THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
16/1998/CT-TTg
|
Hà
Nội, ngày 31 tháng 3 năm 1998
|
CHỈ THỊ
VỀ GIẢI QUYẾT NHỮNG KIẾN NGHỊ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP
Trong tháng 1, 2, 3 năm 1998, Thủ
tướng Chính phủ cùng Phó Thủ tướng Ngô xuân Lộc và lãnh đạo một số ngành đã gặp
đại diện các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ở cả ba miền trong nước
tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Các cuộc gặp
mặt, đối thoại này đã tạo chuyển biến bước đầu trong sự hợp tác giữa các cơ
quan nhà nước và các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong
sản xuất kinh doanh. Nhiều kiến nghị hợp lý của các doanh nghiệp nêu trong ba
cuộc gặp đã được các Bộ, ngành tiếp thu, giải quyết.
Để tiếp tục phát huy kết quả các
cuộc gặp nói trên, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước phát
huy nội lực, phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả và từng bước hội nhập
vào khu vực và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các ngành, các cấp khẩn
trương tiến hành những việc sau đây:
1. Những việc
cần giải quyết ngay.
1.1. Trong phạm vi trách nhiệm
và quyền hạn đã được phân cấp, các Bộ, Tổng cục thuộc các ngành Tài chính, Hải
quan, Ngân hàng, Kế hoạch, Thương mại, Nội vụ (cảnh sát kinh tế), Thanh tra,
Giao thông... tiếp tục xử lý kịp thời những kiến nghị và khiếu nại của doanh
nghiệp về các vụ, việc cụ thể, kể cả những kiến nghị chuyển trực tiếp bằng văn
bản đến cơ quan do không có đủ thời gian trình bày tại cuộc gặp và những kiến
nghị của doanh nghiệp gửi đến cơ quan sau này. Thủ trưởng các cơ quan nói trên
cần trả lời ngay trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị hoặc khiếu nại
của doanh nghiệp và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
Những vấn đề vượt quá thẩm quyền
của cơ quan mình thì phải kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ. Đối với những vấn
đề xét thấy không thể giải quyết được thì phải giải thích theo tinh thần bình đẳng,
giúp cho doanh nghiệp nhận thức đầy đủ và chấp hành đúng các quy định của luật
pháp; xoá bỏ cách làm việc đơn phương áp đặt, cửa quyền đối với doanh nghiệp.
Lãnh đạo các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra chặt chẽ cấp cơ sở và
các cán bộ trực tiếp giải quyết những đề nghị của doanh nghiệp.
1.2. Các cơ quan quản lý nhà nước
thể chế hoá ngay thủ tục tiếp nhận và trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp và
công bố trên phương tiện thông tin đại chúng cho các doanh nghiệp biết (tên và
số diện thoại của người giải quyết kiến nghị, địa điểm tiếp nhận giấy tờ kiến
nghị, khiếu nại, thời gian trả lời các kiến nghị, khiếu nại...).
1.3. Những kiến nghị của doanh
nghiệp lên các cơ quan có liên quan sau 15 ngày không được trả lời thì doanh
nghiệp có quyền trực tiếp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ sẽ
xem xét, có hình thức xử lý và công bố trên báo đối với cơ quan nào có thẩm quyền
và trách nhiệm giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp mà không thực hiện đúng chức
trách.
Tăng cường bộ phận thường trực
Ban Chỉ đạo trung ương Đổi mới doanh nghiệp đặt tại Văn phòng Chính phủ, giúp
Thủ tướng Chính phủ làm đầu mối tiếp nhận, xử lý những kiến nghị của các doanh
nghiệp và phối hợp nghiên cứu, chỉ đạo toàn bộ các vấn đề liên quan đến doanh
nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Tăng cường vai trò của Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các Hiệp hội doanh nghiệp trong việc tập
hợp ý kiến của doanh nghiệp, phát hiện những vấn đề nảy sinh và đề xuất các kiến
nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ.
2. Những nội
dung cần sửa đổi sớm về thể chế và thực hiện thể chế đối với các doanh nghiệp.
2.1. Các Bộ, Tổng cục rà
soát những văn bản pháp quy hiện hành về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính
thuộc chức năng quản lý của mình, phát hiện những quy định bất hợp lý, chồng
chéo, trái nhau trong các văn bản đang gây khó khăn cho hoạt động của doanh
nghiệp; nghiên cứu xử lý gấp những vấn đề đã rõ, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động
sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm giữ đúng kỷ cương, luật
pháp của Nhà nước.
Các Bộ, Tổng cục phải chủ động xử
lý những vấn đề thuộc quyền hạn trách nhiệm của mình. Đối với những vấn đề thuộc
quy định liên ngành, Thủ trưởng các ngành có liên quan phối hợp giải quyết với
tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tránh vì lợi ích cục bộ, riêng tư mà
không đáp ứng đòi hỏi hợp lý của doanh nghiệp. Những điểm còn vướng mắc hoặc có
ý kiến khác nhau giữa các Bộ, ngành cần được kịp thời phản ánh lên Thủ tướng
Chính phủ để xử lý.
2.2. Trong năm 1998, cần tập
trung nghiên cứu giải quyết những vấn đề về thể chế (bao gồm cả thủ tục hành
chính) và việc chấp hành thể chế trong những lĩnh vực dưới đây:
2.2.1. Cấp giấy phép thành lập
doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh.
Các tỉnh và thành phố trực thuộc
trung ương giao cho các sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ và xử
lý các đề nghị của doanh nghiệp để trình Chủ tịch ủy ban nhân dân quyết định.
Trong khi chờ sửa đổi Luật Công ty, những doanh nghiệp đã có giấy phép thành lập,
nếu có đủ điều kiện và có yêu cầu đăng ký kinh doanh ngay thì cơ quan kế hoạch
được quyền cấp giấy đăng ký kinh doanh, không đòi hỏi doanh nghiệp tiến hành
các thủ tục khác. Phòng Kinh tế - Kế hoạch quận, huyện là đầu mối tiếp nhận
trình Chủ tịch ủy ban nhân dân quận, huyện cấp giấy phép kinh doanh cho các hộ
có mức vốn dưới mức vốn pháp định phù hợp với luật pháp và quy chế của các
ngành liên quan.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên
cứu sửa đổi, bổ sung luật và nghị định về thành lập doanh nghiệp và đăng ký
kinh doanh của dân theo hướng: quy định cụ thể những ngành nghề không được kinh
doanh, những ngành nghề muốn kinh doanh phải xin phép. Đối với các ngành nghề
ngoài phạm vi đó, Nhà nước quy định những điều kiện cần phải có khi hành nghề
(bao gồm cả những điều kiện quy định riêng cho một số ngành nghề cần thiết).
Trên cơ sở những quy định đó, dân muốn hành nghề chỉ cần đăng ký kinh doanh,
không phải xin phép. Việc quy định cơ quan tiếp nhận đăng ký kinh doanh phải vừa
thuận tiện cho dân, vừa dễ thực hiện sự kiểm soát hoạt động sau khi đăng ký.
Nghiên cứu trình Thủ tướng Chính
phủ ban hành quy định cấm cơ quan công quyền lập tổ chức kinh doanh dịch vụ về
các thủ tục và nội dung thuộc những lĩnh vực mà cơ quan đó có thẩm quyền giải
quyết, như về đất đai, xây dựng, đầu tư...
2.2.2. Về xuất nhập khẩu.
Bộ Thương mại nghiên cứu
sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản
của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, nhằm khuyến khích mạnh mẽ những doanh nghiệp
hoạt động xuất khẩu. Trừ một số ít mặt hàng cần duy trì sự kiểm soát của Nhà nước,
đối với hầu hết các mặt hàng còn lại đều bãi bỏ giấy phép xuất khẩu; đơn giản
hoá thủ tục xuất khẩu, đổi mới cơ chế cấp quota, cơ chế quản lý hàng gia công;
thực hiện các chính sách ưu đãi đặc biệt đối với doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu;
khen thưởng các doanh nghiệp tìm được thị trường xuất khẩu những mặt hàng cần
khuyến khích mà ta có lợi thế; kiểm tra và xử lý kịp thời những trường hợp gây
phiền hà trong việc cấp giấy phép xuất nhập khẩu hoặc tiêu cực trong việc phân
bổ quota;
Phối hợp với các cơ quan liên
quan nghiên cứu trình Chính phủ chính sách hỗ trợ một số mặt hàng xuất khẩu mà
ta đang kém lợi thế so sánh trong tình hình tỷ giá của các nước đang biến động
mạnh.
2.3. Về tài chính, hải quan,
ngân hàng.
Bộ Tài chính: nghiên cứu
trình Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số Luật Thuế. Hướng dẫn
cụ thể việc áp dụng các mức thuế để tránh vận dụng tùy tiện và chế độ hóa đơn
chứng từ phù hợp với tình hình thực tế, có khả năng thực thi và bảo đảm thực hiện
thống nhất. Mở rộng việc các doanh nghiệp tự kê khai và nộp thuế cho Kho bạc
nhà nước; cơ quan thuế có nhiệm vụ kiểm tra để bảo đảm kê khai đúng, tránh thất
thu cho Nhà nước; bãi bỏ thuế thu nhập bổ sung đối với doanh nghiệp làm hàng xuất
khẩu;
Phối hợp với Tổng cục Hải quan
xem xét, bố trí biểu thuế xuất nhập khẩu, cách xác định giá tính thuế để tạo điều
kiện việc áp mã thuế và áp giá nhanh, chính xác.
Tổng cục Hải quan: sớm
trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 171/HĐBT ngày 27 tháng 5 năm 1991 quy định
cụ thể thủ tục hải quan và lệ phí hải quan; khẩn trương ban hành các quy chế về
cải tiến thủ tục hải quan, để thực hiện những điều mà đồng chí Tổng cục trưởng
Tổng cục Hải quan đã trình bày tại các cuộc gặp và quy chế về việc cán bộ lãnh
đạo Tổng cục và cơ quan hải quan cấp dưới phải có lịch thường xuyên gặp gỡ, lắng
nghe ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp để kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn cán
bộ hải quan phục vụ tốt hoạt động của doanh nghiệp và hướng dẫn các doanh nghiệp
hiểu, thực hiện đúng các quy định. Kiên quyết cho ra khỏi ngành những cán bộ hải
quan có hành động nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Ngân hàng nhà nước: nghiên cứu
giải quyết các kiến nghị hợp lý của doanh nghiệp về vay vốn trung và dài hạn;
trả nợ vay phù hợp với chu kỳ luân chuyển vốn, thời hạn khấu hao tài sản và khả
năng tạo nguồn trả của doanh nghiệp, việc trả lãi tiền vay do tổ chức tín dụng
cho vay và doanh nghiệp thỏa thuận; việc dùng ngay tài sản mua bằng tiền vay để
thế chấp với ngân hàng; giúp đỡ các doanh nghiệp thực hiện cam kết trả nợ nước
ngoài;
Kịp thời giải quyết những khó
khăn vướng mắc về thủ tục để doanh nghiệp có điều kiện vay vốn ngân hàng được
thuận lợi.
2.4. Loại việc có liên quan đến
thanh tra, kiểm tra và xét xử.
Bộ Nội vụ: quán triệt trong toàn
ngành chấp hành nguyên tắc nghiệp vụ; tăng cường công tác phòng ngừa, lấy phòng
ngừa là chính; không được lạm dụng chức, quyền để gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Phối hợp với Bộ Tư pháp, Thanh
tra nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao nghiên cứu
hướng dẫn, phân biệt cụ thể phạm vi tranh chấp kinh tế với quan hệ hình sự;
phân định rõ các vi phạm về hành chính kinh tế với các vi phạm hình sự.
Bộ Tư pháp: chủ trì cùng các
ngành liên quan nghiên cứu các biện pháp để thực hiện chủ trương chống hình sự
hoá các quan hệ kinh tế dân sự.
Thanh tra nhà nước: khẩn
trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về quy chế thanh tra, kiểm tra các
doanh nghiệp, trong đó nêu rõ phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của thanh tra
nhà nước, thanh tra chuyên ngành, cảnh sát kinh tế... và những biện pháp tránh
chồng chéo, gây phiền hà trong thanh tra, kiểm tra; làm rõ nhiệm vụ công tác kiểm
tra là giúp đỡ, hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động
của doanh nghiệp, đồng thời uốn nắn những lệch lạc trong việc thực hiện pháp luật,
chính sách, hạn chế tiêu cực trong kinh doanh.
Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông vận tải:
sửa đổi các quy định kiểm tra giao thông, xóa bỏ các điểm kiểm tra không cần
thiết, ngăn ngừa và xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu gây cản trở cho chủ xe
và chủ hàng.
3 - Loại việc
liên quan đến ban hành văn bản và tiếp xúc đại diện doanh nghiệp.
3.1. Các Bộ, các ngành khi soạn
thảo các văn bản pháp quy liên quan đến doanh nghiệp, ngoài việc lấy ý kiến của
các cơ quan nhà nước và các chuyên gia, cần lấy ý kiến của doanh nghiệp thông
qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp có
liên quan; khi ban hành các văn bản thuộc loại này phải gửi cho Phòng thương mại
và Công nghiệp Việt Nam, để Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sao gửi đến
từng doanh nghiệp; các văn bản thay đổi cơ chế, chính sách có liên quan đến hoạt
động của doanh nghiệp cần quy định các biện pháp xử lý những vấn đề tồn đọng giữa
chính sách cũ và mới.
3.2. Văn phòng Chính phủ nghiên
cứu, kiến nghị Thủ tướng phân công các cơ quan liên quan nghiên cứu những vấn đề
về doanh nghiệp cần sửa đổi một cách cơ bản, đồng bộ và toàn diện, để từng bước
hình thành thể chế ổn định lâu dài;
Đôn đốc các Bộ, ngành hàng tháng
gửi báo cáo và tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Chỉ
thị này, đồng thời phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chuẩn
bị các cuộc gặp thường xuyên của Thủ tướng Chính phủ với đại diện các doanh
nghiệp với nội dung, hình thức thích hợp.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức liên quan có trách nhiệm thi
hành Chỉ thị này.