BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2020/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 15 tháng 09 năm 2020

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ, TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG VÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG CÓ NHIỀU CẤP HỌC

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư Ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2020.

Thông tư này thay thế Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông về trường phổ thông có nhiều cấp học.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội;
- Hội đồng quốc gia giáo dục;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Kiểm toán nhà nước;
- Website Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ GD&ĐT;
- Lưu VT, Vụ PC, Vụ GDTrH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hữu Độ

 

ĐIỀU LỆ

TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ, TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG VÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG CÓ NHIỀU CẤP HỌC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Điều lệ này quy định về tổ chức và hoạt động trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, bao gồm: tổ chức và quản lý nhà trường; tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường; nhiệm vụ và quyền của giáo viên, nhân viên; nhiệm vụ và quyền của học sinh; tài sản và tài chính của nhà trường; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

2. Điều lệ này áp dụng cho trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (sau đây gọi chung là trường trung học), tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 2. Vị trí của trường trung học trong hệ thống giáo dục quốc dân

Trường trung học là cơ sở giáo dục phổ thông của hệ thống giáo dục quốc dân. Trường có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng.

Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn của trường trung học

1. Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển nhà trường gắn với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; xác định tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị cốt lõi về giáo dục, văn hóa, lịch sử và truyền thống của nhà trường.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường theo chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Phối hợp với gia đình học sinh, tổ chức và cá nhân trong tổ chức các hoạt động giáo dục.

3. Tuyển sinh và tiếp nhận học sinh, quản lý học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục trong phạm vi được phân công.

5. Tổ chức cho giáo viên, nhân viên, học sinh tham gia các hoạt động xã hội.

6. Quản lý giáo viên, nhân viên theo quy định của pháp luật.

7. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực cho hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật.

8. Quản lý, sử dụng và bảo quản cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định của pháp luật.

9. Thực hiện các hoạt động về bảo đảm chất lượng giáo dục, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

10. Thực hiện công khai về cam kết chất lượng giáo dục, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và thu, chi tài chính theo quy định của pháp luật.

11. Thực hiện dân chủ, trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục trong quản lý các hoạt động giáo dục; bảo đảm việc tham gia của học sinh, gia đình và xã hội trong quản lý các hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật.

12. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Loại hình và hệ thống trường trung học

1. Trường trung học được tổ chức theo hai loại hình: công lập và tư thục.

a) Trường trung học công lập do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập và trực tiếp quản lý. Nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí cho chi thường xuyên của trường trung học công lập chủ yếu do ngân sách nhà nước bảo đảm.

b) Trường trung học tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động, được thành lập theo quy định của pháp luật. Nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động của trường trung học tư thục là nguồn ngoài ngân sách nhà nước.

2. Trường trung học có một cấp học:

a) Trường trung học cơ sở.

b) Trường trung học phổ thông.

3. Trường phổ thông có nhiều cấp học:

a) Trường tiểu học và trung học cơ sở.

b) Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.

c) Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

4. Trường chuyên biệt và cơ sở giáo dục khác:

a) Trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú.

b) Trường trung học phổ thông chuyên, trường năng khiếu.

c) Trường, lớp dành cho người khuyết tật.

d) Trường giáo dưỡng.

đ) Cơ sở giáo dục khác.

Điều 5. Tên trường, biển tên trường

1. Việc đặt tên trường được quy định như sau:

a) Tên trường: Trường trung học cơ sở (hoặc: trung học phổ thông; tiểu học và trung học cơ sở; trung học cơ sở và trung học phổ thông; tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; trung học phổ thông chuyên) + tên riêng của trường.

b) Việc đặt tên riêng của trường phải bảo đảm rõ ràng, minh bạch, không gây hiểu sai về tổ chức và hoạt động của nhà trường; phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

2. Tên trường được ghi trên quyết định thành lập trường, con dấu của trường, biển tên trường và giấy tờ giao dịch.

3. Biển tên trường ghi những nội dung sau:

a) Góc phía trên, bên trái:

- Đối với trường trung học có cấp học cao nhất là cấp trung học cơ sở:

Dòng thứ nhất: Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) và tên huyện;

Dòng thứ hai: Phòng Giáo dục và Đào tạo.

- Đối với trường trung học có cấp trung học phổ thông:

Dòng thứ nhất: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và tên tỉnh;

Dòng thứ hai: Sở Giáo dục và Đào tạo.

b) Ở giữa ghi tên trường theo quy định tại khoản 1 Điều này.

c) Dưới cùng là địa chỉ, số điện thoại, email, website (nếu có) của nhà trường.

4. Tên trường và biển tên trường của trường chuyên biệt có quy chế tổ chức và hoạt động riêng thì thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của loại trường chuyên biệt đó.

Điều 6. Phân cấp quản lý

1. Trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập, Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý.

2. Trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng nội dung phối hợp quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục có liên quan của trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông.

3. Trường chuyên biệt có quy chế tổ chức và hoạt động riêng thì thực hiện phân cấp quản lý theo quy chế tổ chức và hoạt động của loại trường chuyên biệt đó.

Điều 7. Tổ chức, hoạt động của trường trung học có cấp tiểu học, trường chuyên biệt và trường trung học tư thục

1. Trường trung học có cấp tiểu học tuân theo các quy định của Điều lệ này và Điều lệ trường tiểu học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

2. Trường chuyên biệt, trường trung học tư thục quy định tại Điều 4 của Điều lệ này tuân theo các quy định của Điều lệ này và quy chế tổ chức và hoạt động của trường chuyên biệt, trường trung học tư thục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Chương II

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ NHÀ TRƯỜNG

Điều 8. Điều kiện, thủ tục thành lập; điều kiện hoạt động giáo dục; sáp nhập, chia, tách; đình chỉ hoạt động; giải thể trường trung học và các cơ sở giáo dục khác

1. Điều kiện, thủ tục thành lập trường trung học công lập, cho phép thành lập trường trung học tư thục; điều kiện, thủ tục để trường trung học được hoạt động giáo dục; sáp nhập, chia, tách trường trung học; đình chỉ hoạt động giáo dục đối với trường trung học; giải thể trường trung học thực hiện theo quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục của Chính phủ.

2. Điều kiện, thủ tục để cơ sở giáo dục khác được thực hiện chương trình giáo dục phổ thông; đình chỉ, thu hồi quyết định cho phép cơ sở giáo dục khác được thực hiện chương trình giáo dục phổ thông thực hiện theo quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục của Chính phủ.

Điều 9. Cơ cấu tổ chức của trường trung học

Cơ cấu tổ chức trường trung học gồm: hội đồng trường; hiệu trưởng và phó hiệu trưởng; hội đồng thi đua khen thưởng; hội đồng kỷ luật; hội đồng tư vấn; tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam; tổ chức Công đoàn; tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; các tổ chuyên môn; tổ văn phòng; lớp học; tổ phục vụ các hoạt động giáo dục đặc thù của trường chuyên biệt.

Điều 10. Hội đồng trường

1. Hội đồng trường của trường trung học công lập:

a) Hội đồng trường của trường trung học công lập là tổ chức quản trị nhà trường, thực hiện quyền đại diện sở hữu của nhà trường và các bên có lợi ích liên quan, chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục.

b) Thành phần của hội đồng trường trung học công lập gồm: bí thư cấp ủy; hiệu trưởng; chủ tịch Công đoàn; bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; đại diện tổ chuyên môn, tổ văn phòng; đại diện chính quyền địa phương, Ban đại diện cha mẹ học sinh và đại diện học sinh.

Hội đồng trường có chủ tịch, thư ký và các thành viên, số lượng thành viên của hội đồng trường là số lẻ, ít nhất là 07 người, nhiều nhất là 15 người. Nhiệm kỳ của hội đồng trường là 05 năm.

c) Nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường trung học công lập: Quyết định về chiến lược, tầm nhìn, kế hoạch, mục tiêu phát triển nhà trường, các dự án trong từng giai đoạn và từng năm học; quyết định về quy chế hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; quyết định về chủ trương sử dụng tài chính, tài sản của nhà trường; phê duyệt kế hoạch giáo dục của nhà trường; giám sát hoạt động tuyển sinh và việc tổ chức thực hiện các hoạt động theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; giám sát việc thực hiện các quyết định của hội đồng trường và việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của nhà trường; giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực của nhà trường theo quy định của pháp luật.

d) Hoạt động của hội đồng trường trung học công lập:

Hội đồng trường hợp thường kỳ ít nhất 03 lần trong một năm. Trong trường hợp cần thiết, khi hiệu trưởng hoặc ít nhất một phần ba số thành viên hội đồng trường đề nghị, chủ tịch hội đồng trường có quyền triệu tập phiên họp bất thường để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và quyền của nhà trường. Hội đồng trường có thể họp bằng hình thức xin ý kiến bằng văn bản. Hội đồng trường được mời đại diện các thành phần khác tham dự cuộc họp của hội đồng trường khi cần thiết. Phiên họp hội đồng trường được công nhận là hợp lệ khi có mặt từ ba phần tư số thành viên của hội đồng trở lên (trong đó có chủ tịch hội đồng trường). Quyết định của hội đồng trường được thông qua và có hiệu lực khi được ít nhất hai phần ba số thành viên có mặt nhất trí. Quyết định của hội đồng trường được công bố công khai.

đ) Thủ tục thành lập Hội đồng trường trung học công lập:

Căn cứ vào quy định về thành phần của hội đồng trường tại điểm b khoản 1 Điều này, hiệu trưởng đề nghị chính quyền địa phương cử đại diện tham gia hội đồng trường; tổng hợp danh sách hội đồng trường do chính quyền địa phương, tập thể giáo viên và các tổ chức, đoàn thể nhà trường giới thiệu; làm tờ trình đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với cấp trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh, trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện có cấp trung học phổ thông) ra quyết định công nhận hội đồng trường.

Hiệu trưởng tổ chức phiên họp đầu tiên của hội đồng trường để bầu chủ tịch hội đồng trường bằng phiếu kín; làm tờ trình đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với cấp trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh, trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện có cấp trung học phổ thông) ra quyết định công nhận chủ tịch hội đồng trường. Thư ký hội đồng trường do chủ tịch hội đồng trường chỉ định.

e) Hằng năm, nếu có sự thay đổi về nhân sự, hiệu trưởng làm tờ trình đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với cấp trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh, trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện có cấp trung học phổ thông) ra quyết định bổ sung, kiện toàn hội đồng trường.

2. Hội đồng trường của trường trung học tư thục:

a) Hội đồng trường của trường trung học tư thục là tổ chức quản trị nhà trường, thực hiện quyền đại diện cho nhà đầu tư và các bên có lợi ích liên quan, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định của nhà đầu tư.

b) Thành phần của hội đồng trường gồm đại diện nhà đầu tư, thành viên trong và ngoài trường do hội nghị nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp.

Thành phần của hội đồng trường của trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận gồm đại diện nhà đầu tư do các nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp; thành viên trong và ngoài trường. Thành viên trong trường gồm các thành viên đương nhiên là bí thư cấp ủy, hiệu trưởng, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; thành viên bầu là đại diện giáo viên, nhân viên do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu. Thành viên ngoài trường gồm đại diện lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, doanh nhân, cựu học sinh do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu.

c) Nhiệm vụ, quyền hạn, thủ tục thành lập và hoạt động của hội đồng trường đối với trường trung học tư thục được thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học tư thục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Điều 11. Hiệu trưởng và phó hiệu trưởng

1. Hiệu trưởng

a) Hiệu trưởng trường trung học là người chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý, điều hành các hoạt động và chất lượng giáo dục của nhà trường.

b) Người được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường trung học đối với trường trung học công lập hoặc công nhận làm hiệu trưởng trường trung học đối với trường trung học tư thục phải đạt tiêu chuẩn quy định tại khoản 3 Điều này và theo quy định của pháp luật.

c) Nhiệm kỳ của hiệu trưởng trường trung học là 05 năm. Sau mỗi năm học, hiệu trưởng được viên chức, nhân viên trong trường góp ý và cấp có thẩm quyền đánh giá theo quy định. Hiệu trưởng công tác tại một trường trung học công lập không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

d) Nhiệm vụ và quyền của hiệu trưởng:

- Xây dựng, tổ chức bộ máy nhà trường theo quy định tại Điều 9 Điều lệ này; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó; tổ chức thành lập hội đồng trường theo quy định tại điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 10 Điều lệ này;

- Tổ chức xây dựng chiến lược, tầm nhìn, mục tiêu, quy hoạch phát triển nhà trường; quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường; kế hoạch giáo dục hằng năm của nhà trường để trình hội đồng trường phê duyệt và tổ chức thực hiện;

- Thực hiện các quyết định hoặc kết luận của hội đồng trường về những nội dung được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 Điều lệ này. Trường hợp hiệu trưởng không nhất trí với quyết định của hội đồng trường cần xin ý kiến cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp của nhà trường. Trong thời gian chờ ý kiến của cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp, hiệu trưởng vẫn phải thực hiện theo quyết định của hội đồng trường đối với các vấn đề không trái với quy định của pháp luật hiện hành và Điều lệ này;

- Báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường và các quyết định của hội đồng trường trước hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền;

- Thực hiện tuyển dụng, quản lý giáo viên, nhân viên; ký hợp đồng lao động, tiếp nhận, điều động giáo viên, nhân viên; quản lý chuyên môn; phân công công tác, kiểm tra, đánh giá xếp loại giáo viên, nhân viên; thực hiện công tác khen thưởng, kỷ luật đối với giáo viên, nhân viên theo quy định của pháp luật;

- Quản lý học sinh và các hoạt động của học sinh do nhà trường tổ chức; xét duyệt kết quả đánh giá, xếp loại học sinh, ký xác nhận học bạ, ký xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học cho học sinh tiểu học (nếu có) của trường phổ thông có nhiều cấp học, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh trung học phổ thông (nếu có) và quyết định khen thưởng, kỷ luật học sinh;

- Quản lý tài chính và tài sản của nhà trường;

- Thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước đối với giáo viên, nhân viên, học sinh; thực hiện quy chế dân chủ, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong tổ chức hoạt động của nhà trường; thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục của nhà trường;

- Chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động; thực hiện công khai đối với nhà trường và xã hội theo quy định của pháp luật;

- Tham gia sinh hoạt cùng tổ chuyên môn; tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý; được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo và các chính sách ưu đãi theo quy định; tham gia dạy học theo quy định về định mức giờ dạy đối với hiệu trưởng;

- Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

2. Phó hiệu trưởng

a) Chịu trách nhiệm quản lý, điều hành công việc do hiệu trưởng phân công; điều hành hoạt động của nhà trường khi được hiệu trưởng ủy quyền.

b) Người được bổ nhiệm hoặc công nhận làm phó hiệu trưởng trường trung học phải đạt tiêu chuẩn quy định tại khoản 3 Điều này và theo quy định của pháp luật.

c) Nhiệm kỳ của phó hiệu trưởng trường trung học là 05 năm. Sau mỗi năm học phó hiệu trưởng được viên chức, người lao động trong trường góp ý và cấp có thẩm quyền đánh giá theo quy định.

d) Nhiệm vụ và quyền của phó hiệu trưởng

- Điều hành công việc được hiệu trưởng phân công phụ trách hoặc ủy quyền;

- Tham gia sinh hoạt cùng tổ chuyên môn; tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý; được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo và các chính sách ưu đãi theo quy định; tham gia dạy học theo quy định về định mức giờ dạy đối với phó hiệu trưởng;

- Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

3. Tiêu chuẩn của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung học

a) Về trình độ đào tạo và thời gian công tác: phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp học, đạt trình độ chuẩn được đào tạo ở cấp học cao nhất đối với trường phổ thông có nhiều cấp học và đã dạy học ít nhất 05 năm (hoặc 04 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) ở cấp học đó.

b) Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung học phải đạt tiêu chuẩn quy định tại chuẩn hiệu trưởng trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học theo quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

4. Thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung học

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định bổ nhiệm hoặc công nhận hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đối với trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định bổ nhiệm hoặc công nhận hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đối với trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông.

b) Quy trình bổ nhiệm, công nhận, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được thực hiện theo quy định của pháp luật.

c) Người có thẩm quyền bổ nhiệm thì có quyền bổ nhiệm lại, miễn nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung học.

Điều 12. Các hội đồng khác trong nhà trường

1. Hội đồng thi đua và khen thưởng

Hội đồng thi đua khen thưởng được thành lập vào đầu mỗi năm học để giúp hiệu trưởng tổ chức các phong trào thi đua, đề nghị danh sách khen thưởng đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường. Hội đồng thi đua khen thưởng do hiệu trưởng thành lập và làm chủ tịch. Các thành viên của hội đồng thi đua khen thưởng gồm: bí thư cấp ủy, phó hiệu trưởng, đại diện hội đồng trường, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (nếu có), tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (nếu có), tổ trưởng tổ chuyên môn, tổ trưởng tổ văn phòng và các giáo viên chủ nhiệm lớp.

2. Hội đồng kỷ luật

a) Hội đồng kỷ luật học sinh được thành lập để xét hoặc xóa kỷ luật đối với học sinh theo từng vụ việc. Hội đồng kỷ luật học sinh do hiệu trưởng quyết định thành lập và làm chủ tịch. Các thành viên của hội đồng gồm: phó hiệu trưởng, bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (nếu có), tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (nếu có), giáo viên chủ nhiệm lớp có học sinh vi phạm, một số giáo viên có kinh nghiệm giáo dục và trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của trường.

b) Hội đồng kỷ luật cán bộ, giáo viên, nhân viên được thành lập để xét và đề nghị xử lý kỷ luật đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên theo từng vụ việc. Việc thành lập, thành phần và hoạt động của hội đồng kỷ luật cán bộ, giáo viên, nhân viên được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Hội đồng tư vấn

Các hội đồng tư vấn do hiệu trưởng thành lập theo yêu cầu cụ thể của từng công việc. Nhiệm vụ, thành phần và thời gian hoạt động của các hội đồng tư vấn do hiệu trưởng quy định.

Điều 13. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam và các đoàn thể trong nhà trường

1. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhà trường lãnh đạo về mọi mặt đối với nhà trường và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

2. Công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và các tổ chức xã hội khác trong nhà trường hoạt động theo quy định của pháp luật nhằm giúp nhà trường thực hiện mục tiêu, nguyên lý giáo dục.

Điều 14. Tổ chuyên môn

1. Cán bộ quản lý, giáo viên, viên chức làm công tác thư viện, thiết bị giáo dục, cán bộ làm công tác tư vấn cho học sinh của nhà trường được tổ chức thành các tổ chuyên môn. Tổ chuyên môn có tổ trưởng, nếu có từ 07 thành viên trở lên thì có tổ phó. Tổ trưởng, tổ phó tổ chuyên môn do hiệu trưởng bổ nhiệm, chịu sự quản lý, chỉ đạo của hiệu trưởng.

2. Tổ chuyên môn có những nhiệm vụ sau:

a) Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục thuộc chuyên môn phụ trách theo tuần, tháng, học kỳ, năm học; phối hợp với các tổ chuyên môn khác xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.

b) Đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, xuất bản phẩm tham khảo để sử dụng trong nhà trường theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

c) Thực hiện kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn theo kế hoạch giáo dục của nhà trường đã được hội đồng trường phê duyệt.

d) Tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

đ) Tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch của tổ chuyên môn và của nhà trường.

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.

3. Tổ chuyên môn tổ chức sinh hoạt chuyên môn ít nhất 01 lần trong 02 tuần và có thể họp đột xuất theo yêu cầu công việc hoặc khi hiệu trưởng yêu cầu. Tổ chuyên môn hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tôn trọng, chia sẻ, học tập, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên để phát triển năng lực chuyên môn.

Điều 15. Tổ Văn phòng

1. Mỗi trường trung học có một tổ văn phòng gồm nhân viên thực hiện công tác văn thư, kế toán, thủ quỹ, y tế trường học, bảo vệ và các công tác khác. Tổ văn phòng có tổ trưởng, tổ phó (nếu có).

2. Nhiệm vụ của tổ văn phòng:

a) Căn cứ kế hoạch giáo dục của nhà trường, xây dựng, giải trình và quyết định kế hoạch hoạt động của tổ văn phòng theo tuần, tháng, học kỳ, năm học.

b) Giúp hiệu trưởng thực hiện công tác văn thư, nhiệm vụ quản lý tài chính, tài sản, thống kê và bảo vệ trong nhà trường theo quy định.

c) Tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch của tổ văn phòng và của nhà trường.

d) Tham gia đánh giá, xếp loại viên chức, người lao động.

đ) Quản lý, lưu trữ hồ sơ của trường.

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác khi hiệu trưởng phân công.

3. Tổ văn phòng sinh hoạt ít nhất 01 lần trong 01 tháng và có thể họp đột xuất theo yêu cầu công việc hoặc khi hiệu trưởng yêu cầu. Tổ văn phòng hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tôn trọng, chia sẻ, học tập, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên để phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

Điều 16. Lớp học

1. Học sinh được tổ chức theo lớp học. Mỗi lớp học có lớp trưởng và các lớp phó do học sinh ứng cử hoặc giáo viên chủ nhiệm giới thiệu, được học sinh trong lớp bầu chọn vào đầu mỗi năm học hoặc sau mỗi học kỳ. Mỗi lớp học được chia thành nhiều tổ học sinh; mỗi tổ học sinh có tổ trưởng và tổ phó do học sinh ứng cử hoặc giáo viên chủ nhiệm giới thiệu, được học sinh trong tổ bầu chọn vào đầu mỗi năm học hoặc sau mỗi học kỳ.

2. Hoạt động của lớp học bảo đảm tính dân chủ, tự quản, hợp tác. Mỗi học sinh được chủ động thảo luận, tham gia xây dựng kế hoạch hoạt động của tổ và của lớp học với sự hỗ trợ của giáo viên.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể số học sinh trong mỗi lớp học theo hướng giảm sĩ số học sinh trên lớp; bảo đảm mỗi lớp học ở các cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông có không quá 45 học sinh.

4. Số học sinh trong mỗi lớp học của trường chuyên biệt được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường chuyên biệt.

Chương III

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC

Điều 17. Chương trình giáo dục và kế hoạch giáo dục

1. Trường trung học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; thực hiện khung kế hoạch thời gian năm học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, nhà trường.

2. Căn cứ chương trình các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông, khung kế hoạch thời gian năm học và điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ sở giáo dục, nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường để tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.

3. Học sinh khuyết tật học hòa nhập được thực hiện kế hoạch giáo dục linh hoạt, phù hợp với khả năng của từng cá nhân và quy định về giáo dục hòa nhập dành cho người khuyết tật.

Điều 18. Sách giáo khoa, thiết bị dạy học và tài liệu tham khảo

1. Sách giáo khoa sử dụng trong trường trung học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường trung học hướng dẫn giáo viên, học sinh sử dụng sách giáo khoa theo quy định của pháp luật.

2. Thiết bị dạy học sử dụng trong nhà trường thuộc danh mục thiết bị dạy học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và các thiết bị dạy học khác theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông.

3. Nhà trường lựa chọn, trang bị thiết bị dạy học, xuất bản phẩm tham khảo phục vụ cho hoạt động dạy học và giáo dục theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 19. Hoạt động giáo dục

1. Các hoạt động giáo dục thực hiện theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, được tổ chức trong và ngoài giờ lên lớp, trong và ngoài khuôn viên nhà trường, nhằm thực hiện chương trình các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

2. Hoạt động giáo dục thông qua một số hình thức chủ yếu: học lí thuyết, làm bài tập, thực hành, thí nghiệm, thực hiện các dự án học tập, tham quan, cắm trại, đọc sách, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng.

Điều 20. Phổ cập giáo dục trung học cơ sở và giáo dục hòa nhập

1. Nhà trường tham gia ban chỉ đạo, xây dựng, thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục trung học cơ sở và bảo đảm phổ cập giáo dục trung học cơ sở tại địa phương.

2. Nhà trường phối hợp các ban, ngành đoàn thể huy động học sinh thuộc đối tượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở đi học. Tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục bảo đảm chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ

3. Nhà trường tham gia điều tra, cập nhật số liệu và quản lý hồ sơ phổ cập giáo dục trung học cơ sở theo địa bàn được phân công; phối hợp kiểm tra, đánh giá kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở của cấp xã; tham mưu chính quyền cấp xã đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở theo quy định.

4. Nhà trường thực hiện giáo dục hòa nhập cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh khuyết tật trong trường trung học cơ sở theo quy định của Luật Người khuyết tật, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Người khuyết tật, các quy định của Điều lệ này và quy định về giáo dục hòa nhập dành cho người khuyết tật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Điều 21. Hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục

Hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục trong nhà trường gồm:

1. Đối với nhà trường:

a) Sổ đăng bộ.

b) Học bạ học sinh.

c) Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học).

d) Hồ sơ giáo dục đối với học sinh khuyết tật (nếu có).

đ) Kế hoạch giáo dục của nhà trường (theo năm học).

e) Sổ ghi đầu bài.

g) Sổ quản lý cấp phát văn bằng, chứng chỉ.

h) Sổ quản lý và hồ sơ lưu trữ các văn bản, công văn đi, đến.

i) Hồ sơ quản lý thiết bị giáo dục, thư viện.

k) Hồ sơ quản lý tài sản, tài chính.

l) Hồ sơ kiểm tra, đánh giá cán bộ, giáo viên, nhân viên.

m) Hồ sơ theo dõi sức khoẻ học sinh.

n) Hồ sơ khen thưởng, kỷ luật học sinh.

o) Hồ sơ phổ cập giáo dục (đối với cấp trung học cơ sở).

2. Đối với tổ chuyên môn:

a) Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm học).

b) Sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn.

3. Đối với giáo viên:

a) Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học).

b) Kế hoạch bài dạy (giáo án).

c) Sổ theo dõi và đánh giá học sinh.

d) Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

4. Hồ sơ quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này dạng hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử. Việc quản lý hồ sơ điện tử do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định theo chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Việc bảo quản hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục của nhà trường được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh

1. Học sinh được kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo quy chế đánh giá và xếp loại học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Việc kiểm tra, đánh giá học sinh được thực hiện theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; bảo đảm tính toàn diện, công bằng, trung thực, khách quan, vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên khuyến khích học sinh tiến bộ; chú trọng đánh giá quá trình học tập của học sinh; đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kỹ thuật và công cụ khác nhau; không so sánh học sinh này với học sinh khác và không gây áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

3. Học sinh học tiểu học ở trường phổ thông có nhiều cấp học học hết chương trình tiểu học, đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được hiệu trưởng xác nhận vào học bạ việc hoàn thành chương trình tiểu học.

4. Học sinh học hết chương trình trung học cơ sở, đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.

5. Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông, đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi tốt nghiệp và nếu đạt yêu cầu thì được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông, đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng không dự thi tốt nghiệp hoặc thi tốt nghiệp không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

6. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá kết quả học tập, giáo dục học sinh được thực hiện theo lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục, bảo đảm yêu cầu đánh giá vì sự phát triển học sinh, thúc đẩy các phương pháp và hình thức dạy học, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Điều 23. Giữ gìn và phát huy truyền thống nhà trường

1. Trường trung học có phòng truyền thống để giữ gìn những tài liệu, hiện vật có liên quan tới việc thành lập và phát triển của nhà trường để phục vụ nhiệm vụ giáo dục truyền thống nhà trường cho giáo viên, nhân viên và học sinh.

2. Mỗi trường chọn một ngày trong năm làm ngày truyền thống của trường (nếu có).

3. Học sinh cũ của trường được thành lập ban liên lạc để giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà trường, huy động các nguồn lực để giúp đỡ nhà trường trong việc thực hiện mục tiêu, nguyên lý giáo dục.

Điều 24. Phát triển văn hóa đọc

1. Trường trung học tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh tiếp cận và sử dụng thông tin từ thư viện, các nguồn thông tin hữu ích khác để phát triển văn hóa đọc.

2. Trường trung học có trách nhiệm phát triển kỹ năng đọc và kỹ năng tìm kiếm thông tin cho giáo viên, học sinh.

Điều 25. Hợp tác quốc tế

Trường trung học được phát triển các chương trình hợp tác quốc tế phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của nhà trường theo quy định của pháp luật.

Chương IV

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN CỦA GIÁO VIÊN, NHÂN VIÊN

Điều 26. Giáo viên, nhân viên trường trung học

1. Giáo viên làm nhiệm vụ dạy học, giáo dục học sinh trong trường trung học.

2. Nhân viên làm công tác hỗ trợ, phục vụ hoạt động dạy học, giáo dục học sinh trong trường trung học.

Điều 27. Nhiệm vụ của giáo viên

1. Thực hiện nhiệm vụ tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động chuyên môn; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục.

2. Trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh; thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

3. Học tập, rèn luyện để nâng cao sức khỏe, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục.

4. Tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

5. Tham gia công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở địa phương.

6. Thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và của ngành Giáo dục, các quyết định của hiệu trưởng; thực hiện nhiệm vụ do hiệu trưởng phân công, chịu sự kiểm tra, đánh giá của hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục.

7. Phối hợp với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, gia đình học sinh và các tổ chức xã hội liên quan để tổ chức hoạt động giáo dục.

8. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 28. Nhiệm vụ của nhân viên

1. Xây dựng kế hoạch công việc phù hợp với từng vị trí việc làm và yêu cầu của từng cấp học.

2. Thực hiện kế hoạch công việc được duyệt.

3. Quản lý, bảo quản hồ sơ, sổ sách, thiết bị dạy học, giáo dục theo quy định.

4. Phối hợp với giáo viên và các nhân viên khác trong quá trình triển khai nhiệm vụ, phục vụ các hoạt động dạy học và giáo dục trong nhà trường.

5. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

6. Học tập, rèn luyện để nâng cao sức khỏe, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.

7. Tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

8. Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.

Điều 29. Quyền của giáo viên, nhân viên

1. Giáo viên, nhân viên có những quyền sau đây:

a) Được tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với sự phân công, hỗ trợ của tổ chuyên môn và nhà trường.

b) Được hưởng lương, chế độ phụ cấp, chính sách ưu đãi (nếu có) theo quy định; được thay đổi chức danh nghề nghiệp; được hưởng các quyền lợi về vật chất, tinh thần theo quy định.

c) Được tạo điều kiện học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, được hưởng nguyên lương, phụ cấp theo lương và các chế độ chính sách khác theo quy định khi được cấp có thẩm quyền cử đi học tập, bồi dưỡng.

d) Được hợp đồng thỉnh giảng, nghiên cứu khoa học tại các trường, cơ sở giáo dục khác hoặc cơ sở nghiên cứu khoa học với điều kiện bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ nơi mình công tác và được sự đồng ý của hiệu trưởng bằng văn bản.

đ) Được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và thân thể.

e) Được nghỉ hè và các ngày nghỉ khác theo quy định của pháp luật.

g) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Giáo viên làm công tác chủ nhiệm, ngoài các quyền quy định tại khoản 1 Điều này, có những quyền sau đây:

a) Được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp do mình làm chủ nhiệm.

b) Được dự các cuộc họp của hội đồng khen thưởng và hội đồng kỷ luật khi giải quyết những vấn đề có liên quan đến học sinh của lớp do mình làm chủ nhiệm.

c) Được dự các lớp bồi dưỡng, hội nghị chuyên đề về công tác chủ nhiệm.

d) Được quyền cho phép cá nhân học sinh có lý do chính đáng nghỉ học không quá 03 ngày liên tục.

đ) Được giảm định mức giờ dạy theo quy định.

Điều 30. Trình độ chuẩn được đào tạo, chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, nhân viên

1. Trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên được quy định như sau:

a) Giáo viên trường trung học phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên (hoặc bằng tốt nghiệp đại học sư phạm) hoặc có bằng cử nhân (bằng tốt nghiệp đại học) chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo quy định của pháp luật.

b) Giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo được nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục tạo điều kiện để được đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.

2. Chuẩn nghề nghiệp giáo viên:

Giáo viên trường trung học phải đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên tương ứng với cấp học đang giảng dạy và thực hiện việc đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Nhân viên trường trung học phải đạt trình độ được đào tạo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp với từng vị trí việc làm của nhân viên theo quy định quy định của pháp luật.

Điều 31. Hành vi ứng xử, trang phục của giáo viên, nhân viên

1. Giáo viên, nhân viên không được làm những điều sau đây:

a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp.

b) Gian lận trong kiểm tra, thi, tuyển sinh; gian lận trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén nội dung dạy học, giáo dục.

c) Xuyên tạc nội dung dạy học, giáo dục; dạy sai nội dung kiến thức, sai với quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam.

d) Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ cho giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật.

đ) Hút thuốc lá, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động dạy học, giáo dục.

e) Cản trở, gây khó khăn trong việc hỗ trợ, phục vụ công tác dạy học, giáo dục học sinh và các công việc khác.

2. Ngôn ngữ, ứng xử của giáo viên, nhân viên phải bảo đảm tính sư phạm, đúng mực, có tác dụng giáo dục đối với học sinh.

3. Trang phục của giáo viên, nhân viên phải chỉnh tề, phù hợp với hoạt động sư phạm, theo quy định của Chính phủ về trang phục của viên chức Nhà nước.

4. Giáo viên và nhân viên không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 32. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Giáo viên, nhân viên có thành tích sẽ được khen thưởng, được phong tặng các danh hiệu thi đua và các danh hiệu khác theo quy định.

2. Giáo viên, nhân viên có hành vi vi phạm quy định tại Điều lệ này và các quy định khác của pháp luật thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương V

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN CỦA HỌC SINH

Điều 33. Tuổi của học sinh trường trung học

1. Tuổi của học sinh vào học lớp 6 là 11 tuổi. Tuổi của học sinh vào học lớp 10 là 15 tuổi. Đối với những học sinh được học vượt lớp ở cấp học trước hoặc học sinh vào cấp học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định thì tuổi vào lớp 6 và lớp 10 được giảm hoặc tăng căn cứ vào tuổi của năm tốt nghiệp cấp học trước.

2. Học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh ở nước ngoài về nước có thể vào cấp học ở tuổi cao hơn 03 tuổi so với tuổi quy định.

3. Học sinh không được lưu ban quá 03 lần trong một cấp học.

4. Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể vào học trước tuổi hoặc học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Việc xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo các bước sau:

a) Cha mẹ hoặc người đỡ đầu có đơn đề nghị với nhà trường.

b) Hiệu trưởng thành lập Hội đồng khảo sát, tư vấn gồm thành phần cơ bản sau: đại diện của Lãnh đạo trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang theo học.

c) Căn cứ kết quả khảo sát của Hội đồng khảo sát, tư vấn, hiệu trưởng xem xét, quyết định.

5. Học sinh trong độ tuổi quy định ở nước ngoài về nước, con em người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được học ở trường trung học tại nơi cư trú hoặc trường trung học ở ngoài nơi cư trú nếu trường đó có khả năng tiếp nhận. Việc xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo các bước sau:

a) Cha mẹ hoặc người đỡ đầu có đơn đề nghị với nhà trường.

b) Hiệu trưởng tổ chức khảo sát trình độ của học sinh và xếp vào lớp phù hợp.

Điều 34. Nhiệm vụ của học sinh

1. Thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường.

2. Kính trọng cha mẹ, cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường và những người lớn tuổi; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện; thực hiện điều lệ, nội quy nhà trường; chấp hành pháp luật của Nhà nước.

3. Rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh cá nhân.

4. Tham gia các hoạt động tập thể của trường, của lớp học, của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; giúp đỡ gia đình, tham gia lao động và hoạt động xã hội, hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện trật tự an toàn giao thông.

5. Giữ gìn, bảo vệ tài sản của nhà trường, nơi công cộng; góp phần xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của nhà trường.

Điều 35. Quyền của học sinh

1. Được bình đẳng trong việc hưởng thụ giáo dục toàn diện, được bảo đảm những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn để học tập ở lớp và tự học ở nhà, được cung cấp thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình, được sử dụng trang thiết bị, phương tiện phục vụ các hoạt động học tập, văn hóa, thể thao của nhà trường theo quy định.

2. Được tôn trọng và bảo vệ, được đối xử bình đẳng, dân chủ, được quyền khiếu nại với nhà trường và các cấp quản lý giáo dục về những quyết định đối với bản thân mình; được quyền chuyển trường khi có lý do chính đáng theo quy định hiện hành; được học trước tuổi, học vượt lóp, học ở tuổi cao hơn tuổi quy định theo Điều 33 của Điều lệ này.

3. Được tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng khiếu về các môn học, thể thao, nghệ thuật do nhà trường tổ chức nếu có đủ điều kiện.

4. Được nhận học bổng hoặc trợ cấp khác theo quy định đối với những học sinh được hưởng chính sách xã hội, những học sinh có khó khăn về đời sống và những học sinh có năng lực đặc biệt.

5. Được chuyển trường nếu đủ điều kiện theo quy định; thủ tục chuyển trường thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

6. Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 36. Hành vi ứng xử, trang phục của học sinh

1. Hành vi, ngôn ngữ, ứng xử của học sinh phải đúng mực, tôn trọng, lễ phép, thân thiện, bảo đảm tính văn hóa, phù hợp với đạo đức và lối sống của lứa tuổi học sinh trung học.

2. Trang phục của học sinh phải chỉnh tề, sạch sẽ, gọn gàng, thích hợp với độ tuổi, thuận tiện cho việc học tập và sinh hoạt ở nhà trường. Tùy điều kiện của từng trường, hiệu trưởng có thể quyết định để học sinh mặc đồng phục nếu được nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường nhất trí.

Điều 37. Các hành vi học sinh không được làm

1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.

2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.

3. Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ.

4. Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.

5. Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.

6. Sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân.

7. Học sinh không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 38. Khen thưởng và kỷ luật

1. Học sinh có thành tích trong học tập và rèn luyện được giáo viên, nhà trường và các cấp quản lý giáo dục khen thưởng bằng các hình thức sau đây:

a) Tuyên dương trước lớp hoặc trước toàn trường.

b) Khen thưởng các danh hiệu học sinh theo quy định.

c) Cấp giấy chứng nhận, giấy khen, bằng khen, nếu đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong một số lĩnh vực học tập, phong trào thi đua; đạt thành tích trong các kỳ thi, hội thi theo quy định và cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

d) Các hình thức khen thưởng khác.

2. Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:

a) Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.

b) Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

c) Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương VI

TÀI SẢN VÀ TÀI CHÍNH CỦA NHÀ TRƯỜNG

Điều 39. Địa điểm, quy mô, diện tích

Địa điểm, quy mô, diện tích của trường phải đáp ứng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 40. Cơ sở vật chất của trường trung học

1. Hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật của trường trung học phải bảo đảm mức tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu của trường trung học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Nhà trường có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất nhằm đạt các mức tiêu chuẩn cơ sở vật chất cao hơn.

3. Nhà trường có trách nhiệm quản lý và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất của nhà trường, tránh lãng phí; định kỳ có kế hoạch cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất theo quy định; tuyệt đối không đưa vào sử dụng những cơ sở vật chất đã hết niên hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn khi chưa cải tạo, sửa chữa.

Điều 41. Thiết bị giáo dục

1. Trường trung học được trang bị thiết bị giáo dục, tổ chức quản lý và sử dụng có hiệu quả thiết bị giáo dục trong dạy học và giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Giáo viên có trách nhiệm sử dụng hiệu quả thiết bị giáo dục của nhà trường vào các hoạt động dạy học, giáo dục; khuyến khích giáo viên và học sinh tự làm đồ dùng dạy học theo yêu cầu về nội dung và phương pháp dạy học, giáo dục được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông.

Điều 42. Thư viện

1. Trường trung học có thư viện. Thư viện được tổ chức và hoạt động theo quy định về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Thư viện nhà trường phục vụ hoạt động học tập, dạy học, nghiên cứu khoa học cho học sinh, giáo viên, cán bộ và nhân viên.

3. Thư viện nhà trường được sắp xếp, bố trí an toàn, khoa học, thân thiện, sinh động và phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh trung học. Khuyến khích các nhà trường xây dựng thư viện mở, tạo không gian đọc riêng dành cho học sinh. Phát triển thư viện điện tử ở những nơi có điều kiện.

4. Khuyến khích xã hội hóa trong phát triển thư viện.

Điều 43. Tài chính của nhà trường

Tài sản, tài chính của trường trung học được đầu tư, cung cấp, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật và các quy định hiện hành của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương VII

QUAN HỆ GIỮA NHÀ TRƯỜNG, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI

Điều 44. Ban đại diện cha mẹ học sinh

1. Mỗi lớp có một ban đại diện cha mẹ học sinh được tổ chức trong mỗi năm học gồm các thành viên do cha mẹ, người giám hộ học sinh cử ra để phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn trong việc giáo dục học sinh.

2. Mỗi trường có một ban đại diện cha mẹ học sinh được tổ chức trong mỗi năm học gồm một số thành viên do các ban đại diện cha mẹ học sinh từng lớp cử ra để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh từng lớp, từng trường trung học được thực hiện theo Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Điều 45. Mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội

1. Nhà trường chủ động phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với gia đình và xã hội để xây dựng môi trường giáo dục thống nhất nhằm thực hiện mục tiêu, nguyên lý giáo dục.

2. Nhà trường phối hợp với chính quyền, đoàn thể tại địa phương, ban đại diện cha mẹ học sinh, các tổ chức chính trị-xã hội và cá nhân có liên quan nhằm:

a) Thống nhất quan điểm, nội dung, phương pháp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội để thực hiện mục tiêu giáo dục.

b) Huy động các lực lượng và nguồn lực của cộng đồng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, góp phần xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục của nhà trường; xây dựng phong trào học tập và môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn; ngăn chặn những hoạt động có ảnh hưởng xấu đến học sinh; tạo điều kiện để học sinh được vui chơi, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao lành mạnh phù hợp với lứa tuổi.

MINISTRY OF EDUCATION AND TRAINING
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 32/2020/TT-BGDDT

Hanoi, September 15, 2020

 

CIRCULAR

ON LOWER SECONDARY SCHOOL, UPPER SECONDARY SCHOOL AND MULTI-LEVEL SCHOOL CHARTER

Pursuant to the Education Law dated June 14, 2019;

Pursuant to the Government’s Decree No. 69/2017/ND-CP dated May 25, 2017 on functions, duties, powers and organizational structure of the Ministry of Education and Training;

Pursuant to the Decree No. 46/2017/ND-CP dated April 21, 2017 prescribing regulatory requirements for educational investment and operation;

Pursuant to the Government’s Decree No. 127/2018/ND-CP dated September 21, 2018 stipulating responsibility for state management of education;

At the request of the Director General of Secondary Education Department,

The Minister of Education and Training hereby promulgates a Circular on lower secondary school, upper secondary school and multi-level school charter.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 2. This circular takes effect from November 01, 2020.

This Circular supersedes Circular No. 12/2011/TT-BGDDT dated 28/3/2011 by the Minister of Education and Training promulgating lower secondary school, upper secondary school and multi-level school charter.

Article 3. Head of Office of the Ministry of Education and Training, Director General of Secondary Education Department, heads of relevant affiliates of the Ministry of Education, chairpersons of People’s Committees of provinces and central-affiliated cities, heads of Departments of Education and Training, chairpersons of district-level People’s Committees, heads of Bureaus of Education and Training, principals of lower secondary schools, upper secondary schools and multi-level schools, and relevant organizations and individuals shall implement this Circular./.

 

 

P.P. THE MINISTER
THE DEPUTY MINISTER




Nguyen Huu Do

 

LOWER SECONDARY SCHOOL, UPPER SECONDARY SCHOOL AND MULTI-LEVEL SCHOOL CHARTER

(Enclosed with Circular No. 32/2020/TT-BGDDT dated 15/9/2020 by Minister of Education and Training)

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope and regulated entities

1. This charter provides for organization and operation of lower secondary schools, upper secondary schools and multi-level schools, including school organization and management; organization of education activities in school; duties and rights of teachers and staff; duties and rights of students; property and finance of the school; and relationship between the school, the family and the society.

2. This charter is applicable to lower secondary schools, upper secondary schools, multi-level schools, special schools and other educational institutions adopting the general education curricula (hereinafter collectively referred to as “secondary schools”) and relevant organizations and individuals.

Article 2. Position of secondary schools in national educational system

Secondary schools are institutions providing general education in the national educational system. Each secondary school has legal status and a separate account and stamp.

Article 3. Duties and powers of secondary schools

1. Formulate the school’s development plans and strategies as appropriate to the socio-economic situation of the location where the school is located; determine the school’s vision, mission, and core values in relation to education, culture, history and traditions.

2. Develop and launch the school’s education plans in accordance with the general education curricula promulgated by the Minister of Education and Training. Cooperate with students’ families, organizations and individuals in organization of educational activities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Launch plans for universalization of education as assigned.

5. Enable teachers, staff and students to participate in social activities.

6. Manage teachers and staff as prescribed by law.

7. Mobilize, manage and use resources for education in compliance with the law.

8. Manage, use and preserve facilities and equipment as per the law.

9. Carry out activities of educational quality assurance, assessment and accreditation according to regulations of the Ministry of Education and Training.

10. Publicly announce the school’s commitment to educational quality, educational quality assurance conditions, and revenues and expenditures in compliance with the law.

11. Practice democracy and accountability in management of educational activities; ensure the participation of students, students’ families and the society in management of educational activities as prescribed by law.

12. Perform other duties and exercise other powers as prescribed by law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. There are two types of secondary schools: public schools and private schools.

a) A public secondary school is established and directly managed by the competent authority. The school’s facilities and recurrent expenditures are mostly covered by state budget.

b) A private secondary school has its establishment invested in and operating conditions guaranteed by a foreign or Vietnamese investor and is established under the law.  The school’s facilities and operating expenses are not covered by state budget.

2. Single-level secondary schools include:

a) Lower secondary schools.

b) Upper secondary schools.

3. Multi-level schools include:

a) Combined primary and lower secondary schools.

b) Combined lower secondary and upper secondary schools.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Special schools and other educational institutions include:

a) Boarding general education schools and semi-boarding general education schools for ethnic minorities.

b) Specialized upper secondary schools and schools for gifted students.

c) Schools and classes for persons with disabilities.

d) Correctional institutions.

dd) Other educational institutions.

Article 5. School name and school name sign board

1. Regulations on naming a school:

a) School name format: Trường trung học cơ sở (“lower secondary school”) (or trung học phổ thông (“upper secondary school”); tiểu học và trung học cơ sở (“primary and lower secondary school”); trung học cơ sở và trung học phổ thông (“lower secondary and upper secondary school"); tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông (“primary, lower secondary and upper secondary school”); or trung học phổ thông chuyên (“specialized upper secondary school”)) + proper name of the school.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The school name shall be included in the school’s establishment decision, stamp, school name signboard and transaction documents.

3. Contents of a school name signboard consist of:

a) In top left corner of the board:

- For secondary schools the highest education level of which is lower secondary level:

First row: name of district-level People’s Committee;

Second row: Phòng Giáo dục và Đào tạo (“Bureau of Education and Training”).

- For secondary schools with upper secondary level:

First row: name of provincial People’s Committee;

Second row: Sở Giáo dục và Đào tạo (“Department of Education and Training”).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Address, phone number, email address and website (if any) of the school shall be written at the bottom of the board.

4. For special schools with their own organizational and operational regulations, their names and name sign boards shall adhere to such regulations.

Article 6. Competence in management

1. For lower secondary schools and multi-level schools the highest education level of which is lower secondary level, chairpersons of district-level People's Committees shall issue the establishment decision and district-level People's Committees shall be in charge of management.

2. For upper secondary schools and multi-level schools the highest education level of which is upper secondary level, chairpersons of provincial People's Committees shall issue the establishment decision and Departments of Education and Training shall be in charge of management. Departments of Education and Training shall cooperate with district-level People's Committees in management and organization of relevant educational activities of multi-level schools the highest education level of which is upper secondary level.

3. For special schools with their own organizational and operational regulations, competence in management shall adhere to such regulations.

Article 7. Organization and operation of combined primary and secondary schools, special schools and private secondary schools

1. Organization and operation of combined primary and secondary schools are provided for by regulations in this charter and in the primary school charter promulgated by the Minister of Education and Training.

2. Organization and operation of the special schools and private secondary schools mentioned in Article 4 of this charter are provided for by regulations in this charter and organizational and operational regulations for special schools and private secondary schools promulgated by the Minister of Education and Training.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

SCHOOL ORGANIZATION AND MANAGEMENT

Article 8. Establishment conditions and procedures; conditions for education provision; merging and division; suspension of education provision; and dissolution for secondary schools and other educational institutions

1. Establishment conditions and procedures for public secondary schools, permission for establishment of private secondary schools; conditions and procedures for education provision by secondary schools; secondary school merging and division; suspension of education provision by secondary schools; and secondary school dissolution are provided for by regulatory requirements for educational investment and operation from the Government.

2. Conditions and procedures for other educational institutions to adopt the general education curricula; and suspension and revocation of decisions permitting other educational institutions to adopt the general education curricula are provided for by regulatory requirements for educational investment and operation from the Government.

Article 9. Organizational structure of secondary schools

Organizational structure of a secondary school comprises the school council; principal and deputy principal(s); emulation and reward council; discipline councils; advisory councils; affiliate of the Communist Party of Vietnam; affiliate of trade union; affiliate of Ho Chi Minh Communist Youth Union; affiliate of Ho Chi Minh Young Pioneer Organization; specialized teams; office team; and units in charge of educational activities characteristic of the school.

Article 10. School council

1. School council of a public secondary school:

a) The school council of a public secondary school shall manage the school, exercise the right of ownership representation of the school and relevant interested parties, decide the school’s operational direction, mobilize and supervise use of resources for the school, link the school with the community and society, and ensure the realization of educational objectives.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The school council shall have a chairperson, a secretary and other members, and an odd number of members between 07 and 15. The council’s tenure shall be 05 years.

c) The school council shall have the following duties and powers: decide the school’s development objectives, plans, vision and strategies, projects for each period of time and each year; decide the school’s organizational and operational regulations or amendments thereof, which shall be proposed to the competent authority for approval; decide guidelines for use of the school’s funding and property; approve the school’s education plan; supervise admission and organization of activities included in the school’s education plan; supervise implementation of the school council’s decisions and democracy practice in the school; and supervise mobilization, management and use of the school’s resources in compliance with the law.

d) Operation of the school council:

The school council shall convene at least three times a year. Where necessary and at the request of the principal or at least one third of the council members, the council chairperson has the right to convene an irregular meeting to resolve issues arising while the school fulfills its duties and exercises its rights. The council may hold a meeting by requesting written opinions. The council may invite representatives of other groups of people to a meeting if necessary. A meeting session shall be recognized as valid when at least three fourths of the council members attend (including the council chairperson). A decision by the school council shall be passed and come into force with the approval of at least two thirds of the present members. Decisions issued by the school council shall be announced publicly.

dd) School council establishment procedures:

Pursuant to regulations on components of the school council in Point b Clause 1 herein, the school principal shall request the local government to assign a representative to the school council; draw up list of council members introduced by the local government, teachers and other organizations in the school; and send a proposal for decision on recognition of the school council to the chairperson of the district-level People’s Committee (for lower secondary schools and multi-level schools the highest education level of which is lower secondary level) or Director of Department of Education and Training (for upper secondary schools, multi-level schools the highest education level of which is upper secondary level, provincial-level boarding general education schools for ethnic minorities and district-level boarding general education schools for ethnic minorities with upper secondary level).

The principal shall convene the first meeting of the school council to elect the council chairperson by secret ballot; and send a proposal for decision on recognition of the council chairperson to the chairperson of the district-level People’s Committee (for lower secondary schools and multi-level schools the highest education level of which is lower secondary level) or Director of Department of Education and Training (for upper secondary schools, multi-level schools the highest education level of which is upper secondary level, provincial-level boarding general education schools for ethnic minorities and district-level boarding general education schools for ethnic minorities with upper secondary level). The council secretary shall be appointed by the council chairperson.

e) On an annual basis, if there is any change to the council’s members, the school principal shall send a proposal for decision on school council strengthening to the chairperson of district-level People’s Committee (for lower secondary schools and multi-level schools the highest education level of which is lower secondary level) or Director of Department of Education and Training (for upper secondary schools, multi-level schools the highest education level of which is upper secondary level, provincial-level boarding general education schools for ethnic minorities and district-level boarding general education schools for ethnic minorities with upper secondary level).

2. School council of a private secondary school:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The school council shall be composed of investor representatives and in-school and out-school members elected in an investor conference and decided based on capital contribution percentage.

For non-profit private schools, the school council shall be composed of investor representatives elected and decided by investors based on capital contribution percentage; and in-school and out-school members. In-school members shall include standard members and voted members. Standard members are the secretary of the Party Executive Committee, principal, chairperson of trade union and secretary of the Ho Chi Minh Communist Youth Union. Voted members are representatives of teachers and staff elected in a plenary meeting or delegate meeting of the school. Out-school members shall include representatives of leaders, managers, educators, businesspeople and alumni elected in a plenary meeting or delegate meeting of the school.  

c) Duties, powers, establishment procedures and operation of the school council of a private secondary school are provided for by organizational and operational regulations for private secondary schools promulgated by the Minister of Education and Training.

Article 11. School principal and deputy principals

1. School principal

a) The principal of a secondary school shall organize, manage and direct the school's operations and take responsibility for the school’s educational quality.

b) In order to be appointed as the principal of a public secondary school or recognized as the principal of a private secondary school, one must meet the standards provided for in Clause 3 of this Article and other standards as per the law.

c) The tenure of a secondary school’s principal shall be 05 years. After each academic year, the principal shall receive feedback from the school's public employees and staff and be assessed by the competent authority as prescribed by law. A person shall not hold their post as the principal of a public secondary school for more than two consecutive tenures.

d) Duties and rights of principal:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Formulate the school’s development planning, objectives, vision and strategies; the school’s organizational and operational regulations; and the school’s annual education plans, which shall be proposed to the school council for approval and implementation;

- Adopt the school council’s decisions or conclusions concerning the matters mentioned in Point c Clause 1 Article 10 of this Decree. In case the principal does not agree with a decision from the school council, obtain the opinion of the supervisory education authority. While waiting for said opinion, the principal must abide by the parts of the school council’s decision that are not against existing regulations of law and this charter;

- Submit reports on and assessment of implementation of the school’s education plan and decisions issued by the school council to the school council and competent authorities;

- Recruit and manage teachers and staff; sign labor contracts with teachers and staff, and receive and relocate teachers and staff; manage academic matters; assign tasks to teachers and staff, inspect and evaluate teachers and staff; and reward and discipline teachers and staff as prescribed by law;

- Manage students and student activities organized by the school; approve student assessment results, sign school report books, sign written confirmation of completion of primary education program for primary school students (if any) of multi-level schools, grant certificate of completion of general education program to upper secondary students (if any) and decide rewards and discipline for students;

- Manage the school’s finance and property;

- Provide state benefits for teachers, staff and students; comply with regulations on democracy and accountability of heads of educational institutions in organization of their institutions’ activities; facilitate privatization of education in the school;

- Direct emulation movements and campaigns; provide transparency to the school and the society as per the law;

- Join meetings of specialized teams; self-learn to improve professional capacity and managerial capability; be entitled to benefits offered to teachers and incentive policies as prescribed by law; and may teach in compliance with regulations on teaching hour norms for principals;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Deputy principals

a) Perform management and direction tasks assigned by the principal; direct the school’s operation when authorized by the principal.

b) In order to be appointed or recognized as a deputy principal of a secondary school, one must meet the standards provided for in Clause 3 of this Article and other standards as per the law.

c) The tenure of a secondary school’s deputy principal shall be 05 years. After each academic year, the deputy principal shall receive feedback from the school's public employees and staff and be assessed by the competent authority as prescribed by law.

d) Duties and rights of deputy principals:

- Perform tasks assigned or authorized by the principal;

- Join meetings of specialized teams; self-learn to improve professional capacity and managerial capability; be entitled to benefits offered to teachers and incentive policies as prescribed by law; and may teach in compliance with regulations on teaching hour norms for deputy principals;

- Hold the right to receive training to improve professional capacity and qualifications and be entitled to benefits prescribed by law.

3. Standards for principal and deputy principals of a secondary school

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Meet the standards provided for in the standards for principals of lower secondary schools, upper secondary schools and multi-level schools, which are in compliance with standards for principals of general education institutions promulgated by the Minister of Education and Training.

4. Competence in appointment or recognition of principal and deputy principals of a secondary school

a) Chairpersons of district-level People’s Committees have the power to appoint or recognize principals and deputy principals of  lower secondary schools and multi-level schools the highest education level of which is lower secondary level. Directors of Departments of Education and Training have the power to appoint or recognize principals and deputy principals of upper secondary schools and multi-level schools the highest education level of which is upper secondary level.

b) Procedures for appointment, recognition, reappointment and dismissal of principals and deputy principals are provided for by law.

c) The person with competence in appointment of a principal/deputy principal of a secondary school also has the power to reappoint and dismiss such principal/deputy principal.

Article 12. Other councils in secondary schools

1. Emulation and reward council

The emulation and reward council shall be established at the beginning of each academic year to assist the principal with organizing emulation movements and proposing list of officials, teachers, staff and students deserving a reward. The emulation and reward council shall be established and led by the principal. Members of this council include the secretary of the Party Executive Committee, deputy principal(s), school council representative, trade union chairperson, secretary of the Ho Chi Minh Communist Youth Union (if any), leader of the Ho Chi Minh Young Pioneer Organization (if any), leaders of specialized teams, office team leader and homeroom teachers.

2. Discipline councils

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The official, teacher and staff discipline council shall be established to consider and propose disciplinary actions against officials, teachers and staff on a case-by-case basis. Establishment, components and operation of this council are provided for by law.

3. Advisory councils:

Advisory councils shall be established by the principal for each specific task. Duties, components and period of operation of advisory councils shall be decided by the principal.

Article 13. Affiliate of the Communist Party and mass organizations in secondary schools

1. Affiliate of the Communist Party of Vietnam in a secondary school shall direct all aspects of the school and operate under the Constitution and the law.

2. Trade union, Ho Chi Minh Communist Youth Union, Ho Chi Minh Young Pioneer Organization and other social organizations in secondary schools shall operate under the law to assist their schools with achieving educational objectives and applying educational principles.

Article 14. Specialized teams

1. Managerial officials, teachers and public employees in charge of the library and educational equipment, and officials in charge of student counseling shall form specialized teams. Each specialized team shall have a team leader and, if the team has at least 07 members, it shall have a deputy leader. Leaders and deputy leaders of specialized teams shall be appointed, managed and directed by the principal.

2. Duties of a specialized team:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Propose textbooks and publications for reference purposes to be used in the school in compliance with regulations of the Minister of Education and Training.

c) Implement its education plan in accordance with the school’s education plan, which has been approved by the school council.

d) Assess and rank teachers based on professional standards for general education teachers according to regulations of the Minister of Education and Training.

dd) Join professional training according to its own plan and the school’s plan.

e) Perform other tasks assigned by the principal.

3. Specialized teams shall convene at least once every two weeks and may convene an irregular meeting when necessary or at the request of the principal. Specialized teams shall operate in accordance with democratic principles and their members shall respect, share with, learn from and support each other to improve their professional capacity.

Article 15. Office team

1. Each secondary school shall have an office team consisting of staff in charge of record management, accounting, treasury, school healthcare, security and other tasks. The office team shall have a team leader and deputy team leader (if any).

2. Duties of the office team:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Assist the principal with record management, financial and property management, statistics and security in the school as prescribed by law.

c) Join professional training according to its own plan and the school’s plan.

d) Assess and rank public employees and workers.

dd) Manage and retain the school’s documents.

e) Perform other tasks assigned by the principal.

3. The office team shall convene at least once a month and may convene an irregular meeting when necessary or at the request of the principal. The office teams shall operate in accordance with democratic principles and their members shall respect, share with, learn from and support each other to improve their professional capacity.

Article 16. Classes

1. Students shall be divided into classes. Each class shall have a class monitor and deputy class monitors who are self-nominated or introduced by the homeroom teacher and elected by the students of the class at the beginning of each academic year or after each semester. Each class shall be divided into different student teams; and each team shall have a team leader and deputy team leader who are self-nominated or introduced by the homeroom teacher and elected by the team members at the beginning of each academic year or after each semester.

2. Activities in classes shall be carried out in a democratic, autonomous and cooperative manner. Each student shall proactively contribute to development of the operational plans of their team and their class with teacher’s assistance.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Number of students in each class of a special school is provided for in organizational and operational regulations for special schools.

Chapter III

ORGANIZATION OF EDUCATION PROVISION

Article 17. Curricula and education plans

1. Secondary schools shall adopt general education curricula promulgated by the Minister of Education and Training; and implement academic year plans in accordance with regulations of the Ministry of Education and Training and actual capacity of each locality and each school.

2. Based on subject-centered curricula and educational activities of general education curricula, academic year plans and actual capacity of each locality and each school, secondary schools shall formulate their own education plans for adoption of general education curricula.

3. Education plans for students with disabilities receiving inclusive education shall be flexible, suitable for each individual’s capacity and in compliance with regulations on inclusive education for persons with disabilities.

Article 18. Textbooks, teaching equipment and reference documents

1. Textbooks used in secondary schools must be approved by the Minister of Education and Training; provincial People’s Committees shall select textbooks according to regulations of the Ministry of Education and Training. Secondary schools shall provide guidance on use of textbooks for their teachers and students as prescribed by law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Secondary schools shall select and equip teaching equipment and reference documents supporting teaching and educational activities in compliance with regulations of the Minister of Education and Training.

Article 19. Educational activities

1. Educational activities shall be carried out in accordance with the school’s education plans, in and outside of class hours and on and outside of the school’s premises to realize subject-centered curricula and educational activities included in general education curricula promulgated by the Minister of Education and Training.

2. Educational activities may take multiple forms such as learning theory, homework, practicals, experiments, community services, clubs, group activities, reading books, camping, field trips and study projects.

Article 20. Universalization of lower secondary education and inclusive education

1. Secondary schools shall join steering committees, formulate and launch plans for universalization of lower secondary education and ensure universalization of lower secondary education in the localities where they are located.

2. Secondary schools shall cooperate with regulatory bodies and mass organizations in encouraging students eligible for universalization of lower secondary education to attend school. Organize teaching and educational activities in a manner that ensures quality of universalization of lower secondary education.

3. Secondary schools shall participate in investigations, update figures and manage dossiers on universalization of lower secondary education in assigned localities; cooperate in inspecting and evaluating results of universalization of lower secondary education in communes; advise commune-level governments to request district-level People’s Committees to perform an inspection and recognize conformity to standards for universalization of lower secondary education to as per the law.

4. Lower secondary schools shall provide inclusive education for disadvantaged students and students with disabilities in their schools according to regulations of the Law on Persons with Disabilities and guidelines thereof, regulations of this charter and regulations on inclusive education for persons with disabilities promulgated by the Minister of Education and Training.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Documents for management of education provision by secondary schools include:

1. For secondary schools:

a) Student records

b) School report books

c) Student progress monitoring and assessment books (by class)

d) Documents on education provided for students with disabilities (if any)

dd) Education plans of each school (by academic year).

e) Lesson start record books

g) Books for management of degree/certificate conferral

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

i) Documents on educational equipment and library management

k) Finance and property management documents

l) Documents on inspection and assessment of officials, teachers and staff

m) Student health monitoring documents

n) Student reward and discipline documents

o) Documents on universalization of education (for lower secondary level)

2. For specialized teams:

a) Education plan of each team (by academic year).

b) Meeting record books

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Education plan of each teacher (by academic year).

b) Lesson plans

c) Student progress monitoring and assessment books

d) Homeroom teacher books (for homeroom teachers)

4. Electronic files of the documents mentioned in Clauses 1, 2 and 3 herein may be used instead of their physical version following a roadmap suitable for the capacity of each locality, school and teacher and in accordance with requirements for lawfulness of electronic documents. Departments of Education and Training shall stipulate electronic document management based on connectivity and data standards from the Ministry of Education and Training.

5. Preservation of documents for management of education provision is provided for by law.

Article 22. Assessment of student performance

1. Student performance shall be assessed in compliance with regulations on student assessment and ranking from the Ministry of Education and Training.

2. Students shall be assessed in accordance with regulations of general education curricula promulgated by the Minister of Education and Training; in a manner that ensures comprehensiveness, fairness, honesty and impartiality; with the aim of improving student performance and a focus on encouraging students' growth; and via different methods, techniques and tools; avoid comparing students against each other or placing students, teachers and students’ parents under pressure.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. For students having completed their lower secondary school programs and meeting the requirements set by the Ministry of Education and Training, heads of Bureaus of Education and Training managing their schools shall confer upon them the lower secondary school diploma.

5. Students having completed their upper secondary programs and meeting the requirements set by the Ministry of Education and Training will be eligible to take the graduation examination. Directors of Departments of Education and Training shall confer the upper secondary school diploma upon those who pass this exam. For students who do not take this exam or fail this exam, principals of their schools shall confer upon them the certificate of completion of general education.

6. Information technology shall be applied to assessment of student performance following a road map suitable for the actual capacity of each educational institution and in a manner that complies with assessment requirements, aims for student's improvement and promotes teaching and educational methods that nurture student’s virtue and capacity.

Article 23. School tradition protection and enhancement

1. Each secondary school shall have a tradition room to preserve documents and items related to the school’s establishment and development to educate teachers, staff and students on the school’s traditions.

2. Each school shall choose a day for annual celebration of its traditions (if any).

3. Alumni of a secondary school may establish a communications team to protect and enhance their school’s good traditions and mobilize resources to assist the school in achieving educational objectives and applying educational principles.

Article 24. Promotion of reading culture

1. Secondary schools shall enable their teachers and students to access and use information from their libraries and other useful information sources to promote reading culture.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 25. International cooperation

Secondary schools may develop international cooperation programs as appropriate to their needs and actual capacity and as prescribed by law.

Chapter IV

DUTIES AND RIGHTS OF TEACHERS AND STAFF

Article 26. Secondary school teachers and staff

1. Teachers shall teach and educate students in secondary schools.

2. Staff shall support teaching and educational activities organized for students in secondary schools.

Article 27. Duties of teachers

1. Organize teaching and educational activities according to education plans of the school and specialized teams; manage students in educational activities organized by the school; participate in professional activities; and take responsibility for educational quality and effectiveness.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Learn and train continuously to improve their health, political qualifications, and professional qualifications and knowledge, reform teaching and educational methods.

4. Participate in refresher and training courses.

5. Take part in local universalization of lower secondary education.

6. Fulfill civic duties, comply with regulations of law and the education sector, and the principal’s decisions; perform tasks assigned by the principal and be subject to inspection and assessment by the principal and education authorities.

7. Cooperate with the Ho Chi Minh Young Pioneer Organization, Ho Chi Minh Communist Youth Union, Vietnam Youth Federation, students’ families and relevant social organizations in educational activities.

8. Perform other duties as prescribed by law.

Article 28. Duties of staff

1. Formulate work plans suitable for each work position and requirements of each education level.

2. Implement approved work plans.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Cooperate with teachers and other staff in performing tasks and supporting teaching and educational activities in the school.

5. Comply with reporting requirements.

6. Learn and train continuously to improve their health, political qualifications, and professional qualifications and knowledge.

7. Participate in refresher and training courses.

8. Perform other tasks assigned by the principal.

Article 29. Rights of teachers and staff

1. Rights of teachers and staff:

a) Independently perform their assigned duties with support from specialized teams and the school.

b) Enjoy salary, allowances and incentive policies (if any) as per the law; change their professional title; and enjoy material and spiritual rights as prescribed by law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Enter into visiting teaching agreements and scientific research agreements with other schools and educational institutions or scientific research institutions provided that they complete the duties towards their workplace and receive written permission from the principal.

dd) Receive respect and protection with regard to their honor, dignity and body integrity.

e) Have summer vacation and other leaves as prescribed by law.

g) Hold other rights as per the law.

2. Rights of homeroom teachers besides those provided for in Clause 1 herein:

a) Join other classes and educational activities involving their charges.

b) Attend meetings of the reward council and discipline council upon handling of matters concerning their charges.

c) Participate in refresher courses and symposia about homeroom teacher duties.

d) Permit a student to take a maximum of 03 consecutive days off if they have a legitimate reason for absence.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 30. Qualification standards and professional standards of teachers and staff

1. Regulations on qualification standards of teachers:

a) Every secondary school teacher must hold a bachelor’s degree in pedagogy or higher (or pedagogical university degree) or a bachelor’s degree (university degree) in a suitable major and a certificate in pedagogy as prescribed by law.

b) Schools and education authorities shall enable teachers not meeting the abovementioned standard to receiving training as per the law.

2. Professional standards of teachers:

Secondary school teachers must meet the professional standards applicable to the education level that they are teaching, which shall be assessed using the professional standards for general education teachers according to regulations of the Minister of Education and Training.

3. Secondary school staff must meet the qualification standards applicable to their position according to regulations of law.

Article 31. Manners and attire of teachers and staff

1. Prohibited acts for teachers and staff:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Act dishonestly during an examination or admission process; act dishonestly during assessment of student performance; skip teaching or cut teaching or educational contents without permission.

c) Distort teaching or educational contents; teach wrong knowledge or contents that are against the education guidelines or viewpoints of the Communist Party of Vietnam and the State.

d) Force students to take extra classes for money; take advantage of educational sponsorship or assistance to forcibly extract cash or kind contributions.

dd) Smoke or consume alcohol or other stimulants while participating in teaching or educational activities.

e) Hinder support given to teaching or educational activities and other activities.

2. Teachers and staff must have the language and manners that are appropriate to the education settings and help educate students.

3. Teachers and staff must wear attire that is appropriate to the education settings and in compliance with the Government’s regulations on attire of public employees.

4. Teachers and staff shall not commit other prohibited acts provided for by regulations of law.

Article 32. Reward and handling of violations

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Teachers and staff committing a violation against the regulations of this charter and other regulations of law shall be handled as prescribed by law.

Chapter V

DUTIES AND RIGHTS OF STUDENTS

Article 33. Secondary school age

1. Children shall start the sixth grade at the age of 11 and the tenth grade at the age of 15. For students skipping a grade or over-age students, the sixth grade and tenth grade starting ages shall be adjusted based on the age at which these students graduate from the previous education level.

2. For ethnic minority students, students with disabilities, disadvantaged students and students returning to Vietnam from abroad, maximum secondary school starting age shall be 03 years older than the compulsory starting age.

3. At an education level, students may not repeat a grade more than 03 times.

4. Students with good physical capacity and early intelligence development may enter the sixth or tenth grade before the compulsory starting age or skip to the next grade within the same education level. Consideration shall be given on a case-by-case basis and in accordance with the following procedures:

a) The student’s parent or guardian submits an application to the school.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The school principal considers and makes a decision based on the result of the survey conducted by the survey and advisory council.

5. Students at an appropriate age returning to Vietnam from abroad and children of foreigners working in Vietnam may enroll in local or non-local secondary schools capable of receiving them. Consideration shall be given on a case-by-case basis and in accordance with the following procedures:

a) The student’s parent or guardian submits an application to the school.

b) The school principal organizes an assessment of the student’s capacity and places them in a suitable class.

Article 34. Duties of students

1. Learn and train according to curricula and education plans of their schools.

2. Respect their parents, officials, teachers and staff of their schools, and those older than them; maintain solidarity and mutual support in learning and training; conform to the charter and rules of their schools; and abide by the law.

3. Take exercises and maintain personal hygiene.

4. Participate in group activities of their schools and classes, Ho Chi Minh Young Pioneer Organization and Ho Chi Minh Communist Youth Union; help their families, join physical and social activities and environmental protection activities, and maintain traffic order and safety.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 35. Rights of students

1. Receive comprehensive education with fairness, be provided with time, facilities, hygiene and safety to learn in class and self-learn at home, be informed of their education and training, and be able to use learning, cultural and sport equipment of their schools as per the law.

2. Receive respect, protection and fair and democratic treatment, complain to their schools and education authorities about decisions concerning themselves; transfer school with legitimate reason as per existing regulations; enter school before the compulsory starting age, skip a grade and study at an age higher than the compulsory attendance age according to regulations in Article 33 of this charter.

3. Participate in activities for development of their gifts in academic subjects, sports and art organized by their schools if able to.

4. Students eligible for social benefits, disadvantaged students and gifted students may receive sponsorship or other benefits as per the law.

5. Transfer school if eligible according to regulations following school transfer procedures stipulated by the Minister of Education and Training.

6. Enjoy other rights as per the law.

Article 36. Manners and attire of students

1. Students must have appropriate, respectful, friendly and cultured manners and language that suit the moral values and lifestyle of secondary school students.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 37. Prohibited acts for students

1. Disrespect the dignity, honor or bodily integrity of teachers, officials and staff of their schools, other people and other students.

2. Act dishonestly in learning, examinations or admission process.

3. Buy, sell or use alcohol, tobacco, drugs, other stimulants, firecrackers or explosives.

4. Use mobile phones and other devices in class for purposes other than learning and without the teacher's permission.

5. Fight or disrupt public or school order or security.

6. Use or exchange cultural products that incite violence or contain indecent materials; use toys or play games that impede their own healthy development.

7. Students shall not commit other prohibited acts provided for by regulations of law.

Article 38. Reward and discipline

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Commend them in front of the class or the whole school.

b) Grant them titles for students according to regulations.

c) Grant certificates and certificates of merit to students with outstanding achievements or exceptional improvement in learning or emulation movements and competition winners according to regulations and with permission from the Ministry of Education and Training.

d) Other ways to reward.

2. Students making a mistake during the learning and training process shall be corrected or disciplined in the following ways:

a) Give the student a reminder, directly support them in correcting their mistake.

b) Reprimand the student, inform the student’s parent(s) to have the parent(s) cooperate in supporting the student in correcting their mistake.

c) Suspend the student’s study at school for a definite period and take other correcting measures according to regulations from the Ministry of Education and Training.

Chapter VI

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 39. Location, size and area

Location, size and area of secondary schools must meet the requirements from the Ministry of Education and Training.

Article 40. Facilities of secondary schools

1. Technical infrastructure and facilities of secondary schools must meet the minimum standards for secondary school facilities provided for by the Ministry of Education and Training.

2. Schools shall formulate and propose specific plans and roadmaps for investment in additional facilities with the aim of meeting higher facilities standards to competent authorities for approval.

3. Schools shall manage and use their facilities effectively, avoiding wastage; and have plans for periodical facilities upgrade according to regulations; and shall not use facilities past their service life or facilities not meeting safety requirements unless upgraded or repaired.

Article 41. Educational equipment

1. Secondary schools shall be furnished with educational equipment and manage and use educational equipment in teaching and educational activities effectively according to regulations of the Ministry of Education and Training.

2. Teachers shall use educational equipment of their schools for teaching and educational activities effective; it is encouraged that teachers and students make their own teaching equipment based on knowledge and teaching/educating methods provided for in general education curricula.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Every secondary school shall have a library. The library shall be organized and operate in accordance with standards for general education schools from the Ministry of Education and Training.

2. School libraries shall support learning, teaching and scientific research activities of students, teachers, officials and staff.

3. School libraries shall be arranged in a safe, scientific, friendly and lively manner and as suitable for psychophysiological characteristics of secondary school students. Schools are encouraged to build open libraries and create a separate reading space for their students. Capable schools shall develop electronic libraries.

4. Privatization of library development is encouraged.

Article 43. School finance

Investment in and provision, management and use of secondary school property and finance are provided for by law and existing regulations of the Ministry of Finance and Ministry of Education and Training.

Chapter VII

RELATIONSHIP BETWEEN THE SCHOOL, THE FAMILY AND THE SOCIETY

Article 44. Parent committees

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Each school shall have a parent committee that is formed for every academic year and some members of which are elected by the parent committee of each class to cooperate with the school in educational activities.

3. Duties, powers, organization and operation of the parent committee of each class or secondary school are provided for in the parent committee charter promulgated by the Minister of Education and Training.

Article 45. Relationship between the school, the family and the society

1. The school shall proactively, regularly and closely cooperate with the family and the society in building a unified learning environment to achieve educational objectives and apply educational principles.

2. The school shall cooperate with the local government and mass organizations, parent committees and relevant socio-political organizations and individuals in:

a) Finalize educating methods, contents and viewpoints between the school, the family and the society to achieve educational objectives.

b) Mobilize forces and resources of the community for education and educational equipment and facilities for the school; develop learning movements and build a healthy and safe learning environment; prevent bad influence on students; and enable students to play and participate in healthy and age-appropriate cultural and sport activities.

You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


Circular 32/2020/TT-BGDDT lower secondary school upper secondary school charter
Official number: 32/2020/TT-BGDDT Legislation Type: Circular
Organization: The Ministry of Education and Training Signer: Nguyen Huu Do
Issued Date: 15/09/2020 Effective Date: Premium
Gazette dated: Updating Gazette number: Updating
Effect: Premium

You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


Circular No. 32/2020/TT-BGDDT dated September 15, 2020 on lower secondary school, upper secondary school and multi-level school charter

Address: 17 Nguyen Gia Thieu street, Ward Vo Thi Sau, District 3, Ho Chi Minh City, Vietnam.
Phone: (+84)28 3930 3279 (06 lines)
Email: inf[email protected]

Copyright© 2019 by THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu

DMCA.com Protection Status