>>> Toàn văn điểm mới của Luật doanh nghiệp 2014
>>> Toàn văn điểm mới Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
>>> Toàn văn điểm mới Nghị định 96/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật doanh nghiệp 2014
>>> Con dấu doanh nghiệp và giá trị pháp lý
>>> Hướng dẫn chi tiết đăng ký doanh nghiệp qua Cổng thông tin quốc gia
Còn 10 ngày nữa, Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp chính thức được áp dụng vào thực tiễn. Nghị định này ban hành nhằm hướng dẫn chi tiết Luật doanh nghiệp 2014, có thể nói, đây là bước đột phá trong tiến trình cải cách, đổi mới quản lý hoạt động của doanh nghiệp.
Mỗi quy định đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Như vậy, Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp có những ưu, nhược điểm gì so với Nghị định 43/2010/NĐ-CP?
Bài viết dưới đây sẽ phân tích những ưu điểm, nhược điểm từ các quy định mới của Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
1. Con dấu doanh nghiệp – Điều 34
Ưu điểm:
- Xóa bỏ thủ tục phức tạp khi đăng ký mẫu con dấu.
- Doanh nghiệp được toàn quyền quyết định về số lượng, hình thức, và nội dung con dấu.
- Tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp bởi lẽ, trước đây, từng xảy ra nhiều trường hợp chỉ việc xin con dấu mà phải đến tận trụ sở chính của doanh nghiệp.
- Con dấu doanh nghiệp không còn giá trị bắt buộc nếu trong giao dịch có thỏa thuận về việc không sử dụng con dấu.
Nhược điểm:
- Sẽ xuất hiện tình trạng làm con dấu giả.
- Lợi dụng quyền tự quyết của chủ doanh nghiệp các vấn đề về tranh chấp, lừa đảo sẽ phát sinh.
- Trong trường hợp có xảy ra tranh chấp nếu các bên đã có thỏa thuận không sử dụng con dấu thì việc giải quyết là vấn đề nan giải.
2. Điều kiện thành lập doanh nghiệp – chương IV
Ưu điểm:
- Xóa bỏ tình trạng bằng cấp hình thức của các chủ sở hữu doanh nghiệp.
Nhược điểm:
- Xảy ra tình trạng, các chủ sở hữu doanh nghiệp có tài sản để thành lập doanh nghiệp, nhưng chưa đủ trình độ để nắm giữ vị trí lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp dẫn đến nhiều doanh nghiệp sẽ lâm vào tình trạng phá sản, tạm ngưng hoạt động, nhất là trong thời kỳ hội nhập mở cửa thị trường như hiện nay.
3. Đăng ký doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp – chương V, chương VI
Ưu điểm:
- Rút ngắn thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp và tiết kiệm được thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong việc đăng ký doanh nghiệp thông qua mạng điện tử.
Do vậy, doanh nghiệp được quyền chủ động hơn trong đăng ký doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
Nhược điểm:
- Cơ quan đăng ký kinh doanh cần phải thiết lập hệ thống an ninh mạng chặt chẽ, từ khâu tiếp nhận hồ sơ, giải quyết đến khi trả kết quả.
Đồng thời, cần phải có các phương án sao lưu dữ liệu bên ngoài hệ thống mạng này để đề phòng có sự cố tấn công từ các thành phần xấu.
- Trong trường hợp, hệ thống mạng xảy ra sự cố, phía doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký, thay đổi nội dung đăng ký buộc phải quay lại phương thức truyền thống và tốn kém thời gian.
4. Chữ ký của những người đại diện theo pháp luật – Khoản 1 Điều 4
Ưu điểm:
- Giúp doanh nghiệp hội nhập nhanh hơn, tận dụng được mọi cơ hội kinh doanh, nhất là trong thời kỳ hội nhập và phát triển như hiện nay.
- Nâng cao chủ động, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp khi làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn với nhiều người đại diện theo pháp luật.
Nhược điểm:
- Xảy ra tình trạng xung đột ý kiến giữa những người cùng là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp khi giải quyết vấn đề buộc phải có chữ ký của người này.
5. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, HĐND, UBND các cấp không được ban hành các quy định về đăng ký doanh nghiệp – Khoản 4 Điều 5
Ưu điểm:
- Tạo ra sự thống nhất trong việc áp dụng quy định pháp luật về đăng ký doanh nghiệp.
- Đó là sự công bằng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cả nước, tránh việc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, HĐND, UBND các cấp ban hành những quy định riêng có lợi hơn cho doanh nghiệp tại vùng mình.
Nhược điểm:
- Các cơ quan trên chỉ là cơ quan thực thi, không được ban hành văn bản quy định, tuy nhiên, đây lại là cơ quan gần với các doanh nghiệp nhất, sẽ lắng nghe được nhiều ý kiến của các doanh nghiệp trong quá trình thực thi quy định mới.
Trong trường hợp có những vấn đề cần đóng góp ý kiến thì những cơ quan này chỉ có thể tiếp nhận ý kiến mà không được quyền xử lý, giải quyết, phải gửi ý kiến này để trình lên Chính phủ và sẽ tốn nhiều thời gian để thảo luận, bàn bạc, chỉnh lý cho phù hợp thực tiễn.
6. Mở rộng quyền hạn góp vốn thành lập của chủ hộ kinh doanh – Điều 67
Ưu điểm:
- Chủ hộ kinh doanh được quyền góp vốn thành lập công ty TNHH, công ty cổ phần tạo lợi thế cho việc đầu tư phát triển kinh doanh trong quá trình hội nhập hiện nay.
Nhược điểm:
- Được quyền góp vốn thành lập, chủ hộ kinh doanh cần phải chuẩn bị những kiến thức cần thiết để thực hiện, đồng thời sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt vốn trong hoạt động kinh doanh giữa hộ kinh doanh với các công ty mà chủ hộ tham gia góp vốn.
7. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh khi không báo cáo tình hình kinh doanh nếu được yêu cầu – Điều 78
Ưu điểm:
- Quản lý chặt chẽ trong trường hợp hộ kinh doanh có dấu hiệu chống đối cơ quan thi hành công vụ khi được yêu cầu báo cáo tình hình kinh doanh.
Nhược điểm:
- Có thể xảy ra tình trạng lạm quyền của người thi hành công vụ, trong trường hợp người này không có sự phân minh công tư trong làm việc với hộ kinh doanh.
8. Thủ tục thực hiện tạm ngừng kinh doanh
Ưu điểm:
- Rút ngắn thủ tục thực hiện cho các doanh nghiệp có nhu cầu tạm ngừng kinh doanh.
- Đỡ tốn kém chi phí và thời gian thực hiện thủ tục cho các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.
Nhược điểm:
- Thời gian giải quyết thủ tục được rút ngắn dễ dẫn đến trường hợp “làm vội, làm ẩu để hoàn thành đúng tiến độ”.
Ngoài ra, còn quy định sau, tuy không mới, nhưng trên thực tế, quy định này khó hoặc ít khi được thực thi, bởi lẽ, chưa có chế tài cụ thể trong trường hợp xử lý vi phạm cho hành vi này:
Điều 80 “Cán bộ, công chức yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm các giấy tờ, đặt thêm các thủ tục, điều kiện đăng ký doanh nghiệp trái với Nghị định này; có hành vi gây khó khăn, phiền hà đối với tổ chức, cá nhân trong khi giải quyết việc đăng ký doanh nghiệp, trong kiểm tra các nội dung đăng ký doanh nghiệp thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.” |
Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân, nên rất mong các bạn Dân Luật góp ý, bổ sung để hoàn thiện hơn nhé.