DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Trong quá trình xây dựng công trình phát hiện có khoáng sản thì xử lý thế nào?

Avatar

 

Khi thi công công trình thì phát hiện khoáng sản, liệu có buộc phải tạm dừng thi công để khai thác khoáng sản đó không? Nếu công trình đó là công trình quan trọng của quốc gia thì xử lý thế nào?

(1) Khoáng sản là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Khoáng sản 2010, khoáng sản được định nghĩa là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.

Một số khoáng sản phổ biến có thể kể đến như là: vàng, đồng, sắt, nhôm, than đá, silic, thạch cao, dầu mỏ, khí tự nhiên,....v.v.

(2) Trong quá trình xây dựng công trình phát hiện có khoáng sản thì xử lý thế nào?

Theo quy định tại Điều 65 Luật Khoáng sản 2010, trong quá trình xây dựng công trình mà phát hiện ra khoáng sản thì sẽ có 03 trường hợp sau:

- Đối với khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình phát hiện có khoáng sản:

Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quyết định việc thăm dò, khai thác trước khi dự án được phê duyệt hoặc cấp giấy phép đầu tư.

Điều này đảm bảo rằng việc khai thác khoáng sản không ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của dự án xây dựng.

- Đối với khu vực chưa được điều tra, đánh giá về khoáng sản mà trong quá trình xây dựng công trình phát hiện có khoáng sản

Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quyết định việc khai thác hoặc không khai thác trong phạm vi xây dựng công trình. Quy định này mang lại tính linh hoạt trong quá trình thực hiện dự án, giúp các nhà đầu tư có thể tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên sẵn có.

Nếu khoáng sản được phát hiện có giá trị kinh tế, việc khai thác ngay lập tức sẽ mang lại lợi ích cho dự án xây dựng và tận dụng được nguồn khoáng sản của quốc gia.

Nếu loại khoáng sản đó có giá trị kinh tế thấp, không quý hiếm mà việc khai thác khoáng sản có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của công trình, chất lượng công trình thì cơ quan quản lý Nhà nước có thể ra quyết định không cấp giấy phép khai thác.

Trường hợp quyết định khai thác được đưa ra thì không cần thiết phải thực hiện thăm dò khoáng sản trước đó, điều này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả chủ đầu tư và cơ quan quản lý.

- Đối với khu vực có dự án, công trình quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội hoặc dự án, công trình quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với bộ, ngành có liên quan và UBND cấp tỉnh nơi có công trình để quyết định việc thăm dò, khai thác khoáng sản trong khu vực của dự án.

Trong trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quyết định không khai thác thì phải có văn bản trả lời cho cơ quan quyết định đầu tư, cơ quan cấp giấy phép đầu tư hoặc chủ đầu tư.

Các quy định này đảm bảo rằng việc khai thác khoáng sản diễn ra một cách hợp lý, hiệu quả, và không làm gián đoạn các dự án xây dựng, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia và tài nguyên khoáng sản.

(3) Thủ tục đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình

Căn cứ theo quy dịnh tại Điều 63 Nghị định 158/2016/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 22/2023/NĐ-CP, trình tự thủ tục đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình thực hiện theo các bước sau đây:

Bước 1: Nộp hồ sơ

- Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản nộp hồ sơ đề nghị khai thác cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra văn bản, tài liệu trong hồ sơ.

- Trường hợp văn bản, tài liệu trong hồ sơ bảo đảm đúng quy định thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ ban hành phiếu tiếp nhận hồ sơ.

- Trường hợp chưa đầy đủ văn bản, tài liệu theo quy định hoặc đủ nhưng nội dung văn bản, tài liệu trong hồ sơ chưa bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị khai thác khoáng sản bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

- Thời hạn thực hiện: không quá 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ

Lưu ý: Việc ban hành văn bản hướng dẫn, yêu cầu bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ của cơ quan tiếp nhận hồ sơ chỉ thực hiện một lần.

Bước 3: Thẩm định hồ sơ

- Tối đa 10 ngày kể từ ngày có phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tọa độ, diện tích khu vực đề nghị khai thác khoáng sản và kiểm tra tại thực địa.

- Tối đa 35 ngày, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải hoàn thành việc thẩm định các tài liệu, hồ sơ và các nội dung khác có liên quan đến việc khai thác khoáng sản và xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

- Sau khi hoàn thành việc thẩm định, tối đa 03 ngày làm việc,cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm hoàn chỉnh và trình hồ sơ cấp phép cho cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

- Tối đa 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép quyết định việc cấp hoặc không cấp Giấy phép khai thác khoáng sản. Trường hợp không cấp phép thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 4: Thông báo và trả kết quả

- Tối đa 03 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ từ cơ quan có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản để nhận kết quả và thực hiện các nghĩa vụ có liên quan theo quy định. 

Lưu ý: Thời gian nêu trên không kể thời gian tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm thủ tục nộp tiền cấp quyền khai thác.

  •  290
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…