Bản án 03/2020/DS-ST ngày 10/08/2020 về kiện chia di sản thừa kế

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ PHỦ LÝ -TỈNH HÀ NAM

BẢN ÁN 03/2020/DS-ST NGÀY 10/08/2020 VỀ KIỆN CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 10 tháng 8 năm 2020, tại Trụ sở Toà án nhân dân thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 12/2019/TLST-DS ngày 02 tháng 5 năm 2019, về tranh chấp: “Kiện chia di sản thừa kế” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 02/2020/QĐXXST-DS ngày 11 tháng 6 năm 2020 và Thông báo thay đổi thời gian mở phiên tòa số 02/TB-TA ngày 02/7/2020 giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Ông Nguyễn Ngọc N, sinh năm 1956.

Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Anh Nguyễn Bá H, sinh năm 1982. Cùng địa chỉ: Thôn M, xã P, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

* Bị đơn:

1. Ông Nguyễn Bá H, sinh năm 1961.

2. Ông Nguyễn Bá T, sinh năm 1972.

Cùng địa chỉ: Thôn M, xã P, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Bá T: Bà Phạm Thị L, sinh năm 1972; địa chỉ: Thôn M, xã P, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Nguyễn Bá D, sinh năm 1958.

Địa chỉ: Xóm K, xã V, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

2. Bà Nguyễn Thị L (tên khác Nguyễn Thị H), sinh năm 1968. Địa chỉ: Xóm Đ, xã T, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

3. Bà Phạm Thị L, sinh năm 1972.

4. Bà Phạm Thị T, sinh năm 1969.

5. Bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1976.

Cùng địa chỉ: Thôn 1, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Phiên tòa có mặt anh H, ông H, ông T, ông D, bà L (tên khác H), bà L, bà T và bà N.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện của nguyên đơn và lời khai của các đương sự trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án, các đương sự thống nhất trình bày:

Cụ Nguyễn Bá T, sinh năm 1934 và vợ là cụ Lê Thị Y, sinh năm 1937 sinh hạ được 06 người con gồm: Nguyễn Ngọc N, sinh năm 1956; Nguyễn Bá D, sinh năm 1958 (theo giấy tờ đi công tác); Nguyễn Bá H, sinh năm 1961; Nguyễn Thị L (tên khác Nguyễn Thị H), sinh năm 1968; Nguyễn Bá T, sinh năm 1972 và Nguyễn Thị N, sinh năm 1976. Cụ T và cụ Y không có con riêng, con nuôi hoặc người nào khác thuộc diện được hưởng thừa kế. Bố mẹ đẻ của hai cụ đều đã mất từ lâu.

Cụ Lê Thị Y chết ngày 13/7/2006; cụ Nguyễn Bá T chết ngày 03/4/2011. Khi chết, cụ T và cụ Y đều không để lại di chúc; hai cụ cũng không để lại nghĩa vụ tài sản đối với ai và không có ai có công nợ gì đối với các cụ.

Sau khi hai cụ mất, việc tổ chức tang lễ, sang cát, xây cất phần mộ cho các cụ đều do 06 người con của các cụ cùng nhau lo liệu, thực hiện.

Di sản mà cụ T và cụ Y để lại gồm có:

+ Thửa đất số 34, tờ bản đồ số PL15 trước đây có diện tích là 358m2, đã được UBND Thị xã Phủ Lý (nay là UBND thành phố Phủ Lý), tỉnh Hà Nam cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: 00336 QSDĐ/774/QĐ-UB(TX) ngày 27/9/2004 cho hộ ông Nguyễn Bá T. Do ngày 14/01/2011, cụ Tịnh đã chuyển nhượng hợp pháp 114m2 đất thổ cư trong thửa đất này cho bà Trịnh Thị C nên đến nay diện tích thửa đất này chỉ còn lại 244m2 (trong đó đất thổ cư là 91m2; đất vườn là 130m2; đất nông nghiệp là 23m2); địa chỉ thửa đất tại thôn M, xã P, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

+ Tài sản có trên thửa đất: 01 nhà cấp bốn do cụ Nguyễn Bá T xây cất năm 2009 bằng tiền cụ bán đất, có kết cấu móng bằng gạch bê tông, đổ giằng thép, tường xây gạch xỉ, mái lợp prôximăng, cửa đi bằng gỗ dổi, công trình phụ khép kín, nền lát gạch men và có một đoạn tường rào bao bọc phía trước xây bằng gạch xỉ.

Trên phần đất di sản, các thừa kế của cụ T, cụ Y có tài sản riêng gồm:

+ Tài sản chung của vợ chồng ông Nguyễn Bá T và bà Phạm Thị L trên thửa đất di sản của cụ T và cụ Y để lại (thửa đất số 34, tờ bản đồ số PL15, diện tích là 244 m2) gồm 01 căn nhà cấp bốn có công trình phụ khép kín, xây bằng gạch xỉ, mái lợp prôximăng kiểu bán mái, diện tích sử dụng khoảng 80m2, xây cất năm 2010.

+ Tài sản chung của vợ chồng ông Nguyễn Bá H và bà Phạm Thị T trên thửa đất di sản của cụ T và cụ Y để lại (thửa đất số 34, tờ bản đồ số PL15, có diện tích là 244m2) gồm 01 căn nhà cấp bốn và khu công trình phụ độc lập, mái đều lợp prôximăng, diện tích sử dụng khoảng 90m2, xây cất năm 2004. Đến tháng 4/2020 gia đình ông H đã tự phá dỡ căn nhà ở chính, xây cất lại nhà ở mới kiểu nhà cấp bốn, tường xây bằng gạch xỉ, mái lợp tôn, diện tích sử dụng 56m2. Căn nhà mới xây cất trên nền móng nhà ở cũ, không lấn chiếm, cơi nới sang các phần đất lân cận. Khi xây dựng, gia đình ông H không báo cáo hay xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Việc quản lý, sử dụng di sản: Các đương sự đều thống nhất, xác nhận từ khi cụ T và cụ Y còn sống, gia đình ông H và gia đình ông T đã xây dựng nhà ở, công trình phụ trên đất của các cụ và quản lý phần đất di sản đúng như tình trạng hiện nay đang sử dụng. Đối với căn nhà cấp bốn do cụ T để lại, từ năm 2014 bà Nguyễn Thị N do hoàn cảnh khó khăn, không có nơi nào khác để ở nên đã tiếp nhận, quản lý, sử dụng căn nhà này làm chỗ ở. Quá trình quản lý, sử dụng căn nhà cụ T để lại, bà N vẫn giữ nguyên hiện trạng, không bỏ ra chi phí, công sức nào để tu sửa, tôn tạo cho tài sản này.

Không có ai trong hàng thừa kế thứ nhất của cụ T và cụ Y từ chối việc nhận di sản thừa kế.

Về điều kiện nơi ở, sinh sống của các thừa kế: Các đương sự đều xác định hiện nay ông N, ông D, bà L (tên khác là H) đều đã có chỗ ở riêng ổn định, tại nơi khác ngoài vị trí đất di sản của cụ T và cụ Y để lại. Ông H, ông T và bà N đang sinh sống trên đúng thửa đất di sản của cụ T, cụ Y, ngoài chỗ ở này ra ông H, ông T và bà N không có chỗ ở nào khác.

Đối với việc cụ Nguyễn Bá T chuyển nhượng 114m2 đất thổ cư trong thửa đất di sản cho bà Trịnh Thị C năm 2011, các đương sự đều thống nhất xác định phần diện tích đất thổ cư này do cụ T đã chuyển nhượng nên không còn là di sản của cụ T, cụ Y và không yêu cầu Tòa án đặt ra xem xét, giải quyết.

* Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án gồm ông Nguyễn Bá T, bà Phạm Thị L và bà Phạm Thị T đều thống nhất, trình bày: Khi cụ T và cụ Y còn sống, vào các ngày 08/7/1997 và 28/7/1997 hai cụ đã viết giấy cho đất, phân chia phần đất ở của các cụ cho các con trai là ông H và ông T. Các giấy tờ này đều do cụ T viết tay, có chữ ký của người cho đất là cụ T, cụ Y và chữ ký của các con trai là ông N, ông H, ông D, ông nhưng không có chữ ký của các con gái là bà L (tức H) và bà N. Việc tặng cho đất này các bên không làm thủ tục tặng cho, tách thửa, đăng ký chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Sau khi được bố mẹ phân chia đất, gia đình ông H và gia đình ông T đã xây cất nhà ở, công trình phụ trên phần đất được chia và sinh sống ổn định từ đó đến nay. Trong suốt thời gian dài từ khi các cụ còn sống cho đến mãi sau này, các con của hai cụ không có ai có khiếu nại, thắc mắc hay tranh chấp gì về việc hai cụ phân chia đất cho ông H và ông T. Ngoài ra khi cụ T còn sống, do ông N ăn ở, đối xử tệ bạc với cụ nên cụ T đã nhiều lần làm đơn, họp gia đình cắt đứt tình mẫu tử cha con với ông N. Vì vậy nay ông N khởi kiện yêu cầu chia thừa kế, gia đình ông H và gia đình ông T không chấp nhận yêu cầu này của ông N và đề nghị Tòa án xem xét, xác định ông N không được hưởng quyền thừa kế đối với di sản của cụ T để lại do đã bị khước từ tình nghĩa cha con. Bà L và bà T đã xuất trình tài liệu, chứng cứ liên quan gồm các giấy cho đất của cụ T và cụ Y, đơn xin từ con, văn bản họp gia đình của cụ T để lại, đồng thời yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định đối với các tài liệu, chứng cứ này để khẳng định trên đó là chữ viết, chữ ký của cụ T, cụ đã thể hiện việc định đoạt, phân chia đất ở cho các con và khước từ tình nghĩa cha con đối với ông N là đúng, lấy đó làm căn cứ giải quyết vụ án, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho gia đình họ.

* Ông Nguyễn Ngọc N, ông Nguyễn Bá D, bà Nguyễn Thị L (tức H) đều có quan điểm đối với ý kiến trình bày của gia đình ông H và ông T, không thừa nhận việc cụ T, cụ Y đã phân chia đất cho các con năm 1997, không công nhận chứng cứ do họ xuất trình là di bút của cụ T để lại vì các lý do họ đều không biết, không chứng kiến việc phân chia đất, không tham gia ký xác nhận trong các giấy tờ, văn bản này;

các giấy cho đất do bà L và bà T xuất trình tại Tòa án nội dung không xác định rõ phần đất được chia về mốc giới, vị trí, loại đất; việc tặng cho đất không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chứng nhận, đăng ký theo đúng quy định của pháp luật; đến năm 2004 thửa đất này vẫn được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ ông Nguyễn Bá T. Do đó ông N, ông D, bà L (H) đều đề nghị Tòa án phân chia di sản của cụ T và cụ Y để lại theo quy định pháp luật và đề nghị được nhận phần tài sản họ được hưởng thừa kế bằng hiện vật. Đối với các tài sản của gia đình ông H và ông T đã xây cất, kiến tạo trên phần đất di sản thì các gia đình này phải có trách nhiệm tháo dỡ, trả lại hiện trạng thửa đất ban đầu để phân chia cho các thừa kế theo pháp luật. Do không thừa nhận các giấy tờ bà L và bà T đã xuất trình là di bút của cụ T để lại nên ông N đã không chấp nhận, khiếu nại việc Tòa án trưng cầu giám định đối với các tài liệu, chứng cứ đương sự đã xuất trình và yêu cầu trưng cầu giám định.

* Ông Nguyễn Bá H (thời điểm đang chấp hành án) trình bày, xác nhận về tên, tuổi, ngày chết của người để lại di sản, tài sản của cụ T và cụ Y có khi còn sống và việc ông đã sử dụng đất được bố mẹ chia cho để tôn tạo, xây cất nhà ở như hiện tại là đúng. Đối với yêu cầu khởi kiện của ông N, ông đề nghị Tòa án giải quyết theo pháp luật, phần di sản của các cụ để lại ông xin được nhận bằng tiền khi chia thừa kế.

* Bà Nguyễn Thị N trình bày: Khi cụ T, cụ Y còn sống, bà chung sống cùng các cụ. Cụ T xây căn nhà cấp bốn để ở lúc cuối đời bằng tiền cụ bán đất, không người con nào phải hỗ trợ, đóng góp cho cụ. Sau khi cụ T chết, bà là người quản lý căn nhà này và sử dụng làm nơi ăn ở, sinh sống. Từ khi quản lý căn nhà do cụ T để lại đến nay, bà chưa phải bỏ chi phí hay công sức nào để tu sửa, tôn tạo căn nhà. Nay ông N khởi kiện chia thừa kế, bà đề nghị phân chia di sản của cụ T, cụ Y để lại cho các con theo pháp luật, phần di sản được hưởng bà xin được nhận bằng hiện vật là nhà, đất. Việc ông H, ông T xây dựng nhà ở trên phần đất của bố mẹ không được sự đồng thuận của cả gia đình thì ông H, ông T tự giải quyết, trả lại đất di sản để chia đều cho các thừa kế.

* Tại Kết luận giám định số 410/C09-P5 ngày 27/12/2019, Viện khoa học hình sự Bộ Công an đối với tài liệu, chứng cứ do bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án xuất trình đã kết luận:

“1. Chữ ký đứng tên Nguyễn Bá T và chữ viết trên các mẫu cần giám định ký hiệu A1, A2, A3, A4 so với chữ ký, chữ viết mang tên Nguyễn Bá T trên mẫu so sánh ký hiệu M1 do cùng một người ký, viết ra.

2. Chữ ký đứng tên Nguyễn Bá D trên các mẫu cần giám định ký hiệu A1, A2 so với chữ ký mang tên Nguyễn Bá D trên mẫu so sánh ký hiệu M1 do cùng một người ký ra.

3. Không đủ cơ sở kết luận chữ ký đứng tên Nguyễn Bá H trên các mẫu cần giám định ký hiệu A1, A2 so với chữ ký mang tên Nguyễn Bá H trên các mẫu so sánh ký hiệu M1, M2 có phải do cùng một người ký ra hay không.

4. Không đủ kết luận chữ ký đứng tên Nguyễn Bá N trên các mẫu cần giám định ký hiệu A1, A2 so với chữ ký mang tên Nguyễn Ngọc N trên mẫu so sánh ký hiệu M3 có phải do cùng một người ký ra hay không.

5. Chữ ký đứng tên Nguyễn Bá T trên các mẫu cần giám định ký hiệu A1, A2 so với các chữ “Nguyễn Bá T” tại vị trí bên phải dòng chữ viết thứ 4 từ trên xuống trên trang 2 mẫu so sánh ký hiệu M1 không phải do cùng một người ký, viết ra.

6. Không đủ cơ sở kết luận chữ ký đứng tên Nguyễn Bá T trên các mẫu cần giám định ký hiệu A1, A2 so với chữ ký, chữ viết mang tên Nguyễn Bá T trên mẫu so sánh ký hiệu M4 có phải do cùng một người ký, viết ra hay không”.

* Ngày 03/10/2019, Hội đồng định giá tài sản thành phố Phủ Lý đã tiến hành việc định giá tài sản đối với quyền sử dụng đất và tài sản có trên đất là di sản của cụ T và cụ Y để lại, cụ thể:

- Về đất di sản: Diện tích 244m2 đất (trong đó: đất thổ cư là 91m2; đất vườn là 130m2; đất nông nghiệp là 23m2) có giá trị là 374.434.000 đồng.

- Tài sản có trên đất di sản gồm: 01 nhà cấp bốn diện tích khoảng 50m2, xây năm 2009, có kết cấu móng gạch bê tông, đổ giằng thép, tường xây gạch xỉ, mái lợp prôximăng, cửa đi bằng gỗ dổi, công trình phụ khép kín, nền lát gạch men có giá trị là 85.179.000 đồng.

- Tường rào xây gạch xỉ 5,28m3 có giá trị là 3.585.000 đồng.

Tổng giá trị về đất và tài sản có trên đất di sản là: 463.198.000 đồng (Bốn trăm sáu mươi ba triệu một trăm chín mươi tám nghìn đồng).

* Về đất di sản: Quá trình xác minh, thu thập chứng cứ tại địa phương và cơ quan quản lý đất đai có thẩm quyền xác định thửa đất số 34, tờ bản đồ số PL15 tọa lạc tại thôn M, xã P, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đã được UBND thị xã Phủ Lý (nay là thành phố Phủ Lý), tỉnh Hà Nam cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 27/9/2004 đứng tên hộ ông Nguyễn Bá T, có nguồn gốc là của cụ Nguyễn Bá và cụ Lê Thị Y để lại. Hiện tại thửa đất này do các hộ gia đình ông Nguyển Bá H, Nguyễn Bá T và bà Nguyễn Thị N đang quản lý, sử dụng, có diện tích là 244m2 (trong đó đất thổ cư là 91m2; đất vườn là 130m2; đất nông nghiệp là 23m2). Thửa đất có đặc điểm kỹ thuật: Vị trí toàn bộ diện tích đất thổ cư nằm trên phần đất hộ ông H đang quản lý, sử dụng; diện tích đất vườn (đất trồng cây lâu năm) nằm trên một phần đất còn lại của hộ gia đình ông H đang sử dụng, toàn bộ phần đất có căn nhà cấp bốn của cụ T để lại và phần lớn diện tích đất của hộ gia đình ông T đang quản lý, sử dụng; diện tích đất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm) nằm trên phần đất còn lại của hộ gia đình ông T đang quản lý, sử dụng.

* Tại phiên tòa:

Các đương sự có mặt vẫn giữ nguyên quan điểm như đã trình bày trước đó tại Tòa án. Ông Nguyễn Bá H trình bày ý kiến thống nhất với ý kiến của bà T, ông T và bà L đã trình bày, xác định phần đất đang quản lý, sử dụng đã được cụ T, cụ T phân chia cho họ khi các cụ còn sống, không còn là di sản để lại nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của ông Nguyễn Ngọc N.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phủ Lý phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng, đầy đủ trình tự thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến thời điểm Hội đồng xét xử nghị án thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự theo quy định của pháp luật.

Sau khi trình bày và phân tích các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và xem xét quan điểm, nguyện vọng của các đương sự tại phiên tòa. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, quyết định:

Áp dụng Các Điều 26; 35; 39;147;157; 165 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Các Điều 100, 166, 203 Luật đất đai năm 2013;

Các Điều 116, 117, 122, 611, 623, 649, 650, 651, 660 Bộ luật dân sự năm 2015. Áp dụng Luật phí và lệ phí Tòa án số 97/2015 của Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25/11/2015.

Nghị quyết số 326/NQ-QH ngày 30/12/2016 của Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế theo pháp luật của ông Nguyễn Ngọc N.

2. Xác định di sản thừa kế của cụ Nguyễn bá T và cụ Lê Thị Y để lại gồm: Thửa đất số 34, tờ bản đồ số PL15, có diện tích là 244m2 và tài sản có trên đất là một căn nhà cấp bốn. Tổng giá trị tài sản là 463.198.000 đồng.

3. Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ T và cụ Y gồm: Ông Nguyễn Ngọc N, ông Nguyễn Bá D, ông Nguyễn Bá H, bà Nguyễn Thị L (tên gọi khác Nguyễn Thị H), ông Nguyễn Bá T và bà Nguyễn Thị N.

4. Công nhận công sức trông nom, gìn giữ di sản của ông Nguyễn Bá H, ông Nguyễn Bá T và bà Nguyễn Thị N. Trích từ giá trị di sản trả cho ông H và ông T mỗi người từ 05 triệu đến 07 triệu đồng, trả cho bà N từ 03 triện đến 07 triệu đồng khoản thù lao công sức trông nom, gìn giữ di sản.

5. Chia đều các kỷ phần cho các thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật đối với di sản thừa kế của cụ T và cụ Y để lại, trị giá mỗi kỷ phần được hưởng bằng tiền là 75.033.000 đồng.

6. Phân chia di sản thừa kế cụ thể: Giao cho ông Nguyễn Bá H, ông Nguyễn Bá T và bà Nguyễn Thị N quản lý, sử dụng diện tích đất di sản họ đang quản lý (trong đó có 91m2 đất thổ cư, còn lại là đất vườn, đất nông nghiệp) tại thửa đất số 34, tờ bản đồ số PL15, đồng thời giao cho vợ chồng ông H, bà T, vợ chồng ông T, bà L được quyền sở hữu các tài sản chung của họ đã xây dựng trên phần đất được chia, giao cho bà N quyền sở hữu căn nhà cấp 4 cụ T để lại. Ông H, ông T và bà N có nghĩa vụ thanh toán khoản tiền chênh lệch tài sản tương ứng với giá trị kỷ phần thừa kế được hưởng cho các đương sự khác trong vụ án.

7. Không chấp nhận quan điểm của ông H, ông T, bà T, bà L về việc cụ T, cụ Y đã phân chia đất ở cho họ trước đây bằng các giấy cho đất.

8. Chi phí trưng cầu giám định, xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản và án phí dân sự sơ thẩm: Các đương sự phải chịu theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thẩm quyền giải quyết vụ án: Nguyên đơn ông Nguyễn Ngọc N khởi kiện yêu cầu giải quyết chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Bá T và cụ Lê Thị Y để lại là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại thôn M, xã P, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Căn cứ vào khoản 5 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì việc tranh chấp trên thuộc thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của Toà án nhân dân thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

[2] Về thủ tục tố tụng dân sự: Việc ông Nguyễn Ngọc N khiếu nại Quyết định trưng cầu giám định của Tòa án đối với các tài liệu, chứng cứ do người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án xuất trình và yêu cầu trưng cầu giám định, Tòa án đã có văn bản trả lời ông N tại công văn số 07/TB-TA ngày 28/10/2019 (có trong hồ sơ vụ án) không chấp nhận nội dung khiếu nại của ông N.

[3] Về thời hiệu chia di sản thừa kế: Cụ Lê Thị Y chết năm 2006, cụ Nguyễn Bá T chết năm 2011, ngày 04/03/2019 ông Nguyễn Ngọc N có đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế tại Tòa án. Căn cứ Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời hiệu chia thừa kế di sản của cụ Y và cụ T vẫn còn.

[4] Về thời điểm mở thừa kế: Căn cứ các tài liệu, chứng cứ của vụ án và lời khai thống nhất của các đương sự đã xác định cụ Lê Thị Y chết ngày 13/7/2006, cụ Nguyễn Bá T chết ngày 03/4/2011. Theo quy định tại Điều 611 Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời điểm mở thừa kế của cụ Y và cụ T phát sinh kể từ khi các cụ qua đời.

[5] Xem xét việc thừa kế theo pháp luật: Trong quá trình giải quyết vụ án, các đương sự đều thống nhất xác định khi chết cụ Y và cụ T đều không để lại di chúc. Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự thì sự kiện này các đương sự đều đã thừa nhận nên Tòa án không phải chứng minh. Căn cứ quy định tại các Điều 649 và Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015 thì việc phân chia di sản thừa kế của cụ T và cụ Y để lại thuộc trường hợp thừa kế theo pháp luật.

[6] Về nghĩa vụ tài sản của người để lại di sản, chi phí liên quan đến thừa kế: Do các đương sự thống nhất xác định cụ T, cụ Y không nợ ai và không ai nợ các cụ; sau khi hai cụ chết các con của hai cụ đều cùng nhau lo liệu các công việc tổ chức tang lễ, sang cát, xây cất phần mộ cho các cụ sau này, do đó phần di sản các cụ để lại sẽ không phải đối trừ để thực hiện việc thanh toán nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế.

[7] Về di sản thừa kế: Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được Tòa án thu thập trong hồ sơ vụ án và lời khai thống nhất của các đương sự trong quá trình giải quyết vụ án đã xác định: Thửa đất số 34, tờ bản đồ số PL15, diện tích là 244m2 (trong đó: đất thổ cư là 91m2; đất vườn là 130m2; đất nông nghiệp là 23m2) có nguồn gốc là tài sản chung của cụ T, cụ Y khi còn sống để lại, đã được UBND thị xã Phủ Lý (nay là thành phố Phủ Lý), tỉnh Hà Nam cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 27/9/2004 đứng tên hộ ông Nguyễn Bá T, thửa đất tọa lạc tại thôn M, xã P, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam; tài sản trên đất là căn nhà cấp bốn có diện tích 50m2 do cụ T xây cất năm 2009 bằng tiền bán đất, nhà có kết cấu móng gạch bê tông, đổ giằng thép, tường gạch xỉ, mái lợp prôximăng, cửa đi bằng gỗ dổi, công trình phụ khép kín, nền lát gạch men và có tường rào bao bọc phía trước. Ngoài ra các cụ không còn có tài sản nào khác. Căn cứ Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 210, Điều 213 của Bộ luật dân sự năm 2015 và Điều 15 của Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 thì toàn bộ các tài sản nêu trên thuộc sở hữu chung của cụ T và cụ Y, là di sản thừa kế của các cụ để lại, sẽ được xem xét, phân chia cho các thừa kế theo quy định của pháp luật.

[8] Đối với giấy tặng cho quyền sử dụng đất (giấy cho đất) do các đương sự xuất trình, Hội đồng xét xử xét thấy đây là các bản giấy viết tay đề các ngày 08/7/1997 và 28/7/1997, qua kết luận giám định của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an khi so sánh với mẫu đối chiếu“Văn bản họp gia đình lúc 08 giờ ngày 15/9/2009” được các đương sự đều thừa nhận trên đó chữ viết, chữ ký là của cụ Nguyễn Bá T thì các văn bản này đều do cùng một người ký ra, viết ra nên có cơ sở để xác định các giấy tặng cho đất này là do cụ T để lại và việc phân chia đất cho các con gồm ông H và ông T là có thật, thể hiện ý chí, nguyện vọng của cụ khi còn sống. Tuy nhiên, do việc phân chia đất này không được các đồng thừa kế khác thừa nhận, các giấy tặng cho quyền sử dụng đất cụ T để lại về mặt pháp lý không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận hay chứng thực, về nội dung không thể hiện rõ đặc điểm các phần đất được tặng cho như về mốc giới, vị trí, loại đất...vv, mặt khác trên thực tế thì năm 2004 thửa đất vẫn được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ ông Nguyễn Bá T, không có biến động do có sự dịch chuyển về người được quyền sử dụng đất. Như vậy, về hình thức và nội dung của giao dịch dân sự tặng cho quyền sử dụng đất trong các giấy cho đất do đương sự xuất trình trong quá trình giải quyết vụ án không phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, nội dung của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất nên không có giá trị về mặt pháp lý để được công nhận. Do cụ T và cụ Y đều đã mất nên việc bổ sung, khắc phục các thiếu sót nêu trên về trình tự, thủ tục, nội dung của việc tặng cho quyền sử dụng đất này không còn điều kiện, cơ sở để thực hiện. Vì vậy, xét đề nghị của gia đình ông Nguyễn Bá H và ông Nguyễn Bá T dựa trên các giấy cho đất của cụ T để lại để xác định thửa đất của cụ T, cụ Y đã được định đoạt, phân chia cho họ khi các cụ còn sống, không còn là di sản để lại là không có căn cứ để được pháp luật xem xét, công nhận.

[9] Về xem xét người không được hưởng thừa kế đối với di sản: Xét đề nghị của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án về việc không công nhận quyền được hưởng thừa kế của ông Nguyễn Ngọc N, Hội đồng xét xử thấy rằng đối với chứng cứ đương sự xuất trình là các bản viết tay “đơn xin cắt đứt tình mẫu tử cha con” đề các ngày 24/8/2007 và 21/10/2009, căn cứ kết quả giám định đối với các tài liệu, chứng cứ này cho thấy khi đối chiếu mẫu so sánh“Văn bản họp gia đình lúc 08 giờ ngày 15/9/2009” được các đương sự thừa nhận trên đó chữ viết, chữ ký là của cụ Nguyễn Bá T thì tất cả các văn bản nêu trên đều do cùng một người ký ra, viết ra nên có cơ sở xác định đây là những giấy tờ, bút tích của cụ T để lại. Qua xác minh tại địa phương cho thấy việc giữa ông N và cụ T trước đây có tồn tại mâu thuẫn hay không thì đó chỉ là dư luận, ông N chỉ có một tên khai sinh duy nhất là Nguyễn Ngọc N, còn Nguyễn Bá N là tên thường gọi. Tuy nhiên, việc cụ T khước từ tình nghĩa cha con đối với ông Nguyễn Bá N trong các văn bản để lại không được cụ công khai và được Chính quyền, người dân địa phương nơi cư trú chứng kiến. Mặt khác, khi đưa ra đề nghị không công nhận quyền được hưởng thừa kế của ông N, thành viên các gia đình ông H và ông T đã không xuất trình được tài liệu, chứng cứ nào khác chứng minh cho việc ông N đã có hành vi ngược đãi, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, các quyền về nhân thân khác cũng như vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng đối với người để lại di sản. Vì vậy, căn cứ Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2015 thì không có cơ sở để xem xét, chấp nhận đề nghị của các đương sự này trong vụ án về việc không công nhận quyền được hưởng thừa kế của ông Nguyễn Ngọc N đối với di sản cụ T và cụ Y để lại.

[10] Về người thừa kế theo pháp luật: Do cụ T và cụ Y không có con riêng, con nuôi hoặc người nào khác thuộc diện được hưởng thừa kế, bố mẹ đẻ của hai cụ đều đã mất từ lâu nên căn cứ quy định tại Điều 651 của Bộ luật dân sự năm 2015 cần xác định hàng thừa kế thứ nhất của hai cụ chỉ có 06 người con đẻ của các cụ gồm ông Nguyễn Ngọc N, ông Nguyễn Bá D, ông Nguyễn Bá H, bà Nguyễn Thị L (tên khác Nguyễn Thị H), ông Nguyễn Bá T và bà Nguyễn Thị N. Các đồng thừa kế cùng hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng kỷ phần ngang nhau trong việc phân chia di sản của cụ Y, cụ T để lại.

[11] Về công sức quản lý, giữ gìn di sản: Xét yêu cầu của các đương sự về việc xem xét, giải quyết vấn đề công sức quản lý di sản của cụ T, cụ Y để lại theo quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử thấy rằng: Các đương sự đều thống nhất, xác nhận từ khi cụ T, cụ Y còn sống, ông H và ông T đã xây dựng nhà ở, công trình phụ của gia đình mình trên phần đất của các cụ, quản lý và sử dụng đất di sản đúng như tình trạng hiện nay, bà N quản lý, sử dụng căn nhà cấp 4 của cụ T để lại từ năm 2014 cho đến nay. Trong quá trình quản lý di sản, các gia đình ông H và ông T đã có công sức giữ gìn, tu bổ, tôn tạo nền đất để xây dựng nhà cửa, bà N tuy không bỏ ra công sức nào để tôn tạo nhưng đã bảo quản, gìn giữ căn nhà cụ T để lại không để bị xuống cấp, hư hỏng. Việc tôn tạo, bảo quản, giữ gìn di sản được nguyên vẹn, không để bị lấn chiếm, bỏ hoang hóa, gây hao mòn, xuống cấp đã làm tăng thêm giá trị tự nhiên của di sản. Do đó, căn cứ Điều 618 Bộ luật dân sự năm 2015 thì cần xem xét, trích một phần giá trị di sản để thanh toán khoản thù lao cho phần công sức quản lý, giữ gìn di sản của ông H, ông T và bà N với số tiền mỗi người được hưởng khoảng 5.000.000 đồng là phù hợp thực tế và quy định của pháp luật.

[12] Về phân chia di sản:

Do các đồng thừa kế cùng hàng thừa kế thứ nhất được hưởng ngang nhau đối với di sản mà cụ T và cụ Y để lại có tổng giá trị xác định là 463.198.000 đồng, vì vậy sau khi đã đối trừ khoản chi phí công sức quản lý, giữ gìn di sản cho ông H, ông T, bà N thì giá trị kỷ phần mỗi thừa kế được hưởng sẽ là: (463.198.000 đồng -15.000.000 đồng) : 6 = 74.699.666 đồng.

Căn cứ điều kiện thực tế của di sản, tình trạng quản lý, sử dụng hiện tại đối với di sản cũng như trên cơ sở xem xét điều kiện, hoàn cảnh, nhu cầu thực tế về chỗ ở và nguyện vọng của các đương sự, Hội đồng xét xử thấy rằng: Phần đất di sản tại thửa số 34, tờ bản đồ số PL15, diện tích là 244m2 tọa lạc tại thôn M, xã P, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam hiện tại đã được người để lại di sản và các thừa kế xây dựng công trình nhà ở kiên cố trên toàn bộ diện tích, sử dụng làm nơi ăn ở, sinh sống ổn định, độc lập từ nhiều năm nay của các gia đình ông H, ông T và bà N. Qua xem xét, thẩm định thực tế và căn cứ hồ sơ kỹ thuật của thửa đất lưu trữ tại cơ quan quản lý đất đai có thẩm quyền thì gia đình ông H đang quản lý, sử dụng 111m2 đất di sản, gia đình ông T quản lý, sử dụng 86m2 đất di sản và bà N quản lý, sử dụng 47m2 đất di sản gắn liền với căn nhà cấp 4 do cụ T để lại. Do phần đất thuộc di sản các hộ gia đình trên đang quản lý, sử dụng có diện tích không đồng đều, nhỏ hẹp và thuộc nhiều loại đất khác nhau, nếu đem phân chia đều bằng hiện vật cho tất cả các thừa kế thì sẽ không đảm bảo đủ điều kiện về diện tích để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quy định tại Quyết định số 36/2017/UBND-QĐ ngày 31/8/2017 của UBND tỉnh Hà Nam về “Ban hành quy định về hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, chia tách, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh Hà Nam”, sẽ làm mất đi giá trị, tính năng sử dụng của các công trình đã xây dựng trên đất do các thừa kế bằng công sức nhiều năm tích cóp mới có được, làm xáo trộn cuộc sống, ảnh hưởng quyền lợi của họ và cũng trái với ý nguyện của người để lại di sản. Vì vậy, căn cứ quy định tại các Điều 111 và Điều 660 Bộ luật dân sự thì chỉ có thể phân chia bằng hiện vật cho các thừa kế hiện đang quản lý, sử dụng di sản trên cơ sở giữ nguyên tình trạng hiện tại, giao cho họ quyền sử dụng phần đất di sản mà họ hiện đang quản lý và tiếp tục sở hữu các tài sản thuộc quyền sở hữu của họ hay tài sản là di sản họ đang quản lý, sử dụng có ở trên đất là phù hợp thực tế, những người này có trách nhiệm thanh toán phần chênh lệch bằng tiền tương ứng giá trị kỷ phần được hưởng cho các thừa kế khác, như vậy sẽ đảm bảo công bằng về mặt quyền lợi. Do đặc điểm của thửa đất di sản có diện tích đất thổ cư nằm toàn bộ trên phần đất hộ gia đình ông H đang quản lý, sử dụng nên ông H được lợi về mặt giá trị di sản, sẽ phải có trách nhiệm nhiều nhất trong việc thanh toán phần chênh lệch giá trị kỷ phần được hưởng cho các thừa kế khác còn lại. Ông H, ông T và bà N còn phải có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai đối với phần diện tích đất di sản được giao.

[13] Phân chia di sản cụ thể như sau:

Phân chia cho ông Nguyễn Bá H được quyền sử dụng 111m2 đất di sản (trong đó: đất thổ cư là 91m2; đất vườn là: 20m2), có giá trị là 365.400.000 đồng. Đối trừ kỷ phần thừa kế ông H được hưởng là 74.699.666 đồng và tiền thù lao công sức quản lý, giữ gìn di sản là 5.000.000 đồng thì số tiền chênh lệch giá trị kỷ phần của các thừa kế còn lại là 365.400.000 đồng - (74.699.666 đồng + 5.000.000 đồng) = 285.700.334 đồng. Ông H có nghĩa vụ thanh toán giá trị kỷ phần được hưởng cho ông N, ông D, bà L (H) mỗi người là 74.699.666 đồng và thanh toán chênh lệch giá trị kỷ phần được hưởng cho ông T là 61.602.000 đồng. Đối với các tài sản có trên phần diện tích đất ông H được phân chia thừa kế gồm 01 căn nhà cấp bốn mái lợp tôn, phần lán phía trước và công trình phụ khép kín phía sau nhà ở có diện tích sử dụng tổng cộng 111m2, đây là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của vợ chồng ông H, bà T nên sẽ tiếp tục giao cho ông H, bà T được quyền sở hữu.

Phân chia cho bà Nguyễn Thị N được quyền sử dụng 47m2 đất di sản (loại đất vườn) có giá trị là 3.290.000 đồng; quyền sở hữu tài sản có trên diện tích đất được phân chia là 01 nhà cấp bốn diện tích sử dụng khoảng 50m2, có kết cấu móng gạch bê tông, đổ giằng thép, tường xây gạch xỉ, mái lợp prôximăng, cửa đi bằng gỗ dổi, công trình phụ khép kín, nền lát gạch men và phần tường rào xây gạch xỉ có giá trị là 88.764.000 đồng. Tổng giá trị tài sản bà N được phân chia là 92.054.000 đồng. Đối trừ kỷ phần thừa kế bà N được hưởng là 74.699.666 đồng, công sức quản lý giữ gìn di sản là 5.000.000 đồng thì số tiền chênh lệch tài sản còn lại: 92.054.000 đồng - (74.699.666 đồng + 5.000.000 đồng) = 12.354.334 đồng bà N có trách nhiệm thanh toán phần chênh lệch giá trị kỷ phần được hưởng cho ông T.

Phân chia cho ông Nguyễn Bá T được quyền sử dụng 86m2 đất di sản (trong đó: đất vườn là 63m2; đất nông nghiệp là 23m2) có giá trị là 5.744.000 đồng. Do ông T được hưởng giá trị kỷ phần thừa kế là 74.699.666 đồng và tiền thù lao công sức quản lý giữ gìn di sản là 5.000.000 đồng nên ông T sẽ được nhận số tiền chênh lệch giá trị tài sản từ ông H là 61.602.000 đồng và từ bà N là 12.354.334 đồng. Tổng cộng ông T được nhận 79.700.334 đồng. Đối với các tài sản có trên phần diện tích đất ông T được phân chia thừa kế gồm 01 căn nhà cấp bốn kiểu bán mái, lợp prôximăng, có công trình phụ khép kín, diện tích sử dụng 86m2, đây là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của vợ chồng ông T và bà L nên tiếp tục giao cho ông T, bà L được quyền sở hữu.

[14] Về chi phí tố tụng:

Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản: Đối với toàn bộ chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 2.000.000 đồng do ông N đã bỏ ra thanh toán, căn cứ quy định tại Điều 157 và Điều 165 của Bộ luật tố tụng dân sự thì các đương sự đều cùng phải chịu, do đó ông H, ông T, ông D, bà L (H) và bà N phải thanh toán trả lại cho ông N số tiền chi phí ông đã bỏ ra, mỗi người là 333.330 đồng.

Đối với chi phí giám định: Do quá trình thu thập chứng cứ, ông N không công nhận các tài liệu chứng cứ do bà L và bà T xuất trình về chữ ký và chữ viết của cụ Nguyễn Bá T và không chấp nhận yêu cầu trưng cầu giám định đối với các tài liệu, chứng cứ này của họ, kết quả giám định của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an đã chứng minh yêu cầu trưng cầu giám định của bà L và T là có căn cứ nên ông N phải chịu toàn bộ chi phí giám định theo quy định tại Điều 161 Bộ luật tố tụng dân sự. Do đó toàn bộ chi phí giám định là 5.000.000 đồng và do bà L, bà T đã bỏ ra thanh toán nay ông N phải thanh toán trả lại cho bà L và bà T, mỗi người là 2.500.000 đồng.

[15] Về án phí dân sự sơ thẩm: Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

Ông Nguyễn Bá D, bà Nguyễn Thị L (H), mỗi người phải nộp án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch đối với giá trị tài sản được chia thừa kế là 74.699.666 đồng x 5% = 3.734.983 đồng (làm tròn là 3.735.000 đồng).

Ông Nguyễn Bá H, ông Nguyễn Bá T và bà Nguyễn Thị N, mỗi người phải nộp án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch đối với giá trị tài sản được chia thừa kế là (74.699.666 đồng + 5.000.000 đồng) x 5% = 3.984.983 đồng (làm tròn là 3.985.000 đồng).

Ông Nguyễn Ngọc N là người có công (thương binh 4/4) nên được miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm.

[16] Về quyền kháng cáo: Các đương sự thực hiện theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: khoản 5 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; khoản 1 Điều 39; Các Điều 92; 147; 157; 161; 165; 184; 185; 271; 273; 280 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Các Điều 100, 166 và 203 của Luật đất đai năm 2013;

Điều 15 Luật hôn nhân gia đình năm 1959;

Các Điều 111; 149; 210; 213; 219; 610; 611; 612; 613; 614; 616; 618; 621; 623; 649; 650; 651; 660; 688 Bộ luật dân sự năm 2015;

Áp dụng Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia thừa kế theo pháp luật của ông Nguyễn Ngọc N đối với di sản thừa kế của cụ Nguyễn Bá T và cụ Lê Thị Y.

2. Công nhận cụ Lê Thị Y chết ngày 13/7/2006 không để lại di chúc; cụ Nguyễn Bá T chết ngày 03/4/2011 không để lại di chúc.

3. Xác định những người được hưởng thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Bá T và cụ Lê Thị Y gồm: Ông Nguyễn Ngọc N, ông Nguyễn Bá D, ông Nguyễn Bá H, bà Nguyễn Thị L (tên khác Nguyễn Thị H), ông Nguyễn Bá T và bà Nguyễn Thị N.

4. Công nhận di sản hợp pháp của cụ Nguyễn Bá T và cụ Lê Thị Y để lại bao gồm:

- Quyền sử dụng thửa đất số 34, tờ bản đồ số PL15, có diện tích là 244m2 (trong đó: đất thổ cư là 91m2; đất vườn là 130m2; đất nông nghiệp là 23m2), đã được UBND thị xã Phủ Lý (nay là UBND thành phố Phủ Lý), tỉnh Hà Nam cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số P 756889, vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00336 QSDĐ/774/QĐ-UB(TX) ngày 27/9/2004 cho người sử dụng mang tên hộ ông Nguyễn Bá T; địa chỉ thửa đất: Thôn M, xã P, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam; thửa đất có giá trị 374.434.000 đồng.

- Tài sản trên đất di sản gồm: 01 nhà cấp bốn, diện tích sử dụng khoảng 50m2, kết cấu móng gạch bê tông, đổ giằng thép, tường xây gạch xỉ, mái lợp prôximăng, có một cửa đi bằng gỗ dổi, công trình phụ khép kín, nền lát gạch men, có giá trị 85.179.000 đồng; phần tường rào xây gạch xỉ (5,28m3) có giá trị 3.585.000 đồng.

Tổng giá trị di sản là đất và tài sản trên đất là 463.198.000 đồng (Bốn trăm sáu mươi ba triệu một trăm chín mươi tám nghìn đồng).

5. Công nhận công sức quản lý, giữ gìn di sản thừa kế của ông Nguyễn Bá H, ông Nguyễn Bá T và bà Nguyễn Thị N. Ông H, ông T, bà N mỗi người được hưởng khoản thù lao công sức quản lý, giữ gìn di sản thừa kế từ giá trị di sản là 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng).

6. Xác định mỗi kỷ phần các thừa kế được hưởng theo pháp luật có giá trị là 74.699.666 đồng (Bẩy mươi tư triệu sáu trăm chín mươi chín nghìn sáu trăm sáu mươi sáu đồng).

7. Phân chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Bá T và cụ Lê Thị Y như sau:

* Giao cho ông Nguyễn Bá H được quyền sử dụng phần diện tích đất là 111m2 có giá trị là 365.400.000 đồng (trong đó đất thổ cư là 91m2; đất vườn là 20m2) nằm trong thửa đất số 34, tờ bản đồ số PL15, diện tích là 244m2 (trong đó: đất thổ cư là 91m2; đất vườn là 130m2; đất nông nghiệp là 23m2), đã được UBND Thị xã Phủ Lý (nay là UBND thành phố Phủ Lý), tỉnh Hà Nam cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số P 756889, vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00336 QSDĐ/774/QĐ-UB(TX) ngày 27/9/2004 cho người sử dụng mang tên hộ ông Nguyễn Bá T; địa chỉ thửa đất: Thôn M, xã P, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. (Có sơ đồ phân chia đất kèm theo: Ông H được chia ở vị trí S1).

- Ông Nguyễn Bá H có nghĩa vụ thanh toán giá trị kỷ phần thừa kế được hưởng cho ông Nguyễn Ngọc N, ông Nguyễn Bá D, bà Nguyễn Thị L (tên gọi khác Nguyễn Thị H) mỗi người với số tiền là 74.699.666 đồng và ông Nguyễn Bá T số tiền chênh lệch giá trị kỷ phần thừa kế được hưởng là 61.602.000 đồng.

- Vợ chồng ông Nguyễn Bá H và bà Phạm Thị T được quyền sở hữu các tài sản ông bà đã xây dựng trên diện tích đất ông Hà được phân chia thừa kế gồm 01 căn nhà cấp bốn (xây cất năm 2020) có mái lợp tôn diện tích 56 m2, phần lán phía trước và công trình phụ khép kín phía sau nhà ở, tổng diện tích sử dụng là 111m2.

* Giao cho ông Nguyễn Bá T được quyền sử dụng phần diện tích đất 86m2 có giá trị là 5.744.000 đồng (trong đó: đất vườn là 63m2; đất nông nghiệp là 23m2) nằm trong thửa đất số 34, tờ bản đồ số PL15, diện tích là 244m2 (trong đó: đất thổ cư là 91m2; đất vườn là 130m2; đất nông nghiệp là 23m2), đã được UBND Thị xã Phủ Lý (nay là UBND thành phố Phủ Lý), tỉnh Hà Nam cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số P 756889, vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00336 QSDĐ/774/QĐ-UB(TX) ngày 27/9/2004 cho người sử dụng mang tên hộ ông Nguyễn Bá T; địa chỉ thửa đất: Thôn M, xã P, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. (Có sơ đồ phân chia đất kèm theo: Ông T được chia ở vị trí S2).

- Vợ chồng ông Nguyễn Bá T và bà Phạm Thị L được quyền sở hữu tài sản ông bà đã xây dựng trên diện tích đất ông T được phân chia thừa kế gồm 01 căn nhà cấp bốn lợp prôximăng kiểu bán mái, có công trình phụ khép kín bên trong, diện tích sử dụng 86m2.

* Giao cho bà Nguyễn Thị N được quyền sử dụng phần diện tích đất 47m2 (loại đất vườn) có giá trị là 3.290.000 đồng nằm trong thửa đất số 34, tờ bản đồ số PL15, diện tích là 244m2 (trong đó: đất thổ cư là 91m2; đất vườn là 130m2; đất nông nghiệp là 23m2), đã được UBND Thị xã Phủ Lý (nay là UBND thành phố Phủ Lý), tỉnh Hà Nam cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số P 756889, vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00336 QSDĐ/774/QĐ-UB(TX) ngày 27/9/2004 cho người sử dụng mang tên hộ ông Nguyễn Bá T; địa chỉ thửa đất: Thôn M, xã P, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

(Có sơ đồ phân chia đất kèm theo: Bà N được chia ở vị trí S3).

- Giao cho bà Nguyễn Thị N được quyền sở hữu tài sản có trên diện tích đất được chia thừa kế là 01 nhà cấp bốn diện tích sử dụng khoảng 50m2 có đường đi riêng ra ngõ xóm, kết cấu móng gạch bê tông, đổ giằng thép, tường xây gạch xỉ, mái lợp prôximăng, có một cửa đi bằng gỗ dổi, công trình phụ khép kín, nền lát gạch men và phần tường rào xây gạch xỉ phía trước, giá trị tổng cộng là 88.764.000 đồng.

- Bà Nguyễn Thị N có nghĩa vụ thanh toán chênh lệch giá trị kỷ phần thừa kế được hưởng cho ông Nguyễn Bá T số tiền là 12.354.334 đồng.

* Ông Nguyễn Ngọc N, ông Nguyễn Bá D và bà Nguyễn Thị L (tên khác Nguyễn Thị H) mỗi người được nhận từ ông Nguyễn Bá H giá trị kỷ phần thừa kế được hưởng bằng tiền là 74.699.666 đồng.

* Ông Nguyễn Bá T được nhận chênh lệch giá trị kỷ phần thừa kế được hưởng từ ông Nguyễn Bá H là 61.602.000 đồng và từ bà N là 12.354.334 đồng.

8. Ông Nguyễn Bá H, ông Nguyễn Bá T, bà Nguyễn Thị N có nghĩa vụ thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai đối với phần diện tích đất được giao.

9. Bác các yêu cầu khác của các bên đương sự.

10. Về chi phí tố tụng:

- Đối với chi phí giám định: Toàn bộ chi phí giám định là 5.000.000 đồng do bà Phạm Thị L và bà Phạm Thị T đã cùng bỏ ra thanh toán ông Nguyễn Ngọc N phải chịu, ông N có trách nhiệm thanh toán trả lại cho bà L và bà T chi phí này, mỗi người là 2.500.000 đồng.

- Đối với chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản: Toàn bộ chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 2.000.000 đồng do ông Nguyễn Ngọc N đã bỏ ra thanh toán các đương sự cùng phải chịu, nay ông Nguyễn Bá H, ông Nguyễn Bá T, ông Nguyễn Bá D, bà Nguyễn Thị L (H) và bà Nguyễn Thị N mỗi người phải thanh toán, trả lại cho ông N 333.330 đồng.

11. Về án phí dân sự sơ thẩm:

- Ông Nguyễn Bá H, ông Nguyễn Bá T và bà Nguyễn Thị N mỗi người phải nộp 3.985.000 đồng.

- Ông Nguyễn Bá D và bà Nguyễn Thị L (tên khác Nguyễn Thị H) mỗi người phải nộp 3.735.000 đồng.

- Miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm cho ông Nguyễn Ngọc N.

12. Về quyền kháng cáo: Các đương sự được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

411
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 03/2020/DS-ST ngày 10/08/2020 về kiện chia di sản thừa kế

Số hiệu:03/2020/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Phủ Lý - Hà Nam
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 10/08/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về