3 chính sách về công chức, viên chức có hiệu lực từ tháng 5/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
08/05/2024 08:48 AM

Cho tôi hỏi, có những chính sách về công chức, viên chức nào bắt đầu có hiệu lực từ tháng 5/2024? - Anh Tiên (Hải Phòng).

3 chính sách về công chức, viên chức có hiệu lực từ tháng 5/2024

3 chính sách về công chức, viên chức có hiệu lực từ tháng 5/2024 (Hình từ internet)

3 chính sách về công chức, viên chức có hiệu lực từ tháng 5/2024

Trong tháng 5/2024, những chính sách về công chức, viên chức có hiệu lực được quy định tại các văn bản sau đây:

- Thứ nhất là Nghị định 29/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2024.

- Thứ hai là Thông tư 02/2024/TT-BTP ngày 03/4/2024 quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 18/5/2024.

- Thứ ba là Thông tư 04/2024/TT-BGDĐT ngày 29/3/2024 hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm công lập có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2024.

1. Tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật của chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước

Điều 5 Nghị định 29/2024/NĐ-CP quy định các tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật như sau:

- Có phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực; lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị; có tinh thần cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; không tham nhũng, vụ lợi; không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.

- Có trách nhiệm cao với công việc.

- Có tinh thần đoàn kết, gương mẫu; có khả năng sử dụng, trọng dụng người có tài năng, hướng dẫn, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công chức, viên chức, người lao động.

- Tích cực đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lối sống cơ hội, bè phái, lợi ích nhóm.

- Tuân thủ và thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức, kỷ luật, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; thực hiện các quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác; báo cáo đầy đủ, trung thực với cấp trên; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, khách quan khi có yêu cầu; thực hiện việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập theo quy định.

2. Tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành thi hành án dân sự

Điều 4 Thông tư 02/2024/TT-BTP quy định về những tiêu chuẩn chung như sau:

- Có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng; trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân.

- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công chức theo quy định của pháp luật; nghiêm túc chấp hành sự phân công nhiệm vụ của cấp trên; tuân thủ pháp luật, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, trật tự hành chính; gương mẫu thực hiện nội quy, quy chế của cơ quan.

- Tận tụy, trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan, công tâm và gương mẫu trong thực thi công vụ; lịch sự, văn hóa và chuẩn mực trong giao tiếp, phục vụ nhân dân.

- Có lối sống và sinh hoạt lành mạnh, khiêm tốn, đoàn kết; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không lợi dụng việc công để mưu cầu lợi ích cá nhân; không quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

- Thường xuyên có ý thức học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, trình độ, năng lực.

- Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Công chức được đăng ký dự thi nâng ngạch, xét nâng ngạch phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Chính phủ.

3. Nguyên tắc, căn cứ xác định vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm công lập

Điều 4 Thông tư 04/2024/TT-BGDĐT quy định các nguyên tắc, căn cứ xác định vị trí việc làm như sau:

- Nguyên tắc xác định vị trí việc làm

+ Bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục;

+ Bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây viết tắt là Nghị định 106/2020/NĐ-CP);

+ Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo gắn với cơ cấu tổ chức, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng của các cơ sở giáo dục;

+ Mỗi vị trí việc làm phải có bản mô tả vị trí việc làm, khung năng lực và gắn với chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc hạng chức danh nghề nghiệp viên chức;

+ Đảm bảo hiệu quả, thu gọn đầu mối, thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ viên chức và giảm chi phí ngân sách nhà nước khi xác định vị trí việc làm theo chức danh nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục.

- Căn cứ xác định vị trí việc làm

Căn cứ xác định vị trí việc làm thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 106/2020/NĐ-CP.

Nguyễn Minh Khôi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,314

Bài viết về

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực năm 2024

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn