DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Ý nghĩa của việc đánh thuế TTĐB đối với một số mặt hàng trong nước

Avatar

 

Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là một trong các sắc thuế đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước và góp phần quản lý tiêu dùng. Vậy thuế TTĐB là gì? Vai trò và ý nghĩa của thuế TTĐB đối với nước nhà và so với một số quốc gia trên thế giới là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!

Thuế tiêu thụ đặc biệt là gì?

Thuế TTĐB (TTĐB) là loại thuế gián thu, đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội.

Đồng thời điều tiết mạnh thu nhập của người tiêu dùng, góp phần tăng thu cho ngân sách, tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh đối với những hàng hóa, dịch vụ chịu thuế.

Tính gián thu của thuế TTĐB nằm ở chỗ nó làm tăng giá hàng hóa hoặc dịch vụ, đẩy gánh nặng giá tăng cho người tiêu dùng cuối cùng mua hoặc sử dụng sản phẩm tức người tiêu dùng mới là người chịu thuế chứ không phải đơn vị sản xuất, kinh doanh nó. 

 Vai trò của thuế TTĐB

- Thuế TTĐB là công cụ quan trọng giúp Nhà nước điều tiết sản xuất và tiêu dùng. Do mức thuế suất cao nên sẽ góp phần ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định tiêu dùng. Với mục đích hạn chế sản xuất và tiêu dùng những hàng hóa, dịch vụ không có lợi cho nền kinh tế và xã hội.

- Do thuế TTĐB thường có mức thuế suất cao. Điều này tạo ra nguồn thu nhập lớn cho ngân sách của Nhà nước.

- Thuế TTĐB còn góp phần tái phân phối thu nhập của người có thu nhập cao. Đảm bảo tính công bằng xã hội.

thue-tieu-thu-dac-biet

Ý nghĩa của thuế TTĐB đối với nền kinh tế nước nhà

Thuế TTĐB đồng thời cũng là công cụ để Nhà nước điều tiết thu nhập  của người tiêu dùng đóng góp vào ngân sách nhà nước với những hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, đắt tiền, chưa thật sự cẩn thiết, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của người dân.

Thể hiện một cách công bằng, hợp lý: ai thực hiện tiêu dùng nhiều các loại mặt hàng này thì phải chịu thuế tiêu thụ cao hơn những người tiêu dùng ít hoặc không tiêu dùng.

Thuế TTĐB là loại thuế được áp dụng hầu hết các quốc gia trên thế giới với các tên gọi khác nhau như: Thuỵ Điển là “thuế đặc biệt”, Pháp là “thuế tiêu dùng đặc biệt”, Trung Quốc là “thuế tiêu thụ”… Loại thuế này đánh vào một số hàng hoá, dịch vụ nhằm điều tiết sản xuất và tiêu dùng của mỗi quốc gia.

Tuỳ vào điều kiện của mỗi nước mà danh mục các hàng hoá, dịch vụ chịu thuế TTĐB cũng khác nhau. Danh mục này phụ thuộc lớn vào chủ trương, chính sách của Nhà nước về hướng dẫn sản xuất tiêu dùng, cũng như điều tiết thu nhập của xã hội.

Đối tượng chịu thuế TTĐB

(1) Hàng hóa chịu thuế TTĐB

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt 2008 được sửa đổi bởi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2014 và Điều 2 Nghị định 108/2015/NĐ-CP, hàng hóa chịu thuế TTĐB gồm:

- Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm.

- Rượu.

- Bia.

- Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng.

- Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3.

- Tàu bay, du thuyền (loại sử dụng cho mục đích dân dụng).

- Xăng các loại.

- Điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống.

- Bài lá.

- Vàng mã, hàng mã, không bao gồm hàng mã là đồ chơi trẻ em, đồ dùng dạy học.

(2) Dịch vụ chịu thuế TTĐB

- Kinh doanh vũ trường;

- Kinh doanh mát-xa (massage), ka-ra-ô-kê (karaoke);

- Kinh doanh ca-si-nô (casino); trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot), máy sờ-lot (slot) và các loại máy tương tự;

- Kinh doanh đặt cược;

- Kinh doanh gôn (golf) bao gồm bán thẻ hội viên, vé chơi gôn;

- Kinh doanh xổ số.

Đối tượng không chịu thuế TTĐB

Hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật Thuế TTĐB không thuộc diện chịu Thuế TTĐB trong các trường hợp sau:

(1) Hàng hóa do cơ sở sản xuất, gia công trực tiếp xuất khẩu hoặc bán, ủy thác cho cơ sở kinh doanh khác để xuất khẩu;

(2) Hàng hóa nhập khẩu, trong đó bao gồm:

- Hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; quà tặng cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, quà biếu, quà tặng cho cá nhân tại Việt Nam theo mức quy định của Chính phủ;

- Hàng hóa vận chuyển quá cảnh hoặc mượn đường qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam, hàng hóa chuyển khẩu theo quy định của Chính phủ;

- Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu và tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu không phải nộp thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu trong thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

- Đồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao; hàng mang theo người trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế; hàng nhập khẩu để bán miễn thuế theo quy định của pháp luật.

(3) Tàu bay, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch và tàu bay sử dụng cho mục đích an ninh, quốc phòng;

(4) Xe ô tô cứu thương; xe ô tô chở phạm nhân; xe ô tô tang lễ; xe ô tô thiết kế vừa có chỗ ngồi, vừa có chỗ đứng chở được từ 24 người trở lên; xe ô tô chạy trong khu vui chơi, giải trí, thể thao không đăng ký lưu hành và không tham gia giao thông;

(5) Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, hàng hóa từ nội địa bán vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan, hàng hóa được mua bán giữa các khu phi thuế quan với nhau, trừ xe ô tô chở người dưới 24 chỗ.

So với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam có sự khác biệt về phương thức đánh thuế, danh mục hàng hoá, dịch vụ chịu thuế, cũng như cách thức quản lý nguồn thu thuế TTĐB một cách chặt chẽ hợp lý.

Lấy ví dụ một số mặt hàng đánh Thuế TTĐB của các nước trên thế giới:

Tại Thái Lan, các loại hàng hóa bị đánh thuế TTĐB như: Dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ, một số đồ uống, một số loại sản phẩm điện tử, sản phẩm pin, thủy tinh và pha lê, mô tô, xe vận hành trên mặt nước, nước hoa và mỹ phẩm, đá granit và marble, sản phẩm làm nguy hại đến bầu khí quyển, rượu, thuốc lá, bài lá.

Tại Vương quốc Anh, thuế TTĐB được đánh vào rượu bia, thức uống có cồn, sản phẩm thuốc lá, dầu hydrocarbon, các sản phẩm gây biến đổi khí hậu, nhiên liệu sinh học.

Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, loại thuế này được đánh theo đối tượng chịu thuế riêng biệt như: Thuế đồ uống có cồn, thuế thuốc lá, thuế ô tô, thuế xăng, thuế đồ uống có đường…

Đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng:

Việc đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng của Việt Nam giống hầu hết các nước trên thế giới. Đơn cử như tại các nước châu Âu như Pháp thu thuế TTĐB là 0,6629 EUR/lít đối với xăng E10 và 0,6829 EUR/lít đối với xăng khoáng; Đức là 0,6545 EUR/lít đối với xăng có hàm lượng sunfua dưới 10mg/kg, 0,6698 EUR/lít đối với xăng có hàm lượng sunfua trên 10mg/kg; Hà Lan là 0,81314 EUR/lít; Ý thu 0,7284 EUR/lít; Vương Quốc Anh thu 0.5795 bảng/lít. Trong khi đó, tại các nước châu Á như Hàn Quốc có mức thu thuế TTĐB là 311 won/lít thuế tuyệt đối và thuế tỷ lệ 15%;  Trung Quốc thu 1,52 nhân dân tệ/lít và Australia thu 0,442 AUD/lít.

Ngay tại các nước trong khu vực là Campuchia mức thuế suất thuế TTĐB là 25%, Thái Lan là 6,50 bạt Thái /lít đối với xăng khoáng, 5,85 bạt Thái/lít đối với xăng 95 E10, 5,2 bạt Thái/lít xăng 95 E20, 0,975 bạt Thái/lít đối với xăng 95 E85, 3,2 bạt Thái/lít đối với dầu Diesel); Singapore thu 0,41 SGD /lít); Lào thu mức thuế suất 39%.

Tại Việt Nam, Luật thuế TTĐB đã quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB từ năm 1999. Quy định này là phù hợp với mục tiêu thu thuế TTĐB và phù hợp với thông lệ quốc tế.

  •  4641
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…