Theo quy định pháp luật, công ty, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán bị đình chỉ hoạt động trong những trường hợp nào? – An Tùng (Bình Định).
Căn cứ Điều 94 Luật Chứng khoán 2019, việc đình chỉ hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam được quy định như sau:
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định đình chỉ một, một số hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam trong các trường hợp sau đây:
(i) Hồ sơ đề nghị cấp, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán có thông tin sai sự thật;
(ii) Không khắc phục được tình trạng theo quy định tại Điều 92 Luật Chứng khoán 2019;
(iii) Hoạt động sai mục đích hoặc không đúng với nội dung quy định trong giấy phép;
(iv) Không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Chứng khoán 2019 hoặc điều kiện vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn điều lệ tối thiểu sau thời hạn khắc phục quy định tại khoản 2 Điều 85 Luật Chứng khoán 2019.
Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực [Cập nhật ngày 04/8/2023] |
Các trường hợp đình chỉ hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán?
(Ảnh minh họa - Nguồn từ internet)
Sau 06 tháng kể từ ngày quyết định đình chỉ có hiệu lực, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định rút nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán bị đình chỉ trong trường hợp công ty chứng khoán không khắc phục được tình trạng bị đình chỉ quy định tại trường hợp (ii) và (iv) Mục 1 nêu trên.
Trong thời gian bị đình chỉ hoạt động, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải thực hiện các biện pháp khắc phục hoặc hạn chế hoạt động sau đây:
- Không được ký mới, gia hạn các hợp đồng có liên quan đến các nghiệp vụ kinh doanh bị đình chỉ hoạt động; phải thực hiện tất toán, chuyển tài khoản theo yêu cầu của khách hàng (nếu có);
- Có phương án khắc phục và báo cáo tình hình thực hiện phương án theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
- Trường hợp bị đình chỉ nghiệp vụ tự doanh, công ty chứng khoán chỉ được bán, không được tăng thêm các khoản đầu tư kinh doanh, trừ trường hợp buộc mua để sửa lỗi giao dịch, giao dịch lô lẻ hoặc thực hiện các quyền có liên quan đến chứng khoán đang nắm giữ theo quy định của pháp luật.
Điều 26. Hoạt động của công ty quản lý quỹ trong thời gian đình chỉ hoạt động - Thông tư 99/2020/TT-BTC 1. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định đình chỉ hoạt động của công ty quản lý quỹ theo các trường hợp quy định tại Điều 94 Luật Chứng khoán. 2. Thời hạn đình chỉ hoạt động tối đa là 60 ngày kể từ ngày bị đình chỉ hoạt động đối với các trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản 1 Điều 94 Luật Chứng khoán; tối đa là 06 tháng kể từ ngày bị đình chỉ hoạt động đối với trường hợp quy định tại điểm b, điểm d khoản 1 Điều 94 Luật Chứng khoán. 3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày quyết định đình chỉ hoạt động có hiệu lực, công ty quản lý quỹ có trách nhiệm thông báo cho các khách hàng ủy thác về việc bị đình chỉ hoạt động; tiến hành trình tự, thủ tục lấy ý kiến Đại hội nhà đầu tư của quỹ đầu tư chứng khoán, Đại hội đồng cổ đông của công ty đầu tư chứng khoán, khách hàng ủy thác về phương án xử lý đối với các quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, các hợp đồng ủy thác đầu tư; lấy ý kiến về các công ty quản lý quỹ thay thế (nếu có). 4. Trong thời gian bị đình chỉ hoạt động, công ty quản lý quỹ phải tuân thủ các quy định sau đây: a) Không được ký mới, ký gia hạn các hợp đồng ủy thác đầu tư, hợp đồng tư vấn đầu tư chứng khoán; không tiếp nhận thêm vốn từ các khách hàng ủy thác hiện tại; phải thực hiện tất toán, chuyển tài khoản theo yêu cầu của khách hàng (nếu có); b) Không được huy động vốn để lập quỹ đầu tư chứng khoán mới, công ty đầu tư chứng khoán mới; không được tăng vốn điều lệ cho quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán hiện đang quản lý; Đối với các hợp đồng ủy thác đầu tư còn hiệu lực, các quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán đang hoạt động, công ty quản lý quỹ chỉ được thực hiện các giao dịch sau khi có văn bản chấp thuận của khách hàng ủy thác hoặc đại diện của khách hàng ủy thác (ủy quyền từng lần). Khách hàng ủy thác tự chịu trách nhiệm về việc ủy quyền cho công ty quản lý quỹ thực hiện các giao dịch này; c) Không được chi trả cổ tức, phân bổ lợi nhuận; không được chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của mình; không được mua lại cổ phần, phần vốn góp; không được lập thêm chi nhánh, văn phòng đại diện, mở rộng địa bàn hoạt động, đầu tư ra nước ngoài; không được tham gia góp vốn, đầu tư vào công ty con, công ty liên kết; không được thực hiện các hoạt động kinh doanh và đầu tư cần có sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định của pháp luật; d) Tuân thủ các quy định của pháp luật chứng khoán về hoạt động quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng ủy thác và hoàn toàn chịu trách nhiệm về các giao dịch tài sản ủy thác theo quy định của pháp luật; đ) Có phương án khắc phục và báo cáo tình hình thực hiện phương án theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. 5. Công ty quản lý quỹ báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 25 Thông tư này và tài liệu bảo đảm khắc phục được tình trạng dẫn tới bị đình chỉ hoạt động trước khi khôi phục hoạt động. 6. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được tài liệu báo cáo, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc đã nhận tài liệu báo cáo khôi phục hoạt động của công ty quản lý quỹ. 7. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm công bố thông tin về việc đình chỉ hoạt động của công ty quản lý quỹ trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. |