Pháp Lý Khởi Nghiệp cho tôi hỏi: Công ty tôi vừa qua có ký hợp đồng bán bàn ghế cho một nhà hàng. Lúc đó, công ty đã xuất hóa đơn điện tử cho bên mua (mẫu theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP) với giá tạm tính tại thời điểm ký hợp đồng. Tuy nhiên, sau đó có phát sinh việc giảm giá bán, vậy trong trường hợp này cần phải xử lý hóa đơn đã lập như thế nào?
>> Có phải xuất hóa đơn khi mua phiếu quà tặng (voucher) rồi bán lại không?
>> Có phải trích khấu hao đối với tài sản cố định đã cho thuê không?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Trường hợp của anh/chị đã sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP nên việc xử lý hóa đơn cũng sẽ áp dụng theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP (căn cứ khoản 6 Điều 12 Thông tư 78/2021/TT-BTC).
Cụ thể, theo điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, xử lý hóa đơn điện tử có sai sót về giá tiền ghi trên hóa đơn trong trường hợp đã gửi cho người mua được quy định như sau:
Người bán có thể lựa chọn một trong hai cách xử lý hóa đơn điện tử có sai sót sau đây:
Cách 1:
- Người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót (cụ thể ở đây là việc thay đổi giá bán bàn ghế) trong trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót;
- Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.
Hóa đơn điện tử điều chỉnh phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.
Cách 2:
- Người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót (cụ thể ở đây là việc thay đổi giá bán bàn ghế) trong trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót.
- Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót.
Hóa đơn điện tử mới thay thế phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.
Lưu ý:
- Sau khi lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót thì người bán cần:
+ Trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế: tiến hành ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế này và sau đó gửi cho người mua;
+ Trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế: gửi hóa đơn mới điều chỉnh hoặc thay thế cho cơ quan thuế để được cấp mã cho hóa đơn điện tử và sau đó gửi cho người mua.
- Người bán phải thông báo việc điều chỉnh (hay thay thế) hóa đơn điện tử có sai sót đến cơ quan thuế được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư 78/2021/TT-BTC như sau:
+ Sử dụng mẫu số 04/SS-HĐĐT (quy định tại Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP) trong trường hợp thông báo việc điều chỉnh cho từng hóa đơn có sai sót; hoặc
+ Thông báo việc điều chỉnh cho nhiều hóa đơn điện tử có sai sót và gửi thông báo theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT đến cơ quan thuế bất cứ thời gian nào nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của kỳ kê khai thuế GTGT phát sinh hóa đơn điện tử điều chỉnh.
- Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót và người bán đã xử lý theo hình thức điều chỉnh hoặc thay thế như hướng dẫn bên trên nhưng sau đó lại phát hiện hóa đơn tiếp tục có sai sót thì các lần xử lý tiếp theo người bán sẽ thực hiện theo hình thức đã áp dụng khi xử lý sai sót lần đầu;
Ví dụ: Hóa đơn điện tử có sai sót về giá bán hàng hóa và đã được xử lý bằng cách lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn bị sai sót (cách 2) thì nếu sau đó lại phát hiện hóa đơn tiếp tục có sai sót thì các lần xử lý tiếp theo, người bán vẫn sẽ thực hiện theo hình thức lập hóa đơn điện tử mới thay thế (không được xử lý theo hình thức lập hóa đơn điều chỉnh hóa đơn có sai sót).
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!