Từ 01/7, có còn trả lương cao hơn 7% lương tối thiểu cho NLĐ đã qua đào tạo? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, Luật sư Hồ Quang Khánh - Công ty Luật TNHH HK & Gia Luật có ý kiến như sau:
Theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, trong đó quy định: Mức lương trả cho người lao động đã qua học nghề hoặc đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% mức lương tối thiểu vùng tương ứng.
Ngày 12/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định về “Mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động”. Nghị định trên có hiệu lực từ ngày 01/7/2022, thay thế cho Nghị định 90/2019/NĐ-CP.
Tuy nhiên, Nghị định này không quy định nội dung giống như tại mục b, khoản 1, điều 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP (như trích dẫn bên trên) nữa.
Như vậy, kể từ ngày 01/7/2022, quy định này được xem là đã được bãi bỏ, không phải là yếu tố bắt buộc đối với người sử dụng lao động như trước kia nữa.
Tuy nhiên, ngày 17/6/2022, Bộ LĐTB&XH cùng Tổng LĐLĐ Việt Nam thống nhất ban hành Công văn 2086/BLĐTBXH – TLĐLĐVN về triển khai Nghị định 38/2022/NĐ-CP về lương tối thiểu.
Tại mục b, khoản 1.1, điều 1 Công văn hướng dẫn như sau: “…Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, theo đó, các nội dung đã thực hiện trong đó có chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu thì tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật lao động”.
Quy định này được hiểu như sau:
Nếu trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác giữa người lao động và người sử dụng lao động trước thời điểm 01/7/2022, có ghi nhận về việc người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải trả cao hơn ít nhất 7% lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua học nghề hoặc đào tạo nghề và trên thực tế đã áp dụng điều này trên bảng lương trả cho người lao động, thì phải tiếp tục thực hiện quy định này, trừ khi có thỏa thuận khác.
Ví dụ: Sau ngày 01/7/2022, người lao động và người sử dụng lao động thống nhất bỏ quy định này đi …
Còn nếu trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác giữa người lao động và người sử dụng lao động trước thời điểm 01/7/2022, không ghi nhận về việc người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải trả cao hơn ít nhất 7% lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua học nghề hoặc đào tạo nghề và trên thực tế đã không áp dụng điều này trên bảng lương trả cho người lao động thì:
Không bị ràng buộc bởi quy định này nữa, nghĩa là có quyền trả lương cho nhóm lao động này mức nào cũng được, miễn không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định.
Khi có hiệu lực, quy định này góp phần “giải phóng” một phần nghĩa vụ trong khâu trả lương của người sử dụng lao động đối với người lao động so với quy định trước kia.
Về phía cơ quan nhà nước, Phòng Lao động các quận, huyện tại TPHCM sẽ cập nhật và áp dụng nội dung trên đối với Thang bảng lương đăng ký thay đổi và đặc biệt là đăng ký mới của doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, nhân sự làm trong bộ phận HCNS và Kế toán cũng cần lưu ý để điều chỉnh hoặc thiết lập mới Thang bảng lương, mức lương ghi nhận trong hợp đồng lao động, phù hợp với quy định mới.
Có thể thấy cách quy định trên “khá khó hiểu” đối với đại đa số người không nắm kiến thức chuyên sâu về luật nhưng đây lại là một trong những “ kiểu dẫn giải đặc thù” trong hệ thống pháp luật Việt Nam, và nó hoàn toàn logic, khoa học.