DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Tổng đài bảo vệ trẻ em (số 111) và một số mức phạt về xâm hại trẻ em

Avatar

 

Trong 9 tháng năm 2023, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) tiếp nhận 238.500 cuộc gọi đến và đã tư vấn cho 15.991 trường hợp; hỗ trợ can thiệp, bảo vệ cho 845 trẻ em.

(1) Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111)

Dựa theo Quyết định 555/QĐ-LĐTBXH ngày 11/5/2018, Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Truyền Thông là đơn vị sự nghiệp công lập , trực thuộc Cục Trẻ em - Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, có chức năng tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông, tư vấn, tham vấn về các quyền của trẻ em.

Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em là dịch vụ công đặc biệt thành lập theo quy định của Luật Trẻ em 2016, chịu sự quản lý của Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Truyền Thông thuộc Cục Trẻ em

Tổng đài 111 là đường dây khẩn cấp có nhiệm vụ thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân qua điện thoại, kiểm tra thông tin tố giác ban đầu. Những thông tin về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại sẽ ngay lập tức được chuyển tới các cá nhân, cơ quan có chức năng bảo vệ trẻ em. Tổng đài không thu phí viễn thông và phí tư vấn đối với người gọi đến.

Trong 9 tháng năm 2023, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 238.500 cuộc gọi đến, 950 lượt tiếp nhận qua App và Zalo, trong đó có 15.991 cuộc gọi tư vấn và 845 ca can thiệp hỗ trợ. Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người tiếp nhận và tư vấn 1.248 cuộc gọi, chuyển tuyến 44 ca để hỗ trợ cho 49 nạn nhân của mua bán người.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Công an, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước đã phát hiện 1.075 vụ xâm hại trẻ em, xâm hại 1.233 trẻ em, tăng 2,6% số vụ và tăng 13,3% số trẻ em bị xâm hại so với cùng kỳ năm 2022 (trong đó xâm hại tình dục trẻ em là 917 vụ, xâm hại 1.041 trẻ em).

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công an triển khai kết nối cơ sở dữ liệu trẻ em vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai thu thập thông tin về tình hình trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em theo Thông tư 13/2021/TT-BLĐTBXH.

(2) Một số quy định của pháp luật về xử lý hành vi xâm hại trẻ em

Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác. 

Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, người thực hiện hành vi xâm hại trẻ em có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ và Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể như sau:

Xử phạt vi phạm hành chính 

Căn cứ tại Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;

+ Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

+ Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;

+ Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) và buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ

Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, thì bị phạt tù mức thấp nhất là 06 tháng, mức cao nhất là 02 năm (Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015).

2. Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ

Người nào trong khi thi hành công vụ mà làm chết người dưới 16 tuổi do dùng vũ lực thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Điều 127 BLHS).

3. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi

Người phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả gây ra, bị phạt tù, mức thấp nhất là 07 năm, cao nhất là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015).

4. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

Người phạm tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả gây ra, bị phạt tù, mức thấp nhất là 05 năm, cao nhất là 20 năm, tù chung thân.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Điều 144 Bộ luật Hình sự 2015).

5. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

Người phạm tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, bị phạt tù, mức thấp nhất là 01 năm, cao nhất là 15 năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015).

6. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi

Người phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, bị phạt tù, mức thấp nhất là 06 tháng, cao nhất là 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015).

7. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm

Người nào phạm tội sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, bị phạt tù, mức thấp nhất là 06 tháng, cao nhất là 12 năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Điều 147 Bộ luật Hình sự 2015).

8. Tội mua bán người dưới 16 tuổi

Người phạm tội mua bán người dưới 16  tuổi, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, thì bị phạt tù, mức thấp nhất là 07 năm, cao nhất là 20 năm, tù chung thân.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Điều 151 Bộ luật Hình sự 2015).

9. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi

Người phạm tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, bị phạt tù, mức thấp nhất là 03 năm, cao nhất là 15 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Điều 151 Bộ luật Hình sự 2015).

10. Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi

Người phạm tội đánh tráo người dưới 01 tuổi, tùy theo tính chất, mức độ, bị phạt tù mức thấp nhất là 02 năm, cao nhất là 12 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Điều 152 Bộ luật Hình sự 2015).

11. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi

Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, thì bị phạt tù, mức thấp nhất là 03 năm, cao nhất là 15 năm

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Điều 153 Bộ luật Hình sự 2015).

Ngoài các tội phạm cụ thể nêu trên, người thực hiện hành vi phạm tội cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội phạm khác với các tình tiết định khung, khi nạn nhân là người dưới 16 tuổi.

  •  1183
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…