QUỐC
HỘI
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
83/2007/QH11
|
Hà
Nội, ngày 02tháng 04 năm 2007
|
LUẬT
SỬA ĐỔI,
BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết
số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội đã được Quốc hội
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
thông qua ngày 25 tháng 12 năm 2001.
Điều 1: Sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội:
1. Điều 22 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 22
Quốc hội thành lập Hội đồng Dân
tộc và các Uỷ ban sau đây:
1. Uỷ ban pháp luật;
2. Uỷ ban tư pháp;
3. Uỷ ban kinh tế;
4. Uỷ ban tài chính, ngân sách;
5. Uỷ ban quốc phòng và an ninh;
6. Uỷ ban văn hoá, giáo dục,
thanh niên, thiếu niên và nhi đồng;
7. Uỷ ban về các vấn đề xã hội;
8. Uỷ ban khoa học, công nghệ và
môi trường;
9. Uỷ ban đối ngoại.”
2. Điều 27 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 27
Uỷ ban pháp luật có những nhiệm
vụ và quyền hạn sau đây:
1. Thẩm tra dự kiến của Chính phủ
về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đề nghị của cơ quan khác, tổ chức, đại
biểu Quốc hội về xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị của đại biểu Quốc hội về
luật, pháp lệnh;
2. Thẩm tra dự án luật, dự án
pháp lệnh về dân sự, hành chính, về tổ chức bộ máy nhà nước, trừ tổ chức bộ máy
của các cơ quan tư pháp; thẩm tra các dự án khác do Quốc hội, Uỷ ban thường vụ
Quốc hội giao;
3. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp
pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật, dự án
pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua;
4. Chủ trì thẩm tra đề án về
thành lập, bãi bỏ các bộ, cơ quan ngang bộ; thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh
địa giới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thành lập hoặc giải thể đơn vị
hành chính - kinh tế đặc biệt; báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu
nại, tố cáo của công dân;
5. Giám sát việc thực hiện luật,
nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về
dân sự, hành chính, về tổ chức bộ máy nhà nước, trừ tổ chức bộ máy của các cơ
quan tư pháp; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc
lĩnh vực Uỷ ban phụ trách;
6. Giám sát văn bản quy phạm
pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang bộ, văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa các cơ quan nhà nước có thẩm
quyền ở trung ương hoặc giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với cơ quan trung
ương của tổ chức chính trị - xã hội thuộc lĩnh vực Uỷ ban phụ trách;
7. Kiến nghị các biện pháp cần
thiết nhằm hoàn thiện bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật.”
3. Bổ sung Điều
27a sau Điều 27 như sau:
“Điều 27a
Uỷ ban tư pháp có những nhiệm vụ
và quyền hạn sau đây:
1. Thẩm tra dự án luật, dự án
pháp lệnh về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi
hành án, bổ trợ tư pháp, tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp và các dự án
khác do Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao;
2. Thẩm tra các báo cáo của
Chính phủ về công tác phòng ngừa và chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công
tác thi hành án; thẩm tra các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối
cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; chủ trì thẩm tra báo cáo của
Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng;
3. Giám sát việc thực hiện luật,
nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về
hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ
trợ tư pháp, tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp; giám sát hoạt động của
Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc
điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp;
4. Giám sát văn bản quy phạm
pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang bộ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, văn bản quy
phạm pháp luật liên tịch giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương
hoặc giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với cơ quan trung ương của tổ chức
chính trị - xã hội thuộc lĩnh vực Uỷ ban phụ trách;
5. Giám sát việc phát hiện và xử
lý hành vi tham nhũng;
6. Kiến nghị các vấn đề liên
quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về hình sự,
tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư
pháp, tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp.”
4. Điều 28 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 28
Uỷ ban kinh tế có những nhiệm vụ
và quyền hạn sau đây:
1. Thẩm tra dự án luật, dự án
pháp lệnh thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh
doanh và các dự án khác do Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao;
2. Chủ trì thẩm tra chương
trình, dự án, kế hoạch nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội; báo cáo của
Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội;
3. Giám sát việc thực hiện luật,
nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thuộc
lĩnh vực quản lý kinh tế, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh; chủ trì
giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện
chương trình, dự án, kế hoạch nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và việc
thực hiện chính sách kinh tế, tiền tệ, ngân hàng;
4. Giám sát văn bản quy phạm
pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang bộ, văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa các cơ quan nhà nước có thẩm
quyền ở trung ương hoặc giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với cơ quan trung
ương của tổ chức chính trị - xã hội thuộc lĩnh vực Uỷ ban phụ trách;
5. Kiến nghị các vấn đề liên
quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về quản lý
kinh tế, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh.”
5. Bổ sung Điều
28a sau Điều 28 như sau:
“Điều 28a
Uỷ ban tài chính, ngân sách có
những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Thẩm tra dự án luật, dự án
pháp lệnh thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách và các dự án khác do Quốc hội, Uỷ
ban thường vụ Quốc hội giao;
2. Chủ trì thẩm tra dự toán ngân
sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và tổng quyết toán ngân
sách nhà nước;
3. Giám sát việc thực hiện luật,
nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội
thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ,
cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước và việc thực
hiện chính sách tài chính, ngân sách;
4. Giám sát văn bản quy phạm
pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang bộ, văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa các cơ quan nhà nước có thẩm
quyền ở trung ương hoặc giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với cơ quan trung
ương của tổ chức chính trị – xã hội thuộc lĩnh vực Uỷ ban phụ trách;
5. Kiến nghị các vấn đề liên
quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về tài
chính, ngân sách.”
6. Điều 34 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 34
Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của
Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:
1. Tham gia với Uỷ ban kinh tế
thẩm tra chương trình, dự án, kế hoạch nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội;
báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế -
xã hội;
2. Tham gia với Uỷ ban tài
chính, ngân sách thẩm tra dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân
sách trung ương và tổng quyết toán ngân sách nhà nước;
3. Tham gia với Uỷ ban pháp luật
thẩm tra đề án về thành lập, bãi bỏ các bộ, cơ quan ngang bộ; thành lập mới, nhập,
chia, điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thành lập hoặc
giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; báo cáo của Chính phủ về công
tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân;
4. Tham gia với Uỷ ban tư pháp
thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng;
5. Giám sát việc thực hiện ngân
sách nhà nước, công tác phòng ngừa tham nhũng thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc,
Uỷ ban phụ trách.”
Điều 2: Luật
này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2007.
Luật này đã được Quốc hội nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 02
tháng 4 năm 2007.
|
CHỦ
TỊCH QUỐC HỘI
Nguyễn Phú Trọng
|