Từ nhiều năm nay, ở Việt Nam nói chung và địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM) nói riêng, khi thi tuyển vào công chức thì một trong các điều kiện cần phải đáp ứng đó là có hộ khẩu ở Tp.HCM. Quy định này vô hình trung đã tạo ra rào cản thú hút nhiều nhân tài được cống hiến hết mình cho cơ quan nhà nước.
Đầu tiên chúng ta nên xem xét trên khía cạnh pháp luật quy định về điều kiện để thi tuyển công chức. Theo đó, quy định tại Điều 36 Luật Cán bộ, công chức chỉ rõ:
Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức
1. Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển công chức:
a) Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;
b) Đủ 18 tuổi trở lên;
c) Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng;
d) Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp;
đ) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;
e) Đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ;
g) Các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.
Nếu chỉ trích dẫn điều này thì nhiều ý kiến sẽ đưa điều kiện “Hộ khẩu” vào điểm g phía trên với lý do công việc cần thiết để quản lý, kiểm soát công chức. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 13/2010/BNV: “Riêng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển do cơ quan sử dụng công chức xây dựng trên cơ sở bản mô tả công việc gắn với chuyên ngành đào tạo, các kỹ năng, kinh nghiệm theo yêu cầu tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch công chức của vị trí dự tuyển.”. Có thể thấy rõ quy định của pháp luật không hề đặt ra điều kiện về hộ khẩu đối với người có nguyện vọng dự tuyển công chức.
Tp.HCM đã có chính sách mời gọi gọi Việt kiều về nước để tham gia đóng góp với mức lương cao, thậm chí còn trả mức lương rất cao để thuê chuyên gia nước ngoài. Vậy mà đối với các chuyên gia, nhân tài trong nước lại bị “rào cản” hộ khẩu và nhiều người không có cơ hội được giúp đất nước.
Một vài địa phương cho rằng việc đưa ra điều kiện như vậy để hạn chế số người từ các tỉnh khác đổ về quá đông, gây khó khăn cho việc quản lý và ngăn chặn các hành vì không tốt. Hành vi này không chỉ vi phạm về điều kiện thi tuyển công chức mà còn vi phạm Điều 8 Luật cư trú khi lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Thực tế nhiều địa phương than rằng thiếu nhân lực, người tài để vận hành hệ thống chính quyền nhưng lại đặt ra điều kiện hộ khẩu và chính nó đã tạo ra lực cản trở việc tuyển dụng người có đủ khả năng vào vị trí làm việc của cơ quan chính quyền. Thiết nghĩ, Bộ Nội vụ nên kết hợp với địa phương để chỉ đạo việc bỏ điều kiện hộ khẩu cho việc tuyển dụng công chức, tránh thất thoát chất xám.