DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Trái phiếu là gì? Có bao nhiêu loại và điều kiện phát hành trái phiếu năm 2024?

Avatar

 

Qua vụ việc tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu không đúng quy định, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 6000 bị hại số tiền hơn 8.600 tỉ đồng, có nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh về điều kiện được phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

Vậy trái phiếu là gì? Hiện nay có bao nhiêu loại trái phiếu? Điều kiện để chào bán trái phiếu ra sao? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

(1) Trái phiếu là gì

Trái phiếu là một loại chứng khoán nợ được phát hành nhằm huy động vốn cho doanh nghiệp, trong đó đơn vị phát hành trái phiếu sẽ xác nhận nghĩa vụ nợ đối với những người nắm giữ trái phiếu.

Người nắm giữ trái phiếu được nhận lợi tức định kỳ, không phụ thuộc vào tình hình hoạt động của công ty và được hoàn trả tiền mua trái phiếu khi đến kỳ đáo hạn của trái phiếu..

Việc phát hành trái phiếu và mua trái phiếu bản chất là việc đi vay và cho vay. Trong đó, cả đơn vị phát hành và người nắm giữ trái phiếu đều được lợi.

Trong khi đơn vị phát hành trái phiếu có thể giải quyết được vấn đề huy động vốn cho doanh nghiệp nhanh chóng, với mức trả lãi suất cho trái phiếu thấp hơn so với vay ngân hàng. Người nắm giữ trái phiếu cũng được hưởng các khoản lợi tức của đơn vị phát hành trái phiếu từ việc mua trái phiếu, và thường thì sẽ khoản lợi tức nhận được sẽ cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại ngân hàng.

(2) Có mấy loại trái phiếu

Hiện nay có nhiều loại trái phiếu khác nhau được chào bán, các loại trái phiếu này được phân loại theo tiêu chí sau:

Đơn vị phát hành

- Trái phiếu Chính phủ do Bộ Tài chính phát hành nhằm huy động vốn cho ngân sách nhà nước

- Trái phiếu chính quyền địa phương do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phát hành với kỳ hạn từ một năm trở lên nhằm huy động vốn cho công trình, dự án đầu tư của địa phương

- Trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp (trong đó bao gồm ngân hàng) phát hành để đáp ứng nhu cầu vốn theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ.

Lợi tức

- Trái phiếu lãi suất cố định là loại trái phiếu đã xác định lợi tức (%) và các đợt trả lãi trong suốt kỳ hạn trái phiếu trên hợp đồng giao dịch trái phiếu.

- Trái phiếu lãi suất thả nổi là loại trái phiếu có một mức lợi tức xác định trước, cộng thêm một khoản lợi tức biến động theo lãi suất tham chiếu. 

- Trái phiếu có lãi suất bằng không là loại trái phiếu mà trái chủ không nhận lợi tức, nhưng được mua với giá thấp hơn mệnh giá và được hoàn trả bằng mệnh giá khi trái phiếu đáo hạn.

Mức độ đảm bảo thanh toán:

- Trái phiếu có tài sản đảm bảo là loại trái phiếu mà tổ chức phát hành dùng tài sản (bất động sản, cổ phiếu) để đảm bảo cho việc phát hành. Trong trường hợp tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán, các tài sản trên sẽ được thanh lý để trả nợ cho người nắm trái phiếu.

- Trái phiếu không có tài sản đảm bảo có tính chất ngược lại nên mức độ rủi ro cao hơn.

(3) Điều kiện chào bán trái phiếu

Tùy vào loại trái phiếu sẽ có các điều kiện chào bán khác nhau được quy định trong Điều 9 Nghị định 153/2020/NĐ-CP. Doanh nghiệp muốn chào bán trái phiếu thì phải có đủ các điều kiện như sau:

1/ Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền 

- Được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.

-  Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn.

- Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

- Có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định tại Điều 13 Nghị định 153/2020/NĐ-CP.

- Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP

- Đối tượng tham gia đợt chào bán theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 153/20202/NĐ-CP

2/ Điều kiện chào bán trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền

- Đối tượng tham gia đợt chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.

- Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn.

- Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

- Có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định tại Điều 13 Nghị Định 153/2020/NĐ-CP

- Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định tại Nghị Định 153/2020/NĐ-CP

- Các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán gần nhất.

- Việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.

3/ Điều kiện chào bán trái phiếu thành nhiều đợt

- Các điều kiện chào bán trái phiếu nêu tại mục 1 (nếu chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền) hoặc điều kiện chào bán trái phiếu nêu tại mục 2 (nếu chào bán trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền). 

- Có nhu cầu huy động vốn thành nhiều đợt phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu được phê duyệt theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị Định 153/2020/NĐ-CP

- Có phương án phát hành trái phiếu trong đó dự kiến cụ thể về khối lượng, thời điểm và kế hoạch sử dụng vốn của từng đợt chào bán. 

4/ Điều kiện chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ của công ty đại chúng

- Có quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán; xác định rõ tiêu chí, số lượng nhà đầu tư. 

- Đối tượng tham gia đợt chào bán chỉ bao gồm nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. 

- Việc chuyển nhượng trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu là 03 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu là 01 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật. 

- Các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán gần nhất. 

- Việc chào bán cổ phiếu, chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.

5/ Điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ không phải trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của công ty đại chúng

Trường hợp công ty đại chúng chào bán trái phiếu riêng lẻ nhưng không thuộc trường hợp nêu tại muc 4 bài viết này thì điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ như sau:

- Có quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thông qua phương án phát hành và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán; xác định rõ tiêu chí, số lượng, nhà đầu tư. 

- Đối tượng tham gia đợt chào bán chỉ bao gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. 

- Việc chuyển nhượng trái phiếu chào bán riêng lẻ chỉ được thực hiện giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật. 

- Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã chào bán hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt chào bán trái phiếu (nếu có), trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho các chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn. 

- Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận. 

- Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật (nếu có).

(4) Các biện pháp xử lý vi phạm

Theo đó, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi phạm trong phát hành trái phiếu lên đến 1,5 tỷ đồng.

Ngoài hình thức phạt tiền, người vi phạm còn có thể chịu hình thức phạt bổ sung như: đình chỉ hoạt động phát hành, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chứng chỉ hành nghề…. Đồng thời áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc thu hồi TPDN, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư công thêm tiền lãi tính theo lãi ghi trên trái phiếu hoặc lãi suất tiền gửi ngân hàng; buộc báo cáo, cung cấp thông tin chính xác; buộc hủy bỏ thông tin, cải chính thông tin; buộc giải trình, cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến hoạt động kiểm toán...

(5) Kết luận

Với những cái lợi của việc chào bán trái phiếu, nhiều doanh nghiệp đã bất chấp vi phạm pháp luật, làm giả hồ sơ để được đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Đáng nói hơn, các doanh nghiệp này còn có ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người mua trái phiếu khi số tiền huy động được cho mỗi dự án là rất lớn, trong khi các dự án dùng để huy động vốn là các dự án ma, dự án ảo.

Nhà nước sẽ không bảo đảm việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, trả lãi đúng hạn và trả gốc trái phiếu khi đến hạn. Do đó, người mua trái phiếu cần phải tỉnh táo và phân tích thật kĩ trước khi ra quyết định đầu tư để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

  •  951
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

2 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…