Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài việc phải đáp ứng các quy định chung về đăng ký kinh doanh thì đối với một số ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp còn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện nhất định. Tiện ích Tra cứu ngành nghề kinh doanh có điều kiện được xây dựng nhằm giúp Quý khách hàng thuận tiện trong việc nắm bắt thông tin về điều kiện, hồ sơ, thủ tục để tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các ngành nghề yêu cầu điều kiện cụ thể.

Văn phòng giám định tư pháp

1. Quy định về tổ chức giám định tư pháp

Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định pháp luật.

Hiện nay, tổ chức giám định tư pháp có 02 loại:

Một là, tổ chức giám định tư pháp công lập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự.

Hai là, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả; cụ thể là các Văn phòng giám định tư pháp:

Văn phòng giám định tư pháp được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Giám định tư pháp 2012, Luật Doanh nghiệp 2020.

- Loại hình tổ chức và hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp:

+ Doanh nghiệp tư nhân: Trong trường hợp do 01 giám định viên tư pháp thành lập.

+ Công ty hợp danh: Trong trường hợp do 02 giám định viên tư pháp trở lên thành lập. Các giám định viên tư pháp phải là thành viên hợp danh.

- Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng phải là Trưởng Văn phòng và là giám định viên tư pháp.

- Tên gọi Văn phòng giám định tư pháp bao gồm cụm từ “Văn phòng giám định tư pháp” và phần tên riêng liền sau. Việc đặt tên riêng phải tuân thủ Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020 và các quy định khác có liên quan.

- Việc gắn biển hiệu của Văn phòng phải tuân thủ Điều 34 của Luật Quảng cáo 2012 và khoản 2.2.3 Mục 2 Quy chuẩn số QCVN 17:2018/BXD ban hành kèm Thông tư 04/2018/TT-BXD.

- Văn phòng giám định tư pháp có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng.

Điều kiện thành lập văn phòng giám định tư pháp

Giám định viên thành lập văn phòng giám định tư pháp phải bảo đảm các điều kiện dưới đây:

+ Có từ đủ 03 năm trở lên là giám định viên tư pháp và có hoạt động giám định trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng

+ Có Đề án thành lập Văn phòng, cụ thể: Đề án thành lập Văn phòng giám định tư pháp phải nêu rõ mục đích thành lập; dự kiến về tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định theo quy định của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định và kế hoạch triển khai thực hiện.

Lưu ý: Không phải là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng.

Văn phòng giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính phải đáp ứng thêm các điều kiện

- Có trụ sở riêng thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tối thiểu là 03 (ba) năm kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định cho phép thành lập Văn phòng giám định.

- Có phòng làm việc cho giám định viên và nhân viên; có tủ hoặc kho hoặc khu vực riêng lưu trữ hồ sơ giám định.

Để hoạt động hành nghề giám định tư pháp, văn phòng giám định tư pháp phải thực hiện thủ tục đăng ký thành lập, sau đó đăng ký hoạt động.

Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet

2. Đăng ký thành lập Văn phòng giám định tư pháp

Thành phần hồ sơ:

(1) Đơn xin phép thành lập bao gồm các nội dung sau:

- Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; số chứng minh thư nhân dân của người xin phép thành lập Văn phòng;

- Họ và tên thành viên hợp danh, thành viên góp vốn;

- Tên gọi, địa chỉ trụ sở dự kiến của văn phòng;

- Lĩnh vực giám định tư pháp luật trong quá trình hoạt động;

- Cam kết về việc tuân thủ sở dự kiến của Văn phòng.

>> Tham khảo mẫu:

- Đơn xin phép thành lập văn phòng giám định tư pháp là công ty hợp danh;

- Đơn xin phép thành lập văn phòng giám định tư pháp là doanh nghiệp tư nhân.

(2) Bản sao Quyết định bổ nhiệm giám pháp định giám định viên tư pháp

(3) Dự thảo Quy chế tổ chức, hoạt động của văn phòng giám định tư pháp, phải có các nội dung chủ yếu sau:

- Tên gọi, địa chỉ trụ sở dự kiến của Văn phòng;

- Lĩnh vực giám định tư pháp;

- Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; số chứng minh thư nhân dân của người đại diện theo pháp luật của Văn phòng;

- Danh sách giám định viên tư pháp làm việc theo chế độ hợp đồng (nếu có);

- Quy định về việc sử dụng giám định viên tư pháp;

- Quyền và nghĩa vụ của Văn phòng;

- Chế độ thông tin, báo cáo;

- Hiệu lực thi hành.

Lưu ý: Văn phòng giám định được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh thì quy chế phải có thêm các nội dung sau:

- Họ và tên thành viên hợp danh, thành viên góp vốn (nếu có);

- Phần vốn góp của thành viên hợp danh, thành viên góp vốn (nếu có);

- Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh, thành viên góp vốn (nếu có);

- Cơ cấu tổ chức quản lý;

- Thể thức thông qua quyết định của Văn phòng;

- Căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho thành viên hợp danh, thành viên góp vốn và nhân viên;

- Nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ, phân chia lợi nhuận;

- Các trường hợp chấm dứt hoạt động và thủ tục thanh lý tài sản;

- Thể thức sửa đổi, bổ sung Quy chế;

- Họ và tên, chữ ký của thành viên hợp danh;

- Các nội dung khác do các thành viên hợp danh thỏa thuận không trái với quy định của pháp luật.

>> Tham khảo mẫu:

- Quy chế tổ chức, hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp là công ty hợp danh;

- Quy chế tổ chức, hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp là doanh nghiệp tư nhân.

(4) Đề án thành lập văn phòng giám định tư pháp nêu rõ mục đích thành lập; dự kiến về tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định theo quy định của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định và kế hoạch triển khai thực hiện.

Nơi nộp hồ sơ: Sở Tư pháp

Thời hạn giải quyết:

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, thẩm định hồ sơ; và trình cho chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định;

- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp trình hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng giám định đặt trụ sở xem xét, quyết định cho phép thành lập.

3. Đăng ký hoạt động văn phòng giám định tư pháp

Thời hạn thực hiện: Trong vòng 01 năm, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép thành lập.

Lưu ý: Sau thời hạn 01 năm, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép thành lập, Văn phòng giám định tư pháp không đăng ký hoạt động thì Quyết định cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp hết hiệu lực.

Thành phần hồ sơ:

(1) Đơn đề nghị đăng ký hoạt động bao gồm các nội dung sau:

- Số quyết định cho phép thành lập Văn phòng;

- Tên đầy đủ của Văn phòng, tên viết tắt (nếu có);

- Địa chỉ trụ sở của Văn phòng;

- Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; số chứng minh thư nhân dân của người đại diện theo pháp luật của Văn phòng;

- Lĩnh vực giám định tư pháp;

- Danh sách thành viên hợp danh của Văn phòng (nếu có).

>> Tham khảo mẫu:

- Đơn đăng ký hoạt động văn phòng giám định tư pháp là công ty hợp danh;

- Đơn đăng ký hoạt động văn phòng giám định tư pháp là doanh nghiệp tư nhân.

(2) Quy chế tổ chức, hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp;

>> Tham khảo mẫu:

- Quy chế tổ chức, hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp là công ty hợp danh;

- Quy chế tổ chức, hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp là doanh nghiệp tư nhân.

(3) Giấy tờ chứng minh có đủ điều kiện bảo đảm hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp theo Đề án thành lập;

(4) Bản sao Quyết định cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp.

Nơi nộp hồ sơ: Sở Tư pháp

Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

4. Một số lưu ý thành lập văn phòng giám định tư pháp

- Văn phòng giám định tư pháp được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.

- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày cấp Giấy đăng ký hoạt động hoặc cấp lại Giấy đăng ký hoạt động, Sở Tư pháp phải thông báo bằng văn bản về nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp cho Cơ quan thuế, Cơ quan thống kê, Cơ quan công an cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi Văn phòng giám định tư pháp đặt trụ sở.

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, Văn phòng giám định tư pháp phải đăng báo Trung ương hoặc báo địa phương nơi đăng ký hoạt động trong ba số liên tiếp về những nội dung sau đây:

+ Tên, địa chỉ trụ sở của Văn phòng;

+ Họ và tên người đại diện theo pháp luật của Văn phòng;

+ Số, ngày, tháng, năm cấp Giấy đăng ký hoạt động, nơi đăng ký hoạt động.

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.

Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây

2,400
Công việc tương tự:
Bài viết liên quan:
Bài viết liên quan: