Trong thị trường lao động hiện nay, vấn đề tuyển dụng luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực. Tuy nhiên, một số nhà tuyển dụng lại không muốn tuyển người đã có tiền án vào công ty làm việc.
Như vậy, câu hỏi được đặt ra là liệu từ chối tuyển dụng người có tiền án, tiền sự có phải là phân biệt đối xử trong lao động hay không?
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế, vấn đề tuyển dụng lao động tại Việt Nam ngày càng được quan tâm.
Người có tiền án, tiền sự là những người đã từng bị kết án hình sự và có thể đã chấp hành xong án phạt tù hoặc bị xử lý hành chính. Khi họ tái hòa nhập cộng đồng, một trong những vấn đề quan trọng là tìm kiếm việc làm để ổn định cuộc sống và không tái phạm.
Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp lo ngại về rủi ro an ninh và uy tín khi tuyển dụng người có tiền án, tiền sự.
Việc phân biệt đối xử trong lao động là một vấn đề nhạy cảm và phức tạp vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, tâm lý của người lao động đã có tiền án, tiền sự khi tham gia vào thị trường lao động.
(1) Từ chối tuyển dụng người có tiền án, tiền sự có phải là phân biệt đối xử hay không?
Căn cứ theo khoản 8 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 thì việc phân biệt đối xử trong lao động được quy định như sau:
Phân biệt đối xử trong lao động là hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc trên cơ sở tình trạng nhiễm HIV hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp.
Việc phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên xuất phát từ yêu cầu đặc thù của công việc và các hành vi duy trì, bảo vệ việc làm cho người lao động dễ bị tổn thương thì không bị xem là phân biệt đối xử.
Theo Điều 8 Bộ luật Lao động 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động:
- Phân biệt đối xử trong lao động.
- Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động.
- Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
- Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.
- Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
- Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật.
- Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật.
Bên cạnh đó, theo Điều 35 Hiến pháp 2013 quy định như sau:
- Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc.
- Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi.
- Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu.
Như vậy, từ chối tuyển dụng người tiền án, tiền sự là việc phân biệt đối xử về nguồn gốc xã hội. Hành vi phân biệt đối xử là hành vi bị nghiêm cấm, người vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
(2) Xử phạt với việc phân biệt đối xử trong lao động
Hành vi phân biệt đối xử trong lao động là hành vi bị nghiêm cấm, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt hành chính tùy theo mức độ, tính chất.
Căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 05 -10 triệu đồng với hành vi phân biệt đối xử trong lao động trừ các hành vi phân biệt đối xử quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13, khoản 2 Điều 23, khoản 1 Điều 36 và khoản 2 Điều 37 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
- Phân biệt đối xử về điều kiện lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình.
- Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi:
+ Phân biệt đối xử vì lý do người lao động từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình.
+ Phân biệt đối xử vì lý do đã thực hiện công việc, nhiệm vụ bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở của người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, an toàn, vệ sinh viên, người làm công tác y tế.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, người sử dụng lao động là cá nhân có hành vi phân biệt đối xử trong lao động sẽ bị phạt tiền tiền từ 05 - 10 triệu đồng.
Tóm lại, từ chối tuyển dụng người có tiền, tiền sự là hành vi phân biệt đối xử trong lao động và là việc vi phạm pháp luật. Đối với việc phân biệt đối xử sẽ bị xử phạt hành chính tùy theo mức độ, tính chất, hành vi mà mức xử phạt sẽ khác nhau.