Những trường hợp nào được giám định mức suy giảm khả năng lao động?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
16/02/2024 11:36 AM

Xin cho tôi hỏi những trường hợp nào được giám định mức suy giảm khả năng lao động? - Nhật Hào (Hà Giang)

Những trường hợp nào được giám định mức suy giảm khả năng lao động? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau: 

1. Những trường hợp nào được giám định mức suy giảm khả năng lao động?

Theo Điều 47 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về giám định mức suy giảm khả năng lao động như sau: 

- Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Sau khi bị thương tật, bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe;

+ Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định;

+ Đối với trường hợp thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.

- Người lao động được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Vừa bị tai nạn lao động vừa bị bệnh nghề nghiệp;

+ Bị tai nạn lao động nhiều lần;

+ Bị nhiều bệnh nghề nghiệp.

- Người lao động sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định được giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau 24 tháng, kể từ ngày người lao động được Hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động liền kề trước đó; trường hợp do tính chất của bệnh nghề nghiệp khiến người lao động suy giảm sức khỏe nhanh thì thời gian giám định được thực hiện sớm hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2. Những đơn vị nào thực hiện giám định tai nạn lao động?

Căn cứ theo Quyết định 2968/QĐ-BYT năm 2018, cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện quá trình giám định bao gồm:

- Hội đồng giám định Y khoa tỉnh.

- Hội đồng giám định Y khoa thuộc các Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải.

- Hội đồng giám định Y khoa Trung ương.

Các cơ quan này sẽ đảm bảo quy trình kiểm tra và đánh giá theo các tiêu chuẩn y tế cụ thể để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động của người bị tai nạn lao động.

3. Thủ tục thực hiện giám định thương tật lần đầu do tai nạn lao động như thế nào?

3.1 Trình tự thực hiện giám định thương tật lần đầu do tai nạn lao động

Bước 1: Người người lao động hoặc tổ chức sử dụng lao động gửi hồ sơ xin giám định cho Cơ quan thường trực của Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh

Bước 2: Căn cứ hồ sơ của đối tượng giám định, Cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa có trách nhiệm xem xét và tổ chức khám giám định theo đúng thời gian quy định của pháp luật

Trường hợp không khám giám định, trong thời gian 10 ngày làm việc, Hội đồng Giám định Y khoa cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu giám định biết trong đó nêu rõ lý do và chịu trách nhiệm về việc không tổ chức khám giám định của Hội đồng

Bước 3: Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ khi Hội đồng có kết luận, cơ quan thường trực Hội đồng Giám định y khoa có trách nhiệm phát hành Biên bản giám định y khoa.

3.2 Hồ sơ thực hiện giám định thương tật lần đầu do tai nạn lao động

Thành phần hồ sơ bao gồm:

- Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT đối với trường hợp người bị tai nạn lao động thuộc quyền quản lý của người sử dụng lao động tại thời điểm đề nghị khám giám định hoặc Giấy đề nghị khám giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT đối với người lao động tại thời điểm đề nghị khám giám định không còn thuộc quyền quản lý của người sử dụng lao động;

Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động
Giấy đề nghị khám giám định

- Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận thương tích do cơ sở y tế (nơi đã cấp cứu, điều trị cho người lao động) cấp theo mẫu quy định tại Quyết định 4069/2001/QĐ-BYT;

- Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Biên bản Điều tra tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư liên tịch 12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT;

- Giấy ra viện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án. Trường hợp người lao động không điều trị nội trú hoặc ngoại trú thì phải có giấy tờ về khám, điều trị thương tật phù hợp với thời điểm xảy ra tai nạn lao động và tổn thương đề nghị giám định.

Trường hợp người được giám định thuộc đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 47 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015: Trong bản tóm tắt hồ sơ bệnh án phải ghi rõ tổn thương do tai nạn lao động không có khả năng điều trị ổn định.

- Một trong các giấy tờ có ảnh sau đây: Chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu còn hiệu lực. Trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì phải có Giấy xác nhận của Công an cấp xã có dán ảnh, đóng giáp lai trên ảnh và được cấp trong thời gian không quá 03 tháng tính đến thời điểm đề nghị khám giám định.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 683

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn