DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

[Từ vụ Việt kiều Mỹ bị khởi tố vì “biểu tình”], cùng tìm hiểu cấu thành của Tội gây rối trật tự công cộng

Avatar

 

 


Mới đây, ngày 15/06 Công an TP.HCM xác nhận đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh tạm giam Nguyen William Anh (sinh năm 1985, quốc tịch Mỹ, là du học sinh tại Singapore; lưu trú tại phường 5, Quận 3, TP.HCM) về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Hình ảnh của Nguyen William Anh trong vụ việc gây rối ngày 10/06

Nguyen William Anh là du học sinh tại Singapore, đang trong giai đoạn chờ nhận bằng thạc sĩ. Ngày 09/06, Nguyen Willliam Anh nhập cảnh vào Việt Nam theo diện du lịch để gặp gỡ bạn bè tại TP.HCM và định lưu lại trong 2 tuần. Và cũng cùng giai đoạn này, trên mạng xã hội có nhiều người kêu gọi người dân xuống đường tụ tập gây rối nhằm phản ứng một số dự luật (Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt…; Luật An ninh mạng). Vào ngày 10/06, Nguyen William Anh đã xuống đường cùng nhiều người tụ tập, gây rối trên tuyến đường từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP.HCM. Du khách này đã chủ động dùng điện thoại cá nhân ghi hình, quay clip phát tán trên các tài khoản mạng xã hội.

Sau khi củng cố hồ sơ chứng cứ, ngày 15/06, Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố và lệnh tạm giam Nguyen William Anh về hành vi gây rối trật tự công cộng. 

Hình ảnh Nguyen William Anh

(Cũng liên quan tới các vụ gây rối trật tự an ninh trên địa bàn TP.HCM trong những ngày gần đây, cùng ngày 15/06, nguồn tin từ Công an TP.HCM cho biết Cơ quan An ninh điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Trương Hữu Lộc (57 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) về hành vi phá rối an ninh sau khi có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Cơ quan An ninh điều tra xác định ông Lộc là một trong các đối tượng tích cực livestream (truyền hình trực tiếp qua mạng xã hội) để kêu gọi, kích động người dân xuống đường biểu tình. Ông Lộc còn trực tiếp kích động, tiếp sức cho những người tụ tập, gây rối, đăng tải video clip kêu gọi lật đổ chính quyền.

Cho đến nay, Công an TP.HCM và công an các quận, huyện đã xử lý tổng cộng 310 người có hành vi vi phạm pháp luật trong đợt tụ tập đông người, quá khích, gây rối trật tự công cộng. Cụ thể, Công an TP.HCM đã tạm giữ 7 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 175 người, đưa vào trung tâm chữa bệnh bắt buộc 1 ngườinhắc nhở, cho gia đình bảo lãnh, cam kết không tái phạm 38 trường hợp khác.)

 

Vậy, như thế nào được xem là cấu thành tội danh Gây rối trật tự công cộng?

Trên cơ sở các căn cứ pháp lý hiện hành, mình sẽ phân tích cấu thành của tội gây rối trật tự công cộng để mọi người có thể hiểu, nhận định rõ hơn đối với tội danh trên. Cụ thể, tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có các dâu hiệu: (1) Mặt chủ thể; (2) Mặt khách thể; (3) Mặt khách quan và (4) Mặt chủ quan như sau:

        1. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ thể:

Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có hành vi gây rối trật tự công cộng:

+ Đã đạt đến một độ tuổi nhất định. Cụ thể, dựa theo Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 thì chỉ người từ đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm này;

+ Và người đó có năng lực trách nhiệm hình sự

-> Đều có thể là chủ thể của tội phạm này.

        2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể:

Tội gây rối trật tự công cộng là tội xâm phạm đến trật tự an toàn công cộng, đến các quy tắc, sinh hoạt, đi lại, làm việc, vui chơi…ở nơi công cộng.

        3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan:

-HÀNH VI:

Người phạm tội thực hiện hành vi gây rối ở nơi công cộng. Trong đó:

+ Gây rối: có thể được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau như: tập trung đông người ở nơi công cộng gây náo động làm mất trật tự công cộng; đuổi đánh nhau, hò hét gây náo động ở nơi công cộng; đập phá các công trình ở nơi công cộng,…

+ Ở nơi công cộng: là nơi tập trung đông người, có thể là nơi sinh hoạt, vui chơi, học tập, giải trí, làm việc…

-HẬU QUẢ:

Hậu quả của hành vi  gây rối trật tự công cộng là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” (hoặc nếu không gây ra hậu quả trên nhưng người đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm ->vẫn cấu thành tội gây rối trật tự công cộng).

Hay nói cách khác, hậu quả vừa là dấu hiệu bắt buộc, vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này:

+ Là dấu hiệu bắt buộc: nếu người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc chưa bị kết án về tội này hoặc tuy đã bị kết án về tội này nhưng đã được xoá án tích.

+ Không phải là dấu hiệu bắt buộc: nếu người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Còn việc như thế nào được xem là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” thì cho đến hiện nay, vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn hay quy định cụ thể căn cứ để xác định. Tuy nhiên, thực tế chúng ta có thể xem xét một trong các yếu tố sau để nhận định như (đây là câu trả lời mình nhận được từ lời giải đáp của một Giảng viên bộ môn Luật Hình sự khi mình theo học môn này):

+ Gây hoang mang lo sợ trật tự trị an;

+ Làm người dân mất lòng tin vào chính quyền địa phương.

           4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan:

Người phạm tội thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng với lỗi cố ý:

+ Xét về lý trí: nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi.

+ Xét về ý chí: mong muốn hậu quả xảy ra.


 

ĐIỂM MỚI VỀ TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG TẠI BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015

Qua bài viết này, mình cũng muốn đề cập thêm về điểm mới của Tội gây rối trật tự công cộng trong Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) (BLHS) so với Bộ luật hình sự 1999 trước đó. Có thể nói, luật mới đã có một số nội dung thay đổi tương đối lớn đối về tội danh này:

Bộ luật hình sự 1999

Bộ luật hình sự 2015

Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Như vậy, có thể thấy yêu cầu về hậu quả để cấu thành Tội gây rối trật tự công cộng giữa BLHS 1999 và BLHS 2015 đã có sự thay đổi:

- BLHS 1999: 

Hậu quả của việc gây rồi trật tự công cộng  phải gây hậu quả nghiêm trọng”,  tình tiết này được hướng dẫn cụ thể trong Tiểu mục 5.1 cuả Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP cụ thể như sau: 

5.1. Hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự:

a. Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ;

b. Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;

c. Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên;

d. Chết người;

đ. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên;

e. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên;

g. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên;

h. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên.

Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khoẻ và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội...

Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không.

- BLHS 2015

Hậu quả của việc gây rồi trật tự công cộng  phải "gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn hay quy định cụ thể như thế nào là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Tuy nhiên, với nội hàm câu chữ ngữ nghĩa thì có thể thấy, BLHS 2015 đã có quy định đối với hậu quả nhẹ hơn so với BLHS 1999 thì cũng cấu thành Tội phạm bởi chỉ cần gây ảnh hưởng xấu mà chưa cần dẫn đến việc gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng đã được xem là tội phạm. Có thể xem việc gây: hoang mang lo sợ đến trật tự trị an hay làm xáo trộn trật tự nơi công cộng,… đã được xem là ảnh hưởng xấu rồi. 

 

Nguồn: Bài viết có sự tham khảo thông tin vụ việc từ Báo Tuổi trẻ.

 

 

 
  •  2408
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…