.324đ.
Đối với việc rút một phần yêu cầu phản tố của công ty H là tự nguyện, do đó căn cứ Điều 244 của Bộ luật tố tụng dân sự cần chấp nhận đơn rút một phần yêu cầu phản tố của công ty H. Cần đình chỉ đối với phần yêu cầu phản tố mà công ty H đã rút là yêu cầu công ty M phải trả số tiền 3.732.000.000đ – 216.365.324 = 3.515.634.676. Đương sự có quyền khởi kiện lại vụ án đối với yêu cầu đã rút theo quy định pháp luật.
Đối với đề nghị của đại diện viện kiểm sát nhân dân huyện Bù Đăng là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử và đúng quy định của pháp luật nên cần chấp nhận.
[3] Về án phí: Đương sự phải chịu án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm theo quy định pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 35; 39; Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự;
Căn cứ Điều 24 và 50 của Luật thương mại.
Căn cứ Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý, sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1] Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại xăng dầu M về việc yêu cầu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại H phải trả số tiền mua bán xăng dầu từ tháng 01 năm 2015 đến tháng 11 năm 2018 còn nợ là 1.883.634.676đ, tiền lãi là 146.504.919đ và đến ngày xét xử sơ thẩm 2] Chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại H. Buộc nguyên đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại xăng dầu M phải có nghĩa vụ hoàn trả lại cho công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mại H số tiền 216.365.324đ.
Đình chỉ đối với phần yêu cầu phản tố mà công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại H đã rút theo đơn rút một phần yêu cầu phản tố ngày 30/9/2020 đối với yêu cầu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại xăng dầu M phải trả số tiền 3.515.634.676đ. Đương sự có quyền khởi kiện lại vụ án đối với yêu cầu đã rút theo quy định pháp luật.
3] Về án phí: Buộc nguyên đơn công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại xăng dầu M phải nộp án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm đối với phần yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận là 72.602.791 đồng và án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm đối với yêu cầu phản tố của bị đơn được chấp nhận là 10.818.266 đồng, tổng cộng là 83.421.057 đồng, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp trước là 36.301.395đ theo biên lai thu tiền số 0009977 ngày 25/12/2019 của chi cục thi hành án dân sự huyện Bù Đăng, như vậy công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại xăng dầu M phải nộp số tiền án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm là 47.119.662 đồng.
Chi cục thi hành án dân sự huyện Bù Đăng hoàn trả cho công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại H số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 53.320.000đ theo Biên lai thu tiền số 0010189 ngày 23/3/2020.
Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lăi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lăi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Các đương sự có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đương sự vắng mặt tại phiên tòa thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.
Bản án 03/2020/KDTM-ST ngày 30/09/2020 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Số hiệu: | 03/2020/KDTM-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Bù Đăng - Bình Phước |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 30/09/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về