Tổng công ty là công ty TNHH MTV hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con, do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tổng công ty muốn chuyển 09 công ty con là công ty TNHH MTV do Tổng công ty nắm giữ 100% vốn điều lệ thành 08 chi nhánh (trong đó 07 Công ty TNHH MTV sáp nhập vào mẹ và tổ chức lại thành 07 chi nhánh trên cơ sở chuyển giao toàn bộ tài sản và quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp từ công ty con sang chi nhánh, 02 công ty TNHH MTV sáp nhập vào mẹ và tổ chức lại thành 01 chi nhánh trên cơ sở chuyển giao toàn bộ tài sản và quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp từ 02 công ty con sang 01 chi nhánh). Xin luật sư tư vấn về trình tự thủ tục và căn cứ pháp lý để thực hiện vấn đề nêu trên, trong đó nêu rõ Công ty mẹ phải làm các thủ tục gì, công ty con/chi nhánh phải làm các thủ tục gì?. Trong trường hợp sáp nhập công ty con là công ty TNHH MTV do công ty mẹ năm giữ 100% vốn điều lệ về công ty mẹ thì có cần hợp đồng sáp nhập, Nghị quyết và biên bản thông qua hợp đồng sáp nhập không? Xin trân trọng cảm ơn!
>> Hội đồng quản trị của công ty đại chúng chưa niêm yết buộc phải có thành viên độc lập không?
Chào anh Chung,
PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP đã nhận được nội dung đề nghị hỗ trợ từ anh, nên Ban Hỗ trợ có ý kiến trao đổi như sau:
Căn cứ theo Điều 88 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về doanh nghiệp nhà nước dưới đây:
“Điều 88. Áp dụng quy định đối với doanh nghiệp nhà nước
1. Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý theo quy định tại Chương này, các quy định tưng ứng tại mục 2 Chương III và các quy định khác có liên quan của Luật này. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Chương IV với Chương III và các quy định có liên quan khác của Luật này, thì áp dụng quy định tại Chương này.
2. Việc tổ chức quản lý doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 100% vốn điều lệ thực hiện theo các quy định tương ứng tại mục 1 Chương III và Chương V của Luật này.”
Theo đó, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ cũng là một loại hình doanh nghiệp nhà nước mà tổ chức, hoạt động được điều chỉnh bởi quy định của Luật Doanh nghiệp 2014. Như vậy, việc sáp nhập các công ty vào công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ cũng được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014.
Theo Điều 195 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về thủ tục sáp nhập doanh nghiệp như sau:
"Điều 195. Sáp nhập doanh nghiệp
1. Một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.
2. Thủ tục sáp nhập công ty được quy định như sau:
a) Các công ty liên quan chuẩn bị hợp đồng sáp nhập và dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải có các nội dung chủ yếu về tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty nhận sáp nhập; tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị sáp nhập; thủ tục và điều kiện sáp nhập; phương án sử dụng lao động; cách thức, thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập; thời hạn thực hiện sáp nhập;
b) Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của các công ty liên quan thông qua hợp đồng sáp nhập, Điều lệ công ty nhận sáp nhập và tiến hành đăng ký doanh nghiệp công ty nhận sáp nhập theo quy định của Luật này. Hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua;
c) Sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập..."
Anh vui lòng xem chi tiết thủ tục sáp nhập doanh nghiệp tại đây.
Trong trường hợp của anh, công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ và 9 công ty TNHH một thành viên do công ty đó nắm 100% vốn điều lệ bản chất là 10 công ty độc lập, vì vậy, các công ty vẫn phải lập hợp đồng sáp nhập để làm căn cứ sáp nhập.
Sau khi đã sáp nhập doanh nghiệp xong, công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ tiếp tục thực hiện thủ tục Đăng ký hoạt động cho 8 chi nhánh.
Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Chi nhánh không có tài sản độc lập mà được doanh nghiệp giao tài sản để quản lý và sử dụng. Việc lưu chuyển tài sản, nhân lực từ doanh nghiệp về các chi nhánh được thực hiện theo các nghiệp vụ kế toán, nhân sự cụ thể.
Về quyền và nghĩa vụ của chi nhánh, nếu doanh nghiệp không có quy định gì khác thì chi nhánh được quyền thực hiện toàn bộ chức năng của doanh nghiệp.
Cảm ơn anh đã sử dụng dịch vụ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP và kính chúc anh luôn thật nhiều sức khỏe.