DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

"Vay thì trả, chạm thì đền" là gì? Bồi thường thiệt hại trong quan hệ lao động quy định thế nào?

Avatar

 

Câu nói “Vay thì trả, chạm thì đền” có ý nghĩa gì? Hiện tại, pháp luật lao động quy định gì về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của người lao động đối với người sử dụng lao động?

Ý nghĩa của câu nói “Vay thì trả, chạm thì đền” là gì?

“Vay thì trả, chạm thì đền” là một trong những thành ngữ Tiếng Việt thể hiện sự sòng phẳng trong các mối quan hệ giữa người với người. Trong đó, “vay thì trả” ý chỉ hành động có “vay” thì phải có “trả” và “chạm thì đền” có nghĩa là “chạm” hư, làm hư hỏng tài sản thì phải “đền”.

Trong cuộc sống, khi vay mượn tài sản của người khác thì người vay, mượn có nghĩa vụ phải trả lại đầy đủ và đúng hạn. Nếu trong khi sử dụng làm hư hỏng tài sản thì người đi vay, mượn có trách nhiệm đền lại đúng giá trị món đồ đã làm hư.

Qua câu nói “Vay thì trả, chạm thì đền” rút ra được bài học về sự tôn trọng đối với tài sản của người khác. Ngoài ra, còn thể hiện sự uy tín của bản thân thông qua hành động, thời hạn hoàn trả cho chủ sở hữu món đồ. Cụ thể là, nếu vay mượn tài sản của người khác thì phải hoàn trả đầy đủ, đúng hạn; làm hư tài sản của người khác thì phải bồi thường cho chủ sở hữu.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người lao động trong quan hệ lao động được thể hiện như thế nào?

Trong quan hệ lao động, nếu như người lao động làm hư hỏng tài sản của người sử dụng lao động thì có trách nhiệm phải “đền” đối với thiệt hại đã gây ra. Việc bồi thường thiệt hại được thể hiện qua quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người lao động đối với tài sản của người sử dụng lao động.

Căn cứ Điều 129 Bộ luật Lao động 2019 trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người lao động được quy định như sau:

- Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 102 của Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể là mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.

- Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh nguy hiểm, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.

Theo Điều 130 Bộ luật Lao động 2019 việc xử lý bồi thường thiệt hại phải được thực hiện như sau:

- Việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.

- Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, thời hiệu xử lý việc bồi thường thiệt hại tại Điều 71, 72 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

Lưu ý, đối với người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động theo quy định nêu trên thì người sử dụng lao động có quyền khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do họ gây ra theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Bộ luật Lao động 2019.

Thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại trong quan hệ lao động được quy định như thế nào?

Căn cứ Điều 72 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại tại khoản 2 Điều 130 của Bộ luật Lao động 2019 gồm những nội dung sau đây:

- Thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại là 06 tháng kể từ ngày người lao động có hành vi làm hư hỏng, làm mất dụng cụ, thiết bị hoặc làm mất tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép.

- Không xử lý bồi thường thiệt hại đối với người lao động đang trong thời gian quy định tại khoản 4 Điều 122 của Bộ luật Lao động 2019.

- Khi hết thời gian quy định tại khoản 4 Điều 122 của Bộ luật Lao động 2019, nếu hết thời hiệu hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.

Ngoài ra, theo Điều 131 Bộ luật Lao động 2019 thì người bị xử lý kỷ luật lao động, bị tạm đình chỉ công việc hoặc phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất nếu thấy không thỏa đáng có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định.

Như vậy, có thể thấy hành động hoàn trả tài sản đúng hẹn sau khi mượn và bồi thường thiệt hại đối với thiệt hại đã gây ra cho tài sản người khác không chỉ thể hiện mức độ uy tín, trách nhiệm của bản thân. “Vay thì trả, chạm thì đền” còn nói lên sự sòng phẳng và ý thức tôn trọng tài sản của người khác trong mọi mối quan hệ. 

  •  51
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…