Bản án 02/2019/KDTM-PT về tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh (vô hiệu do vi phạm điều cấm)

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

BN ÁN 02/2019/KDTM-PT NGÀY 23/10/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG HỢP TÁC KINH DOANH

Ngày 23/10/2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 04/2019/-TLPT-KDTM ngày 21/6/2019 về việc “Tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh” Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2019/KDTM ngày 14 tháng 5 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 71/2019/QĐ-PT ngày 06/8/2019 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty cổ phần tập đoàn TP KT; địa chỉ: Cao ốc 332 Sư Vạn Hạnh, thành phố KT Người đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Thị Tuyết N; chức vụ: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Người đại diện theo ủy quyền: Luật sư Hoàng Minh T, có mặt.

2. Bị đơn: Chủ Doanh nghiệp tư nhân thương mại LTP bà Nguyễn Thị Phương T; địa chỉ: Số 277 Trần Phú, phường Thắng Lợi, thành phố KT, tỉnh KT, vắng mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Lê Văn H, thuộc Văn phòng luật sư Lê V, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1/ Anh Nguyễn Ngọc T; địa chỉ: Số 11 Chu Văn Tấn, thành phố KT, tỉnh KT 2/ Anh Nguyễn Ngọc V.

3/ Chị Đặng Lê Trúc Q.

Cùng địa chỉ: Số 24 Phan Chu T, thành phố K, tỉnh K.

4/ Chị Nguyễn Thị Diễm M; địa chỉ: Số 26 Phan Chu Trinh, thành phốK, tỉnh K.

Người đại diện theo ủy quyền cho anh T, V, chị Q và chị M: Luật sư Hoàng Minh T, có mặt

5/ Chi nhánh xăng dầu K; địa chỉ: Số 06 Phạm Văn Đồng, thành phố K, tỉnh K;

ngưi đại diện theo pháp luật: Ông Võ Duy T; chức vụ: Giám đốc, vắng mặt.

6/ Văn phòng công chứng Q; địa chỉ: Số 227 Phan Chu Trinh, thành phố K , tỉnh K. Người đại diện theo pháp luật: Ông Quách C; chức vụ: Trưởng văn phòng. Người đại diện theo ủy quyền: Chị Phạm Hà Hồng V, nhân viên.

Bà Nguyễn Thị Phương T kháng cáo yêu cầu không chấp nhận đơn khởi kiện; cấp sơ thẩm tuyên vô hiệu nhưng không giải quyết hậu quả là không đúng.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Vào ngày 23/9/2015, Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần tập đoàn T (Sau đây viết tắc là Tập đoàn T) tổ chức họp, thống nhất phương án phát triển kinh doanh. Tập đoàn Tđã giao cho bà Nguyễn Thị Diễm M (Phó Giám đốc) tìm hiểu đối tác, soạn thảo hợp đồng để trình Chủ tịch Hội đồng quản trị xem xét ký kết.

Ngày 23/6/2017, chưa được sự ủy quyền của Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị của Công ty nhưng bà Nguyễn Thị Diễm M đã ký kết với Doanh nghiệp tư nhân thương mại L (Sau đây viết tắc là DN L) bản Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BL140). Tập đoàn T sẽ chuyển giao tài sản là cửa hàng xăng dầu T, địa chỉ: Km 162, quốc lộ 24, phường Trường Chinh, thành phố K, để DN L hợp tác liên kết kinh doanh. Về phía DN L sẽ đầu tư, cải tạo, nâng cấp cửa hàng, sử dụng và hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định, hợp đồng đã được công chứng.

Sau đó, Chủ tich tập đoàn T phát hiện ra sự việc. Quá trình thỏa thuận và soạn thảo hợp đồng có nhiều thiếu sót, nội dung chưa rõ ràng, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của tập đoàn T. Cụ thể: Hai bên chưa tiến hành kiểm đếm, xác định chất lượng, giá trị tài sản chuyển giao; chuyển giao tài sản; chưa phân chia lợi nhuận phát sinh và ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền.

Ngày 10/12/2018 Tập đoàn T yêu cầu Tòa án hủy Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Doanh nghiệp L; Buộc trả lại Cửa hàng xăng dầu; Xem xét lại khoản lợi nhuận quá trình khai thác của bị đơn; bị đơn chưa đầu tư gì nên không gây thiệt hại.

Ngày 02/01/2019 nguyên đơn sửa đổi yêu cầu khởi kiện hủy Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Doanh nghiệp L.

- Bị đơn chủ doanh nghiệp bà Nguyễn Thị Phương T trình bày.

Bị đơn thừa nhận có ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh, đã được công chứng theo quy định, thời hạn thực hiện hợp đồng là 10 năm. Hợp đồng do Tập đoàn T soạn thảo. Nay khởi kiện bị đơn không đồng ý hủy hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Lý do: Hợp đồng có thời hạn 10 năm, đã thực hiện được 01 năm, Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum đã có hành vi cản trở Doanh nghiệp kinh doanh. Trường hợp hủy hợp đồng, đề nghị nguyên đơn bồi thường thiệt hại phát sinh do hủy hợp đồng. Căn cứ lãi suất chia được hàng năm, yêu cầu nguyên đơn bồi thường cho doanh nghiệp 08 năm thời gian còn lại chưa được thực hiện: 8 năm x 80.000.000 đồng/năm = 640.000.000 đồng.

Đề nghị Tòa án tiến hành kiểm kê hàng xăng dầu tồn do đang kinh doanh ngừng đột xuất và đề nghị Tòa án buộc Tập đoàn T bồi thường tổn thất tinh thần cho Doanh nghiệp L.

- Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Nguyễn Ngọc T, ông Nguyễn Ngọc V, bà Đặng Lê Trúc Q và bà Nguyễn Thị Diễm M trình bày: Đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn và đề nghị Tòa án hủy hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Tập đoàn T và Doanh nghiệp L.

2. Chi nhánh xăng dầu K trình bày: Đối với 08 trụ bơm xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu L không thuộc sở hữu của Chi nhánh xăng dầu K. Đối với các biển hiệu (thương hiệu, nhượng quyền thương mại của Petrolimex) thuộc sở hữu của Chi nhánh xăng dầu K. Hiện nay, Doanh nghiệp L chưa tháo dỡ là theo yêu cầu của Chi nhánh xăng dầu K vì cửa hàng xăng dầu chỉ tạm dừng kinh doanh do tranh chấp. Việc tháo dỡ sẽ gây hư hỏng, không tái sử dụng được. Chi nhánh xăng dầu K sẽ tái sử dụng sau khi có kết quả giải quyết tranh chấp từ phía Tòa án, nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chi nhánh xăng dầu K không có tranh chấp trong vụ án này nên đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt.

3. Văn phòng công chứng Q trình bày:

Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Tập đoàn T với Doanh nghiệp L đã được Văn phòng công chứng N chứng nhận số 1456, quyền số 01/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 23/6/2017 (Nay là Văn phòng Công chứng Q). Hợp đồng này do Tập đoàn T soạn thảo. Thấy rằng, các bên tham gia ký kết hợp đồng có đầy đủ năng lực và tự nguyện tham gia ký kết, thực hiện hợp đồng. Toàn bộ thủ tục công chứng đã thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tập đoàn T cho rằng, trình tự ký kết hợp đồng chưa phù hợp và yêu cầu hủy hợp đồng, Văn phòng công chứng không đồng ý. Trường hợp này các bên tranh chấp có thể yêu cầu chấm dứt hợp đồng.

Với nội dung trên, tại bản án số 05 /2019/KDTM ngày 14 tháng 5 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố K, tỉnh K đã quyết định.

Căn cứ Điều 5, khoản 1 Điều 30, khoản 1 Điều 35, Điều 91, khoản 1 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Áp dụng các Điều 74, 85, 117, 385, 398, 405, 408, 504, 505 Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 13, Điều 162 Luật doanh nghiệp năm 2014. Khoản 3 Điều 9, khoản 1 Điều 28, Điều 29 Luật đầu tư năm 2014; Điều 40 Luật công chứng năm 2014.

Xử: Chấp nhận đơn khởi kiện về việc “Tranh chấp yêu cầu hủy hợp đồng hợp tác kinh doanh” của Công ty cổ phần tập đoàn T, đơn đề ngày 10/12/2018, đơn khởi kiện bổ sung đề ngày 02/01/2019.

Tuyên bố hủy hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), ký kết ngày 23 tháng 6 năm 2017 giữa Công ty cổ phần tập đoàn T và Doanh nghiệp tư nhân thương mại L . Buộc Doanh nghiệp tư nhân thương mại L bàn giao lại cho Công ty cổ phần tập đoàn T cửa hàng xăng dầu tại địa chỉ: Km 162, quốc lộ 24, phường Trường Chinh, thành phố K, tỉnh K.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 27/5/2019 bị đơn kháng cáo yêu cầu không chấp đơn khởi kiện; cấp sơ thẩm tuyên vô hiệu nhưng không giải quyết hậu quả là không đúng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh K phát biểu quan điểm giải quyết vụ án: Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên toà đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Đối với những người tham gia tố tụng các đương sự đã chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật.

Về quan điểm giải quyết vụ án: Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ khoản 3 Điều 308 và Điều 310 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015. Không chấp nhân kháng cáo của bị đơn chủ doanh nghiệp tư nhân Lộc Trường Phát. Hủy bản án sơ thẩm số 05 /2019/KDTM ngày 14 tháng 5 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố K, tỉnh K.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn không rút đơn khởi kiện; bị đơn không rút đơn kháng cáo; các bên đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, vì vậy HĐXX tiến hành xét xử theo quy định của pháp luật.

[2] Về thủ tục tố tụng: Cấp sơ thẩm giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật.

[3] Xét nội dung kháng cáo: Yêu cầu không chấp nhận đơn khởi kiện và cấp sơ thẩm tuyên vô hiệu nhưng không giải quyết hậu quả là không đúng.

[3.1] Đối với nội dung kháng cáo yêu cầu không chấp nhận đơn khởi kiện. Lý do kháng cáo: Quá trình thực hiện hợp đồng và xuất phát từ việc nguyên đơn không chấp nhận việc chia lợi nhuận, bị đơn đã thông báo và nguyên đơn đã cử thành viên Hội đồng quản trị làm việc với doanh nghiệp để chấm dứt hợp đồng. Do vậy, Hội đồng quản trị đã biết và chấp thuận việc bà M đại diện cho Tập đoàn T ký kết Hợp đồng. Cấp sơ thẩm cho rằng Phòng công chứng chứng thực Hợp đồng khi không được ủy quyền là không đúng và không trưng cầu Biên bản họp Hội đồng quản trị để xác định, việc mà M ký kết là đúng thẩm quyền.

Xét kháng cáo của bị đơn về nội dung này thấy rằng: Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng hợp tác kinh doanh. Lý do, quá trình thực hiện bị đơn vi phạm hợp đồng và người tham gia ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền. Còn bị đơn không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tại phiên hòa giải và phiên tòa khai, trường hợp tuyên vô hiệu thì yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền 640.000.000 đồng.

Cấp sơ thẩm nhận định rằng: Tập đoàn T chỉ giao cho chị M phó giám đốc Công ty tìm đối tác mà không ủy quyền ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Biên bản họp Hội đồng quản trị, do nguyên đơn cung cấp. Như vậy, người tham gia ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền là vô hiệu theo quy định tại khoản 4 Điều 162 Luật doanh nghiệp 2014 và điểm a khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự 2015. Mặt khác, quá trình thực hiện hợp đồng bị đơn chưa phân chia lợi nhuận theo thỏa thuận là vi phạm hợp đồng. Vì vậy, cấp sơ thẩm chấp nhận đơn khởi kiện và tuyên hủy Hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 24/9/2019, Văn phòng Công chứng xuất trình Biên bản họp hội đồng quản trị. Chứng cứ này thể hiện nội dung, Chủ tịch hội đồng quản trị ủy quyền cho chị M, phó giám đốc ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh, vì vậy Văn bản này là hợp pháp.

Tuy nhiên, tại phiên tòa HĐXX Quyết định ngừng phiên tòa theo quy định tại Điều 304 Bộ luật tố tụng dân sự, để thu thập, xác minh thêm chứng cứ. Qua chứng cứ mới thu thập được tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh K, thấy rằng: Ngày 21/6/2017 Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh K, có Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, ngày 23/6/2017 nguyên đơn ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Doanh nghiệp L. Như vậy, Tập đoàn T đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì không được phép hoạt động kinh doanh nhưng ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Doanh nghiệp L là vi phạm điều cấm của pháp luật, quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2014. Do Luật Doanh nghiệp và Luật thương mại (Luật chuyên ngành) không quy định về vi phạm điều cấm của pháp luật là vô hiệu, vì vậy áp dụng quy định của Bộ luật dân sự, tại điểm c khoản 1 Điều 117, Điều 122, 123, Điều 504 và 505, tuyên Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Tập đoàn T và Doanh nghiệp L bị vô hiệu. Cấp sơ thẩm nhận định hợp đồng vô hiệu do vi phạm về chủ thể theo điểm a khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự và khoản 4 Điều 162 Luật doanh nghiệp năm 2014, tuyên hủy hợp đồng là không đúng.

Vì vậy, cần sửa án sơ thẩm và xác định lại quan hệ pháp luật, tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh và tuyên vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật là có căn cứ.

[3.2] Đối với kháng cáo: Cấp sơ thẩm tuyên vô hiệu nhưng không giải quyết hậu quả là không đúng.

- Xét kháng cáo của bị đơn về nội dung này thấy rằng: Cấp sơ thẩm buộc bị đơn giao lại cửa hàng xăng dầu cho nguyên đơn là đúng quy định tại khoản 2 Điều 131 Bộ luật dân sự, quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

- Về xác định thiệt hại và lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu thấy rằng: Tại phiên hòa giải và phiên tòa sơ thẩm bị đơn yêu cầu, trường hợp hủy Hợp đồng thì buộc nguyên đơn bồi thường số tiền 640.000.000 đồng. Lý do bồi thường: Hai bên ký hợp đồng thời hạn mười năm, bị đơn kinh doanh được hai năm thì nguyên đơn tranh chấp, vì vậy còn 08 năm theo hợp đồng chưa được kinh doanh. Mỗi năm kinh doanh, bị đơn thu lợi nhuận 80.000.000 đồng.

Xét yêu cầu này thấy rằng, đây là Hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật nên không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên từ thời điểm ký kết. Căn cứ Điều 131 Bộ luật dân sự, giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu. Lẽ ra, căn cứ vào chứng cứ mới thu thập được HĐXX, hủy bản án sơ thẩm giải quyết hậu quả về xác định có thiệt hại hay không và xác định lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu. Tuy nhiên, qua Biên bản xác minh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh K cung cấp, không xác định nguyên đơn nhận được hoặc biết được Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trước ngày ký hợp đồng. Tại phiên tòa đại diện nguyên đơn và bị đơn cũng thừa nhận không biết việc này nên các bên không có lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu.

Xác định thiệt hại: Sau khi ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh, nguyên đơn bàn giao Cửa hàng xăng dầu cho bị đơn kinh doanh, mặc dù Hợp đồng có thỏa thuận bị đơn đầu tư, cải tạo, nâng cấp, Cửa hàng xăng dầu nhưng thực tế bị đơn chưa đầu tư, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa gì nên không có thiệt hại xảy ra. Mặt khác, bị đơn kháng cáo đề nghị kiểm điếm hàng xăng dầu tồn, tại các bể chứa Cửa hàng do đang kinh doanh ngừng hoạt động. Cấp phúc thẩm đã tiến hành việc xem xét thẩm định, kết quả kiểm tra còn rất ít lượng xăng dầu và các bên đương sự không cung cấp được chứng cứ quy định về quy cách bồn nên không xác định được số xăng dầu còn lại là bao nhiêu, không có căn cứ tính giá trị và bị đơn không ý kiến gì về việc này tại Biên bản xem xét, thẩm định. Vì vậy, không cần thiết hủy án sơ thẩm mà yêu cầu này của bị đơn cấp sơ thẩm nhận định có quyền khởi kiện vụ kiện khác là phù hợp.

Ngoài ra, cấp sơ thẩm còn một số thiếu sót trong quá trình giải quyết và xét xử.

- Xác định tư cách tham gia tố tụng của bị đơn: Cấp sơ thẩm xác định bị đơn là Doanh nghiệp tư nhân thương mại L, đại diện theo pháp luật là bà T, chức vụ giám đốc là không đúng mà xác định Chủ doanh nghiệp, bà T. Vì vậy, cần xác định lại tư cách của bị đơn theo khoản 3 Điều 185 Luật Doanh nghiệp 2014.

- Bị đơn đề nghị kiểm điếm hàng xăng, dầu tồn do đang kinh doanh ngừng hoạt động. Cấp sơ thẩm tiến hành xem xét thẩm định nhưng không kiểm tra xăng dầu còn tồn trong các bể chứa xăng hay không là thiếu sót. Tại cấp phúc thẩm đã tiến hành và khắc phục việc này.

- Về áp dụng các điều luật chưa chính xác: Nguyên đơn yêu cầu hủy hợp đồng và cấp sơ thẩm tuyên hủy hợp đồng nhưng nhận định và áp dụng pháp luật về hợp đồng vô hiệu Điều 117; 385; 398; 405; 408 Bộ luật dân sự là không đúng.

Vi phạm tố tụng trên của cấp sơ thẩm không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của đương sự cần rút kinh nghiệm.

Từ những phân tích nêu trên có căn cứ để chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn. Sửa bản án sơ thẩm số 05/2019/KDTM ngày14 tháng 5 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố K, tỉnh K.

[4] Về án phí phúc thẩm: Vì kháng cáo được chấp nhận nên bị đơn không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

- Về chi phí xem xét, thẩm định tại cấp phúc thẩm: Căn cứ Điều 155 và 157 Bộ luật tố tụng dân sự.

Nguyên đơn yêu cầu và tự nguyện chịu 1.500.000 đồng, đã nộp đủ.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 26, khoản 1 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 2 Điều 308 và Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Châp nhân một phần kháng cáo của bị đơn.

Sửa bản án sơ thẩm số 05/2019/KDTM ngày 14 tháng 5 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố K, tỉnh K.

Áp dụng điểm c khoản 1 Điều 117, Điều 122, 123, Điều 131, khoản 1Điều 407 Bộ luật dân sự 2015; Khoản 3 Điều 17, khoản 3 Điều 185 Luật Doanh nghiệp 2014.

Chấp nhận đơn khởi kiện về việc “Tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh” của Công ty cổ phần tập đoàn T, đề ngày 10/12/2018 và đơn khởi kiện bổ sung đề ngày 02/01/2019.

Tuyên bố Hợp đồng hợp tác kinh doanh, ký kết ngày 23 tháng 6 năm 2017 giữa Công ty cổ phần tập đoàn T và chủ Doanh nghiệp tư nhân thương mại L vô hiệu.

Buộc chủ Doanh nghiệp tư nhân thương mại L bà Nguyễn Thị Phương T bàn giao lại cho Công ty cổ phần tập đoàn T Cửa hàng xăng dầu tại địa chỉ: Km 162, quốc lộ 24, phường Trường Chinh, thành phố K, tỉnh K.

2. Căn cứ Điều 144, Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 6, Điều 18, Điều 19, khoản 1 Điều 24, Điều 26, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Bị đơn không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, trả lại cho Chủ doanh nghiệp tư nhân thương mại L bà Nguyễn Thị Phương T, số tiền 300.000 đồng số tiền án phí đã nộp theo biên lai số 0001293 ngày 05/6/2019 của Chi Cục Thi hành án dân sự thành phố K nhưng được trừ vào số tiền án phí kinh doanh thương mại 3.000.000 (Ba triệu) đồng, còn phải nộp tiếp 2.700.000 (Hai triệu bảy trăm nghìn) đồng.

- Về chi phí xem xét, thẩm định tại cấp phúc thẩm: Căn cứ Điều 155 và 157 Bộ luật tố tụng dân sự.

Nguyên đơn yêu cầu và tự nguyện chịu 1.500.000 (Một triệu năm trăm nghìn) đồng, đã nộp đủ.

Các quyết định khác của bản án phúc thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1480
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 02/2019/KDTM-PT về tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh (vô hiệu do vi phạm điều cấm)

Số hiệu:02/2019/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kon Tum
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 23/10/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về