Giao dịch BĐS ngầm sẽ bị coi là rửa tiền

19/08/2011 17:38 PM

Bộ Xây dựng vừa công bố lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Thông tư về phòng, chống rửa tiền đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. Thời hạn lấy ý kiến đến hết ngày 20/9/2011.

Theo đó, thông tư quy định rõ 10 loại giao dịch đáng ngờ và báo cáo giao dịch đáng ngờ có liên quan đến hoạt động rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản. Cụ thể như: các giao dịch không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc một giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính. Doanh số giao dịch trên tài khoản không phù hợp với tình trạng tài chính hoặc với thông tin và hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng cũng như có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản của khách hàng.

Thông tư cũng lưu ý đến các giao dịch được tiến hành bởi một khách hàng có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp đã đăng tải trên các phương tiện truyền thông hoặc có trong danh sách cảnh báo do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp.

Hồ sơ giao dịch hoặc hồ sơ về bất động sản có dấu hiệu giả mạo (ví dụ: con dấu giả, chữ ký giả, chứng minh thư giả, hộ chiếu giả, địa chỉ bất động sản không đúng thực tế...); Các giao dịch bất động sản là giao dịch ủy quyền nhưng không có cơ sở pháp lý.

Thông tư cũng nêu rõ, giao dịch sẽ bị coi là rửa tiền nếu trong giao dịch bất động sản mà địa chỉ của các bên tham gia giao dịch không chính xác (ví dụ như: ghi địa chỉ tại quận B, tỉnh A nhưng trên thực tế tỉnh A không có quận B...) và có thay đổi địa chỉ so với những lần giao dịch trước. Thông tin về cùng một khách hàng được khai báo khác nhau trong các lần giao dịch khác nhau. Hoặc, khách hàng tỏ ra không quan tâm đến giá cả bất động sản, phí giao dịch phải trả.

Các trường hợp khách hàng giao dịch không có ủy quyền nhưng không cung cấp được các thông tin liên quan tới bất động sản, không muốn cung cấp bổ sung thông tin về nhân thân; Giá cả thỏa thuận giữa các bên giao dịch không phù hợp giá cả thị trường; Tổ chức báo cáo tự bổ sung và nhận biết các dấu hiệu đáng ngờ của các giao dịch bất động sản cũng sẽ bị coi là hoạt động rửa tiền.

Bộ Xây dựng yêu cầu, khi các tổ chức, cá nhân phát hiện các giao dịch có dấu hiệu trên phải báo cáo cho Cục phòng, chống rửa tiền Việt Nam; Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng). Thời hạn báo cáo là 48 giờ kể từ thời điểm phát hiện dấu hiệu đáng ngờ.

Riêng trường hợp phát hiện giao dịch có liên quan tới hoạt động tội phạm, thông tư quy định rõ, thời hạn báo cáo là 24 giờ.

Sở Xây dựng các địa phương phải có trách nhiệm lập báo cáo tổng hợp về hoạt động phòng, chống rửa tiền đã thực hiện trong năm tại địa phương và gửi về Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản trước ngày 31/12.

Dấu hiệu nhận biết đối tượng khách hàng rửa tiền

Khách hàng thiết lập mối quan hệ lần đầu với tổ chức báo cáo; Khách hàng thực hiện số lượng giao dịch bất động sản từ 2 giao dịch trở lên trong 1 ngày; khách hàng mua, bán từ 2 bất động sản trở lên trong một lần (kể cả khách hàng mua và bán bất động sản); Các trường hợp Tổ chức báo cáo xem xét hồ sơ về bất động sản, hồ sơ về dự án bất động sản, hồ sơ về khách hàng thấy có nghi ngờ về tính trung thực của hồ sơ; Khách hàng thực hiện các giao dịch bất động sản bằng tiền mặt có giá trị lớn; Khách hàng thực hiện các giao dịch đáng ngờ

DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,101

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn