Buôn bán người xuyên biên giới đã không còn xa lạ, nhưng với hình thức lừa đảo mới tinh vi hơn, chuyên nghiệp hơn thì các nhóm tội phạm đã dụ dỗ người lao động với câu nói “việc nhẹ lương cao” nhằm đánh vào tâm lý của người lao động đang có ý định xuất khẩu lao động.
Mục đích của nhóm tội phạm này là đưa người lao động ra nước ngoài sau đó nhận các khoản tiền từ bên nước ngoài để bóc lột lao động, qua đó đòi tiền chuộc hoặc các mục đích phạm pháp khác. Vậy hành vi mua bán người bị xử lý thế nào?
* Những dấu hiệu nhận biết những thủ đoạn trong hành vi buôn bán người
Phổ biến hiện nay là hành vi lừa đảo người qua biên giới để tìm việc làm với thù lao cao thủ đoạn của tội phạm mua bán người ở nước ta phổ biến vẫn là lừa đi tìm việc làm thu nhập cao, đi thăm thân, du lịch hoặc làm quen, giả vờ yêu đương, sau đó đưa nạn nhân lên các tỉnh biên giới rồi bán cho các đối tượng nước ngoài.
Các đối tượng này đã lợi dụng triệt để sự thiếu hiểu biết, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn của nạn nhân để thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, trong điều kiện bùng nổ mạng xã hội và sự phổ biến của internet, ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo... để liên lạc, làm quen với nạn nhân với các tin nhắn mời gọi ngày càng tinh vi khiến lực lượng chức năng khó khăn hơn trong công tác điều tra.
* Hành vi mua bán người bao gồm các mục đích sau:
Thứ nhất là để bóc lột tình dục: Theo đó trường hợp chuyển giao, tiếp nhận hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp nạn nhân nhằm chuyển giao cho người khác để thực hiện các hoạt động bóc lột tình dục (như tổ chức cho nạn nhân bán dâm, đưa nạn nhân đến các cơ sở chứa mại dâm để bán dâm, sử dụng nạn nhân để sản xuất ấn phẩm khiêu dâm, trình diễn khiêu dâm, làm nô lệ tình dục...) hoặc tiếp nhận nạn nhân để phục vụ nhu cầu tình dục của chính mình.
- Thứ hai là để cưỡng bức lao động là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc nạn nhân lao động trái ý muốn của họ.
- Thứ ba là để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân là trường hợp chuyển giao, tiếp nhận hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp nạn nhân để chuyển giao nhằm lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân.
- Thứ tư là vì mục đích vô nhân đạo khác là sử dụng nạn nhân để làm thí nghiệm, buộc nạn nhân phải đi ăn xin hoặc sử dụng nạn nhân vào các mục đích tàn ác khác.
* Giải pháp cho người bị lừa đảo sang nước ngoài
Thông thường người bị lừa bán sang biên giới sẽ phải lao động khổ sai và đánh đập hoặc làm những công việc nặng nề vắt kiệt sức lao động. Sau đó, người lao động cảm thấy không thể tiếp tục sẽ được gọi điện về quê nhà để đem tiền chuộc người, số tiền chuộc sẽ tương đối lớn mà đa phần người lao động vì muốn tìm việc lương cao vì hoàn cảnh khó khăn nên số tiền chuộc rất ít người có thể trở về.
Qua đây, cho thấy hành vi này hết sức giả tâm và tàn ác, người dân cần lưu ý khi bị lừa sang biên giới hết sức bình tĩnh, nếu có cơ hội hãy gọi điện cho người nhà thông báo đến cơ quan lực lượng chức năng tại quê hương giải cứu, hoặc có thể tìm đến nhà người dân tại nơi làm việc nhờ gọi điện cho địa sứ quán Việt Nam tại các nước sở tại để kịp thời can thiệp.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” câu nói này rất đúng trong trường hợp này để không phải bị lừa sang nước ngoài, thì chính bản thân người đó cần phải nâng cao ý thức được đâu là hành vi lừa đảo, lợi dụng và tìm hiểu thật kỹ các quy định pháp luật cũng như người môi giới xuất khẩu lao động.
* Trách nhiệm hình sự mà người thực hiện hành vi buôn bán người phải chịu được quy định như sau:
Mức hình phạt thứ nhất
Đối với người nào có hành vi mua bán người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo quy định tại Điều 150 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) .
Phải chịu mức phạt tù từ 05 năm đến 10 năm đối với người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây:
- Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
- Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
- Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
Mức hình phạt thứ hai
Phạt tù từ 08 năm đến 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Có tổ chức;
- Vì động cơ đê hèn;
- Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
- Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Đối với từ 02 người đến 05 người;
- Phạm tội 02 lần trở lên.
Mức hình phạt thứ 3
Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
- Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
- Đối với 06 người trở lên;
- Tái phạm nguy hiểm.
* Hình phạt bổ sung:
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, trên đây là những lưu ý đối với hành vi buôn bán người qua nước ngoài đặc biệt xuất hiện gần đây là xuất khẩu lao động sang Campuchia đang rất nóng, vì thế người dân cần nâng cao ý thức, tinh thần phòng chống đấu tranh với loại tội phạm này. Đối với hành vi phạm tội buôn bán người có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 20 năm tùy theo mức độ vi phạm.