Bản án 01/2021/HS-ST ngày 12/01/2021 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN KẾ SÁCH, TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 01/2021/HS-ST NGÀY 12 /01/2021 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 12 tháng 01 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 21/2020/TLST-HS, ngày 29 tháng 10 năm 2020, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 22/2020/QĐXXST-HS, ngày 27 tháng 11 năm 2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số 05/2020/HSST-QĐ, ngày 25 tháng 12 năm 2020, đối với bị cáo:

Họ và tên: Đào Vũ P, sinh năm 1989 tại Sóc Trăng; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Ấp M, xã Đ, huyện K, tỉnh Sóc Trăng; Chỗ ở hiện nay: Ấp X, xã B, huyện K, tỉnh Sóc Trăng; Nghề nghiệp: Làm thuê; Trình độ học vấn: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đào Văn T (chết) và bà Nguyễn Thị L;

Tiền án:

- Ngày 30/11/2007, bị Tòa án nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng xử phạt 02 năm tù giam về tội Trộm cắp tài sản (chưa được xóa án tích);

- Ngày 08/11/2012, bị Tòa án nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng xử phạt 05 năm tù giam về tội Giao cấu với trẻ em (đã được xóa án tích).

Tiền sự: Ngày 18/02/2019, Công an huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2.500.000 đồng, về hành vi xâm hại đến sức khỏe của người khác (chưa thực hiện nộp phạt).

Bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 16/4/2020 đến nay, bị cáo có mặt.

*Bị hại: Ông Đào Văn T, đã chết.

*Người đại diện hợp pháp cho bị hại: Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1959; Nơi cư trú: Ấp X, xã B, huyện K, tỉnh Sóc Trăng, có mặt.

- Người làm chứng:

1. Đào Thị Hồng D, sinh năm 1997, vắng mặt.

2. Nguyễn Văn T1, sinh năm 1996, có mặt.

3. Lê Thanh Đ, sinh năm 1977, vắng mặt.

Cùng cư trú: Ấp X, xã B, huyện K, tỉnh Sóc Trăng 4. Đào Văn H, sinh năm 1966, có mặt.

5. Đào Thị Hồng Th, sinh năm 1982, có mặt.

Cùng cư trú: Ấp M, xã Đ, huyện K, tỉnh Sóc Trăng.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Bị cáo Đào Vũ P, là con ruột của ông Đào Văn T, vào khoảng 21 giờ ngày 15/4/2020, P đi chơi vừa về tới nhà, đứng ngoài lộ đal gần bàn thờ ông Thiên, trước nhà ông T, P chửi thề và nói “Tao đi mà ai báo Công an, tao biết tao đánh chết mẹ”. Lúc này, ông T đang ngồi uống rượu cùng với ông Đào Văn H (chú ruột của P) và anh Lê Thanh Đ (em rể của P) ở lộ đal trước cửa nhà, ông T nghe P chửi nên ông T chửi P và nói “Mầy đi đâu về, mầy chửi thề với ai vậy, tối ngày không lo làm ăn mà lo đi đánh lộn, đánh lạo, tao làm chết mẹ không lo phụ giúp gì hết”, P dùng những lời lẻ thô tục chửi lại ông T. Ông T chửi thề và nói “Mầy mất dạy hả, tao đánh mầy chết mẹ”, vừa nói xong, ông T đứng lên đi lại chổ P và dùng hai tay đánh về phía người của P, P dùng tay phải đánh (gạt) trúng vào người của ông T, làm ông T té trúng vào cây trụ đá và bàn thờ ông Thiên, cặp mé lộ đal. Lúc này, P đi lại đứng trên đầu tấm đal cao (chổ đầu nối hai tấm đal có một đầu thấp, một đầu cao), còn ông T ngồi dậy bước lên lộ đal, đi lại chổ P đứng, ông T dùng hai tay đánh về phía người của P, thì bị P dùng tay phải đánh (gạt) trúng vào khuỷu tay phải của ông T và dùng chân đá (gạt) vào chân của ông T, làm ông T té ngã ngữa, đập đầu xuống lộ đal, gây chấn thương ở vùng đầu, nằm bất động. Chị Đào Thị Hồng D, con ông T, và bà Nguyễn Thị L, vợ ông T, thấy ông T nằm bất động nên la lên, P bước lại đỡ đầu ông T lên, thấy ông T bị thương tích nặng nên P để ông T nằm xuống và bỏ đi vào nhà.

Lúc này, chị Đào Thị Hồng Th, chị D chạy đến đở đầu ông T lên, sau đó, P cùng với gia đình đưa ông T đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế thành phố N, tỉnh Hậu Giang, nhưng do thương tích quá nặng, ông T được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ để điều trị, đến 19 giờ 05 phút ngày 16/4/2020, ông T tử vong.

Tại Bản kết luận giám định pháp y tử thi số 50/PY.PC09, ngày 20/4/2020 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Sóc Trăng, kết luận nguyên nhân chết của ông Đào Văn T do chấn thương sọ não.

- Tại Bản Cáo trạng số 22/CT-VKSND-H.KS, ngày 28/10/2020, Viện kiểm sát nhân dân huyện Kế Sách đã truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng để xét xử bị cáo Đào Vũ P về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tại phiên tòa:

- Bị cáo Đào Vũ P thừa nhận thương tích dẫn đến chết người bị hại là do lỗi bị cáo gây ra, nhưng bị cáo cho rằng không dùng chân đá vào chân và không dùng tay đánh vào người bị hại, làm cho ông T té ngã vào trụ bê-tông, bàn thờ ông Thiên, như Cáo trạng đã nêu và bị cáo xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt.

- Vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Kế Sách, tóm tắt lại hành vi phạm tội của bị cáo, các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, sau khi luận tội, vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị áp dụng: Điểm a khoản 4 Điều 134; điểm s khoản 1 Điều 51, điểm h khoản 1 Điều 52, khoản 1 Điều 53 và khoản 1 Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo P từ 07 năm 06 tháng tù đến 08 năm 06 tháng tù.

- Về trách nhiệm dân sự: Người đại diện hợp pháp cho bị hại, bà Nguyễn Thị L, không yêu cầu bị cáo bồi thường, nên không đặt ra xem xét, giải quyết.

- Về xử lý vật chứng: Đề nghị tịch thu tiêu huỷ theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Kế Sách, Điều tra viên, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Kế Sách, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và những người tham gia tố tụng không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, Người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, Người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Tại phiên tòa, những người làm chứng Đào Thị Hồng D và Lê Thanh Đ đều vắng mặt không rõ lý do, mặc dù đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai. Xét thấy, trong quá trình điều tra, hai người làm chứng này đã có lời khai rõ ràng về các tình tiết của vụ án và việc vắng mặt những người làm chứng này cũng không làm ảnh hưởng, không gây trở ngại đến việc giải quyết vụ án, nên Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 1 Điều 293 và khoản 3 Điều 299 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tiến hành xét xử vắng mặt hai người làm chứng này.

[3] Tại phiên tòa, bị cáo Đào Vũ P khai rằng không có dùng chân đá vào chân và không có dùng tay đánh vào người bị hại, làm cho ông Đào Văn T té ngã vào trụ bê-tông bàn thờ ông Thiên, mà do bị hại tự té, nhưng bị cáo thừa nhận có dùng tay phải gạt (đánh) vào tay của bị hại làm cho bị hại té ngửa, đầu đập xuống lộ đal tử vong.

[4] Lời khai của người làm chứng ông Đào Văn H cho rằng: Khi bị hại đi đến nơi bị cáo đang đứng, gần bàn thờ ông Thiên, ông thấy bị hại dùng tay trái đánh vào vai của bị cáo một cái, bị cáo dùng tay gạt (đánh) trúng vào người của bị hại, làm bị hại té vào trụ đá, gần bàn thờ ông Thiên. Sau đó, trước khi té đập đầu xuống lộ đal, ông thấy bị cáo dùng tay phải đánh (gạt) từ trong ra trúng vào người bị hại và bị cáo tiếp tục dùng chân đá vào chân bị hại (bút lục 275-276).

[5] Lời khai của người làm chứng anh Nguyễn Văn T1 cho rằng: Khi bị hại đi đến gần bị cáo, anh cũng thấy bị cáo dùng tay trái gạt từ phải qua trái trúng vào người bị hại làm bị hại té trúng vào trụ đá, gần bàn thờ ông Thiên (bút lục 277- 278).

[6] Lời khai của các người làm chứng chị Đào Thị Hồng D và ông Lê Thanh Đ đều xác định bị cáo có dùng tay đánh (gạt) và dùng chân đá làm cho bị hại té đập đầu xuống lộ đal bất động.

[7] Bản kết luận giám định pháp y tử thi số 50/PY.PC09, ngày 20/4/2020 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Sóc Trăng, kết luận nguyên nhân chết của bị hại ông Đào Văn T do chấn thương sọ não. Ngoài ra, sự thật vụ án còn được chứng minh qua các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án mà Cơ quan Điều tra đã thu thập được.

[8] Như vậy, đã có đủ cơ sở xác định: Vào khoảng 21 giờ, ngày 15/4/2020, tại lộ đal, trước nhà của bị hại ông Đào Văn T, ở Ấp X, xã B, huyện K, tỉnh Sóc Trăng, bị cáo P đi chơi vừa về chửi thề và nói “Tao đi mà ai báo Công an, tao biết tao đánh chết mẹ”. Lúc này, ông T đang ngồi uống rượu cùng với ông Đào Văn H (chú ruột của bị cáo) và ông Lê Thanh Đ (em rể của bị cáo) ở lộ đal trước cửa nhà, ông T chửi bị cáo và nói “Mầy đi đâu về, mầy chửi thề với ai vậy, tối ngày không lo làm ăn mà lo đi đánh lộn, đánh lạo, tao làm chết mẹ không lo phụ giúp gì hết”, bị cáo dùng những lời lẻ thô tục chửi lại ông T. Ông T chửi thề và nói “Mầy mất dạy hả, tao đánh mầy chết mẹ”, vừa nói xong, ông T đứng lên đi đến và dùng hai tay đánh về phía người của bị cáo, bị cáo dùng tay phải đánh (gạt) trúng vào người của ông T, làm ông T té trúng vào cây trụ đá và bàn thờ ông Thiên, cặp mé lộ đal. Sau đó, bị cáo đi lại đứng trên đầu tấm đal cao (chổ đầu nối hai tấm đal có một đầu thấp, một đầu cao), còn ông T ngồi dậy, bước lên lộ đal, đi lại chổ bị cáo đứng, ông T dùng hai tay đánh về phía người của bị cáo, thì bị bị cáo P dùng tay phải đánh (gạt) trúng vào khuỷu tay phải của ông T và dùng chân đá (gạt) vào chân của ông T, làm ông T té ngã ngữa, đập đầu xuống lộ đal, chấn thương sọ não, dẫn đến tử vong. Xét khi đánh bị hại, mục đích của bị cáo nhằm gây thương tích chứ không mong muốn tước đoạt tính mạng của bị hại, nên bị cáo P đã phạm vào tội “Cố ý gây thương tích”, với tình tiết định khung tăng nặng “Làm chết người”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015, như Viện Kiểm sát nhân dân huyện Kế Sách đã truy tố, là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[9] Bị cáo là người có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, đã cố ý dùng vũ lực (tay và chân) đánh ông T té ngã ngửa, đập đầu xuống lộ đal, chấn thương sọ não, dẫn đến tử vong. Hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện là rất nguy hiểm cho xã hội, không những xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác, được pháp luật bảo vệ, mà còn gây mất an ninh trật tự xã hội ở địa phương. Vì vậy, Hội đồng xét xử cần phải áp dụng hình phạt nghiêm và cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian, mới đủ tác dụng cải tạo, giáo dục bị cáo và răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội.

[10] Về tình tiết giảm nhẹ: Người đại diện hợp pháp cho bị hại có đơn bãi nại, xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Sau khi phạm tội, bị cáo đã ăn năn, hối cãi. Do vậy, khi lượng hình, Hội đồng xét xử sẽ áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015, để xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

[11] Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo đã bị kết án vào năm 2007, chưa được xóa án tích, mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý, nên thuộc trường hợp tái phạm, theo quy định tại khoản 1 Điều 53 và điểm h khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

[12] Về trách nhiệm dân sự: Người đại diện hợp pháp cho bị hại không yêu cầu bồi thường, nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét, giải quyết.

[13] Về xử lý vật chứng: Căn cứ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tịch thu, tiêu hủy: 01 (Một) cục đá trụ bê tông có số đo 5cm x 2,8cm, đã được niêm phong.

[14] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí theo quy định khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Điểm a khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, cụ thể: Bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

[15] Xét lời luận tội của Kiểm sát viên về tội danh, tình tiết định khung tăng nặng và việc áp dụng pháp luật là có căn cứ, nên được chấp nhận.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 134, điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, điểm h khoản 1 Điều 52, khoản 1 Điều 53 và khoản 1 Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

1. Tuyên bố bị cáo Đào Vũ P phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

2. Xử phạt bị cáo Đào Vũ P 08 (Tám) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 16/4/2020.

3. Về trách nhiệm dân sự: Người đại diện hợp pháp cho bị hại không yêu cầu, nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét, giải quyết.

4. Về xử lý vật chứng: Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tịch thu, tiêu hủy: 01 (Một) cục đá trụ bê tông có số đo 05cm x 2,8cm, đã được niêm phong.

5. Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí theo quy định khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Điểm a khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Buộc bị cáo P phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

6. Về quyền kháng cáo bản án: Bị cáo và người đại diện hợp pháp cho bị hại có quyền kháng cáo Bản án này trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án, để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.

7. Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, và 9 Luật Thi hành án Dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

192
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2021/HS-ST ngày 12/01/2021 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:01/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Kế Sách - Sóc Trăng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 12/01/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về