BỘ CÔNG THƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 04/2021/TT-BCT
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 7 năm 2021
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH VỀ THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM CÁC
CÔNG VIỆC TRONG HẦM LÒ
Căn cứ Điều
116 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng
11 năm 2019;
Căn cứ Điều
68 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy
định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về điều kiện
lao động và quan hệ lao động;
Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công
Thương;
Theo đề nghị của Vụ
trưởng Vụ Tổ chức cán bộ sau khi thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội;
Bộ trưởng Bộ Công
Thương ban hành Thông tư quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối
với người lao động làm các công việc trong hầm lò.
Chương
I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về
thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc
trong hầm lò.
Điều
2. Đối tượng áp dụng
1. Đối tượng áp dụng:
a. Người sử dụng lao động
là tổ chức, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực
khai thác than, khoáng sản bằng phương pháp hầm lò.
b. Người lao động làm việc trong hầm lò tại các
công trình khai thác mỏ hầm lò.
2. Thông tư này không áp
dụng đối với người lao động làm việc tại các mỏ hầm lò nhưng không làm các công
việc trong hầm lò.
Điều
3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ
ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Ca làm việc của người
lao động trong hầm lò là khoảng thời gian từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ tại nhà
giao ca cho đến khi trở lại sân công nghiệp trên mặt bằng mỏ sau khi kết thúc
công việc, bao gồm: thời gian nhận nhiệm vụ, thời gian di chuyển từ nhà giao ca
đến vị trí sản xuất và trở lại sân công nghiệp trên mặt bằng mỏ (bao gồm cả khoảng
thời gian người lao động di chuyển từ cửa lò đến vị trí sản xuất được giao nhiệm
vụ trong hầm lò và ngược lại) và thời giờ làm việc của người lao động tại vị
trí sản xuất trong hầm lò.
2. Thời giờ làm việc của
người lao động tại vị trí sản xuất trong hầm lò là khoảng thời gian người lao động
trực tiếp làm nhiệm vụ được giao tại vị trí sản xuất trong hầm lò đến khi kết
thúc công việc tại vị trí làm việc, bao gồm cả thời gian nghỉ trong giờ làm việc.
3. Công việc trong hầm lò
là tất cả các công việc phục vụ cho việc khai thác mỏ hầm lò tính từ cửa lò đến
vị trí sản xuất trong hầm lò và ngược lại.
Chương II
THỜI GIỜ LÀM
VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG HẦM LÒ
Điều
4. Thời giờ làm việc
1. Ca làm việc của người
lao động trong hầm lò không quá 9,5 giờ trong 01 ngày.
2. Thời giờ làm việc của
người lao động tại vị trí sản xuất trong hầm lò không quá 07 giờ trong 01 ngày
và không quá 42 giờ trong 01 tuần.
Điều
5. Làm thêm giờ
1. Thời gian làm thêm giờ
là khoảng thời gian làm việc ngoài ca làm việc quy định tại khoản 1 Điều 4
Thông tư này.
2. Bảo đảm tổng số giờ
làm việc của ca làm việc và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; số
giờ làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm.
3. Việc tổ chức làm thêm
giờ phải được sự đồng ý của người lao động và tuân thủ quy định tại Điều 59 và Điều 62 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
4. Việc tổ chức làm thêm
giờ trong trường hợp đặc biệt tuân thủ quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động.
Điều
6. Nghỉ trong giờ làm việc
Nghỉ trong giờ làm việc
tuân thủ quy định tại Điều 109 Bộ luật Lao động.
Điều 7.
Nghỉ chuyển ca; Nghỉ hằng tuần; Nghỉ lễ, tết; Nghỉ hàng năm; Nghỉ việc riêng,
nghỉ không hưởng lương
Tuân thủ theo quy định tại
Điều 110, Điều 111, Điều 112, Điều 113, Điều
115 Bộ luật Lao động.
Chương
III
ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Điều 8.
Trách nhiệm của người sử dụng lao động
1. Quy định cụ thể ca làm
việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của các công việc trong hầm lò tại
nội quy lao động và thông báo cho người lao động theo quy định của pháp luật.
2. Hàng năm, báo cáo Bộ
Công Thương theo định kỳ trước ngày 15 tháng 01 và báo cáo đột xuất trong trường
hợp có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về tình hình thực hiện các quy định tại
Thông tư này.
Điều
9. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2021.
2. Vụ Tổ chức cán bộ có
trách nhiệm giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện các quy định tại Thông tư
này.
3. Trong quá trình thực
hiện, nếu có gì vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Công Thương để
xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các Đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Tập đoàn kinh tế và các Tổng công ty hạng đặc biệt;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp);
- Cộng báo; Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, TCCB (Cuongdt).
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Hồng Diên
|