Trong năm 2023, để thông báo tập trung kinh tế thì doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ gồm những loại giấy tờ gì? – Đức Hòa (Quảng Trị).
>> Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền bị cấm năm 2023?
Căn cứ Điều 33 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về thông báo tập trung kinh tế như sau:
- Các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế phải nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia theo quy định tại Điều 34 Luật Cạnh tranh 2018 trước khi tiến hành tập trung kinh tế nếu thuộc ngưỡng thông báo tập trung kinh tế.
- Ngưỡng thông báo tập trung kinh tế được xác định căn cứ vào một trong các tiêu chí sau:
+ Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;
+ Tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;
+ Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế;
+ Thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.
- Chính phủ quy định chi tiết về thông báo tập trung kinh tế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Hồ sơ thông báo tập trung kinh tế năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 34 Luật Cạnh tranh 2018 quy định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế bao gồm các loại giấy tờ sau:
(1) Thông báo tập trung kinh tế theo mẫu do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ban hành;
(2) Dự thảo nội dung thỏa thuận tập trung kinh tế hoặc dự thảo hợp đồng, biên bản ghi nhớ việc tập trung kinh tế giữa các doanh nghiệp;
(3) Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;
(4) Báo cáo tài chính của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong 02 năm liên tiếp liền kề trước năm thông báo tập trung kinh tế hoặc báo cáo tài chính từ thời điểm thành lập đến thời điểm thông báo tập trung kinh tế đối với doanh nghiệp mới thành lập có xác nhận của tổ chức kiểm toán theo quy định của pháp luật;
(5) Danh sách các công ty mẹ, công ty con, công ty thành viên, chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị phụ thuộc khác của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế (nếu có);
(6) Danh sách các loại hàng hóa, dịch vụ mà từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế đang kinh doanh;
(7) Thông tin về thị phần trong lĩnh vực dự định tập trung kinh tế của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong 02 năm liên tiếp liền kề trước năm thông báo tập trung kinh tế;
(8) Phương án khắc phục khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh của việc tập trung kinh tế;
(9) Báo cáo đánh giá tác động tích cực của việc tập trung kinh tế và các biện pháp tăng cường tác động tích cực của việc tập trung kinh tế.
Lưu ý: Doanh nghiệp nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế chịu trách nhiệm về tính trung thực của hồ sơ. Tài liệu trong hồ sơ bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch tiếng Việt.
Theo quy định tại Điều 35 Luật Cạnh tranh 2018 quy định Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho bên nộp hồ sơ về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm thông báo bằng văn bản các nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ sung để các bên sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra thông báo.
Khi kết thúc thời hạn mà bên được yêu cầu không sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc sửa đổi, bổ sung không đầy đủ theo yêu cầu thì Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trả lại hồ sơ thông báo tập trung kinh tế.
Bên cạnh đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế theo quy định tại Điều 36 Luật Cạnh tranh 2018. Nội dung thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế bao gồm:
- Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan;
- Mức độ tập trung trên thị trường liên quan trước và sau khi tập trung kinh tế;
- Mối quan hệ của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau.
Ngoài ra, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải ra thông báo kết quả thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế về một trong các nội dung sau đây:
- Tập trung kinh tế được thực hiện;
- Tập trung kinh tế phải thẩm định chính thức.
Lưu ý: Khi kết thúc thời hạn nêu trên mà Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chưa ra thông báo kết quả thẩm định sơ bộ thì việc tập trung kinh tế được thực hiện và Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia không được ra thông báo với nội dung tập trung kinh tế phải thẩm định chính thức.