Thủ tục điều tra tai nạn lao động của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
16/05/2024 14:45 PM

Cho tôi hỏi việc điều tra tai nạn lao động của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở được thực hiện như thế nào? - Thành Khang (TPHCM)

Thủ tục Điều tra tai nạn lao động của Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở

Thủ tục điều tra tai nạn lao động của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở (hình ảnh từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thủ tục điều tra tai nạn lao động của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở

Theo Điều 13 Nghị định 39/2016/NĐ-CP thì Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở điều tra theo quy trình, thủ tục sau đây:

- Thu thập dấu vết, chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn lao động.

- Lấy lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.

Phụ lục VIII

- Đề nghị giám định kỹ thuật, giám định pháp y (nếu xét thấy cần thiết).

- Phân tích kết luận về: diễn biến, nguyên nhân gây ra tai nạn lao động; kết luận về vụ tai nạn lao động; mức độ vi phạm và đề nghị hình thức xử lý đối với người có lỗi trong vụ tai nạn lao động; các biện pháp khắc phục và phòng ngừa tai nạn lao động tương tự hoặc tái diễn.

- Lập Biên bản điều tra tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.

Phụ lục IX

- Tổ chức cuộc họp và lập Biên bản cuộc họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục XI kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.

Phụ lục XI

- Thành phần cuộc họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động bao gồm:

+ Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động;

+ Người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản;

+ Thành viên Đoàn điều tra tai nạn lao động;

+ Người bị nạn hoặc đại diện thân nhân người bị nạn, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn;

+ Đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập Công đoàn cơ sở.

- Thành viên dự họp có ý kiến không nhất trí với nội dung Biên bản điều tra tai nạn lao động thì được ghi ý kiến và ký tên vào Biên bản cuộc họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động, Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở gửi Biên bản điều tra tai nạn lao động, Biên bản cuộc họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động tới người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân người bị nạn; Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động có người bị nạn đặt trụ sở chính; Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi xảy ra tai nạn lao động.

2. Trình tự điều tra lại tai nạn lao động khi có khiếu nại, tố cáo

Theo Điều 17 Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định về việc điều tra lại tai nạn lao động khi có khiếu nại, tố cáo như sau:

- Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công bố biên bản Điều tra tai nạn lao động, nếu có khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật thì việc Điều tra lại tai nạn lao động thực hiện như sau:

+ Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, tố cáo, cơ quan thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền được quy định tại Luật Khiếu nại 2011, Luật Tố cáo 2011;

+ Trường hợp người khiếu nại, tố cáo không nhất trí với ý kiến trả lời của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết nêu tại điểm a, khoản 1 Điều 17 Nghị định 39/2016/NĐ-CP mà vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền điều tra theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động để tiến hành điều tra lại tai nạn lao động, đồng thời thông báo bằng văn bản kết quả điều tra lại cho người khiếu nại hoặc tố cáo biết; trường hợp không tiến hành điều tra lại thì phải nêu rõ lý do;

+ Cơ sở để xảy ra tai nạn và Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn lao động cho Đoàn điều tra lại tai nạn lao động cấp tỉnh;

+ Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn lao động cho Đoàn điều tra lại tai nạn lao động cấp trung ương;

+ Kết luận của Đoàn điều tra lại tai nạn lao động cấp trung ương là kết luận cuối cùng.

- Biên bản điều tra tai nạn lao động trước sẽ hết hiệu lực pháp lý khi biên bản điều tra lại được công bố.

Tô Quốc Trình

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 501

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn