Dự thảo án lệ 13/2020/DTAL án lệ XX/2020/AL về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận về nghĩa vụ trả lãi nếu chậm nộp phí bảo hiểm

CƠ SỞ CÔNG BỐ ÁN LỆ: Hợp đồng bảo hiểm thỏa thuận về nghĩa vụ trả lãi của bên mua bảo hiểm nếu chậm nộp phí bảo hiểm; trường hợp chấm dứt hợp đồng thì một bên phải gửi thông báo đề nghị hủy hợp đồng cho bên kia trong một thời hạn nhất định. Bên mua không đóng đủ phí trong thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm nhưng doanh nghiệp bảo hiểm không có thông báo về việc chấm dứt hợp đồng. Sau khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, bên mua đã đóng đủ phí, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn xuất hóa đơn thu phí bảo hiểm.
VỊ TRÍ NỘI DUNG ÁN LỆ: Đoạn 6, 7 và 8 phần “Nhận định của Tòa án”.

Tòa án nhân dân tối cao
Dự thảo án lệ 13/2020/DTAL án lệ XX/2020/AL về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận về nghĩa vụ trả lãi nếu chậm nộp phí bảo hiểm
NỘI DUNG VỤ ÁN

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

DỰ THẢO ÁN LỆ 13/2020/DTAL ÁN LỆ XX/2020/AL VỀ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM TRONG TRƯỜNG HỢP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM CÓ THỎA THUẬN VỀ NGHĨA VỤ TRẢ LÃI NẾU CHẬM NỘP PHÍ BẢO HIỂM

Đưc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày… tháng… năm 2020 và được công bố theo Quyết định số …/QĐ-CA ngày… tháng… năm 2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại Đơn khởi kiện đề ngày 12-6-2009, ngày 01-7-2009 được bổ sung vào các ngày 03-5-2010, 11-6-2010, 03-8-2010, 01-3-2011 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, Công ty cổ phần vận tải công nghiệp tàu thủy B trình bày:

Công ty cổ phần vận tải công nghiệp tàu thủy B (sau đây viết tắt là Công ty tàu thủy B - Người được bảo hiểm) và Tổng Công ty cổ phần M (sau đây viết tắt là Công ty M - Người bảo hiểm) ký kết Hợp đồng bảo hiểm tàu biển số AD0005/08PA56000 ngày 17-10-2008 và Phụ lục hợp đồng ký cùng ngày về việc bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu biển (P&I) cho tàu BC River của Công ty tàu thủy B (sau đây viết tắt là hợp đồng).

Cùng trong ngày 17-10-2008, Công ty M đã cấp Đơn bảo hiểm thân tàu với tổng số tiền 8.000.000.000 đồng, thời gian bảo hiểm từ 00:00h ngày 19-10-2008 đến 24:00h ngày 18-10-2009 và Giấy chứng nhận bảo hiểm P&I giới hạn trách nhiệm dân sự chủ tàu 500.000.000 USD với thời gian bảo hiểm từ 12:00 GMT ngày 19-10-2008 đến 12:00 GMT ngày 20-02-2009 cho tàu BC River. Phạm vi bảo hiểm: Chỉ miền Viễn Đông Châu Á từ kinh độ 60 độ Đông đến 180 độ Đông.

Theo Đơn bảo hiểm thân tàu và Giấy chúng nhận bảo hiểm P&I của Công ty M thì “Phí như thỏa thuận”.

Hai bên thống nhất số tiền phí bảo hiểm thân tàu là 118.800.000 đồng và phí bảo hiểm P&I là 4.813,29 USD.

Theo Giấy ghi nợ bảo hiểm thân tàu ngày 17-10-2008 của Công ty M gửi Công ty tàu thủy B thì: phí bảo hiểm thân tàu 118.800.000 đồng (chia thành các đợt 20-10- 2008: 29.700.000 đồng, 20-01-2009: 29.700.000 đồng, 20-4-2009: 29.700.000 đồng, 20-7-2009: 29.700.000 đồng); phí bảo hiểm P&I 4.813,29 USD thanh toán trước ngày 20-10-2008.

Ngày 04-11-2008, Công ty tàu thủy B gửi Công văn số 261/CV-GĐ cho Công ty M xin gia hạn thời hạn thanh toán phí bảo hiểm thân tàu đợt 1 số tiền 29.700.000 đồng và phí bảo hiểm P&I 4.813,29 USD đến ngày 30-11-2008 (sau đây viết tắt là Công văn 261).

Ngày 05-11-2008, Công ty M gửi Công văn số 0151/CV-BMBĐ cho Công ty tàu thủy B chấp nhận thời hạn thanh toán phí bảo hiểm thân tàu đợt 1 số tiền 29.700.000 đồng) và phí bảo hiểm P&I 4.813,29 USD đến ngày 30-11-2008 (sau đây viết tắt là Công văn 0151).

Ngày 10-11-2008, Công ty tàu thủy B gửi Công văn số 265/CV-GĐ cho Công ty M xin gia hạn thời hạn thanh toán phí bảo hiểm thân tàu đợt 1 số tiền 29.700.000 đồng theo lộ trình thanh toán đến ngày 12-01-2009 và phí bảo hiểm P&I 4.813,29 USD theo lộ trình thanh toán đến ngày 12-02-2009 (sau đây viết tắt là Công văn 265).

Ngày 11-11-2008, Công ty M gửi Công văn số 0154/CV-BMBĐ cho Công ty tàu thủy B thông báo đã tái tục bảo hiểm tàu BC River, đề nghị hoàn tất xong phí của hợp đồng cũ và yêu cầu thanh toán phí cho hợp đồng theo Công văn số 0151/CV- BMBĐ ngày 05-11-2008 (sau đây viết tắt là Công văn 0154).

Ngày 13-11-2008, Công ty tàu thủy B nộp cho Công ty M phí bảo hiểm thân tàu với số tiền 10.000.000 đồng và phí bảo hiểm P&I với số tiền 1.200 USD.

Ngày 22-11-2008, Công ty tàu thủy B có Công văn số 409/CV-GD gửi Công ty M Bình Định và Công ty tài chính H về việc ủy quyền thụ hưởng bảo hiểm cho Công ty tài chính H (sau đây viết tắt là Công văn 409).

Ngày 07-01-2009, Công ty tàu thủy B gửi Công văn số 03/CV-GĐ cho Công ty M xin gia hạn thời hạn thanh toán số tiền phí bảo hiểm thân tàu còn lại 19.700.000 đồng và phí bảo hiểm P&I 2.400 USD, sẽ nộp trước ngày 10-01-2009; số tiền phí còn lại Công ty tàu thủy B sẽ thanh toán trước ngày 20-02-2009 (sau đây viết tắt là Công văn 03).

Ngày 08-01-2009, Công ty tàu thủy B gửi Công văn số 05/CV-GĐ thông báo sự cố thủng tàu, tàu BC River bị nước vào hầm hàng (hầm 2) mạnh làm tàu nghiêng 15 độ, vào lúc 7:30 ngày 08-01-2009 (LT) tại vị trí có tọa độ 05o3600” Bắc và 108°07’00 Đông; có khả năng tàu bị thủng lớn, việc khắc phục rất khó khăn; tình trạng tàu và thuyền viên trên tàu hết sức nguy cập, đã liên hệ với tàu SXACE7 để ứng cứu;

đề nghị Công ty M Bình Định có biện pháp hữu hiệu hỗ trợ cứu tàu và thuyền viên.

Cùng ngày 08-01-2009, Công ty tàu thủy B gửi Công văn số 06/CV- GĐ cho Công ty M thông báo về sự cố chìm tàu; không cứu được tàu nên bỏ tàu, cứu thuyền viên đưa về Singapore; đề nghị Công ty M có biện pháp hỗ trợ cần thiết.

Ngày 09-01-2009, Công ty tàu thủy B thanh toán cho Công ty M số tiền phí bảo hiểm thân tàu còn lại của kỳ 1: 19.700.000 đồng và phí bảo hiểm P&I số tiền 2.400 USD bằng ủy nhiệm chi.

Ngày 09-01-2009, Công ty M xuất hóa đơn GTGT số 0250751 và hóa đơn GTGT số 0250752 đối với hai khoản phí bảo hiểm thân tàu và phí bảo hiểm P&I mà Công ty M đã nhận từ Công ty tàu thủy B.

Ngày 10-01-2009, Công ty tàu thủy B có Công văn số 17/CY-GĐ thông báo Vinashin Bình Định đã thuê đại lý để cùng cán bộ bảo hiểm P&I tại Singapore thu xếp thủ tục để đưa thuyền viên bị nạn lên bờ; phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, đại lý, cán bộ bảo hiểm PVI tại Singapore làm thủ tục đưa thuyền viên bị nạn về nước.

Ngày 10-01-2009, Công ty M gửi Công văn số 0051/2009-BM/BT cho Công ty tàu thủy B từ chối trách nhiệm bồi thường đối với tàu BC River với lý do Công ty tàu thủy B không hoàn thành nghĩa vụ đóng phí.

Ngày 20-01-2009, Công ty tàu thủy B thanh toán cho Công ty M số tiền 89.100.000 đồng phí bảo hiểm thân tàu và 1.213,29 USD phí bảo hiểm P&I bằng ủy nhiệm chi.

Do Công ty M từ chối trách nhiệm bảo hiểm nên Công ty tàu thủy B khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty M bồi thường cho Công ty tàu thủy B theo hợp đồng, cụ thể như sau:

- Tiền bảo hiểm thân tàu 8.000.000.000 đồng;

- Tiền bảo hiểm hàng hóa 42.958.500.000 đồng;

- Chi phí khắc phục sự cố chìm tàu 8.482,14 USD + 160.708.638 đồng (gồm chi phí đưa thuyền viên về Việt Nam 3.057,14 USD + 79.338.000 đồng và chi phí tư vấn, khảo sát, giám định tàu với số tiền 5.425 USD + 81370.638 đồng);

Ngoài ra, Công ty M phải có nghĩa vụ thanh toán tiền lãi phát sinh trên số tiền mà Công ty M có nghĩa vụ phải bồi thường tương ứng với thời gian chậm thanh toán (từ ngày 15-5-2009 đến ngày xét xử sơ thẩm) theo quy định tại mục 6.4 Điều 6 của hợp đồng.

Căn cứ khởi kiện:

1) Đối với yêu cầu thanh toán số tiền bảo hiểm thân tàu: Khoản tiền 8.000.000.000 đồng thuộc phạm vi bảo hiểm theo hợp đồng. Theo kết quả giám định thì con tàu bị thiệt hại toàn bộ, vì vậy việc yêu cầu bồi thường 8.000.000.000 đồng là căn cứ vào giá trị của tàu vào thời điểm mua bảo hiểm.

Yêu cầu thanh toán số tiền lãi phát sinh từ ngày 15-5-2009 (ngày Công ty tàu thủy B gửi Văn bản số 107/CV-GĐ ngày 15-5-2009 yêu cầu thanh toán tiền bảo hiểm) đến ngày xét xử sơ thẩm trên số tiền 8.000.000.000 đồng chậm bồi thường theo mức lãi suất 9%/năm.

2) Đối với yêu cầu thanh toán số tiền bảo hiểm hàng hóa: Theo quy định tại mục 1 Trách nhiệm của người được bảo hiểm đối với rủi ro về hàng hóa của phụ lục kèm theo hợp đồng.

Theo Bản án số 14/2010/KDTM-PT ngày 15-12-2010 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng thì Công ty tàu thủy B phải thanh toán cho Tổng công ty cổ phần bảo hiểm dầu khí V 45.709.706.400 đồng tiền thiệt hại hàng hóa và lãi chậm thanh toán. Công ty tàu thủy B vẫn chưa thanh toán số tiền trên vì phải chờ Công ty M giải quyết bồi thường trong vụ án này thì mới có tiền thanh toán.

3) Đối với yêu cầu thanh toán số tiền chi phí khắc phục sự cố chìm tàu:

Chi phí đưa thuyền viên về Việt Nam: Số tiền 3.057,14 USD xuất phát từ Giấy báo nợ do Star Ruby Pte LTD mua vé máy bay cho các thuyền viên về Việt Nam. Công ty tàu thủy B vẫn chưa thanh toán cho Star Ruby Pte LTD số tiền này. Số tiền 79.338.000 đồng căn cứ trên tập bộ chứng từ mà thực tế đã chi trả cho các nhân viên của công ty trong quá trình giải quyết sự cố xảy ra vào các ngày 25-02-2009 (57.100.000 đồng), ngày 15-02-2009 (16.063.000 đồng), ngày 02-02-2009 (4.215.000 đồng), ngày 02-4- 2009 (1.960.000 đồng).

Chi phí tư vấn, khảo sát, giám định tàu: số tiền 5.425 USD xuất phát từ các hóa đơn sau: Hóa đơn ngày 13-4-2009 của P.T Indosal Inti với số tiền là 3.500 USD nhưng thực tế Công ty tàu thủy B mới thanh toán 2.500 USD; Hóa đơn ngày 14-4-2009 của Antony Consultancy Services với số tiền 925 USD và Hóa đơn ngày 02-3-2009 của Antony Consultancy Services với số tiền 1.000 USD đã được Công ty tàu thủy thanh toán.

Số tiền 81.370.638 đồng căn cứ trên chi phí thực tế chi cho đoàn khảo sát qua làm việc ở nước ngoài đã được thanh toán vào ngày 15-6-2009 số tiền 8.446.914 đồng, ngày 15-6-2009 số tiền 62.139.724 đồng và ngày 02-6-2009 số tiền 10.784.000 đồng.

Việc tiến hành thuê đơn vị tư vấn, khảo sát và giám định con tàu sau khi xảy ra sự cố chìm tàu đã được Công ty tàu thủy B thông báo cho Công ty M biết bằng các Công văn số 80/CV-GĐ ngày 15-4-2009 và Công văn số 86/CV-GĐ ngày 17-4-2009, nhưng Công ty M không cử người tham gia. Sau khi có kết quả giám định, Công ty tàu thủy B cũng đã thông báo cho Công ty M biết bằng Công văn số 97/CV-GĐ ngày 04-5-2009.

Yêu cầu bồi thường chi phí khắc phục sự cố chìm tàu không được thể hiện rõ trong các danh mục phạm vi bảo hiểm của hợp đồng nhưng thiệt hại thực tế xảy ra vẫn nằm trong phạm vi bảo hiểm của hợp đồng nêu trên.

Công ty tàu thủy B có vi phạm thời hạn nộp phí nhưng với việc Công ty M tiếp nhận phí và xuất hóa đơn cho việc thanh toán ngày 09-01-2009 (hết đợt 1) và 20-01- 2009 (toàn bộ hợp đồng) là đã chấp nhận cho gia hạn thời gian đóng phí nên hợp đồng vẫn còn hiệu lực.

Ti Công văn số 3507/CHHVN - TTHH ngày 07-12-2012, Cục hàng hàng Việt Nam đã xác định vị trí tàu BC River nằm trong vùng giới hạn giữa kinh độ 60°E đến kinh độ 180°E Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 23-4-2013, Công ty tàu thủy B yêu cầu Công ty M có trách nhiệm bồi thường và bồi hoàn 02 khoản (theo Bảng tổng hợp ngày 22-4- 2013) như sau: Bảo hiểm thân tàu và tiền lãi phát sinh là 11.070.877.000 đồng; Bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu và tiền lãi phát sinh là 55.578.962.000 đồng. Tổng là 66.649.839.000 đồng. Yêu cầu Công ty M thanh toán trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

Bị đơn trình bày: Bị đơn chỉ đồng ý gia hạn thời gian đóng phí bảo hiểm thân tàu đợt 1 và phí bảo hiểm P&I đến ngày 30-11-2008 theo Văn bản số 0151/CV- BMBĐ; không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của Công ty tàu thủy B vì Công ty tàu thủy B đã vi phạm nghĩa vụ đóng phí nên hợp đồng chấm dứt hiệu lực từ ngày 30-11- 2008; sau này, khi phát hiện ra việc thu phí ngày 09-01-2009 và 20-01-2009 của Bảo Minh chi nhánh Bình Định là trái với quy định của pháp luật nên Công ty M buộc phải trả lại khoản tiền trên.

Ti Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 474/2013/KDTM-ST ngày 26- 4-2013, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xử:

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần vận tải công nghiệp tàu thủy Bình Định đối với Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh.

2. Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh có trách nhiệm chuyển trả số tiền 89.000.000 đồng cho Công ty cổ phần vận tải công nghiệp tàu thủy Bình Định ngay khi án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật và bên được thi hành có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bên phải thi hành án không thi hành số tiền nêu trên thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải trả tiền lãi cho bên được thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm thanh toán.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 08-5-2013, Công ty tàu thủy Bình Định có đơn kháng cáo.

Ti Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 147/2013/KDTM-PT ngày 12-8-2013, Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh quyết định: Không chấp nhận kháng cáo của Công ty cổ phần vận tải công nghiệp tàu thủy Bình Định, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Ngày 30-5-2014, Công ty tàu thủy B có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm nêu trên.

Ti Kháng nghị giám đốc thẩm số 23/2016/KN-KDTM ngày 08-8-2016, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 147/2013/KDTM-PT ngày 12-8-2013 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm nêu trên và hủy Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 474/2013/KDTM-ST ngày 26-4- 2013 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm đúng quy định của pháp luật; với nhận định:

“… 1. Về tố tụng: Theo Giấy đề nghị chuyển quyền thụ hưởng bảo hiểm số 409/CV-GĐ ngày 22-11-2007 của Công ty tàu thủy B đã được sự chấp thuận của Công ty M Bình Định thì Giấy đề nghị chuyến quyền thụ hưởng bảo hiểm này sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký và mặc nhiên có hiệu lực trong suốt thời gian Công ty tàu thủy B mua bảo hiểm cho tàu BC River tại Công ty M Bình Định. Trong bất cứ trường hợp nào dẫn tới tàu BC River không còn được Công ty M Bình Định (như hai bên chấm dứt hợp đồng: Công ty tàu thủy B không thanh toán đầy đủ, đúng hạn phí bảo hiểm ...), Công ty M Bình Định thông báo ngay cho Công ty tài chính H được biết. Giấy đề nghị này là văn bản pháp lý ràng buộc trách nhiệm giữa các bên trong việc thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba là Công ty tài chính công nghiệp tàu thủy với cam kết không hủy ngang (BL 718, 719); cho nên Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không đưa Công ty tài chính H (nay là Công ty tài chính TNHH một thành viên H) vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không đúng quy định tại Điều 56 Bộ luật Tố tụng dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2011).

2. Về nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều xác định hợp đồng bảo hiểm chấm dứt do Công ty tàu thủy B không đóng đủ phí bảo hiểm trong thời gian gia hạn đóng phí để từ đó quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty tàu thủy B đối với Công ty M là chưa đủ căn cứ vững chắc, bởi lẽ:

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa làm rõ thỏa thuận của các bên theo hợp đồng, cụ thể: Theo Điều 3.3 của hợp đồng: “Hiệu lực của bảo hiểm: Ngoài những điều quy định trong Luật kinh doanh bảo hiểm, Bộ luật Hàng hải và Bộ luật Dân sự Việt Nam và điều kiện bảo hiểm áp dụng cho từng tàu, hiệu lực bảo hiểm cũng tự động chấm dứt khi: Người được bảo hiểm không thanh toán phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 4.3 dưới đây của hợp đồng (trừ trường hợp có thỏa thuận khác)”, nhưng theo đoạn 6 Điều 4.3 của hợp đồng: “Thời hạn thanh toán phí bảo hiểm: ... Nếu người được bảo hiểm không thanh toán phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn thì ngoài việc phải thanh toán số phí bảo hiểm cho thời gian tàu đã bảo hiểm, người được bảo hiểm còn phải thanh toán cả lãi suất của số phí còn nợ theo tỷ lệ lãi vay ngân hàng cho thời gian từ ngày phát sinh nợ đến ngày thanh toán (trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản)” thì có phải hai bên thỏa thuận Công ty tàu thủy B phải trả lãi nếu chậm nộp phí bảo hiểm không?, còn tại Điều 10 của hợp đồng về hiệu lực của hợp đồng: “Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày ký hợp đồng và tiếp tục không thời hạn nếu một trong hai bên không gửi thông báo đề nghị hủy hợp đồng bảo hiểm cho bên kia ít nhất 01 tháng trước ngày hủy bảo hiểm có hiệu lực, hợp đồng này áp dụng đối với sự cố, tranh chấp xảy ra kể từ thời điểm đơn bảo hiểm có hiệu lực” thì có phải các bên thỏa thuận phải gửi thông báo đề nghị huỷ hợp đồng thì hợp đồng mới hết hiệu lực không? Tại sao Công ty M không gửi thông báo đề nghị hủy hợp đồng khi Công ty tàu thủy B vi phạm nghĩa vụ nộp phí bảo hiểm? Thực tế thực hiện hợp đồng, Công ty M có Văn bản số 0154 gửi cho Công ty tàu thủy B yêu cầu thanh toán phí cho hợp đồng theo Văn bản số 0151 mà không ghi văn bản này phúc đáp văn bản nào của Công ty tàu thủy B nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa làm rõ ý kiến của Công ty M cho rằng không nhận được các Văn bản số 265, số 03 mà Công ty tàu thủy B trình bày là đã gửi cho Công ty M, thì thực tế Công ty M có nhận được các văn bản này không? Trường hợp Công ty M không nhận được Văn bản số 265 và Văn bản số 03 hoặc có nhận được (mặc dù không trả lời) thì tại sao Công ty M vẫn xuất hóa đơn đối với hai khoản phí bảo hiểm thân tàu và phí bảo hiểm P&I mà Công ty tàu thủy B đã nộp trong ngày 09-01-2009 và ngày 20-01-2009? Có phải Công ty M mặc nhiên gia hạn thực hiện hợp đồng không?” Công ty M có đơn trình bày cho rằng Kháng nghị giám đốc thẩm số 23/2016/KN-KDTM ngày 08-8-2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao không phù hợp với các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ, không phù hợp với sự thật khách quan của vụ án và không phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan nên đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao rút Kháng nghị giám đốc thẩm nêu trên.

Ti phiên tòa giám đốc thẩm, Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với Kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Tại Giấy đề nghị chuyển quyền thụ hưởng bảo hiểm (Công văn 409) đã được sự chấp thuận của Công ty M Bình Định thể hiện Công ty M Bình Định biết việc Công ty tàu thủy B thế chấp tàu BC River để vay vốn tại Công ty tài chính H; đồng thời Công ty tàu thủy B đề nghị Công ty M Bình Định thông báo và chuyển toàn bộ số tiền bồi thường bảo hiểm cho người thụ hưởng duy nhất là Công ty tài chính công nghiệp tàu thủy. Theo đó, Giấy đề nghị chuyển quyền thụ hưởng bảo hiểm này sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký và mặc nhiên có hiệu lực trong suốt thời gian Công ty tàu thủy B mua bảo hiểm cho tàu BC River tại Công ty M Bình Định. Trong bất cứ trường hợp nào dẫn tới tàu BC River không còn được Công ty M Bình Định (như hai Bên chấm dứt hợp đồng: Công ty tàu thủy B không thanh toán đầy đủ, đúng hạn phí bảo hiểm ...), Công ty M Bình Định thông báo ngay cho Công ty tài chính H được biết.

[2] Việc thay đổi người thụ hưởng bảo hiểm dẫn đến người thụ hưởng bảo hiểm không phải duy nhất là Công ty tài chính H sẽ chỉ có giá trị khi có văn bản đề nghị của Công ty cổ phần vận tải công nghiệp tàu thủy B và văn bản thể hiện sự chấp thuận của Công ty tài chính H. Giấy đề nghị này là văn bản pháp lý ràng buộc trách nhiệm giữa các bên trong việc thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba là Công ty tài chính H với cam kết không hủy ngang.

[3] Đây là tài liệu được Công ty tàu thủy B xuất trình tại giai đoạn phúc thẩm nhưng Tòa án cấp phúc thẩm chưa thu thập chứng cứ để làm rõ đây có phải trường hợp thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba (Điều 419 Bộ luật Dân sự năm 2005) hay không? Theo đó, bên thứ ba là Công ty tài chính H có quyền trực tiếp yêu cầu Công ty M Bình Định phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình hay không? Hay đây là trường hợp Công ty tàu thủy B và Công ty M Bình Định đang có tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm nên chỉ đến khi tranh chấp được giải quyết xong thì Công ty tài chính H mới có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ, để xem xét đưa Công ty tài chính H vào tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay là bên có quyền yêu cầu khởi kiện. Đây là thiếu sót của Tòa án cấp phúc thẩm.

[4] Theo Điều 3.3 của các hợp đồng: “Hiệu lực của bảo hiểm: Ngoài những điều quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ luật Hàng hải và Bộ luật Dân sự Việt Nam và điều kiện bảo hiểm áp dụng cho từng tàu, hiệu lực bảo hiểm cũng tự động chấm dứt khi: Người được bảo hiểm không thanh toán phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 4.3 dưới đây của hợp đồng (trừ trường hợp có thỏa thuận khác) ”, nhưng theo đoạn 6 Điều 4.3 của các hợp đồng: “Thời hạn thanh toán phí bảo hiểm: ... Nếu người được bảo hiểm không thanh toán phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn thì ngoài việc phải thanh toán số phí bảo hiểm cho thời gian tàu đã bảo hiểm, người được bảo hiểm còn phải thanh toán cả lãi suất của số phí còn nợ theo tỷ lệ lãi vay ngân hàng cho thời gian từ ngày phát sinh nợ đến ngày thanh toán (trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản)”, còn tại Điều 10 về hiệu lực của hợp đồng quy định: “Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày ký hợp đồng và tiếp tục không thời hạn nếu một trong hai bên không gửi thông báo đề nghị hủy hợp đồng bảo hiểm cho bên kia ít nhất 01 tháng trước ngày hủy bảo hiểm có hiệu lực. Hợp đồng này áp dụng đối với sự cố, tranh chấp xảy ra kể từ thời điểm đơn bảo hiểm có hiệu lực ”.

[5] Những thỏa thuận trên không trái với quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hàng hải và phù hợp với quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, hợp đồng bảo hiểm chấm dứt khi bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (khoản 2 Điều 23 Luật Kinh doanh bảo hiểm).

[6] Thực tế, ngày 17-10-2008, Công ty M Bình Định có Giấy ghi nợ về bảo hiểm thân tàu (thanh toán phí theo 04 đợt vào các ngày 20-10-2008, 20-01-2009, 20- 4-2009, 20-7-2009) và Giấy ghi nợ về bảo hiểm P&I (thanh toán phí trước ngày 20- 10-2008) đối với Công ty tàu thủy B. Đồng thời, ngày 08-01-2009, Công ty M được Công ty tàu thủy B thông báo về sự cố chìm tàu BC River trong phạm vi hoạt động được bảo hiểm, nhưng vẫn xuất hóa đơn đối với hai khoản phí bảo hiểm thân tàu và phí bảo hiểm P&I mà Công ty tàu thủy B đã nộp trong ngày 09-01-2009 và ngày 20- 01-2009. Và theo các đơn trình bày của Công ty M tại giai đoạn xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm cho thấy các hợp đồng nêu trên giữa Công ty M và Công ty tàu thủy B có thỏa thuận Công ty tàu thủy B phải trả lãi nếu chậm nộp phí bảo hiểm.

[7] Với các tài liệu, chứng cứ nêu trên, có cơ sở xác định các hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực mà không tự động chấm dứt khi Công ty tàu thủy B chưa thanh toán đầy đủ, đúng hạn phí bảo hiểm theo hợp đồng, bởi vì hợp đồng bảo hiểm chỉ chấm dứt theo quy định tại Điều 10 của hợp đồng khi có 01 bên thông báo cho bên kia 01 tháng trước ngày hủy hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực.Vì vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều xác định hợp đồng bảo hiểm chấm dứt kể từ ngày 30-11-2008 do Công ty tàu thủy B không đóng đủ phí bảo hiểm trong thời gian gia hạn đóng phí là không có cơ sở. Hơn nữa, Công ty M cũng không có thông báo nào gửi cho Công ty tài chính H về việc chấm dứt hợp đồng theo thỏa thuận tại giấy đề nghị chuyển quyền thụ hưởng bảo hiểm (Công văn 409). Điều này thể hiện của bên bảo hiểm vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng.

[8] Ngoài ra, do Công ty M và Công ty tàu thủy B có thỏa thuận trả lãi nếu chậm nộp phí bảo hiểm, nên hiệu lực của bảo hiểm đối với thân tàu BC River và trách nhiệm dân sự P&I cũng không tự động chấm dứt khi Công ty tàu thủy B thanh toán không đúng hạn.

[9] Như vậy, kể cả sau ngày 30-11-2008, hai bên vẫn có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng, cụ thể: Người được bảo hiểm còn có trách nhiệm thông báo ngay cho người bảo hiểm khi phát sinh sự cố, tai nạn đối với tàu (Điều 6.1 của hợp đồng) và theo quy định của hợp đồng (Điều 4.3 đoạn thứ 4), trong trường hợp tàu được bảo hiểm bị tổn thất toàn bộ, người được bảo hiểm phải thanh toán toàn bộ số phí bảo hiểm còn lại của tàu mặc dù chưa đến kỳ thanh toán.

[10] Thực hiện các nghĩa vụ nêu trên, Công ty tàu thủy B trong ngày 08-01- 2009 đã thông báo cho Công ty M về sự cố tàu bị thủng và bị chìm tại vị trí cách Singapore khoảng 379 hải lý. Theo thời hạn thanh toán thì Công ty tàu thủy B có trách nhiệm thanh toán kỳ 3 vào ngày 20-4-2009 và kỳ 4 vào ngày 20-7-2009, nhưng Công ty tàu thủy B đã thanh toán toàn bộ 2 kỳ còn lại chưa đến hạn vào ngày 20-01-2009 (trong thời hạn sau 15 ngày kể từ ngày tàu bị tổn thất toàn bộ) với tổng số tiền 89.100.000 đồng phí bảo hiểm thân tàu và 1.213,29 USD phí bảo hiểm P&I bằng ủy nhiệm chi. Vì vậy, Công ty M cũng có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng là xem xét thực hiện trách nhiệm bồi thường đối với tàu BC River.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 3 Điều 343, Điều 345 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

1. Chấp nhận Kháng nghị giám đốc thẩm số 23/2016/KN-KDTM ngày 08-8- 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

2. Hủy Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 147/2013/KDTM-PT ngày 12-8-2013 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và hủy Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 474/2013/KDTM-ST ngày 26-4- 2013 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án “Tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần vận tải công nghiệp tàu thủy B với bị đơn là Tổng Công ty cổ phần M.

3. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm đúng quy định của pháp luật.

NI DUNG ÁN LỆ

[6] Thực tế, ngày 17-10-2008, Công ty M Bình Định có Giấy ghi nợ về bảo hiểm thân tàu (thanh toán phí theo 04 đợt vào các ngày 20-10-2008, 20-01-2009, 20- 4-2009, 20-7-2009) và Giấy ghi nợ về bảo hiểm P&I (thanh toán phí trước ngày 20- 10-2008) đối với Công ty tàu thủy B. Đồng thời, ngày 08-01-2009, Công ty M được Công ty tàu thủy B thông báo về sự cố chìm tàu BC River trong phạm vi hoạt động được bảo hiểm, nhưng vẫn xuất hóa đơn đối với hai khoản phí bảo hiểm thân tàu và phí bảo hiểm P&I mà Công ty tàu thủy B đã nộp trong ngày 09-01-2009 và ngày 20- 01-2009. Và theo các đơn trình bày của Công ty M tại giai đoạn xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm cho thấy các hợp đồng nêu trên giữa Công ty M và Công ty tàu thủy B có thỏa thuận Công ty tàu thủy B phải trả lãi nếu chậm nộp phí bảo hiểm.

[7] Với các tài liệu, chứng cứ nêu trên, có cơ sở xác định các hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực mà không tự động chấm dứt khi Công ty tàu thủy B chưa thanh toán đầy đủ, đúng hạn phí bảo hiểm theo hợp đồng, bởi vì hợp đồng bảo hiểm chỉ chấm dứt theo quy định tại Điều 10 của hợp đồng khi có 01 bên thông báo cho bên kia 01 tháng trước ngày hủy hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực.Vì vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều xác định hợp đồng bảo hiểm chấm dứt kể từ ngày 30- 11-2008 do Công ty tàu thủy B không đóng đủ phí bảo hiểm trong thời gian gia hạn đóng phí là không có cơ sở. Hơn nữa, Công ty M cũng không có thông báo nào gửi cho Công ty tài chính H về việc chấm dứt hợp đồng theo thỏa thuận tại giấy đề nghị chuyển quyền thụ hưởng bảo hiểm (Công văn 409). Điều này thể hiện của bên bảo hiểm vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng.

[8] Ngoài ra, do Công ty M và Công ty tàu thủy B có thỏa thuận trả lãi nếu chậm nộp phí bảo hiểm, nên hiệu lực của bảo hiểm đối với thân tàu BC River và trách nhiệm dân sự P&I cũng không tự động chấm dứt khi Công ty tàu thủy B thanh toán không đúng hạn.”

Nguồn: https://anle.toaan.gov.vn