Vừa qua, trên các diễn đàn đang sôi nổi vụ việc 04 nữ tiếp viên hàng không vận chuyển ma túy từ nước ngoài về Việt Nam. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, 04 tiếp viên hàng không này đã được thả tự do vì chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự. Vậy theo quy định pháp luật thì người vận chuyển ma túy có bị truy cứu TNHS không, nếu không biết đó là ma túy? Căn cứ trả tự do cho người bị tạm giữ hình sự là gì?
Tội vận chuyển trái phép chất ma túy, người phạm tội phải đối diện với mức xử phạt như thế nào?
Căn cứ tại Điều 250 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017:
Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
- Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
- Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
- Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
- Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
- Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
- Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
- Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà người phạm tội có thể đối diện với các mức phạt khác nhau, cao nhất có thể bị tử hình.
Xem thêm bài viết Mua bán, vận chuyển bao nhiêu ma túy thì sẽ đối diện với mức án tử hình?
Theo đó, thông qua việc xác minh , lấy lời khai và điều tra, cơ quan chức năng sẽ xem xét đối tượng có liên quan hay là đồng phạm với vụ vận chuyển trái phép ma túy hay không.
Trong trường hợp, xác minh được đối tượng không hề biết vận chuyển là chất ma túy thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Bởi lẽ, người phạm tội này phải nhận thức, biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó, thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm.
Đồng thời, nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; hoặc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Như vậy, dựa trên những căn cứ mà cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và nhận thấy đối tượng không hề biết mình vận chuyển ma túy thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Pháp luật quy định như thế nào về nghĩa vụ chứng minh tội phạm
Pháp luật quy định, cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ chứng minh tội phạm, bị can bị cáo có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội, không có nghĩa vụ nhận tội, và không có nghĩa vụ phải đưa ra bằng chứng để chống lại mình.
Quá trình xác minh, điều tra vụ án nếu người vi phạm không nhận tội, cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh bằng chứng cứ. Nếu không chứng minh được có hành vi phạm tội hoặc hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, mặc nhiên nghi phạm không có tội, phải trả tự do cho nghi phạm.
Ngược lại, nếu qua việc điều tra, cơ quan điều tra xác định đối tượng biết rõ thứ mà mình vận chuyển có chứa ma túy nhưng vẫn tham gia vận chuyển thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Khi đó, hình phạt sẽ dựa vào khối lượng ma túy được vận chuyển để xác định.
Thời hạn tạm giữ hình sự là bao lâu?
Tạm giữ cũng là một biện pháp ngăn chặn. Nếu tạm giam được áp dụng đối với các trường hợp là tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng,... thì tạm giữ lại được áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã. (căn cứ khoản 1 Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
Căn cứ tại Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn tạm giữ hình sự như sau:
Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra,Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.
Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
Như vậy, tổng thời hạn tạm giữ tối đa kêt từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú là không quá 09 ngày.
Ngoài ra, Điều 118 Bộ luật này cũng nêu rõ, thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.
Căn cứ trả tự do cho người bị tạm giữ hình sự là gì?
Căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì người bị tạm giữ hình sự được trả tự do trong các trường hợp sau đây:
- Khi Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ, quyết định gia hạn tạm giữ nếu xét thấy việc tạm giữ, gia hạn tạm giữ không cần thiết hoặc không có căn cứ;
- Cơ quan điều tra hủy bỏ biện pháp tạm giữ khi thấy không cần thiết;
- Viện kiểm sát không phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ của Cơ quan điều tra;
- Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ (khoản 3 Điều 118 BLTTHS).
- Trường hợp đã khởi tố bị can nhưng Viện kiểm sát ra quyết định không phê chuẩn lệnh tạm giam thì cơ sở giam giữ trả tự do cho người bị giam giữ.
Căn cứ theo Luật Tổ chức Viện Kiểm sát 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì người bị tạm giữ hình sự được trả tự do khi việc tạm giữ không có căn cứ và trái pháp luật (điểm d khoản 1 Điều 22 Luật Tổ chức VKSND).
Xem thêm bài viết Mua bán, vận chuyển bao nhiêu ma túy thì sẽ đối diện với mức án tử hình?