Dự thảo án lệ 14/2020/DTAL án lệ XX/2020/AL về xác định quyền sở hữu đối với tiền đặt cọc

CƠ SỞ CÔNG BỐ ÁN LỆ: Bên đặt cọc đã chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản của bên nhận đặt cọc tại Ngân hàng với thông tin nêu rõ đó là tiền đặt cọc. Sau đó, Ngân hàng có tài khoản của bên nhận đặt cọc đã khấu trừ tiền đặt cọc với nợ của bên nhận đặt cọc đối với Ngân hàng trong khi bên đặt cọc không thuộc trường hợp bị phạt cọc, tiền đặt cọc không được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền.
VỊ TRÍ NỘI DUNG ÁN LỆ: Đoạn 1 và 3 phần “Nhận định của Tòa án”.

Tòa án nhân dân tối cao
Dự thảo án lệ 14/2020/DTAL án lệ XX/2020/AL về xác định quyền sở hữu đối với tiền đặt cọc
NỘI DUNG VỤ ÁN

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

DỰ THẢO ÁN LỆ 14/2020/DTAL ÁN LỆ XX/2020/AL VỀ XÁC ĐỊNH QUYỀN SỞ HỮU ĐỐI VỚI TIỀN ĐẶT CỌC

Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày tháng năm 2020 và được công bố theo Quyết định số /QĐ-CA ngày tháng năm 2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:

Ngày 20-02-2008, Công ty Cổ phần du lịch N ký kết biên bản thỏa thuận bán 39.192 cổ phiếu, mệnh giá 100.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị 3.919.200.000 đồng, thuộc sở hữu của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh V (SCIC) tại Công ty Cổ phần du lịch N cho Công ty cổ phần TV-TM-DV Địa ốc H. Ngày 22-02-2008, Công ty cổ phần TV-TM-DV Địa ốc H chuyển 1000.000.000 đồng (Một tỷ đồng) tiền đặt cọc mua cổ phiếu vào tài khoản của Công ty cổ phần du lịch N tại Ngân hàng Thương mại cổ phần D - Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận. Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận đã trích tài khoản này để thu nợ vay của Công ty cổ phần du lịch N. Thỏa thuận mua bán cổ phần không thành, Công ty Cổ phần du lịch N cam kết hoàn trả cho Công ty cổ phần TV-TM-DV Địa ốc H 1.000.000.000 đồng và lãi suất. Công ty Cổ phần du lịch N sau đó chuyển đổi thành Công ty TNHH du lịch N. Hiện nay Công ty TNHH du lịch N đã sáp nhập vào Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng S. Vì vậy, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu buộc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng S hoặc Ngân hàng Thương mại cổ phần D - Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận hoàn trả 1000.000.000 đồng, không yêu cầu lãi suất.

Bị đơn trình bày:

Tha thuận mua bán cổ phần giữa Công ty Cổ phần du lịch N và Công ty Cổ phần TV-TM-DV Địa ốc H không liên quan đến Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng S, chưa có sự đồng ý của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh V nên vô hiệu, bị đơn đề nghị giải quyết theo quy định pháp luật và đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt.

Ngưi đại diện theo ủy quyền của Ngân hàng Thương mại cổ phần D trình bày:

Theo hợp đồng tín dụng được ký kết giữa Ngân hàng Thương mại cổ phần D - Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận với Công ty Cổ phần du lịch N có thỏa thuận “khi tài khoản tiền gửi của bên vay có số dư thì ngân hàng được quyền trích tài khoản tiền gửi để thu nợ”. Ngày 25-2-2008, tài khoản tiền gửi của Công ty cổ phần du lịch N có số dư 1000.000.000 đồng, Công ty Cổ phần du lịch N không có văn bản đề nghị không thu nợ vay đối với khoản tiền này nên ngân hàng đã thu nợ vay của Công ty cổ phần du lịch N. Ngày 31-10-2010, Ngân hàng đã bán toàn bộ nợ vay của Công ty Cổ phần du lịch N cho bên mua nợ là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng S. Vì vậy, Ngân hàng Thương mại cổ phần D không đồng ý yêu cầu khởi kiện nguyên đơn.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh V (SCIC) trình bày:

SCIC là cổ đông sở hữu 39.192 cổ phần, mệnh giá 100.000 đồng/cổ phần tại Công ty Cổ phần du lịch N. SCIC không ủy quyền cho Công ty Cổ phần du lịch N thực hiện mua bán cổ phần với công ty cổ phần TV-TM-DV Địa ốc H. Tháng 5-2010, SCIC đã bán toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu cho Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng S. Thỏa thuận giữa Công ty Cổ phần du lịch N với Công ty cổ phần TV-TM- DV Địa ốc H về việc mua bán cổ phần là trái pháp luật. Tại thời điểm khởi kiện, SCIC đã thoái vốn tại Công ty Cổ phần du lịch N nên không còn quyền, nghĩa vụ cổ đông, SCIC không có yêu cầu trong vụ án này.

Bản án số 05/2017/KDTM-ST ngày 07-9-2017 của Tòa án nhân dân thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận quyết định:

Chp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần TV-TM-DV Địa ốc H đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ngân hàng Thương mại cổ phần D.

Buộc Ngân hàng Thương mại cổ phần D có nghĩa vụ hoàn trả cho Công ty Cổ phần TV-TM-DV Địa ốc H 1.000.000.000 đồng (Một tỷ đồng).

Bản án sơ thẩm còn quyết định về lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ; án phí;

quyn, nghĩa vụ, thời hiệu thi hành án; quyền kháng cáo.

Ngày 18-9-2017, Ngân hàng Thương mại cổ phần D kháng cáo bản án sơ thẩm. Bản án số 01/2018/KDTM-PT ngày 07-03-2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận quyết định: Không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm, quyết định về án phí phúc thẩm, hiệu lực bản án.

Ngày 27-3-2018, Ngân hàng Thương mại cổ phần D đề nghị xem xét bản án số 01/2018/KDTM-PT ngày 07-03-2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận theo thủ tục giám đốc thẩm.

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 160/QĐKNGĐT-VKS-KDTM ngày 24-9-2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị đối với bản án số 01/2018/KDTM-PT ngày 07-03-2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận, đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm, giao hồ sơ để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

Ti phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Ngày 20-02-2008, giữa Công ty cổ phần du lịch N (gọi tắt là Công ty N) và Công ty cổ phần TV-TM-DV Địa ốc H (gọi tắt là Công ty H) ký kết Biên bản thỏa thuận về việc Công ty N bán cho Công ty H cổ phần thuộc sở hữu của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh V (gọi tắt là SCIC) tại Công ty N 39.192 cổ phiếu, mệnh giá 100.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị 3.919.200.000 đồng, Công ty H đặt cọc trước 1.000.000.000 đồng. Ngày 22-02-2008, Công ty H đã chuyển số tiền đặt cọc vào tài khoản của Công ty N mở tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận (gọi tắt là Ngân hàng) theo ủy nhiệm chi ngày 22-02-2008. Tuy nhiên, khi số tiền này được chuyển vào tài khoản của Công ty N thì Ngân hàng đã căn cứ vào hợp đồng tín dụng có điều khoản thỏa thuận cho phép Ngân hàng được quyền trích tài khoản của Công ty N để cấn trừ vào số công nợ quá hạn và lãi suất của Công ty N là trái với quy định của pháp luật. Bởi lẽ, số tiền 1.000.000.000 đồng đặt cọc chưa thuộc quyền sở hữu của Công ty N, theo quy định tại khoản 1 Điều 328 BLDS 2015 “Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền... trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”. Tại ủy nhiệm chi ngày 22- 02-2008, Công ty H khi chuyển tiền vào tài khoản Công ty N ghi rõ nội dung là tiền đặt cọc mua cổ phần. Giả sử việc mua bán cổ phần diễn ra thành công thì toàn bộ số tiền đặt cọc phải chuyển trả cho SCIC. Mặt khác, SCIC không ủy quyền bằng bất kỳ hình thức nào cho ông Nguyễn L - Giám đốc Công ty N để thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần của SCIC cho Công ty H. Ông Nguyễn L đã tự ý ký biên bản thỏa thuận bán cổ phần cho Công ty H là trái pháp luật.

[2]. Trong quá trình diễn ra mua bán nợ giữa Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng S với Công ty N không có văn bản nào bàn giao khoản nợ tiền đặt cọc 1.000.000.000 đồng mua bán cổ phần từ Công ty H. Đến thời điểm ngày 31-5-2010, Ngân hàng đã bán toàn bộ nợ vay của Công ty N cho bên mua nợ là Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng S, tại phụ lục kèm theo hợp đồng mua bán nợ cũng không thể hiện khoản nợ này. Mặt khác, Công văn số 029/CV-PC ngày 01-7-2009 của Ngân hàng D, chỉ đạo xử lý nợ của Công ty N “Chi nhánh xử lý khoản tiền 01 tỷ đồng đã thu nợ từ nguồn đặt cọc mua cổ phần của Công ty H khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án ” Ngân hàng trích số tiền đặt cọc của Công ty H, để thu nợ vay của Công ty N là không có căn cứ pháp luật. Điều 256 của Bộ luật Dân sự 2005 quy định chủ sở hữu có quyền yêu cầu người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó”. Do đó, Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty H, buộc Ngân hàng Thương mại cổ phần D có trách nhiệm hoàn trả cho Công ty H 1.000.000.000 đồng là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

[3]. Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Ngân hàng trích khoản tiền 1.000.000.000 đồng để thu nợ của Công ty N phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN ngày 21-11-2002 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Quan hệ tín dụng giữa Ngân hàng với Công ty N độc lập với quan hệ đặt cọc giữa Công ty N với Công ty cổ phần H. Theo quy định điểm c khoản 2 Điều 153 Luật Doanh nghiệp 2005, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng S là bên nhận sáp nhập phải chịu trách nhiệm hoàn trả cho Công ty H 1.000.000.000 đồng tiền đặt cọc. Từ đó, đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại là không có căn cứ như phân tích trên, số tiền 1.000.000.000 đồng là tiền của Công ty H đặt cọc chưa thuộc quyền sở hữu của Công ty N, quá trình mua bán nợ giữa Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng S với Công ty N không có văn bản nào bàn giao số tiền đặt cọc 1.000.000.000 đồng mua bán cổ phần từ Công ty H.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các Điều 337, 343, 349 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Không chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm số 160/QĐKNGĐT-VKS- KDTM ngày 24-9-2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Giữ nguyên bản án số 01/2018/KDTM-PT ngày 07-03-2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận.

Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.

NI DUNG ÁN LỆ

“Ngày 22-02-2008, Công ty H đã chuyển số tiền đặt cọc vào tài khoản của Công ty N mở tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận (gọi tắt là Ngân hàng) theo ủy nhiệm chi ngày 22-02-2008. Tuy nhiên, khi số tiền này được chuyển vào tài khoản của Công ty N thì Ngân hàng đã căn cứ vào hợp đồng tín dụng có điều khoản thỏa thuận cho phép Ngân hàng được quyền trích tài khoản của Công ty N để cấn trừ vào số công nợ quá hạn và lãi suất của Công ty N là trái với quy định của pháp luật. Bởi lẽ, số tiền 1.000.000.000 đồng đặt cọc chưa thuộc quyền sở hữu của Công ty N, theo quy định tại khoản 1 Điều 328 BLDS 2015 “Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền... trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”. Tại ủy nhiệm chi ngày 22-02-2008, Công ty H khi chuyển tiền vào tài khoản Công ty N ghi rõ nội dung là tiền đặt cọc mua cổ phần”.

“Ngân hàng trích số tiền đặt cọc của Công ty H, để thu nợ vay của Công ty N là không có căn cứ pháp luật. Điều 256 của Bộ luật Dân sự 2005 quy định chủ sở hữu có quyền yêu cầu người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó”. Do đó, Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty H, buộc Ngân hàng Thương mại cổ phần D có trách nhiệm hoàn trả cho Công ty H 1.000.000.000 đồng là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật”.

Nguồn: https://anle.toaan.gov.vn