DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Trình tự, thủ tục lấy ý kiến và phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư năm 2024

Avatar

 

Việc lấy ý kiến và phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư là một vấn đề quan trọng. Trình tự, thủ tục lấy ý kiến và phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được quy định tại Nghị định 98/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/08/2024.

1. Nguyên tắc xây dựng kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư

Nguyên tắc xây dựng kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được quy định tại Điều 5 Nghị định 98/2024/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có thể xây dựng, phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư chung trong kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về nhà ở; kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư nếu được lập chung trong kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh thì phải có các nội dung theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư riêng theo quy định tại Điều 7 Nghị định 98/2024/NĐ-CP và Điều 8 Nghị định 98/2024/NĐ-CP.

- Định kỳ 06 tháng một lần, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) tổ chức rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng các nhà chung cư theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Nhà ở 2023 trên địa bàn, làm cơ sở để điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh và xây dựng, phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư riêng theo quy định của Nghị định này.

- Tiêu chí đánh giá chất lượng nhà chung cư quy định tại Điều 59 Luật Nhà ở 2023 để đưa vào kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được xác định theo quy trình đánh giá an toàn công trình xây dựng trong quá trình khai thác, sử dụng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.

chung-cu

2. Trình tự, thủ tục lấy ý kiến và phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư

Trình tự, thủ tục lấy ý kiến và phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được quy định tại Điều 8 Nghị định 98/2024/NĐ-CP, cụ thể như sau:

(1) Sau khi hoàn thành việc xây dựng dự thảo kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 98/2024/NĐ-CP, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, cho ý kiến về nội dung kế hoạch này trước khi đăng tải công khai lấy ý kiến về nội dung kế hoạch theo quy định khoản 3 Điều 7 Nghị định 98/2024/NĐ-CP.

Việc lấy ý kiến góp ý các nội dung của kế hoạch quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 98/2024/NĐ-CP làm cơ sở cho nhà đầu tư và các chủ sở hữu nhà chung cư thỏa thuận về phương án bồi thường, tái định cư cụ thể trong quá trình lựa chọn chủ đầu tư dự án sau khi kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được phê duyệt.

Thời gian lấy ý kiến theo quy định tại khoản này tối đa là 45 ngày, kể từ ngày đăng tải công khai nội dung dự thảo kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định khoản 3 Điều 7 Nghị định 98/2024/NĐ-CP.

(2) Trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày kết thúc việc lấy ý kiến theo quy định tại mục (1), cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm hoàn chỉnh nội dung kế hoạch và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày nhận được kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư do cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, phê duyệt.

(3) Trong thời hạn tối đa 03 ngày, kể từ ngày phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải đăng tải công khai nội dung kế hoạch theo quy định tại khoản 5 Điều 65 Luật Nhà ở 2023.

(4) Trường hợp có nhà chung cư thuộc diện phá dỡ mà sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để phá dỡ và đầu tư xây dựng lại theo quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật Nhà ở 2023 thì trước khi phê duyệt kế hoạch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo xin ý kiến của Hội đồng nhân dân cùng cấp về việc bố trí nguồn vốn để phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư này.

Trường hợp phá dỡ nhà chung cư thuộc diện cơ quan trung ương đang quản lý theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Nhà ở 2023 thì trước khi phê duyệt kế hoạch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải chủ trì, phối hợp với cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà chung cư này để báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định việc bố trí nguồn vốn để phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của pháp luật đầu tư công.

(5) Kinh phí điều tra, khảo sát, lập, phê duyệt và công bố kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư quy định tại Điều 7 Nghị định 98/2024/NĐ-CP được lấy từ nguồn ngân sách chi thường xuyên của địa phương và được xác định theo mức kinh phí lập, phê duyệt, công bố kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của pháp luật nhà ở. Cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh được báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn có kinh nghiệm về xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định của pháp luật về đấu thầu để xây dựng kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư quy định tại Điều 7 Nghị định 98/2024/NĐ-CP.

Tóm lại, bài viết đã trình bày một cách rõ ràng và chi tiết về trình tự, thủ tục lấy ý kiến và phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, qua đó, giúp các bên liên quan hiểu rõ hơn về quyền và trách nhiệm của mình trong quá trình này. Việc tuân thủ đúng quy định pháp luật là yếu tố quan trọng để quá trình cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư diễn ra thành công.

  •  99
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…