>>> Phân biệt tội phạm và phạm tội
Khoảng 24g ngày 01/10/2018, thấy Nguyễn Văn A đang đi bộ trên đường Nguyên Hồng, Hà Nội có nhiều biểu hiện nghi ngờ nên tổ tuần tra Công an phường Y đã yêu cầu A dừng lại để kiểm tra giấy tờ tùy thân.
Thấy vậy, A liền bỏ chạy, chạy được khoảng 300m thì bị bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, A khai nhận: Khoảng trước đó khoảng 4 giờ, A có đột nhập vào một gia đình trên đường Nguyên Hồng để trộm cắp tài sản. Sau khi đột nhập được vào nhà, A mở tủ đồ, các tủ quần áo và phát hiện có một bọc tiền giấu trong tủ quần áo trên tầng 2, A liền lấy tiền và ra khỏi nhà đó. Khi đang đi thì bị phát hiện, bắt giữ.
Bọc tiền mà A chiếm đoạt được, sau khi xác minh thì phát hiện toàn bộ số tiền đó gồm 100 tờ mệnh giá 200.000 đồng nhưng tất cả đều là tiền giả.
Một câu hỏi đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm hình sự trong việc này là NẠN NHÂN hay KẺ TRỘM?
1. Kẻ trộm
Các quan điểm đưa ra về tội danh mà Nguyễn Văn A có thể phải chịu là một trong những tội sau đây:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tiền mà cơ quan Công an thu giữ được từ A là tiền giả. Do đó, A phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển lưu hành tiền giả theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS).
Quan điểm thứ hai lại cho rằng: Trong trường hợp này A phạm tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 BLHS 2015 mới chính xác.
Quan điểm thứ ba cho rằng: Trong trường hợp này phải kết tội A về tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định tại Điều 158 BLHS 2015.
Căn cứ vào tình tiết vụ việc và lời khai của Nguyễn Văn A, bản thân tác giả không đồng tình với tất cả các ý kiến nêu trên. Xin được nêu ý kiến để làm rõ quan điểm
- Thứ nhất về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
+ Về yếu tố lỗi thì chủ thể phải biết đó là tiền giả
+ Khi xác định một người có phạm tội này hay không bắt buộc phải chứng minh được họ khi thực hiện hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả với lỗi cố ý, tức là họ phải nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
+ Trong trường hợp này A không biết đó là tiền giả. Và A cũng không mong muốn số tiền trong tay của mình là giả.
--> Do đó không thể truy tố A với tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả theo Điều 207, BLHS.
- Thứ hai về tội trộm cắp tài sản
Tại Điều 173, Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
Xét về khách thể của tội trộm cắp tài sản, thì đó phải là tài sản thì mới có thể định tội một người vào tội trộm cắp tài sản. Tuy nhiên ở đây về giá trị của tài sản, thì số tiền mà A lấy trộm nó hoàn toàn không thể là tài sản được và nó cũng chẳng quy đổi ra bằng tiền để xét coi nó đáng giá bao nhiêu được.
--> Bằng chứng mà ta có được ở đây là không thể đủ để chúng ta kết tội A là trộm cắp sản theo Điều 173, Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
- Thứ ba về tội xâm phạm chỗ ở của người khác
Điều 158, Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
….
d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.”.
Xét về mặt khách quan thì A có hành vi xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác quy định tại Điểm d khoản 1 Điều 158 BLHS 2015. Mặc dù A có hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác nhưng không gây ra hậu quả làm cho người khác bị mất chỗ ở, bị ảnh hưởng đến cuộc sống, đến sinh hoạt bình thường của họ và các thành viên trong gia đình họ hoặc gây ra những thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho người bị hại. Đồng thời hành vi của A trong tình huống cũng không nhằm mục đích chiếm chỗ ở của người đó
--> Không thể khép A vào tội xâm phạm trái phép chỗ ở người khác theo Điều 158, Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017
Căn cứ vào Điều 13, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 về suy đoán vô tội
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
Như vậy, trong trường hợp này theo ý kiến của tác giả A sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự
2. Nạn nhân
Tưởng là nạn nhân nhưng không ngờ cuối cùng lại là tội phạm
Căn cứ theo lời khai của A, qua quá trình điều tra nếu Công an xác định được ngôi nhà mà A đã lẻn vào để lấy số tiền trên thì chủ nhân căn nhà có thể sẽ có tội:
Điều 207. BLHS 2015: Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
Không biết hiện tại ở nhà nạn nhân có còn tiền giả hay không, nhưng với số tiền 20 triệu đồng bị A lấy và chứng minh được chính xác rằng A lấy số tiền đó từ căn nhà này thì có thể khiến cho nạn nhân bị truy tố về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.
Kết luận của tác giả
1. A không phải chịu trách nhiệm hình sự
2. Nạn nhân có thể sẽ bị khởi tố về tội tàng trữ tiền giả và phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Trên đây là toàn bộ ý của tác giả về vụ việc, bạn đọc có ý kiến xin mời bình luận để vấn đề càng được đi sâu và làm rõ.