Vừa qua, UBND TP.HCM đã ban hành tiêu chí mới trong việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn. Đây được xem như một bước tiến quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo cho sự phát triển toàn diện cho các em học sinh trong tương lai.
Cụ thể, vào ngày 01/02/2024 UBND TP.HCM đã ban hành 02 tiêu chí mới trong việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông. Đồng nghĩa với việc kể từ ngày được ký kết ban hành, Quyết định 104/2021/QĐ-UBND ngày 09/01/2021 được ký bởi ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM về ban hành quy định tiêu chí lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn TP.HCM sẽ bị thay thế. Cụ thể về 02 tiêu chí này như sau:
Xem và Tải về Quyết định 104/2021/QĐ-UBND: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/02/03/Quyet-Dinh-104-QD-UBND.pdf
(1) Lựa chọn SGK phù hợp với đặc điểm Kinh tế - Xã hội của địa bàn thành phố
Đầu tiên, việc lựa chọn SGK phù hợp với đặc điểm Kinh tế - Xã hội của thành phố sẽ cung cấp cho học sinh kiến thức sát với thực tế, đồng thời giúp các em hiểu rõ hơn về môi trường sống xung quanh mình để rồi từ đó hình thành nên hứng thú học tập và nâng cao chất lượng trong giáo dục.
Sâu xa hơn, việc áp dụng tiêu chí này vào việc lựa chọn SGK còn giúp cho các em học sinh chú trọng hơn đến phong tục, tập quán, lối sống và văn hóa của thành phố nói riêng lẫn đất nước Việt Nam nói chung. Từ đó, hình thành nên trong các em nghĩa vụ sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội.
Bên cạnh đó, SGK khuyến khích học sinh thực hành nghiên cứu khoa học, phát huy tính tích cực, chủ động học tập, hình thành kỹ năng tự học, tự nghiên cứu cho các em; giáo dục gợi mở, tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm, phát huy tối đa khả năng sáng tạo, chiếm lĩnh và vận dụng kiến thức vào cuộc sống.
Như vậy, việc lựa chọn SGK phù hợp với đặc điểm Kinh tế - Xã hội của thành phố không chỉ mang ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục mà còn góp phần đào tạo ra một thế hệ tương lai có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và phẩm chất đạo đức.
(2) Lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện tổ chức giảng dạy và học tập tại cơ sở giáo dục phổ thông
Tiêu chí này rất phù hợp để áp dụng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, bởi đây là nơi tập trung nguồn nhân lực gồm đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dồi dào kinh nghiệm và có thể đáp ứng được yêu cầu về mặt chuyên môn. Theo đó, việc lựa chọn SGK phải phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông, gồm: phù hợp năng lực, trình độ của đội ngũ, cán bộ quản lý, giáo viên, phục vụ mục tiêu giáo dục. Đặc biệt là trong việc tổ chức giảng dạy ngoại ngữ, tin học, các chủ đề STEM (Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật và Math - Toán học).
Ngoài ra, còn giúp bảo đảm tính phân hóa, đa dạng loại hình trường - lớp như hiện nay của thành phố Hồ Chí Minh.
Từ đó góp phần tạo điều kiện và khuyến khích cán bộ quản lý, giáo viên ngày càng tâm huyết, sáng tạo và tiếp tục phát huy năng lực, sở trường của mình trong tổ chức dạy học. Thêm nữa, thành phố Hồ Chí Minh còn là một trong những địa bàn có khả năng đáp ứng và phát huy thế mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông rất tốt cho nên SGK được lựa chọn cần phù hợp với điều kiện về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học hiện đại.
Từ đó mở ra thêm nhiều cơ hội giúp phát triển hình thức tổ chức và phương pháp giảng dạy - học tập hướng đến giáo dục thông minh, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế và xây dựng xã hội học tập.
Nguồn: Congdankhuyenhoc.vn