TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
BẢN ÁN 03/2020/KDTM-PT NGÀY 22/04/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG
Trong ngày 22 tháng 4 năm 2020, tại Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế mở phiên toà xét xử phúc thẩm công khai vụ án Kinh doanh thương mại thụ lý số: 04/2020/TLPT-KDTM ngày 24/02/2019 về “Tranh chấp Hợp đồng tín dụng”. Do bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 03/2019/KDTM-ST ngày 16/12/2019 của Tòa án nhân dân thị xã Hương T bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 45/2020/QĐ-PT ngày 08/4/2020 giữa các đương sự:
* Nguyên đơn: Ngân hàng TMCP C Việt Nam.
Địa chỉ: Trần Hưng Đ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Dương Tuấn V – Phó giám đốc Ngân hàng TMCP C Việt Nam – Chi nhánh Nam thừa thiên H.
Ông Nguyễn Văn H, phó phụ trách Phòng Tổng hợp Ngân hàng TMCP C Việt Nam – Chi nhánh Nam thừa thiên H.
Địa chỉ: phường Phú B, thị xã Hương T, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo Quyết định ủy quyền số 1095/UQ-HĐQT-NHCT18 ngày 28/10/2019 do ông Lê Đức T, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP C Việt Nam. Có mặt.
* Bị đơn: Công ty TNHH - TMDV tổng hợp P.
Địa chỉ: Cụm Công nghiệp Tứ H, phường Tứ H, thị xã Hương T, tỉnh Thừa Thiên Huế. Do bà Hoàng Thị Y – Giám đốc – Đại diện theo pháp luật. Có mặt.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Nguyễn Văn C và bà Hoàng Thị Y. Cùng trú tại: phường An C, thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế. Có mặt.
2. Các đồng thừa kế của bà Nguyễn Thị V (đã chết): Anh Nguyễn Sơn H và anh Nguyễn Khoa N là con của bà V. Địa chỉ: Hùng V, thành phố H, TT Huế. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
3. Ông Nguyễn Văn N và bà Nguyễn Thị L. Đều trú tại: Phường Hải T, Đồng H, Quảng Bình. Ông N có mặt; bà L ủy quyền cho ông N tham gia phiên tòa.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ thì nội dung vụ án tóm tắt như sau:
- Về phía nguyên đơn ông Dương Tuấn V, người đại diện theo ủy quyền trình bày: Từ năm 2010 đến năm 2013, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Tổng hợp P (gọi tắt Công ty P) đã ký kết các hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Thương mại cổ phần C Việt Nam - Chi nhánh Nam Thừa Thiên H (gọi tắt là Ngân hàng C) với mục đích vay vốn để đầu tư nhà máy sản xuất gia công giấy vệ sinh các loại, giấy ăn, khăn giấy các loại, có 05 hợp đồng còn nợ cụ thể như sau:
1. Hợp đồng tín dụng số 10120107/HDTD ngày 18/01/2010. Số tiền cho vay: 6.750.000.000 đồng. Thời hạn cho vay: 96 tháng; Lãi suất là 12% năm.
2. Hợp đồng tín dụng số 11170099/HĐTD ngày 27/08/2011. Số tiền cho vay: 120.000.000 đồng. Thời hạn cho vay: 36 tháng; Lãi suất là 21% năm.
3. Hợp đồng tín dụng số 12110066/ HĐTD ngày 14/08/2012. Số tiền cho vay: 8.000.000.000 đồng. Thời hạn cho vay: 12 tháng; Lãi suất thả nổi.
4. Hợp đồng tín dụng số 13250102/HĐTD ngày 02/01/2013. Số tiền cho vay: 3.000.000.000 đồng. Thời hạn cho vay: 12 tháng; Lãi suất cho vay thả nổi.
5. Hợp đồng tín dụng số 0408/2013-HĐTDHM/NHCT462-PHUNGPHAT ngày 14/08/2013. Số tiền cho vay: 7.350.000.000 đồng. Thời hạn cho vay: kể từ ngày 14/08/2013 đến ngày 20/03/2014. Lãi suất cho vay thả nổi.
Tất các các hợp đồng quy định lãi suất quá hạn là: 150% lãi suất trong hạn. Các Hợp đồng tín dụng nói trên đều có Tài sản thế chấp bảo đảm như sau:
1. Hợp đồng thế chấp số: 10120107/HĐTC ngày 14/01/2010, TSBĐ là Nhà máy sản xuất giấy và máy móc thiết bị của Công ty P.
2. Hợp đồng thế chấp số: 12170105/HĐTCTS ngày 13/01/2012, TSBĐ là 04 loại máy móc, dây chuyền sản xuất giấy của Công ty P.
3. Hợp đồng thế chấp số: 10120612/HĐTC ngày 29/06/2010, TSBĐ là 14 loại máy móc thiết bị sản xuất giấy của Công ty P.
4. Hợp đồng thế chấp số: 12110006/HĐTCTS ngày 10/05/2012, TSBĐ là 02 chiếc xe tải có biển số 75K-1133 và 75H-8656, của Công ty P.
5. Hợp đồng thế chấp số: 11170099/HĐTCTS ngày 26/08/2011, TSBĐ là 01 chiếc xe tải có biển số 75C-007.70, của Công ty P.
6. Hợp đồng thế chấp số: 10170915/HĐTCTS ngày 28/09/2010, TSBĐ là QSD đất thửa 92-1 tại Tổ 5, phường An Cựu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, chủ sử dụng là ông Nguyễn Văn C và bà Hoàng Thị Y.
7. Hợp đồng thế chấp số: 11170019/HĐTCTS ngày 08/03/2011, TSBĐ là QSD đất thửa 202 tại phường Hải T, thành phố Đồng H, tỉnh Quảng Bình, chủ sử dụng là ông Nguyễn Văn N và bà Nguyễn Thị L.
8. Hợp đồng thế chấp số: 10171011/HĐTCTS ngày 25/10/2010, TSBĐ là QSD đất thửa 139 tại Hùng V, thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế, chủ sử dụng là bà Nguyễn Thị V (đã chết ngày 11/9/2011).
Các hợp đồng thế chấp đã được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm. Tổng số tiền vay của 5 hợp đồng nói trên là: 25.220.000.000 đồng. Quá trình thực hiện hợp đồng thì Công ty P đã trả được một phần, còn lại nợ gốc là 15.984.166.512 đồng chưa trả nợ nên ngân hàng đã chuyển sang quá hạn từ tháng 03/2014. Phía Ngân hàng đã nhiều lần thông báo bằng văn bản và làm việc trực tiếp với Công ty P về xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ nhưng Công ty không hợp tác, nên ngày 09/10/2014 Ngân hàng đã tiến hành niêm phong tài sản để xử lý nợ.
Nay Ngân hàng C yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty P phải thanh toán số tiền còn nợ tính đến ngày xét xử sơ thẩm (16/12/2019) là 30.063.989.805 đồng, trong đó: Nợ gốc là 15.984.166.512 đồng; nợ lãi cộng dồn: 10.405.428.587 đồng; lãi phạt quá hạn: 3.674.394.706 đồng.
Trường hợp Công ty P không trả hoặc trả không đầy đủ hoặc bên thế chấp không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay thì phát mãi tài sản đã thế chấp và bảo lãnh cho Ngân hàng để thu hồi nợ.
- Về phía bị đơn Công ty P, bà Hoàng Thị Y trình bày:
Công ty P đã ký kết Hợp đồng tín dụng vay của Ngân hàng C Nam Thừa Thiện Huế từ năm 2010 để sản xuất kinh doanh, trong thời gian đầu phía Công ty đã thực hiện đầy đủ các cam kết trả nợ vay cho Ngân hàng, nhưng sau đó do vay lãi suất quá cao (21% đến 23%/năm). Cùng thời gian đó tình hình kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, trong đó Công ty P là không ngoại lệ. Công ty đã nhiều lần đề nghị Ngân hàng xem xét hỗ trợ giãn nợ gốc, lãi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhưng không được chấp nhận. Khi chậm trả nợ lãi khoảng 5 - 6 tháng thì Ngân hàng ngừng toàn bộ mọi giao dịch làm cho Công ty càng khó khăn thêm.
Đến ngày 09/10/2014 trong lúc công ty đang hoạt động thì Ngân hàng đến đuổi công nhân và người lao động ra khỏi nơi sản xuất để thực hiện kê biên, niêm phong tài sản nên Công ty không hoạt động được. Việc niêm phong không có mặt bà, bà đã khiếu nại đến các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết.
Bà Y đồng ý trả khoản nợ gốc và tiền lãi tính đến ngày 09/10/2014, nhưng bà đề nghị Ngân hàng xem xét tạo điều kiện miễm giảm lãi và cơ cấu lại nợ để bà có điều kiện trả nợ. Riêng đối với khoản lãi phát sinh từ sau ngày 09/10/2014 là do Ngân hàng tự ý niêm phong và quản lý tài sản của Công ty, không cho Công ty sản xuất kinh doanh nên Công ty không đồng ý trả khoản lãi phát sinh này.
- Về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Ông Nguyễn Văn C trình bày: Nguyên vào ngày 28/09/2010 ông đã ký vào Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất để đảm bảo nghĩa vụ cho Công ty vay nợ và hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp ngày 22/02/2011 với giá trị đảm bảo cho khoản vay là: 1.860.000.000đồng; cho lần đầu với thời hạn vay ngắn hạn 12 tháng được xác định bởi hợp đồng tín dụng. Hai hợp đồng này đã được bên vay vốn là Công ty P tất toán. Như vậy hai hợp đồng bảo lãnh nói trên hết hiệu lực thi hành. Nhưng đến ngày 14/08/2012 và ngày 02/01/2013 giữa Ngân hàng và Công ty P lại đưa tài sản nhà đất của ông vào danh mục tài sản đảm bảo cho 02 hợp đồng tín dụng nói trên mà không có ý kiến thỏa thuận của ông bằng văn bản chứng thực là trái với quy định, làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của ông, nên đề nghị Ngân hàng trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông.
- Ông Nguyễn Văn N cũng có ý kiến tương tự như ông C, ông cho rằng ngày 08/03/2011 ông thế chấp cho Công ty vay 480.000.000đồng và công ty đã trả nợ xong, đến năm 2012 và 2013 lại đưa tài sản của ông vào danh mục tài sản đảm bảo cho hợp đồng tín dụng là trái pháp luật, nên đề nghị Ngân hàng trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông.
- Ông Nguyễn Khoa N cho rằng mẹ của ông là bà Nguyễn Thị V đã chết ngày 11/9/2011, nhưng đến năm 2012 và 2013 Ngân hàng vẫn đưa tài sản của mẹ ông vào bảo lãnh cho công ty P là trái pháp luật, nên ông đề nghị Tòa án buộc Ngân hàng trả lại tài sản cho gia đình ông.
Ngày 16/12/2019 của Tòa án nhân dân thị xã Hương T đưa vụ án ra xét xử và quyết định như sau:
Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 266, Điều 267, Điều 273 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015;
Áp dụng khoản Điều 471, 474 và Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005; Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng 2010; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 về án phí và lệ phí Tòa án, tuyên xử:
1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn Ngân hàng TMCP C Việt Nam. Buộc Công ty TNHH - TMDV tổng hợp P phải trả cho Ngân hàng TMCP C Việt Nam số tiền nợ gốc và lãi tính đến ngày 16/12/2019 là: 30.063.989.805đồng.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về quyền đề nghị cơ quan thi hành án có thẩm quyền kê biên, phát mại tài sản thế chấp, án phí, quyền kháng cáo và quyền yêu cầu thi hành án, theo quy định pháp luật.
Ngày 25/12/2019 Công ty P kháng cáo: Không châp nhận số tiền lãi trả cho ngân hàng như bản án đã nêu, vì Công ty không có chứng từ và số liệu để đối chiếu với ngân hàng. Ngày 09/10/2014 trong lúc công ty đang hoạt động thì Ngân hàng đến kê biên, niêm phong tài sản nên Công ty không hoạt động được. Việc niêm phong như vậy là trái pháp luật. Vì vậy, đề nghị Tòa án buộc ngân hàng phải bồi thường thiệt hại cho công ty từ tháng 10 năm 2014 đến nay và Công ty không chấp nhận yêu cầu trả lãi cho Ngân hàng từ sau ngày công ty bị niêm phong tài sản đến nay.
Ngày 25/12/2019 Ông Nguyễn Văn C kháng cáo: Ông cho rằng ngày 28/09/2010 vợ chồng ông đã ký vào Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất để đảm bảo nghĩa vụ cho bên thứ 3 vay là: 1.860.000.000đồng; Hai hợp đồng này đã được Công ty P tất toán. Như vậy hai hợp đồng thế chấp hết hiệu lực thi hành. Nhưng hợp đồng tín dụng năm 2012 và 2013 lại đưa tài sản nhà đất của vợ chồng ông vào danh mục tài sản đảm bảo mà không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của ông là trái với quy định, nay ông đề nghị Tòa án giải quyết đúng pháp luật.
Ngày 25/12/2019 Ông Nguyễn Văn N kháng cáo một phần bản án về phần tài sản thế chấp quyền sử dụng đất ngày 08/03/2011 của vợ chồng ông ký cho Công ty P vay 480.000.000đồng và Công ty tất toán. Nhưng hợp đồng tín dụng năm 2012 và 2013 lại đưa tài sản của vợ chồng ông vào danh mục tài sản đảm bảo mà không có ý kiến bằng văn bản của vợ chồng ông là trái pháp luật, nên ông đề nghị Tòa án buộc Ngân hàng trả lại giấy CNQSDĐ cho vợ chồng ông.
Ngày 25/12/2019 Ông Nguyễn Khoa N kháng cáo một phần bản án, vì mẹ của ông là bà Nguyễn Thị V đã chết ngày 11/9/2011, nhưng đến năm 2012 và 2013 Ngân hàng vẫn đưa tài sản của mẹ ông vào bảo lãnh cho công ty là trái pháp luật, nên đề nghị Tòa án buộc Ngân hàng trả lại tài sản cho gia đình ông.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh có ý kiến cho rằng: Từ khi thụ lý vụ án cho đến phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, các bên đương sự đều tuân theo các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, bảo đảm quyền lợi của các bên đương sự, không vi phạm gì cần phải kiến nghị khắc phục. Về nội dung đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và người liên quan, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ kết quả tranh luận tại phiên toà, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
[1]. Về tố tụng: Tại phiên tòa hôm nay, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo. Các bên đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án nên Hội đồng xét xử tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định.
[2].Về nội dung:
[2.1] Xét kháng cáo của Công ty P, Hội đồng xét xử thấy rằng: Từ năm 2010 đến năm 2013, Công ty P còn lại 5 hợp đồng tín dụng đã ký với Ngân hàng C để vay tổng số tiền vay là: 25.220.000.000 đồng, với mục đích là đầu tư nhà máy sản xuất gia công giấy vệ sinh các loại… Trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng phía công ty P đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán, do đó ngày 09/10/2014 Ngân hàng C đến niêm phong tài sản Công ty P, và xác định số tiền còn nợ gốc là: 15.984.166.512 đồng.
- Tại phiên tòa sơ thẩm và tại phiên tòa hôm nay đại diện Công ty thống nhất số tiền còn nợ gốc như trên nên Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty P phải có nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng C số tiền còn nợ gốc 15.984.166.512 đồng là có căn cứ, đúng pháp luật.
- Về tiền lãi: Tính đến ngày 09/10/2014 thì Công ty còn nợ ngân hàng số tiền lãi trong hạn là 1.688.787.791 đồng và lãi quá hạn là 244.883.821 đồng. Tổng cộng số tiền lãi: 1.933.671.612 đồng. Đối với số tiền lãi trong thời gian kể từ khi vay đến ngày 09/10/2014 Công ty bị Ngân hàng C niêm phong tài sản, là do Công ty vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo các hợp đồng tín dụng thì công ty phải chịu trách nhiệm thanh toán cho ngân hàng theo thỏa thuận trong Hợp đồng.
- Như vậy Công ty P phải có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ cho Ngân hàng C cả gốc lẫn lãi tính đến ngày 09/10/2014 là: 17.917.838.124 đồng. Trong đó, nợ gốc 15.984.166.512 đồng; nợ lãi: 1.933.671.612 đồng.
- Riêng số tiền lãi kể từ ngày 09/10/2014 đến ngày xét xử sơ thẩm 16/12/2019: Số tiền lãi trong hạn là 8.716.640.795 đồng và lãi quá hạn là 3.429.510.886 đồng. Tổng cộng số tiền lãi: 12.146.151.680 đồng.
Hội đồng xét xử thấy rằng: Sau khi Ngân hàng niêm phong kê biên tài sản của công ty từ ngày 09/10/2014 nhưng không xử lý phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi nợ, mà để kéo dài đến ngày 12/7/2018 mới khởi kiện làm cho lãi trong hạn và quá hạn phát sinh, trong khi đó suốt thời gian bị niêm phong thì Công ty không hoạt động sản xuất kinh doanh được là do lỗi hoàn toàn của Ngân hàng.
Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty P là bác yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng C về số tiền lãi tính từ ngày 09/10/2014 đến ngày xét xử sơ thẩm 16/12/2019 là: 12.146.151.680 đồng để sửa lại bản án sơ thẩm về phần này.
Ngoài ra Công ty P cho rằng sau khi bị niêm phong Tài sản của Công ty đã làm thiệt hại tài sản và chi phí trả lương công nhân cũng như các thiệt hại khác… Sau này nếu có cơ sở thì Công ty có quyền khởi kiện bằng vụ án khác.
[2.2] Xét kháng cáo của ông Nguyễn Văn C và ông Nguyễn Văn N, Hội đồng xét xử thấy rằng: Ngày 28/09/2010 và ngày 08/03/2011 vợ chồng ông C và vợ chồng ông N đã ký vào Hợp đồng thế chấp để đảm bảo nghĩa vụ cho bên thứ 3 là Công ty P vay tiền ở Ngân hàng C.
Sau khi ký hợp đồng thế chấp, thì Công ty P đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng C ngày 29/9/2010; Hợp đồng tín dụng ngày 27/12/2011; Hợp đồng tín dụng ngày 14/8/2012; Hợp đồng tín dụng ngày 02/01/2013 và Hợp đồng tín dụng ngày 14/8/2013. Tất cả các hợp đồng tín dụng này đã đưa tài sản nhà đất của vợ chồng các ông vào danh mục tài sản đảm bảo cho các hợp đồng tín dụng nói trên, nhưng vợ chồng các ông không có ý kiến phản đối mà đồng ý để Công ty dùng làm tài sản thế chấp cho hợp đồng tín dụng tiếp theo và cũng không yêu cầu ngân hàng giải chấp khi hợp đồng tín dụng trước đó đã thanh toán xong nghĩa vụ trả nợ, nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của hai ông được mà giữ nguyên phần này của bản án sơ thẩm như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là có cơ sở.
[2.3] Xét kháng cáo của ông Nguyễn Khoa Nhân, Hội đồng xét xử thấy rằng: Bà Nguyễn Thị V ký Hợp đồng thế chấp số: 10171011/HĐTCTS ngày 25/10/2010, Tài sản bảo đảm là thửa đất số 139 tại Hùng V, thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế, để bảo đảm cho Công ty P vay tiền ở Ngân hàng. Tuy nhiên đến ngày 11/9/2011, thì bà V chết. Theo quy định tại khoản 8 Điều 374 Bộ luật dân sự năm 2005 thì Nghĩa vụ dân sự chấm dứt trong trường hợp “Bên có nghĩa vụ là cá nhân chết”. Nhưng đến năm 2012 và 2013 Ngân hàng vẫn đưa tài sản của bà V (đã chết) vào bảo lãnh cho công ty P tại Hợp đồng tín dụng số 12110066/HĐTD ngày 14/08/2012, Hợp đồng tín dụng số 13250102/ HĐTD ngày 02/01/2013 và Hợp đồng tín dụng số 0408/HĐTD ngày 14/8/2013 là trái pháp luật nên phần thế chấp đối với tài sản của bà V là vô hiệu. Vì vậy chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Nhân sửa một phần của bản án sơ thẩm, buộc Ngân hàng C phải trả lại toàn bộ giấy tờ liên quan đến tài sản nhà đất của bà V cho những người thừa kế của bà V, do ông N làm đại diện để nhận lại.
Các phần khác tại quyết định bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã phát sinh hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[3] Về án phí sơ thẩm:
- Công ty P phải chịu trên số tiền 17.917.838.124 đồng là: (112.000.000 đồng + 0,1% x 13.917.838.124 đồng) = 125.917.838 đồng.
- Ngân hàng C phải chịu trên số tiền 12.146.151.680 đồng là: (112.000.000 đồng + 0,1% x 8.146.151.680 đồng) = 120.146.151.680 đồng.
Về án phí phúc thẩm: Do sửa bản án sơ thẩm nên Công ty P, ông C, ông N và ông Nhân không phải chịu.
Vì các lẽ trên
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 về án phí và lệ phí Tòa án. Sửa bản án sơ thẩm số 03/2019/KDTM-ST ngày 16/12/2019 của Tòa án nhân dân thị xã Hương Trà.
Áp dụng khoản Điều 471, 474 và Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005 xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu của Ngân hàng TMCP C Việt Nam. Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ tổng hợp P phải trả cho Ngân hàng TMCP C Việt Nam số tiền còn nợ gốc và lãi là: 17.917.838.124 đồng. Trong đó, nợ gốc 15.984.166.512 đồng; Lãi tính đến ngày 09/10/2014 là: 1.933.671.612 đồng.
2. Bác một phần yêu cầu về tiền lãi của Ngân hàng TMCP C Việt Nam tính từ ngày 09/10/2014 đến ngày xét xử sơ thẩm 16/12/2019 là: 12.146.151.680 đồng.
3. Tuyên bố điều khoản thế chấp tài sản của bà Nguyễn Thị V tại Hợp đồng tín dụng số 12110066/ HĐTD ngày 14/08/2012 và Hợp đồng tín dụng số 13250102/HĐTD ngày 02/01/2013 và Hợp đồng tín dụng số 0408/HĐTD ngày 14/8/2013 là vô hiệu.
Buộc Ngân hàng TMCP C Việt Nam phải trả lại toàn bộ giấy tờ liên quan đến tài sản nhà đất của bà Nguyễn Thị V cho những người thừa kế của bà V, do ông Nguyễn Khoa N làm đại diện để nhận lại.
4. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo về tài sản thế chấp của ông Nguyễn Văn C và ông Nguyễn Văn N.
5. Về án phí dân sự sơ thẩm: Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ tổng hợp P phải chịu: 125.917.838 đồng.
Buộc Ngân hàng TMCP C Việt Nam phải chịu: 120.146.151 đồng. Ngân hàng C đã nộp số tiền tạm ứng 67.208.412 đồng, theo biên lai thu số 009773 ngày 26/07/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Hương T, nay còn phải nộp tiếp số tiền 52.937.739 đồng.
- Về án phí phúc thẩm: Công ty P, ông Nguyễn Văn C, ông Nguyễn Văn N và ông Nguyễn Khoa N không phải chịu.
Công ty P được nhận lại số tiền tạm ứng án phí 2.000.000 đồng đã nộp tại biên lai số 007346 ngày 13/01/2020. Nhưng tạm giữ lại để bảo đảm thi hành án.
Ông Nguyễn Văn C được nhận lại số tiền tạm ứng án phí 2.000.000 đồng đã nộp tại biên lai số 007347 ngày 13/01/2020.
Ông Nguyễn Văn N được nhận lại số tiền tạm ứng án phí 2.000.000 đồng đã nộp tại biên lai số 007348 ngày 13/01/2020.
Ông Nguyễn Khoa N được nhận lại số tiền tạm ứng án phí 2.000.000 đồng đã nộp tại biên lai số 007349 ngày 13/01/2020.
Tất cả số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đều nộp tại Chi Cục thi hành án dân sự thị xã Hương T, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm Công ty P còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong Hợp đồng cho đến khi thi hành xong khoản nợ gốc này.
6. Trường hợp Công ty P không trả đủ số tiền còn nợ thì Ngân hàng có quyền yêu cầu người thế chấp (Bảo lãnh) trả nợ thay số tiền đã thế chấp. Nếu vẫn không trả nợ thì đề nghị cơ quan Thi hành án có thẩm quyền xử lý phát mại tài sản thế chấp tương ứng với nghĩa vụ được bảo đảm đã ký tại Điều 2 trong các Hợp đồng thế chấp bảo lãnh nói trên theo quy định của pháp luật để thu hồi khoản nợ mà Công ty P chưa thanh toán.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã phát sinh hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án này là phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 03/2020/KDTM-PT ngày 22/04/2020 về tranh chấp hợp đồng tín dụng
Số hiệu: | 03/2020/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thừa Thiên Huế |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 22/04/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về