Vi khuẩn bạch hầu ở ngoài cơ thể có sức đề kháng rất cao, vậy trẻ em từ bao nhiêu tuổi thì có thể tiêm vắc xin ngừa bệnh này? Người lớn có cần tiêm không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Xem thêm: Bệnh bạch hầu là bệnh gì? Dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh bệnh bạch hầu?
(1) Vi khuẩn bạch hầu tồn tại bao nhiêu lâu?
Căn cứ Phần I Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu được ban hành kèm theo Quyết định 3593/QĐ-BYT 2020 có giải thích về bệnh bạch hầu như sau:
Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm B. Bệnh gây ra do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố (Corynebacterium diphtheriae) gồm 04 típ sinh học:
- Gravis.
- Mitis.
- Intermedius.
- Belfanti.
Theo đó, 04 típ sinh học nêu trên chỉ khác nhau về đặc điểm hình thái khuẩn lạc và một số đặc điểm sinh vật hoá học nhưng không có sự khác biệt trong biểu hiện lâm sàng cũng như khả năng lây truyền.
Sức đề kháng của vi khuẩn bạch hầu ở ngoài cơ thể rất cao, chịu được khô lạnh, đặc biệt khi được chất nhầy bảo vệ. Cụ thể:
- Trên đồ vải như chăn, màn, quần áo, gối có thể sống được 30 ngày.
- Trên cốc, chén, thìa, bát đũa, đồ chơi có thể sống được vài ngày.
- Trong sữa, nước uống sống 20 ngày.
- Trong tử thi sống được 02 tuần.
Loại vi khuẩn bạch hầu nhạy cảm với các yếu tố lý, hoá. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp vi khuẩn sẽ bị giết chết sau vài giờ. Nhiệt độ 58 độ C sống được 10 phút và bị giết chết nhanh chóng ở nhiệt độ sôi. Đồng thời, loại vi khuẩn này cũng dễ bị tiêu diệt bởi các hóa chất khử trùng thông thường.
(2) Trẻ em bao nhiêu tuổi thì có thể tiêm vắc xin ngừa bệnh bạch hầu?
Căn cứ Mục 1 Phần III Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu được ban hành kèm theo Quyết định 3593/QĐ-BYT 2020 có quy định như sau:
- Đối với các mũi tiêm cơ bản: Tiêm 3 mũi cơ bản vắc xin có chứa thành phần bạch hầu nguyên liều, thường kết hợp trong các vắc xin 5 trong 1 hoặc vắc xin 6 trong 1. Cụ thể:
+ Mũi thứ 1 tiêm lúc 2 tháng tuổi.
+ Mũi thứ 2 lúc 3 tháng tuổi.
+ Mũi thứ 3 lúc 4 tháng tuổi.
Theo đó, tốt nhất nên hoàn thành mũi thứ 3 trước 6 tháng tuổi. Đảm bảo tỷ lệ tiêm vắc xin trên 95% ở tất cả các xã/phường trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng.
- Đối với mũi tiêm nhắc lại:
+ Mũi 4: Tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu nguyên liều, tiêm lúc 18 đến 24 tháng tuổi.
+ Mũi 5: Tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu giảm liều lúc 4 đến 7 tuổi.
+ Mũi 6: Tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu giảm liều lúc 9 đến 15 tuổi.
Theo đó, trường hợp trẻ em dưới 1 tuổi có thể bắt đầu được tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu và tốt nhất nên hoàn thành mũi thứ 03 trước 06 tháng tuổi.
(3) Người lớn chưa được tiêm chủng vắc xin phòng bạch hầu trước đây thì phải tiêm bao nhiêu mũi?
Cũng theo Mục 1 Phần III Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu được ban hành kèm theo Quyết định 3593/QĐ-BYT 2020, trường hợp trẻ em trên 1 tuổi và người lớn chưa được tiêm chủng trước đây hoặc không nhớ tiền sử tiêm chủng:
- Đối với các mũi tiêm cơ bản:
Tiêm 3 mũi cơ bản vắc xin có chứa thành phần bạch hầu theo hàm lượng phù hợp với lứa tuổi và hướng dẫn của nhà sản xuất (vắc xin bạch hầu nguyên liều hoặc vắc xin bạch hầu giảm liều).
+ Mũi thứ 1 tiêm càng sớm càng tốt.
+ Mũi thứ 2 tiêm cách mũi thứ 1 tối thiểu 4 tuần.
+ Mũi thứ 3 tiêm cách mũi thứ 2 tối thiểu là 6 tháng.
- Đối với những mũi tiêm nhắc lại: Tiêm nhắc lại 2 mũi vắc xin có chứa thành phần bạch hầu theo hàm lượng phù hợp với lứa tuổi và hướng dẫn của nhà sản xuất (vắc xin bạch hầu nguyên liều hoặc vắc xin bạch hầu giảm liều). Các mũi tiêm nhắc lại cách nhau tối thiểu 1 năm.
Theo đó, trường hợp trẻ em trên 1 tuổi và người lớn chưa được tiêm chủng hoặc không nhớ tiền sử tiêm chủng thì tiêm ít nhất 03 mũi cơ bản và 02 mũi nhắc lại (cách nhau giữa các mũi nhắc lại tối thiểu 1 năm) có chứa thành phần bạch hầu theo hàm lượng phù hợp với lứa tuổi và hướng dẫn của nhà sản xuất.