Dân Luật hưởng ứng ngày “Pháp luật Việt Nam” (09/11/2013)
Mục tiêu mà Nhà nước muốn hướng tới đó là xây dựng xã hội pháp quyền, nơi pháp luật được đặt vào vị trí thượng tôn, và mọi người hành xử không trái với quy định của pháp luật.
Như vậy có thể thấy điều kiện tiên quyết của vấn đề chính là sự chấp hành pháp luật của công dân. Để có được sự chấp hành này thì cần hai yếu tố:
- Sự hiểu biết pháp luật của mọi người: “mọi người” ở đây bao gồm người làm luật, người thực thi pháp luật và người dân. Rõ ràng không thể nào tuân thủ khi không có hiểu biết về pháp luật. Người dân cần biết pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Người thực thi pháp luật cần biết pháp luật để làm đúng, không để quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng bởi sự sai sót của mình. Người làm luật cần hiểu biết pháp luật để khi đặt bút ký thông qua văn bản luật có thể hiểu và dự tính trước những ảnh hưởng của những quy định trong đó, và đảm bảo quy phạm pháp luật đó có tính thực tiễn, áp dụng được vào đời sống. Như vậy việc tuyên truyền pháp luật cần phải nhắm tới toàn bộ mọi người, bên cạnh đó cũng cần bảo đảm chất lượng cho công tác tuyên truyền.
- Ý chí tuân thủ pháp luật: một khi mọi người đã biết luật, thì việc có tuân thủ hay không phụ thuộc vào ý chí của họ. Để hướng ý chí mọi người tuân thủ pháp luật thì có các biện pháp là khuyến khích tự giác chấp hành và sử dụng chế tài. Chế tài là cần thiết, nhưng không phải là biện pháp có hiệu quả cao nhất. Ngay cả chuyện đơn giản ai cũng biết như vượt đèn đỏ là phạm luật, vậy mà hễ vắng bóng Cảnh sát giao thông thì nhiều người vẫn cứ vô tư vượt. Việc sợ bị áp dụng chế tài khiến người ta tuân thủ luật, nhưng chỉ cần phát hiện ra khả năng không bị áp dụng chế tài thì họ sẽ vi phạm. Chế tài không đủ mạnh thì không có tác dụng, nhưng mặt khác chế tài mạnh gây ra tâm lý tiêu cực, chống đối khi bị áp dụng chế tài.
Xét về việc tự giác chấp hành pháp luật, cũng đặt trong điều kiện là đã có hiểu biết về pháp luật, thì tự giác luôn luôn có hiệu quả cao hơn chế tài. Người tự giác sẽ tự động đưa pháp luật ra làm chuẩn để chọn lựa hành vi xử sự, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình và mọi người. Quay lại câu chuyện vượt đèn đỏ, nếu người tham gia giao thông luôn tuân thủ tín hiệu đèn bất kể có Cảnh sát hay không thì rõ ràng người hưởng lợi đầu tiên chính là họ, cộng thêm việc không vi phạm thì sẽ không phải chịu chế tài, không sinh ra tâm lý tiêu cực. Mặt lợi của tinh thần tự giác là không có gì bàn cãi, thứ duy nhất đáng quan tâm là chắc chắn không thể nào đạt được 100% công dân tự giác. Vì vậy mới cần đến chế tài.
Suy nghĩ trước giờ của phần lớn mọi người là đặt nặng chế tài hơn tự giác, khi quyết định việc gì cũng xét đến việc có chế tài hay không, nặng hay nhẹ mà quên đi việc tự giác chấp hành mới chính là yếu tố quan trọng nhất để tác động đến ý chí tuân thủ pháp luật.
Ai cũng muốn sống trong xã hội pháp quyền, muốn thay đổi những cái chưa hay. Dù việc tuyên truyền phổ biến pháp luật có mạnh đến đâu, chế tài có nặng tới mức nào mà ý thức tự giác mọi người không tốt thì cũng không có kết quả. Vậy trước hết cần nâng cao ý thức tự giác của mỗi người. Đó không phải là việc có thể làm trong một sớm một chiều. Nhà nước không thể tác động đến sự tự giác của mỗi người, nhưng với mỗi cá nhân chúng ta tự nhìn nhận và thay đổi, tự lựa chọn hành vi đúng với pháp luật, thì chính chúng ta đang đang tạo sự thay đổi, tác động đến phần còn lại nhằm hướng tới xã hội pháp quyền.
Vài điều chia sẻ với mọi người nhân ngày Pháp luật Việt Nam.